70 năm tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”: Đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết
QĐND - “Sửa đổi lối làm việc” là văn kiện có tính lý luận, tính chiến đấu và tính thực tiễn sâu sắc. Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập một cách toàn diện, sâu sắc về nội dung, tiêu chuẩn, yêu cầu về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và phong cách công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên (CB, ĐV).

70 năm tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”: Đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết

QĐND - “Sửa đổi lối làm việc” là văn kiện có tính lý luận, tính chiến đấu và tính thực tiễn sâu sắc. Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập một cách toàn diện, sâu sắc về nội dung, tiêu chuẩn, yêu cầu về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và phong cách công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên (CB, ĐV).

Kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản chất của một đảng thể hiện ở mục tiêu, lý tưởng và lợi ích mà đảng đó đại diện. Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, bản chất của Đảng được Người xác định rất rõ: Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác. Cho nên, Đảng phải ra sức tổ chức, lãnh đạo nhân dân để giải phóng nhân dân và để nâng cao sinh hoạt, văn hóa, chính trị của nhân dân. Vì vậy, mỗi CB, ĐV phải đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên 12 điều thuộc về tư cách của một đảng chân chính cách mạng. Người viết: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. Do đó, muốn cho Đảng được vững bền, thì 12 điều đó CB, ĐV không được quên điều nào. Người xác định: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”. Cán bộ là cầu nối giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân, vì vậy, CB, ĐV phải luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Vì mục đích của Đảng tức là mục đích của dân tộc, của Tổ quốc. Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, CB, ĐV phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là “tính Đảng”.

Đối với cán bộ, chiến sĩ quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Mỗi đồng chí phải ra sức học tập, rèn luyện, tu dưỡng, củng cố lập trường giai cấp công nhân, nâng cao trình độ chính trị; phải tuyệt đối chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ. Đây là biểu hiện bản lĩnh của người chiến sĩ Quân đội nhân dân cách mạng đi theo lý tưởng của Đảng, phẩm chất đó thể hiện trong hành động là tuyệt đối trung thành với sự lãnh đạo của Đảng, tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng, suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân.

Không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng

Cùng với lý tưởng cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ phẩm chất đạo đức là yếu tố hàng đầu, là gốc, là nền tảng của CB, ĐV. Trong tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên vai trò của đạo đức, nội dung rèn luyện đạo đức của CB, ĐV và gắn vấn đề đạo đức cách mạng với thành bại của cuộc cách mạng. Người viết: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng đòi hỏi người cách mạng phải có các phẩm chất tương ứng về đạo đức và đạo đức phải trở thành cái căn bản của mỗi người. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên 5 phẩm chất đạo đức chung cho CB, ĐV: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm. Những phẩm chất đạo đức này, Người kế thừa từ đạo đức Nho giáo, nhưng được thêm bớt, thay đổi trật tự vị trí các chuẩn mực và nhất là nội dung các chuẩn mực đó được Người giải thích theo một tinh thần hoàn toàn khác, mang tính cách mạng. Đạo đức cách mạng với 5 phẩm chất đó, khác với đạo đức cũ, “nó không phải là đạo đức thủ cựu, nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”.

Đối với cán bộ, chiến sĩ quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Quân sự giỏi song nếu không có đạo đức cách mạng thì khó thành công. Muốn có đạo đức cách mạng phải có 5 điều sau đây: Trí - Tín - Nhân - Dũng - Liêm. Trí: Là sáng suốt, biết địch biết mình, biết người tốt thì nâng đỡ, biết người xấu thì không dùng, biết cái tốt của mình mà phát triển lên, biết cái xấu của mình để mà tránh. Tín: Nói cái gì phải cho tin - nói và làm cho nhất trí - làm thế nào cho dân tin - cho bộ đội tin ở mình. Nhân: Là phải có lòng bác ái - yêu nước, yêu đồng bào, yêu bộ đội của mình. Dũng: Là phải mạnh dạn, quả quyết nhưng không phải làm liều. Phải có kế hoạch, rồi kiên quyết làm ngay. Nguy hiểm cũng phải làm. Nghĩa là phải có lòng dũng cảm trong công việc. Liêm: Là không tham danh vị, không tham sống, không tham tiền, không tham sắc. Người cán bộ đã dám hy sinh cho Tổ quốc, hy sinh cho đồng bào, hy sinh vì nghĩa, thì không tham gì hết. Các chú phải nhớ lấy năm điều trên.

