(QT) - Dự án Dân chấm điểm M-Score là sáng kiến chung của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị, tổ chức Oxfam, Trung tâm phân tích và dự báo thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Chương trình sáng kiến Việt Nam thuộc Đại học Indiana (Mỹ), lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam và chọn Quảng Trị làm tỉnh thí điểm ở 7 lĩnh vực gồm đất đai; xây dựng nhà ở; đầu tư xây dựng cơ bản; đăng ký kinh doanh; chứng thực; hộ tịch; lao động, thương binh, xã hội và được thực hiện tại bộ phận 1 cửa của 9 huyện, thị xã, thành phố. Sau đó, dự án sẽ được nhân rộng ở nhiều lĩnh vực và chia sẻ với các tỉnh, thành phố khác. Sau 9 tháng triển khai thực hiện, dự án đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Thông tin tại hội thảo công bố kết quả lần thứ nhất Dự án Dân chấm điểm M-Score do Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị phối hợp với các bên liên quan tổ chức ngày 28/7/2015 cho biết, chất lượng dịch vụ công tại 9 bộ phận 1 cửa của 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh được nâng lên rõ rệt. Theo đánh giá chung của người dân thì từ khi áp dụng sáng kiến Dân chấm điểm M-Score, thời gian giải quyết công việc được rút ngắn, giảm bớt số lần đi lại (giảm từ 6,9 lần trong quý 4/2014 xuống 1,4 lần trong 5 tháng đầu năm 2015); tỷ lệ trả hồ sơ đúng hẹn và sớm hẹn tăng lên (tháng 10/2014, tỷ lệ trả hồ sơ sớm hẹn là 20%, tháng 4/2015, tỷ lệ trả hồ sơ sớm hẹn là 60%) và thái độ, trách nhiệm của cán bộ, công chức tiến bộ hơn trước. Tại hội thảo, nhiều người dân phát biểu đánh giá cao về hiệu quả của dự án mang lại mà họ chính là đối tượng được hưởng lợi, đưa ra những ví dụ cụ thể để minh chứng như cùng một việc nhưng trước khi có dự án họ đến cơ quan công quyền cán bộ “tiếp đón qua loa, đại khái, thái độ thờ ơ, nhạt nhẽo”, đi lại nhiều lần mà không giải quyết được, sau khi có dự án thì cán bộ “tiếp đón vui vẻ, hòa nhã, hướng dẫn tận tình, chu đáo” làm rất tốt, rất nhanh; đại diện lãnh đạo một số huyện, thị xã cũng cho biết, sau khi dự án đi vào hoạt động đã đầu tư thêm cơ sở vật chất, tăng cường biên chế, sắp xếp lại bộ máy, ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của bộ phận 1 cửa, quy định thủ tục đối với từng việc nhằm nâng cao năng lực, nâng cao nhận thức, thay đổi quan điểm của cán bộ, công chức từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ người dân. Chúng ta thử hình dung, trước khi có dự án, cần giải quyết một việc gì đó bình quân người dân phải đi lại gần 7 lần ở bộ phận 1 cửa thì nay chỉ còn hơn 1 lần (1,4 lần); tỷ lệ trả hồ sơ sớm hẹn tăng có tháng thêm 40% so với trước. Quả là một sự thay đổi “ngoạn mục” ở những nơi được thực hiện Dự án Dân chấm điểm M-Score. Nhưng vì sao chỉ mới áp dụng trong khoảng thời gian ngắn mà dự án đã mang lại kết quả khả quan như vậy? Câu trả lời có lẽ không khó với mọi người. Sáng kiến Dân chấm điểm M-Score là công cụ khảo sát ý kiến đánh giá của người dân và doanh nghiệp qua điện thoại từ tổng đài Viettel về mức độ hài lòng khi họ có việc cần đến chính quyền, và tiếp nhận giải trình của cơ quan chức năng, đồng thời thông qua đó người dân sẽ đóng góp ý kiến để xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh. Nghe đơn giản nhưng việc khảo sát ý kiến đó đã tác động đến tất cả các lĩnh vực của công tác cải cách hành chính, đó là cải cách thể chế, tổ chức bộ máy hành chính và chế độ công vụ, xây dựng kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Trên thực tế, dự án đã có những đóng góp tích cực đối với công tác cải cách hành chính ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Vấn đề đặt ra là tại sao cũng những việc đó nhưng lâu nay chưa làm hoặc làm chậm, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ công? Có nhiều lý do đưa ra để giải thích, nhưng có một lý do rất quan trọng là thiếu thông tin phản hồi từ người dân- “khách hàng” của chính quyền. Và khi thiếu thông tin, người dân- đối tượng được phục vụ có hài lòng hay không thì cả cơ quan chức năng lẫn cán bộ trực tiếp giải quyết công việc đều không biết. Mà không biết thì không thể điều chỉnh, thay đổi để làm tốt hơn. Cũng có trường hợp biết nhưng vì không do yếu tố cá nhân của người thực thi nhiệm vụ mà do cơ chế, thủ tục, các điều kiện khác nên họ bỏ mặc, vô trách nhiệm; còn nếu do yếu tố cá nhân của cán bộ gây ra sự không hài lòng thì chỉ họ và người dân đó biết, nên sẽ không ảnh hưởng đến uy tín cũng như vị trí việc làm, các lợi ích khác của họ nên họ không sợ, vì thế tình trạng chậm trễ, phiền hà cứ kéo dài, chậm khắc phục. Nguyên nhân của việc thiếu thông tin là do không có kênh thuận tiện để người dân, doanh nghiệp phản hồi với chính quyền. Lâu nay, tuy không hài lòng nhưng phần lớn người dân, doanh nghiệp đều “ngậm bồ hòn làm ngọt” cho xong việc, vì thế chất lượng dịch vụ công chậm được cải thiện. Sáng kiến Dân chấm điểm M-Score ra đời đã tháo gỡ được điều đó. Người dân, doanh nghiệp được trực tiếp đánh giá, góp ý về thủ tục hành chính, năng lực, thái độ của cán bộ, cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ công việc…nói chung tất cả các nhân tố tác động đến chất lượng dịch vụ công một cách dễ dàng qua điện thoại di động mà không phải tốn chi phí và lo bị tiết lộ danh tính. Đây là những thông tin quan trọng giúp chính quyền biết những chỗ nào được và chưa được để phát huy hoặc khắc phục, thúc đẩy công tác cải cách hành chính nhằm phục vụ dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. TÙNG LÂM