Mở rộng tầm nhìn ra phía biển
(QT) - Buổi chiều, những chiếc tàu đánh bắt xa bờ bắt đầu cập bến, cảng cá Cửa Việt xôn xao hẳn lên, chị em hối hả chở những thùng cá đầy ắp về nơi chế biến. Việc đánh bắt và chế biến hải sản ở thị trấn Cửa Việt, Gio Linh (Quảng Trị) đang phát triển song hành và nhộn nhịp. Từ khi nhà nước thực hiện nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển kinh tế biển thì tại thị trấn Cửa Việt cũng như các xã vùng biển huyện Gio Linh xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, góp phần khai thác có hiệu quả thế mạnh kinh tế biển. Làm giàu từ biển Anh Hồ Văn Thà ở khu phố 3, thị trấn Cửa Việt nở nụ cười tươi rói khi vừa trở về từ chuyến đánh bắt cá dài ngày trên biển. Cập bờ lần này, trừ các khoản chi phí, tàu anh lãi 72 triệu đồng. Tiếp quản tài sản là phương tiện đánh bắt hiện đại từ bố là ông Hồ Duy Đạo, anh Thà đã làm ăn rất khấm khá. Từ năm 2011 đến nay, năm nào tàu của anh cũng đạt tổng thu nhập từ 2,5 - 3 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí (khoảng 35%), anh thu lãi từ 1,5 - 2 tỷ đồng/năm. Tàu của anh có 12 lao động, theo tỷ lệ phân chia thu nhập 6 - 4 (lao động được hưởng 40% thu nhập) thì mỗi lao động trên tàu anh Thà mỗi năm thu nhập được trên dưới 65 triệu đồng.
.jpg) |
Đội tàu đánh bắt xa bờ của thị trấn Cửa Việt - Ảnh: V.T.H |
Ở thị trấn Cửa Việt hiện có nhiều mô hình đầu tư đánh bắt giỏi có thu nhập từ 2 - 2,5 tỷ đồng/năm như hộ ông Võ Văn Thới, Võ Văn Huynh... Ngư dân đã huy động tổng hợp các nguồn vốn để đầu tư mua sắm, cải hoán tàu thuyền, ngư lưới cụ phù hợp với từng loại ngư trường, thành lập các tổ tự quản bến bãi, các đội sản xuất để giúp nhau làm ăn trên biển, vươn khơi đánh bắt xa bờ. Ngư trường chủ yếu là đảo Cồn Cỏ, Huế, Đà Nẵng, quần đảo Hoàng Sa, đảo Bạch Long Vĩ, vùng đánh cá chung tại Vịnh Bắc Bộ... Tính bình quân mỗi tàu đánh bắt xa bờ mỗi năm thu nhập khoảng 1,2 - 1,7 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí thì mỗi lao động biển đánh bắt xa bờ có thu nhập từ 45 - 50 triệu đồng/năm. Ông Nguyễn Trường Kỳ, Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt, cho biết: Cửa Việt có đội tàu đánh bắt xa bờ tương đối lớn cả về số lượng và công suất, trong tổng số 143 chiếc tàu, thuyền thì có 87 tàu đánh bắt xa bờ có công suất từ 90 CV trở lên. Toàn thị trấn có hơn 870 lao động tham gia đánh bắt xa bờ, trong tổng số hơn 1.000 lao động biển của địa phương. Thu nhập từ khai thác thủy sản chiếm hơn 60% tổng thu nhập của người dân toàn thị trấn. Nâng cao năng lực, đa dạng hóa nghề đánh bắt Với bờ biển dài hơn 16 km và sở hữu hai cửa lạch quan trọng là Cửa Tùng, Cửa Việt cộng với trình độ khai thác của người dân ngày càng nâng cao, Gio Linh trở thành địa phương có ngành kinh tế biển phát triển nhất tỉnh Quảng Trị, có giá trị sản lượng hải sản khai thác chiếm hơn 50% toàn tỉnh. Để tập trung khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản có hiệu quả, Huyện ủy Gio Linh đã ban hành Nghị quyết 04, ngày 1/8/2002 về phát triển KT-XH vùng cát miền biển, trong đó xác định các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh khai thác thủy sản và đầu tư phát triển ngành nghề, dịch vụ hậu cần nghề cá và dịch vụ du lịch dọc tuyến biển. Đến năm 2014, toàn huyện có 673 tàu, thuyền cơ giới với tổng công suất 35.762 CV, trong đó có 146 tàu đánh bắt xa bờ. Ông Nguyễn Xuân Phương, Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gio Linh cho biết: Năng lực khai thác, đánh bắt thủy sản của huyện ngày càng phát triển mạnh mẽ. Đội tàu đánh bắt xa bờ của toàn tỉnh phần lớn tập trung ở Gio Linh nên tổng sản lượng khai thác thủy sản của huyện chiếm hơn 1/2 tổng sản lượng khai thác toàn tỉnh hàng năm, năm 2013 sản lượng khai thác của Gio Linh đạt 12.709 tấn. Hiện chủ trương phát triển kinh tế biển của huyện là chú trọng đầu tư phương tiện đánh bắt và ngư lưới cụ hiện đại để xây dựng đội tàu biển lớn mạnh.