Nắm vững lý luận, gắn lý luận với thực tiễn

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu vai trò to lớn của lý luận: Như cái kim chỉ nam chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi. CB, ĐV có lý luận thì mới hiểu được mọi việc trong xã hội, để chủ trương cho đúng và hành động cho đúng. Người cũng chỉ rõ: Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận. Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung cũng như không có tên.

Đánh giá cao vai trò của lý luận và thực hành, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi đến kết luận: Mỗi CB, ĐV phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế; phải gắng học, học thì phải hành; phải chữa cái bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông. Bên cạnh việc học lý luận, người CB, ĐV phải có ý thức biết tổng kết kinh nghiệm trong công tác. Phê bình và tổng kết kinh nghiệm công tác là quy luật tiến bộ trong sự nghiệp cách mạng.

Đối với cán bộ, chiến sĩ quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Nhiệm vụ của quân đội hiện nay là phải cố gắng tiến lên chính quy. Không nên vì hòa bình mà xao lãng học tập. Các cô, chú cần học tập chính trị để nắm vững chính sách của Đảng và Chính phủ, để đi đúng đường lối của nhân dân; học tập kỹ thuật vì kỹ thuật ngày càng tiến bộ, mình cũng phải học để tiến bộ, để bộ đội ta hùng mạnh.

Phong cách làm việc vì lợi ích chung

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, CB, ĐV muốn tập hợp được quần chúng thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng thì phải có phương pháp làm việc đúng đắn, phù hợp. Người dặn, CB, ĐV phải: Giải quyết mọi vấn đề một cách cho đúng; phải tổ chức sự thi hành cho đúng và phải tổ chức sự kiểm soát đúng. Muốn vậy, phải có sự giúp đỡ của dân chúng, không có dân chúng giúp thì không xong. Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định 5 nguyên tắc trong công tác, là: 1. Việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng; 2. Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng và tìm cách giải quyết. Thật thà thừa nhận khuyết điểm trước dân chúng. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức; 3. Tùy theo trình độ giác ngộ và sự tình nguyện của dân chúng mà tổ chức họ; 4. Tuyệt đối không theo đuôi quần chúng; 5. Việc gì cũng phải từ dưới lên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, lực lượng của dân nhiều vô cùng, nếu được dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Muốn tập hợp, phát huy sức mạnh của dân chúng, CB, ĐV phải có cách tuyên truyền, vận động hợp lý, khoa học, làm thế nào mà mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng. Trong phương pháp tuyên truyền, vận động quần chúng phải dùng lời lẽ thí dụ thiết thực, dễ hiểu; đúng đối tượng; phải điều tra nghiên cứu kỹ lưỡng, chuẩn bị kỹ trước khi nói, khi viết; chưa biết rõ chớ nói, chớ viết; phải làm gương cho dân chúng trong mọi việc.

Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy cán bộ, chiến sĩ quân đội: Đối với nhân dân, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu... Dân như nước, quân như cá. Phải làm cho dân hết sức giúp đỡ mình thì mình mới đánh thắng giặc. Nói tóm lại, mỗi việc trong quân đội, cán bộ đều phải làm gương. Như thế Quân đội ta sẽ là một quân đội vô địch và kháng chiến nhất định thành công.

Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” có ý nghĩa phương pháp luận hết sức sâu sắc trong giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng và tác phong công tác cho CB, ĐV, từ việc xác định rõ tầm quan trọng, nội dung rèn luyện đến phương pháp rèn luyện những phẩm chất ấy. Những quan điểm đó là kim chỉ nam cho CB, ĐV nói chung, cán bộ, chiến sĩ quân đội nói riêng trong rèn luyện, tu dưỡng nhân cách, để trở thành những người cán bộ cách mạng trung thành với sự nghiệp của Đảng, của nhân dân.

PGS, TS NGUYỄN THỊ KIM DUNG, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng