Đông Hà trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972
* TRẦN LAM SƠN, Ủy viên Thường vụ trực Thành ủy Đông Hà (Quảng Trị) Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đông Hà được Mỹ - ngụy xây dựng thành chi khu quân sự, chúng coi đây là địa bàn chia cắt chiến lược, vừa thuận lợi cho việc gây dựng hậu cứ, tạo ra hệ thống phòng thủ vững chắc nhưng cũng vừa là bàn đạp tấn công, mở rộng quy mô chiến tranh ra nhiều hướng, đặc biệt là hướng Nam Lào và hướng ra Bắc. Đông Hà là vị trí tiền đồn để Mỹ - ngụy thiết lập căn cứ chỉ huy, trung tâm hành quân, cơ quan đầu não của địch được xây dựng với một lực lượng và tiềm lực quân sự mạnh, bộ máy kìm kẹp với đủ sắc lính: cảnh sát, mật vụ, an ninh, quân đội, biệt động quân, thủy quân lục chiến đến bảo an, địa phương quân... đánh phá phong trào cách mạng quyết liệt. Bộ tổng tham mưu ngụy và tư lệnh vùng I chiến thuật không chỉ coi Đông Hà là một căn cứ quân sự nằm ở đầu mối quan trọng trên tuyến hành lang chiến lược Đường 9 - Nam Lào mà còn là hậu cứ vững chắc để thực thi các chiến dịch “tìm diệt”, “bình định” của Mỹ - ngụy.
 |
Ủy ban Quân quản Đông Hà- 1972 - Ảnh: TL |
Chúng tập trung xây dựng Đông Hà thành cụm cứ điểm mạnh nhất chiến trường Trị - Thiên, với diện tích khoảng 10 km2 chiều dài từ Km 0 đến Km 6 đường 9. Địch bố trí ở đây 4 trận địa pháo 175 mm; 1 quân cảng rộng lớn 4 ha; 3 chi đoàn thiết giáp 147, 269, 312; 1 lữ đoàn thủy quân lục chiến; lực lượng bộ binh có lúc địch huy động tương đương với 4 trung đoàn; 6 đại đội bảo an cùng với 1 lực lượng mật vụ, cảnh sát, bình định nông thôn, dân vệ… với hệ thống đồn bốt, hầm ngầm, căn cứ kiên cố, bố trí trên các vị trí trọng yếu từ ngã tư Sòng đến cầu Lai Phước. Cụm cứ điểm Đông Hà- Ái Tử - Quảng Trị là một trong những “lá chắn thép” “bất khả xâm phạm” của vùng I chiến thuật của quân ngụy Sài Gòn. Sau thắng lợi chiến dịch Đường 9 – Nam Lào (1971) và đấu tranh trên mặt trận chính trị, ngoại giao, tương quan lực lượng và cục diện chiến trường đều có sự thay đổi theo hướng có lợi cho cách mạng miền Nam. Trước tình hình đó, Quân ủy Trung ương thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị mở cuộc tiến công chiến lược 1972, trong đó hướng tiến công chủ yếu là chiến trường Trị Thiên. Ngày 13-3-1972, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Bộ Tư lệnh chiến dịch tấn công Trị Thiên lấy tên là Bộ Tư lệnh 702 do Tướng Lê Trọng Tấn - Phó Tổng tham mưu trưởng làm Tư lệnh; Tướng Lê Quang Đạo- Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy. Quán triệt nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương, phương hướng, nhiệm vụ năm 1972 của Tỉnh ủy Quảng Trị, Thị ủy Quảng - Hà chỉ đạo cán bộ xuống tận các chi bộ cơ sở bám sát quần chúng nhân dân phổ biến chủ trương đẩy mạnh chiến tranh du kích vùng sau lưng địch; tập trung lãnh đạo quần chúng nổi dậy, phối hợp với các cánh quân của Bộ Tư lệnh 702 tiến công và nổi dậy giải phóng thị xã Quảng - Hà. Thực hiện kế hoạch tác chiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Tỉnh đội Quảng Trị, Thị ủy Quảng - Hà đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các