Giám sát đầu tư của cộng đồng - kết quả và kiến nghị
Tính đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh Quảng Trị đã có Ban giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ), đại đa số các Ban GSĐTCCĐ đều do Ban TTND có văn bản chính thức khẳng định đồng ý đứng ra tổ chức thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng. Phần lớn các Ban GSĐTCCĐ đã được UBMT xã, phường, thị trấn ra Nghị quyết công nhận đúng theo quy định của Thông tư 04/2006. Một số xã còn thành lập thêm tiểu ban GSĐTCCĐ ở các thôn, bản để thực hiện nhiệm vụ giám sát ở các thôn, bản có công trình, ...

Giám sát đầu tư của cộng đồng - kết quả và kiến nghị

Tính đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh Quảng Trị đã có Ban giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ), đại đa số các Ban GSĐTCCĐ đều do Ban TTND có văn bản chính thức khẳng định đồng ý đứng ra tổ chức thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng. Phần lớn các Ban GSĐTCCĐ đã được UBMT xã, phường, thị trấn ra Nghị quyết công nhận đúng theo quy định của Thông tư 04/2006. Một số xã còn thành lập thêm tiểu ban GSĐTCCĐ ở các thôn, bản để thực hiện nhiệm vụ giám sát ở các thôn, bản có công trình, dự án hoạt động trên địa bàn. Bình quân hàng năm, mỗi xã có từ 5-7 công trình sử dụng vốn dự án đầu tư của xã, vốn ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn khác được Ban GSĐTCCĐ tiến hành giám sát. Cá biệt có xã từ khi thành lập Ban GSĐTCCĐ đến nay đã tiến hành giám sát hàng chục công trình như Ban GSĐTCCĐ xã Vĩnh Chấp (Vĩnh Linh); Hướng Hiệp (Đakrông), Cam Hiếu (Cam Lộ)... Qua hoạt động giám sát của Ban GSĐTCCĐ đã phát hiện một số sai phạm trong đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh, biểu hiện chủ yếu như: việc sử dụng vật liệu xây dựng (blô, gạch, gỗ, xi măng...) chất lượng kém, không đúng với thiết kế và dự toán; các công trình làm đường giao thông chưa đúng quy trình kỹ thuật; một số công trình thủy lợi thiết kế chưa phù hợp... Đơn cử một số sai phạm cụ thể ở một số địa phương đã được Ban GSĐTCCĐ ở xã, phường, thị trấn phát hiện và kiến nghị khắc phục như: Ban GSĐTCCĐ xã Hải Chánh (Hải Lăng) trong năm 2006 đã tổ chức giám sát 7 công trình với tổng số vốn đầu tư 2,62 tỷ đồng. Trong quá trình giám sát đã phát hiện đường liên thôn Xuân Lộc- Lương Sơn chưa đúng với yêu cầu kỹ thuật. Công trình đập lấy nước Vũng Trâm vật tư không đúng với thiết kế dự toán như xi măng, cát sạn... Ban GSĐTCCĐ đã kiến nghị với chủ đầu tư, nhà thầu kịp thời sửa chữa. Ban GSĐTCCĐ xã Cam Hiếu (Cam Lộ) đã tổ chức giám sát 20 công trình xây dựng trên địa bàn với tổng vốn 5,5 tỷ đồng. Quá trình giám sát đã phát hiện 2 công trình có sai phạm như: công trình kiên cố hóa kênh mương đập Bến, thôn Vĩnh Đại sử dụng 700 viên blô không bảo đảm chất lượng và dùng sạn 4-6 thay cho sạn 1-2; công trình kiên cố hóa kênh mương Vĩnh An đổ bê tông lót đáy khoảng 30 m đầm nện không kỹ, dùng xi măng không đúng chủng loại. Ban GSĐTCCĐ đã đề nghị chủ thầu khắc phục những sai phạm trên. Ban GSĐTCCĐ xã Hướng Hiệp (Đakrông) thực hiện giám sát đầu tư 11 công trình với tổng số vốn gần 5,7 tỷ đồng. Quá trình giám sát đã phát hiện công trình nâng cấp kênh mương khe Đa Bung đan thép không đủ theo thiết kế, trộn hồ chưa đều, một số tấm úp chưa đạt chất lượng, đã kiến nghị chủ thầu sửa chữa. Ban GSĐTCCĐ xã Tà Long (Đakrông) tiến hành giám sát 5 công trình với số vốn đầu tư trên 4,6 tỷ đồng. Qua giám sát đã phát hiện dự án xây dựng hố xí tự hoại với số vốn trên 132 triệu đồng do UBND xã làm chủ đầu tư và Công ty TNHH Hoàng Quân làm chủ thầu. Dự án bắt đầu từ tháng 5/2007 đến nay mới làm được 8/49 hố xí, trong khi đó huyện đã chỉ đạo cho ứng 45 triệu. Đến nay, Công ty này đã giải thể, công trình còn dở dang, không mang lại hiệu quả. Ban GSĐTCCĐ xã Vĩnh Chấp (Vĩnh Linh) từ năm 2005 đến nay tiến hành giám sát hàng chục công trình với số vốn 6,962 tỷ đồng. Quá trình giám sát đã phát hiện công trình cống thoát nước đường giao thông thôn Bình An mái lát cánh gà không đúng quy cách; trụ sở làm việc của UBND xã vốn 1,3 tỷ đồng, lượng sắt cột, sắt dầm đều thiếu so với thiết kế, đã kiến nghị buộc chủ thầu khắc phục, sửa chữa. Qua giám sát của cộng đồng nhận thấy một số vấn đề cần kiến nghị để khắc phục trong thời gian tới như sau: Một là : Phải chú ý đến tính hiệu quả trong đầu tư. Vốn của Nhà nước, vốn dự án của các tổ chức phi chính phủ tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp cho nhân dân, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số các giống cây trồng, vật nuôi ở vùng núi cho đồng bào dân tộc thiểu số rất nhiều nhưng do trình độ quản lý, giám sát của cán bộ chưa đáp ứng nên bị thất thoát và hiệu quả chưa được như mong muốn. Nhiều địa phương ở huyện Hướng Hóa, Đakrông công trình xây dựng cung cấp nước tự chảy cho bà con dân bản hiệu quả sử dụng thấp; nhiều ngôi nhà xây dựng cho hộ nghèo theo chương tình 135 mới mấy năm đã xuống cấp; cung cấp giống cam quả chua không tiêu thụ được, giống xoài ra quả hạt to, nhân ít, xơ nhiều, giá rẻ; cung cấp giống bò bị bệnh lở mồm, long móng không những không nuôi được mà còn gây hậu quả cho cả vùng... Hai là : Thực hiện tốt việc công khai, minh bạch trong đầu tư. Theo Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg và Thông tư liên tịch số 04/2006, chủ đầu tư có trách nhiệm công khai niêm yết thông tin quy hoạch quản lý đầu tư xây dựng các công trình tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn và cắm bảng thông tin tại công trình xây dựng, cung cấp thiết kế và tài liệu liên quan đến công trình cho Ban GSĐTCCĐ. Một số chủ đầu tư không thực hiện hoặc thực hiện chậm việc công khai lại còn gây khó khăn cho cán bộ và thành viên Ban GSĐTCCĐ khi họ thực hiện nhiệm vụ. Một số chủ đầu tư lại dọa sẽ rút không tiếp tục đầu tư nữa (xã Tà Long, huyện Đakrông). Nhà nước cần có quy định ràng buộc để chủ đầu tư có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin cho Ban GSĐTCCĐ thực hiện công tác giám sát được tốt hơn. Nguyễn Hữu Ban