(QT) - Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt, dạy trẻ tốt thì sau này các cháu thành người tốt”, những năm qua, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Mầm non Ba Tầng (xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa) đã khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, Trường Mầm non Ba Tầng đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo, nhất là trong việc tích cực phối hợp với phụ huynh đảm bảo tỷ lệ huy động trẻ chuyên cần đến lớp luôn ở mức cao; góp phần tạo sức bật mới trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở một xã đặc biệt khó khăn.
![]() |
Đội ngũ giáo viên Trường Mầm non Ba Tầng trang trí trường học thu hút trẻ đến trường |
Được xây dựng trên cung đường vào trung tâm xã, xung quanh là núi rừng bao phủ, điểm trường chính của Trường Mầm non Ba Tầng nổi bật bởi bức tường rào được trang trí công phu với nhiều hình ảnh vui nhộn dành cho thiếu nhi có màu sắc bắt mắt do chính bàn tay của những “họa sĩ không chuyên” ở trường tạo ra. Trong sân trường, một khu vui chơi hài hòa giữa những đồ vật và cảnh vật thiên nhiên được dựng nên tạo sự gần gũi cho trí tưởng tượng của trẻ, thu hút các cháu khám phá, vui chơi thỏa thích.
Hầu như các phòng học ở trường đều trang trí phong phú hình ảnh cỏ cây, hoa lá, muông thú; trưng bày các đồ chơi được làm bằng tay từ các loại chai lọ, vật dụng đã qua sử dụng hoặc các đồ chơi bằng nhựa, gỗ… do giáo viên sưu tầm được. Có lẽ vì điều kiện vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học khá đảm bảo; giáo viên tận tình trong chăm sóc, dạy dỗ, nuôi dưỡng trẻ, có những cách thức giúp cho trẻ phát triển hài hòa về thể chất lẫn trí tuệ nên cháu nào cũng nhanh nhẹn hoạt bát, phát triển đều các mặt thể chất, nhận thức, đạo đức, thẩm mỹ, tình cảm xã hội. Do đó, phụ huynh rất tin tưởng và yên tâm gửi con tại trường.
![]() |
Các cô giáo luôn chăm chút từng món ăn ngon cho trẻ |
Dù điều kiện ăn ở, đi lại vô cùng khó khăn nhưng cán bộ, giáo viên, nhân viên của Trường Mầm non Ba Tầng không ngại ngần, họ dồn tâm huyết để chăm lo cho “mầm xanh” là con em của đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới vinh dự mang họ Hồ của Bác. Để thu hút trẻ đến trường đông đủ, ngoài sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành, chương trình, dự án, địa phương về cơ sở vật chất trường lớp học và các hạng mục liên quan, Trường Mầm non Ba Tầng đã triển khai thực hiện những giải pháp tích cực để nâng cao chất lượng giáo dục và đạt nhiều kết quả đáng kể. Mặc dù toàn trường có đến 7 điểm trường, trong đó điểm trường cách điểm chính 18 km nhưng nhà trường vẫn đảm bảo tất cả trẻ đều phải được ở bán trú, trong đó có 2 điểm trường bán trú dân nuôi.
Trong khoản tiền nhà nước hỗ trợ cho trẻ (5 nghìn đồng/ngày/cháu) và phụ huynh đóng góp (2 lon gạo/tuần/ cháu), nhà trường cân đối hợp lý, đảm bảo chất lượng bữa ăn của các cháu. Bên cạnh đó, nhà trường khuyến khích cán bộ, giáo viên, nhân viên của đơn vị trích một phần thu nhập từ tiền lương để phụ mua thêm thức ăn cho các cháu. Vì nguồn nước ở xã chủ yếu là nước sông, nước suối, nước giếng nhiễm phèn nên trường phải đặt mua nước lọc từ Lao Bảo để dùng làm nước uống và nấu ăn, đảm bảo sức khỏe cho trẻ. Đối với các điểm trường như Ba Tầng, Cu Tia và Loa thì nhà trường nấu tại điểm trường chính là Ba Tầng và đưa cơm cho 2 điểm trường còn lại (cách điểm chính từ 2 - 5 km); điểm trường Măng Sông nấu cơm cho điểm trường Măng Sông và Vầng (hai điểm trường này cách nhau 3 km); điểm trường Xa Rô và Trùm thực hiện bán trú dân nuôi vì chưa có lớp học phải mượn nhà dân làm 1 lớp học và mượn 2 phòng học của Trường Tiểu học Ba Tầng.
![]() |
Săn sóc từng giấc ngủ của trẻ |
Nhờ vậy, nhiều trẻ đến trường học được ăn, ngủ, vui chơi điều độ nên cân nặng và chiều cao các cháu được cải thiện trông thấy. Anh Võ Hoàng Nam nhân viên y tế, là cán bộ nam giới duy nhất ở Trường Mầm non Ba Tầng, ngoài việc chuyên môn, anh còn đảm nhận làm nhiệm vụ “bếp trưởng” chăm lo bữa ăn cho trẻ và cán bộ, giáo viên của đơn vị. Với số tiền nhà nước hỗ trợ bữa cơm hàng ngày cho các cháu, anh lên thực đơn rất cụ thể, thường xuyên đổi món để các cháu ăn không nhàm chán mà vẫn đảm bảo chất dinh dưỡng. Ngày nào sau khi nấu ăn xong tại điểm trường chính, anh và một số cô giáo thay phiên nhau đưa cơm cho trẻ ở các điểm trường lân cận. Những lúc mưa to, lo lắng cho trẻ không đến trường học được, anh cùng đồng nghiệp lội sông, lội suối đưa các cháu đi học.
