Ngân hàng Chính sách xã hội hành trình 20 năm xây dựng và phát triển
* NGUYỄN ĐỨC ĐỒNG, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chi nhánh Quảng Trị Với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, 20 năm qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến hàng triệu người dân, góp phần thay đổi diện mạo nhiều vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Khởi nguồn từ Nghị quyết số 05-NQ/HNTW, ngày 10/6/1993, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, về việc tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội nông ...

Ngân hàng Chính sách xã hội hành trình 20 năm xây dựng và phát triển

* NGUYỄN ĐỨC ĐỒNG, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chi nhánh Quảng Trị

Với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, 20 năm qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến hàng triệu người dân, góp phần thay đổi diện mạo nhiều vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Khởi nguồn từ Nghị quyết số 05-NQ/HNTW, ngày 10/6/1993, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, về việc tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, Đảng chủ trương có chế độ tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, chính sách, vùng nghèo, dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng căn cứ cách mạng; mở rộng hình thức cho vay thông qua tín chấp đối với các hộ nghèo… Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Đảng và Chiến lược quốc gia về xóa đói giảm nghèo, năm 1994, tỉnh Quảng Trị thành lập Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo với số vốn ban đầu là 5,6 tỷ đồng, do Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đóng góp. Quỹ được sử dụng cho vay hộ nghèo thiếu vốn sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi, mức cho vay 500.000 - 2.000.000 đồng/hộ, người vay không phải bảo đảm tiền vay. Sau 2 năm thực hiện Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo, ngày 31/8/1995, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 525/QĐ- TTg về việc thành lập Ngân hàng Phục vụ người nghèo có tư cách pháp nhân riêng do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm dịch vụ, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận để cung cấp nguồn vốn ưu đãi cho hộ nghèo thiếu vốn sản xuất. Chi nhánh Ngân hàng Phục vụ người nghèo tại tỉnh Quảng Trị được thành lập theo Quyết định 46/QĐ/HĐQT, ngày 16/1/1996 do ông Hồ Ghi lúc này là Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Ngân hàng Phục vụ người nghèo. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 2/2/1996 Ngân hàng Phục vụ người nghèo tỉnh Quảng Trị chính thức khai trương. Tại lễ khai trương, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đến dự và đóng góp gây quỹ phục vụ người nghèo. Ngay sau lễ khai trương, Chi nhánh Ngân hàng Phục vụ người nghèo tỉnh đã triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ thông qua bộ máy điều hành, tác nghiệp gọn nhẹ nhưng khá hiệu lực. Tuy nhiên, bên cạnh Ngân hàng Phục vụ người nghèo, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác còn được giao cho nhiều cơ quan nhà nước, hội, đoàn thể và ngân hàng thương mại cùng thực hiện theo các kênh khác nhau, làm cho nguồn lực hỗ trợ người nghèo của nhà nước bị phân tán, chồng chéo, trùng lắp, thậm chí cản trở lẫn nhau. 7 năm hoạt động của Ngân hàng Phục vụ người nghèo cũng là quãng thời gian đúc rút những bài học kinh nghiệm về mô hình cũng như phương thức quản lý để hình thành NHCSXH sau này.

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã giúp nhiều gia đình vươn lên ổn định cuộc sống - Ảnh: LT