cánh quân của Bộ Tư lệnh 702 trong tấn công và nổi dậy ở thị xã Đông Hà tập trung vào 3 mũi: - Mũi thứ nhất: do đồng chí Lê Tiến Dũng - Phó Bí thư Thị ủy Quảng Hà và đồng chí Đậu Bá Hà - Thị đội trưởng chỉ huy Đại đội 14 bộ đội địa phương, đội biệt động số 2,3,4 và lực lượng du kích Cam Thanh, Cam Giang phối hợp chặt chẽ với Trung đoàn 36 của Sư đoàn 308 tập trung tiến công tiêu diệt các cứ điểm địch ở khu vực Đông Hà, ngã tư Sòng, đồn Lai Phước, cầu Đông Hà, Tịnh xá Ngọc Hà...; đồng thời, phát động quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ. - Mũi thứ 2: do đồng chí Hồ Ánh Ngân - Ủy viên Ban Thường vụ Thị ủy chỉ huy đại đội đặc công 12; đại đội biệt động Quảng - Hà; du kích Triệu Ái. Triệu Giang, Triệu Lương, Triệu Lễ phối hợp với bộ đội chủ lực đánh vào Ái Tử, Triệu Ái, Triệu Giang. - Mũi thứ 3: do đồng chí Nguyễn Xuân Quyết - Bí thư Thị ủy chỉ huy lực lượng 1 đại đội chủ lực, 1 đại đội an ninh vũ trang cùng du kích Triệu Thượng, Hải Lệ phối hợp với bộ đội chủ lực luồn sâu đánh vào thị xã Quảng Trị. Đúng 11giờ 30 phút ngày 30-3-1972, Tư lệnh chiến dịch đã phát lệnh tấn công đồng loạt ở tất cả các cánh quân trên toàn mặt trận từ Động Toàn, Ba Hồ, Cồn Tiên, Dốc Miếu đến Quán Ngang, Đông Hà, Lai Phước... Sau 3 ngày chiến đấu dũng cảm, ngoan cường các trung đoàn 27 và 48, sư đoàn 308 cùng các đơn vị binh chủng đặc công, pháo binh, tăng, thiết giáp đã đập tan hệ thống phòng ngự vòng ngoài được mệnh danh là “lá chắn thép” của địch từ Cửa Việt – Quán Ngang – Bái Sơn - Cồn Tiên - Dốc Miếu - cứ điểm 554; 241; Động Toàn, phá hủy, san bằng hàng rào điện tử Mắc Namara. Ngày 2/4/1972, Gio Linh, Cam Lộ hoàn toàn giải phóng, quân ta đã hình thành thế bao vây cụm cứ điểm Đông Hà từ 3 hướng: Đông Bắc, Đông Nam, Tây Nam. Bị mất hệ thống phòng ngự vòng ngoài, địch vội vã tăng cường lực lượng đối phó. Ngày 2-4-1972, Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu bay ra Huế thị sát tình hình quân khu I và vùng I chiến thuật, sau đó họp với các tư lệnh quân khu , sư đoàn, lữ đoàn bàn cách đối phó. Thiệu ra lệnh cho quân khu I và sư đoàn 3 bộ binh tổ chức lại cụm phòng ngự Đông Hà - Ái Tử - La Vang, đồng thời chỉ thị cho Bộ tổng tham mưu ngụy cấp tốc tăng viện cho chiến trường Quảng Trị. Lữ đoàn 369 thủy quân lục chiến được điều động từ Sài Gòn ra Mỹ Chánh, ngày 5-4-1972, chúng điều 3 liên đoàn biệt động số 4, số 5, số 6 từ quân khu II và quân khu IV ra tăng cường cho Đông Hà. Chúng khẩn trương xây dụng cứ điểm đồi Quai Vạc và cứ điểm 32, 26, 28, Tân Vĩnh, tái chiếm Động Toàn, tạo thành hệ thống phòng ngự cánh cung bảo vệ phía tây nam Đông Hà. Địch bố phòng ở đây tiểu đoàn 3 lính thủy đánh bộ và thiết đoàn 20 với xe tăng M48 hiện đại. Trên địa bàn thôn Trung Chỉ (Đông Hà), địch bố trí trung đoàn 57 và liên đoàn biệt động quân số 5; thiết đoàn 17 và thiết đoàn 20 chúng bố trí đóng ở thôn Đại Áng. Địch tăng cường lực lượng cụm căn cứ Lai Phước, tại khu vực cầu Lai Phước thường xuyên có 2 trung đội Bảo an canh gác ngày đêm. Để đối phó với tình hình địch, Bộ Tư lệnh chiến dịch 702 họp và nhận định tình hình, sau đó chuẩn bị điều chỉnh các đơn vị hành