.jpg) |
Sau chuyến ra khơi -Ảnh: THÀNH DŨNG |
Với kinh nghiệm vươn khơi, bám biển, ngư dân trong huyện đã đoàn kết, giúp đỡ nhau chuyển đổi cơ cấu lưới nghề phù hợp, cải tiến năng lực đánh bắt ngày càng có hiệu quả hơn như rê khơi, vây khơi, rê bùng nhùng, pha xúc, chụp mực... Một bộ phận ngư dân khai thác gần bờ cũng mạnh dạn chuyển đổi phương thức đánh bắt, phát triển nghề khai thác ốc hương, ghẹ đạt kết quả khá. Cơ cấu ngành nghề khai thác ngày càng hợp lý, đa dạng, nghề rê chiếm trên 50% đơn vị nghề, rê mực nang cho thu nhập cao, nghề lưới vây đang thể hiện ưu thế, phát triển mạnh và phù hợp với các tàu có công suất lớn, khai thác vùng xa bờ. Nhờ số lượng tàu thuyền công suất lớn tăng nhanh, các dịch vụ nghề cá phát triển mạnh, nên số lao động khai thác hải sản cũng tăng, toàn huyện đến nay có 3.299 lao động biển. Một số lao động đi làm thuê ở các tỉnh trở về tham gia khai thác hải sản xa bờ đã phát huy được vốn kiến thức, kinh nghiệm ở các tỉnh phía Nam, góp phần nâng cao chất lượng lao động và năng lực đánh bắt thủy sản của huyện. Ngư dân toàn huyện đã chấp hành tốt các quy định của quốc gia, quốc tế về đánh bắt thủy sản biển, kịp thời thông tin về thời tiết, hướng tránh trú bão, thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan chức năng, các địa phương, tạo thuận lợi cho việc theo dõi hoạt động trên biển của tất cả các tàu thuyền. Bên cạnh đó, 9 tổ tự quản luôn hoạt động có hiệu quả cũng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các ngành chức năng làm nhiệm vụ, đồng thời sẵn sàng tham gia đấu tranh bảo vệ an ninh trên biển, tố giác tội phạm. Đẩy mạnh hoạt động hậu cần nghề cá Trong điều kiện gặp khó khăn về nhiều mặt, các địa phương vẫn đầu tư tu sửa, nâng cấp các cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá, xây dựng hệ thống giao thông, nhất là các tuyến giao thông từ khu dân cư ra biển. Cơ sở sửa chữa tàu thuyền tại thị trấn Cửa Việt hoạt động tốt, tạo thuận lợi cho ngư dân duy tu, bảo dưỡng, cải hoán tàu thuyền. Các hoạt động hậu cần nghề cá khác như bến cảng cá, cơ sở sản xuất nước đá, xăng dầu, ngư lưới cụ, kho đông... cũng được tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng hoạt động nên đã đáp ứng tốt nhu cầu của ngư dân. Bên cạnh đó, các cơ sở thu mua thủy sản duy trì và mở rộng sản xuất cũng góp phần tích cực trong việc thúc đẩy nghề đánh bắt thủy sản phát triển, đồng thời giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập nhiều lao động. Hiện toàn huyện có trên 20 cơ sở chế biến nước mắm, 23 cơ sở sản xuất nước đá, 28 kho cấp đông, 140 cơ sở chế biến hải sản các loại giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho gần 1.000 lao động. Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động khai thác thủy sản của huyện vẫn còn một số hạn chế như: tỷ trọng đơn vị nghề khai thác có hiệu quả thấp còn lớn; đa số thuyền của ngư dân các xã bãi ngang khai thác gần bờ, công suất nhỏ, hiệu quả thấp; ngư trường truyền thống ngày càng cạn kiệt; một bộ phận ngư dân chưa mạnh dạn đầu tư ngành nghề mới, phù hợp với ngư trường xa bờ; lực lượng lao động khai thác hải sản chưa đáp ứng yêu cầu phát triển các nghề xa bờ, một bộ phận lao động có trình độ văn hóa thấp, chưa được đào tạo nghề, kỹ thuật đánh bắt chủ yếu là do kinh nghiệm, dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong việc du nhập nghề mới, khai thác ở ngư trường mới; cơ sở hạ tầng phục vụ nghề cá chưa được xây dựng kiên cố, dịch vụ sửa chữa và đóng mới tàu thuyền phát triển chưa tương xứng; chất lượng lao động chế biến thủy sản còn thấp nên chưa thích ứng với việc nắm bắt các thông tin, kỹ thuật chế biến, công nghệ mới; công tác quảng bá giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng còn hạn chế... Từ thực tế đó, những năm tới, huyện Gio Linh tiếp tục chỉ đạo, khuyến khích ngư dân mạnh dạn huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp cải hoán tàu thuyền, tăng số lượng tàu đánh bắt xa bờ, phát triển các nghề mới, tăng cường trang bị các thiết bị hàng hải hiện đại nhằm chủ động đánh bắt xa bờ, khai thác thủy sản ngày càng hiệu quả hơn. Thực hiện tốt công tác quản lý tàu thuyền, theo dõi và dự báo thời tiết cho tất cả các tàu chủ động ra khơi bám biển. Các ngành chức năng, các địa phương vùng biển tập trung chỉ đạo thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách hỗ trợ ngư dân, hỗ trợ tàu cá khai thác vùng biển xa, tạo thuận lợi cho ngư dân tăng chuyến đánh bắt thủy sản. Phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa Việt làm tốt công tác quản lý tàu thuyền, đẩy mạnh hoạt động các tổ tự quản. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về chủ quyền biển đảo, về các quy định đánh bắt của nước ta và quốc tế, trên cơ sở đó, vận động ngư dân tích cực tham gia các nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới biển đảo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Duy trì ở mức độ phù hợp đánh bắt gần bờ, phát triển nghề lưới rê khơi, vây kết hợp ánh sáng, nghề rê thu, rê ngừ, rê 3 lớp... Đẩy mạnh khai thác thủy sản phải gắn kết chặt chẽ với việc nâng cao các dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. VÕ THÁI HÒA