Anh Nam chia sẻ: “Có sống và làm việc ở một trường học vùng đặc biệt khó khăn mới biết được vất vả, thiếu thốn, thiệt thòi đủ thứ của người dân và học sinh nơi đây. Do đó, chúng tôi không biết làm gì hơn ngoài đem sức lực, trí tuệ của mình để cống hiến với một mong muốn ngày càng có nhiều trẻ em miền núi được đến trường học tập, vui chơi đầy đủ. Một khi dân trí ngày càng cao thì cuộc sống người đồng bào vùng khó này sẽ có nhiều thay đổi tích cực, bản làng sẽ no ấm, văn minh hơn”.
Nhà trường còn thường xuyên liên kết, kêu gọi các mạnh thường quân ở trong và ngoài huyện chung tay chăm lo cho trẻ vùng khó và đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Đã có nhiều đoàn thiện nguyện đến tận những điểm trường mầm non xa trung tâm xã hỗ trợ trẻ như tấm lót nằm bằng cao su, chiếu, chăn, gối, áo quần, giày dép, lương thực thực phẩm, đồ chơi…, giúp các cháu cơ bản có đủ điều kiện để đến lớp. Bên cạnh đó, các giáo viên của trường cũng tích cực tìm kiếm những nguồn áo quần cũ rồi giặt giũ sạch sẽ, hỗ trợ cho trẻ và gia đình các cháu có thêm quần áo để mặc; tìm những món đồ chơi đã qua sử dụng, kể cả những đồ chơi bị hư hỏng cần mẫn lau chùi, chỉnh sửa lại cho các cháu chơi. Nhờ vậy, nguồn đồ chơi ở trường ngày càng phong phú hơn hẳn so với nhiều trường mầm non vùng khó khác, tạo sự thích thú cho học sinh đến trường nhiều hơn.
![]() |
Mỗi ngày các cô giáo phải chia nhau cõng các cháu qua suối |
Chuyện băng rừng, lội suối bồng bế, cõng học sinh từ nhà đến trường và ngược lại là chuyện thường của cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Mầm non Ba Tầng, nhất là vào mùa mưa, lạnh. Nhờ vậy, hầu hết các điểm trường luôn huy động trẻ chuyên cần đạt tỷ lệ cao như: Ba Tầng 100%, Cu Tia và Loa 97%, Măng Sông, Xa Rô, Trùm và Vầng hơn 90%...
Anh Hồ Văn Ngưm, bố của cháu Hồ Thị Tâm Nhi, học lớp 3 - 5 tuổi tại trường cho biết: “Đa số người dân trong xã đều làm nương rẫy, đời sống còn rất khó khăn nên việc chăm lo cho con cái không được đầy đủ. Nhờ giáo viên của Trường Mầm non Ba Tầng thường xuyên đến nhà tuyên truyền, vận động, thuyết phục và hứa chăm sóc các cháu chu đáo nên chúng tôi yên tâm cho con đến trường. Đặc biệt, nhiều lúc trời mưa, lạnh một số phụ huynh không muốn cho con ra khỏi nhà, giáo viên của trường mang áo mưa, khăn ấm đến tận nơi để đón các cháu tới trường học cho kịp giờ làm chúng tôi thực sự xúc động. Trường hợp con gái tôi khi mới đi học bị suy dinh dưỡng cả thể thấp còi lẫn cân nặng nhưng chỉ sau một thời gian ngắn học ở trường sức khỏe của cháu được cải thiện rõ rệt. Nhờ ăn, ngủ điều độ và được tham gia các hoạt động, học, vui chơi phù hợp với lứa tuổi, hiện cân nặng và chiều cao của cháu vượt chuẩn”.
![]() |
Bữa ăn hiếm hoi giữa bộn bề công việc |
Để đạt được những kết quả nói trên, theo cô giáo Đỗ Thị Diễm Ngọc, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ba Tầng thì đó là sự nỗ lực không mệt mỏi của từng cá nhân đơn vị trong việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đặc biệt, với phương châm “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” nhà trường tập trung thực hiện có hiệu quả những biện pháp như: Tổ chức điều tra chính xác trẻ trong độ tuổi từ 0 - 72 tháng tuổi ở địa phương; kết hợp điều tra với tuyên truyền về giáo dục mầm non và việc vận động trẻ ra lớp. Tuyên truyền vận động cộng đồng đưa trẻ đến trường mầm non thông qua các văn bản, hệ thống thông tin của xã, các đoàn thể xã hội; đến tận hộ gia đình để tuyên truyền, thông qua các buổi họp phụ huynh và các buổi dự giờ, thăm lớp của ban đại diện phụ huynh. Chỉ đạo giáo viên nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ tại trường. Nhờ vậy, riêng trong năm học 2017-2018, toàn trường có 11 lớp với 323 cháu, nhà trường đảm bảo 100% trẻ được ăn bán trú dưới mọi hình thức, tỷ lệ trẻ chuyên cần đến lớp đạt 98%.
Kô Kăn Sương