quân vào khu vực tác chiến, đánh vào trung tâm phòng ngự của địch ở Đông Hà. 15 giờ ngày 8-4-1972, Bộ Tư lệnh chiến dịch ra lệnh cho pháo binh bắn cấp tập vào cụm cứ điểm Đông Hà. 5 giờ sáng ngày 9-4-1972 hướng Đông Bắc, trung đoàn 36 và tiểu đoàn 3 tỉnh đội; hướng Đông Nam trung đoàn 27 (B5); hướng Tây Nam các trung đoàn sư 308 kết hợp với du kích địa phương, tất cả được xe tăng yểm trợ đã đột phá vào chi khu Đông Hà trên cánh cung dài 8 km từ chùa Tám Mái (Ngọc Lộ) đến cao điểm 32 qua động Quai Vạc… Thực hiện chủ trương của Tư lệnh chiến dịch, từ ngày 10 đến 25-4-1972, tất cả các cánh quân ở các hướng chuẩn bị lực lượng cơ sở vật chất kỹ thuật và tổ chức những trận đánh nhỏ, đánh vừa nhằm tiêu hao sinh lực và làm cho chúng hoang mang, dao động. Quân ta giữ vững vị trí đứng chân chuẩn bị cho đợt đánh lớn. Sau 20 ngày chuẩn bị, 5 giờ 15 phút ngày 28-4-1972, cuộc tấn công quy mô, toàn diện và quyết định vào cụm cứ điểm Đông Hà đã bắt đầu với sự tham gia của các sư đoàn chủ lực 308, tiểu đoàn 3 bộ đội địa phương, các đội biệt động của thị đội Quảng - Hà, lực lượng du kích các xã Cam Giang, Cam Thanh, Triệu Lương, Triệu Lễ, vạn Đông Hà, vạn Trọng Đức, vạn Gia Độ…mở màn trận đánh quyết định này pháo binh 130 ly, 122ly, ĐKZ 74, hoả tiễn A12…của bộ đội ta đã nã cấp tập vào các mục tiêu chủ yếu: trung tâm chi khu quân sự Đông Hà, cứ điểm Trung Chỉ, Đại Áng, Lai Phước. Bên trong, quần chúng nhân dân sẵn sàng nổi dậy làm chủ thị xã. Đúng 5 giờ 30 phút, các đơn vị bộ binh, xe tăng và các lực lượng bộ đội địa phương, du kích đồng loạt tiến công theo các hướng vào giải phóng thị xã: - Ở hướng Nam, từ sáng 28-4-1972, lực lượng du kích Triệu Lương, Triệu Lễ cùng các đơn vị bộ binh của sư đoàn 308 đã tấn công địch ở cứ điểm Trung Chỉ, Đại Áng, diệt 2 xe tăng và hơn 100 tên địch, sau đó tiếp tục tiêu diệt địch ở khu vực Đại Áng. - Ở hướng Tây, nữ du kích Nguyễn Thị Lan đã dẫn đầu đoàn xe tăng và bộ đội sư đoàn 308 tấn công thẳng vào trung tâm chi khu quân sự. - Hướng Tây – Nam, trung đoàn 48 cùng với du kích Triệu Lương, Triệu Ái đánh chiếm căn cứ Tân Vĩnh và phối hợp cùng với các đơn vị bộ binh và tiểu đoàn 9 công binh sư 308 đánh sập cầu Lai Phước, chiếm đường sắt và Quốc lộ 1A, bao vây chặn đánh hướng rút của địch. Quân ngụy hối hả điều 20 xe tăng từ Đại Áng về và 6 chiếc từ điểm cao 26 xuống Quốc lộ 1A nhưng đã bị ta chặn đánh. Địch bỏ xe, rút lui vượt qua sông Vĩnh Phước. Như vậy, tuyến giao thông Đông Hà đi Ái Tử đã bị cô lập hoàn toàn. - Ở hướng Đông, các đơn vị còn lại của Sư đoàn 308 tiêu diệt địch ở khu vực thôn Trung Chỉ, Đại Áng không cho chúng rút về hướng Cửa Việt. Toàn bộ các cứ điểm quân sự mạnh nhất của Mỹ - ngụy ở Đông Hà bị bao vây, cô lập và chìm trong bão lửa của quân giải phóng. - Khu vực nội thị các đội biệt động của thị đội Quảng - Hà, du kích các xã đã thông thuộc địa hình luồn lách dẫn bộ đội tiểu đoàn 3 tỉnh đội chủ động đánh chiếm các vị trí cố thủ của địch còn lại và các trục đường vào thị xã. Đến 15 giờ ngày 28-4-1972, tất cả các cứ điểm cùng toàn bộ binh lính quân đội Sài Gòn ở Đông Hà bị tiêu diệt. Đông Hà hoàn toàn giải phóng.