Để tiếp tục thực hiện những mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, chủ trương tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại, thành lập riêng một hệ thống Ngân hàng Chính sách. Ngày 4/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác và Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 4/10/2002 về việc thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo. Quản trị hoạt động của chi nhánh NHCSXH cấp Trung ương là Hội đồng quản trị (HĐQT) do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch HĐQT và thành viên là các bộ, ngành. Cấp địa phương là Ban đại diện HĐQT cấp tỉnh; huyện, thị xã, thành phố do Chủ tịch/Phó Chủ tịch UBND tỉnh, huyện, thị xã, thành phố là trưởng ban. Tại Quảng Trị, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 35/2003/QĐ-UB ngày 3/1/2003 về việc thành lập Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh gồm 13 thành viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành: LĐ&TBXH, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Ban Dân tộc, Văn phòng UBND tỉnh, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Chi nhánh NHCSXH và 4 hội đoàn thể: Nông dân, Liên hiệp phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm Trưởng ban. Ở cấp huyện, thành phố, thị xã cũng thành lập BĐD do Phó Chủ tịch UBND làm Trưởng ban và thành viên là lãnh đạo các phòng, ban cùng cấp. Chi nhánh NHCSXH tỉnh được thành lập theo Quyết định 48/QĐ/HĐQT, ngày 27/3/2003 chính thức khai trương và nhanh chóng triển khai mạng lưới hoạt động từ tỉnh đến huyện, hoàn thành công tác tiếp nhận bàn giao các nguồn vốn như dư nợ cho vay chương trình quốc gia giải quyết việc làm từ Kho bạc Nhà nước; tiếp nhận bàn giao toàn bộ hoạt động cho vay hộ nghèo từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng thời chuyển từ phương thức cho vay uỷ thác toàn phần sang phương thức cho vay uỷ thác bán phần thông qua các tổ chức chính trị- xã hội. Tổ chức triển khai cho vay kịp thời, đúng chính sách các chương trình mới theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, từ Ngân hàng Phục vụ người nghèo, chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Trị đã hoàn thiện bộ máy tổ chức và mạng lưới hoạt động từ tỉnh đến cơ sở gồm hội sở tỉnh; 8 phòng giao dịch đóng tại 8 huyện, thị xã và 141 điểm giao dịch tại tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Từ 2 chương trình tín dụng khi mới thành lập, đến nay NHCSXH tỉnh đang triển khai cho vay 14 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ 1.800 tỷ đồng, với hơn 70.000 khách hàng đang vay vốn, thông qua 2.209 tổ tiết kiệm và vay vốn, ủy thác thông qua các hội, đoàn thể. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp cho hơn 69.680 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 15.000 lao động; giúp 25.780 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng được 74.500 công trình cung cấp nước sạch và công trình vệ sinh môi trường ở khu vực nông thôn; xây dựng 3.335 căn nhà cho hộ nghèo. Từ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 17,1% năm 2003 (theo tiêu chí cũ) xuống còn 9,42% cuối năm 2014. Chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao, Tỷ lệ nợ quá hạn của toàn chi nhánh giảm từ 11% khi mới nhận bàn giao xuống còn 0,38% trên tổng dư nợ. Với huyện miền núi Đakrông, qua 6 năm thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ về chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với huyện nghèo, NHCSXH đã giải ngân cho hơn 12.500 lượt khách hàng vay vốn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đakrông bình quân hàng năm trên 5,43%, theo đó tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đã giảm từ 47,64% năm 2010 xuống còn 25,92% vào cuối năm 2014. Hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính sách tín dụng ưu đãi là một trong những điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo. Đây là chính sách xây dựng được mối liên kết tốt giữa nhà nước, thông qua NHCSXH, với các tổ chức đoàn thể và người nghèo, phát huy được tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người nghèo với chính quyền cơ sở thông qua việc giữ mối liên hệ, hướng dẫn làm ăn, đôn đốc giải ngân, thu nợ của ngân hàng… Có thể nói, mô hình tổ chức và phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách tại NHCSXH với việc ủy thác một số khâu trong quy trình cho vay qua các tổ chức chính trị-xã hội, cùng với tổ tiết kiệm và vay vốn do cộng đồng dân cư tự nguyện thành lập, có sự tham gia giám sát của Chính quyền cơ sở, chịu sự chỉ đạo và kiểm tra, giám sát của ban đại diện NHCSXH các cấp đã giúp cho hoạt động xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh được sự chỉ đạo đồng bộ, thông suốt của các ban, ngành và chính quyền từ tỉnh đến huyện về tận từng xã, tạo nên sức mạnh tổng hợp đạt hiệu quả cao. Đây là một mô hình đặc thù, đầy tính sáng tạo và phù hợp với đặc điểm và thực tiễn ở nước ta, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, xã hội cùng chung sức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ, góp phần thực hiện các mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội.