Tưới tiêu khoa học nâng cao hiệu quả sử dụng nước
(QT) - Những năm gần đây, tình trạng hạn hán đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Trước tình hình đó, một trong nhiều giải pháp được quan tâm là đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi. Tuy nhiên, nguồn dự trữ tại các hồ đập thủy lợi không phải là vô hạn, trong điều kiện thường xuyên xảy ra hạn hán thì để đảm bảo lượng nước tưới phục vụ sản xuất và đời sống phải coi trọng việc sử dụng nước như thế nào cho hiệu quả là vấn đề cần quan tâm.  Trên địa bàn tỉnh Quảng ...

Tưới tiêu khoa học nâng cao hiệu quả sử dụng nước

(QT) - Những năm gần đây, tình trạng hạn hán đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Trước tình hình đó, một trong nhiều giải pháp được quan tâm là đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi. Tuy nhiên, nguồn dự trữ tại các hồ đập thủy lợi không phải là vô hạn, trong điều kiện thường xuyên xảy ra hạn hán thì để đảm bảo lượng nước tưới phục vụ sản xuất và đời sống phải coi trọng việc sử dụng nước như thế nào cho hiệu quả là vấn đề cần quan tâm. Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, các công trình kênh mương dẫn nước từ đầu mối đến mặt ruộng ở nhiều nơi xuống cấp, chậm được sửa chữa làm cho nước bị thất thoát. Thói quen tưới ngập cho lúa, tưới tràn cho cây công nghiệp, cây ăn quả thường xuyên của nông dân cũng gây lãng phí nước. Trong quá trình sản xuất nông dân cũng chưa có biện pháp tích cực hạn chế bốc hơi mặt thoáng nên gây tổn thất nước rất lớn. Để đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất đạt hiệu quả cao, tưới tiêu khoa học là một giải pháp tối ưu nhất. Tưới tiết kiệm nước và sử dụng nước tiết kiệm là những biện pháp cấp nước theo yêu cầu và khả năng hấp thụ nước theo từng thời đoạn sinh trưởng của cây trồng để hạn chế lượng nước dư thừa nhưng không ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đang khuyến cáo nông dân nên thực hiện tưới nước cho cây lúa theo quy trình “nông, lộ, phơi” sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Tùy theo từng chu kỳ sinh trưởng và phát triển của cây lúa để quyết định mức nước phù hợp cấp cho đồng ruộng sao cho vừa đảm bảo được nhu cầu nước của lúa, vừa tiết kiệm được nước. Có giai đoạn cần hạn chế cấp nước, phải để lộ ruộng và phơi ruộng theo yêu cầu sinh trưởng của cây trồng. Đối với cây lúa cụ thể cách tưới là: Sau khi gieo 6- 7 ngày, cho nước vào và tăng dần theo chiều cao của lúa để hạn chế cỏ dại. Đối với lúa cấy, khi cấy xong cho nước vào 3- 5 cm để lúa nhanh hồi xanh. Khi lúa bắt đầu đẻ nhánh tháo cạn nước chỉ để 3- 5 cm kết hợp bón phân thúc lần 1 và xới xáo sục bùn. Khi lúa kết thúc đẻ nhánh hữu hiệu thì tháo cạn nước để khống chế lúa đẻ nhánh lai rai và để bộ rễ ăn sâu hút tốt hơn các chất dinh dưỡng trong đất. Sau đó cho nước vào bình thường để lúa sinh trưởng và phát triển. Nếu gặp thời tiết bất thuận như nắng nóng trên 35 o C hoặc rét dưới 16 o C, cần cho nước vào ngập ruộng từ 10- 15 cm tuỳ theo chiều cao cây để chống nóng, chống rét cho lúa. Khi lúa bắt đầu bắt đầu chín đỏ đuôi cần rút dần nước cho đến lúa lúa chín thì ruộng khô nước để dễ thu hoạch. Theo dõi mực nước trong ruộng và áp dụng biện pháp tưới ướt khô xen kẽ là biện pháp sử dụng nước hiệu quả nhất, giúp giảm số lần bơm nước vào ruộng, tiết kiệm nước tưới mà lúa vẫn phát triển tốt, bộ rễ cây ăn sâu hơn, ít sâu bệnh, chống bị đổ ngã, đối với lúa tỷ lệ hạt chắc cao, giúp tăng năng suất. Nhờ đó, giá thành sản xuất nông nghiệp giảm xuống rất nhiều. Để thực hiện tưới tiêu khoa học, thiết nghĩ ngành chức năng cần tập trung các giải pháp như: Phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý khai thác công trình thuỷ lợi; xây dựng các mô hình nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thiết bị tưới tiết kiệm nước phù hợp với từng loại cây trồng, từng vùng khí hậu và từng loại đất như: Tưới nhỏ giọt, là cách tưới đưa nước nhỏ từng giọt liên tục trực tiếp đến sát gốc cây trồng nhờ các thiết bị đặc trưng là các vòi tạo giọt. Áp dụng cách tưới này cho vùng đất có địa hình phức tạp, khan hiếm nước, gió thổi mạnh, tưới cho các cây trồng có giá trị kinh tế cao, đòi hỏi cấp nước thường xuyên ở mức ít; tưới phun mưa, áp dụng cho vùng đất có độ thấm ít, cho các loại cây trồng lá mềm có giá trị kinh tế cao; tưới ngầm là tưới trực tiếp vào bộ rễ cây trồng với lượng nước phù hợp, thực hiện cách tưới này trên vùng đất thịt, đất thịt pha cát, kết cấu đất vào loại trung bình, có khí hậu khô hạn, thường xuyên có gió lớn... Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật thuỷ lợi, nông nghiệp đến tận bà con nông dân, đặc biệt là kỹ thuật tưới tiêu phù hợp với yêu cầu nước theo từng thời đoạn sinh trưởng của cây trồng, đặc biết đối với tưới lúa, để người nông dân hiểu và biết cách sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Với các giải pháp xây dựng mới công trình thuỷ lợi là rất tốn kém, trong khi đó rất nhiều công trình đã có lại chưa phát huy hết năng lực. Giải pháp về sửa chữa nâng cấp công trình hiện có, đi đôi với việc đổi mới công tác quản lý, nâng cao hiệu quả công trình, tập huấn, tuyên truyền, áp dụng công nghệ, kỹ thuật tưới tiết kiệm nước, sử dụng nước tiết kiệm thông qua việc xây dựng mô hình điểm để nhân rộng sẽ đòi hỏi chi phí không cao nhưng hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn. Thực hiện việc tưới tiết kiệm nước, sử dụng nước tiết kiệm không chỉ giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp cho nông dân mà còn giảm chi phí xây dựng các công trình thủy lợi. Đây cũng chính là một trong những việc làm tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất nông nghiệp. Võ Thái Hòa