Phạt tù các bị cáo trong vụ án tiêm nhầm vắc-xin
(QT) - Ngày 27/3/2015, TAND tỉnh Quảng Trị đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án tiêm nhầm vắc-xin khiến 3 trẻ sơ sinh tử vong, xảy ra sáng 20/7/2013 tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa. Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Quảng Trị: Vào khoảng 7 giờ 30 ngày 20/7/2013, y sĩ Nguyễn Thị Thuận thực hiện y lệnh của bác sĩ Lê Thị Kim Phượng, tiêm vắc-xin viêm gan B cho 3 trẻ sơ sinh (con của các sản phụ: N.Th.N. (SN 1983) trú tại khóm Đông Chính, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa; Tr.Th. (SN 1973) trú khóm 3A, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa và H.Th.Th. (SN 1996) trú bản 7, xã Thuận, huyện Hướng Hóa). Y sĩ Thuận đến khoa khám bệnh nơi đặt tủ lạnh bảo quản thuốc, do mất điện nên đã bật đèn pin điện thoại di động, mở tủ lấy 3 lọ Esmeron trong hộp giấy không đậy nắp, rồi dùng bơm kim tiêm hút thuốc và tiêm cho 3 trẻ sơ sinh kể trên. Sau khi tiêm xong, y sĩ Thuận tiếp tục đi thăm khám cho các bệnh nhân khác. Đến khoảng 8 giờ 30 phút cùng ngày, trong khi đang điều trị cho các bệnh nhân khác, y sĩ Thuận nghe tiếng kêu khóc của các sản phụ nên tức tốc chạy đến. Tại đây, y sĩ Thuận thấy 3 trẻ sơ sinh đều tím tái, thở nấc nên đưa các cháu đến phòng cấp cứu. Mặc dù vậy, các cháu đã tử vong vào lúc 9 giờ cùng ngày.
 |
Y sĩ Nguyễn Thị Thuận được đưa vào phòng xét xử |
Ngay sau cái chết đau lòng của 3 trẻ sơ sinh, y sĩ Thuận chạy vội về phòng sinh tìm lại vỏ 3 lọ thuốc đã tiêm trước đó thì thấy tên thuốc là Esmeron chứ không phải vắc-xin viêm gan B. Biết mình đã tiêm nhầm thuốc, y sĩ Thuận đi đến khoa khám bệnh mở tủ lạnh lấy vỏ hộp thuốc mà mình đã lấy 3 lọ thuốc này bỏ vào túi áo. Đồng thời, lấy 3 lọ vắc-xin viêm gan B chưa sử dụng rồi đi về phòng khoa sản. Tại đây, y sĩ Thuận lấy 2 bơm kim tiêm hút thuốc vắc-xin viêm gan B trong 3 lọ xả xuống nền nhà. Xong việc, Thuận đặt 3 vỏ lọ vắc-xin viêm gan B vào sọt rác màu vàng đặt ở xe tiêm. Đồng thời, ném 3 vỏ lọ Esmeron vào gốc cây nhãn phía sau khoa sản. Để biết chắc chắn mình đã tiêm nhầm thuốc, Thuận đi vào phòng vệ sinh khoa sản, lấy vỏ hộp thuốc ở túi áo ra kiểm tra, thấy bên ngoài vỏ hộp có ghi dòng chữ “Thuốc độc” viết bằng bút lông màu xanh. Thuận liền vo vỏ hộp bỏ lại vào túi áo, rồi đi đến phòng để xe tiêm, lấy 3 bơm kim tiêm khác. Lúc này, chị Hồ Thị Thục (nữ hộ sinh) đi vào phòng hộ sinh thấy Thuận cầm 3 bơm kim tiêm, chị Thục lấy 1 tờ giấy đưa cho Thuận gói lại. Thuận để 3 bơm kim tiêm này trên xe tiêm và đi đến phòng trực khoa sản, lấy vỏ hộp thuốc lúc nãy cất trong túi áo vứt ra ngoài cửa sổ. Sau đó, Thuận nhờ Trần Thị Hải Vân và chị Thục đến phòng sinh lấy 3 vỏ lọ vắc-xin viêm gan B và 3 bơm kim tiêm đã được Thuận sắp xếp trước đó giao nộp cho Ban giám đốc Bệnh viện. Năm 2008, Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa tiếp nhận sinh phẩm chống uốn ván SAT. Do đó, Bệnh viện đã mua một tủ lạnh đưa về đặt tại khoa dược- xét nghiệm- X quang để bảo quản thuốc. Năm 2009, ngành Y tế triển khai chương trình tiêm chủng vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh. Để phục vụ cho việc bảo quản thuốc này, Bệnh viện đã chuyển tủ lạnh trên đến khoa khám bệnh và giao cho Trần Thị Hải Vân (Y tá trưởng) có trách nhiệm quản lý và bảo quản. Ngày 9/5/2013, Nguyễn Văn Thiện, Phó Giám đốc Bệnh viện được ủy quyền, quyết định cho khoa dược nhập 50 lọ thuốc Esmeron về để phục vụ cho việc phẩu thuật và giao cho khoa dược quản lý, bảo quản trong dây chuyền lạnh đặt tại phòng xét nghiệm. Đồng thời, giao cho Lê Huỳnh Sơn được phép y lệnh và trực tiếp sử dụng Esmeron.
 |
Các bị cáo trước vành móng ngựa |
Ngày 6/6/2013, Sơn đến phòng xét nghiệm- khoa dược lấy 1 hộp thuốc Esmeron, trong đó có khoảng 6 - 7 lọ để phục vụ cho phẩu thuật nhưng sử dụng không hết, còn lại khoảng 5 - 6 lọ, Sơn đem về lại phòng để bảo quản. Nhưng lúc này, phòng đã khóa cửa nên Sơn đi đến khoa khám bệnh. Tại đây, Sơn lấy bút lông màu xanh ghi chữ “Thuốc độc” lên vỏ hộp và để chúng vào tủ lạnh ngăn bảo quản sinh phẩm chống uốn ván SAT và vắc-xin viêm gan B, rồi ra về. Ngày 18/7/2013, Đoàn công tác của Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đến Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa kiểm tra công tác bảo quản vắc-xin viêm gan B và nhắc nhở mọi người trong Bệnh viện việc bảo quản thuốc không đúng quy định, vắc-xin viêm gan B được đặt chung với các thuốc khác… Mặc dù Sơn đã nghe và đã biết sự việc, song vẫn không đến tủ lạnh khoa khám bệnh lấy hộp Esmeron kể trên. Và Sơn cũng đã không thông báo cho ai việc mình có “gửi” hộp thuốc kể trên tại đây. Trước đoàn công tác Sở Y tế tỉnh đến kiểm tra một ngày, anh Đoàn Quang Trung và Nguyễn Quang Hùng, cán bộ Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa cũng đã đến kiểm tra việc bảo quản thuốc tại khoa khám bệnh của Bệnh viện này. Tại đây, hai cán bộ trên phát hiện ở ngăn bảo quản vắc-xin viêm gan B có một hộp thuốc lạ nên yêu cầu Trần Thị Hải Vân lấy ra để kiểm tra. Nhưng Vân nói: “Đó là hộp của em” nên họ không kiểm tra nữa. Chưa hết, đến tối hôm đó, Vân đã trực tiếp đến khoa khám bệnh lấy sinh phẩm SAT trong tủ lạnh để test cho bệnh nhân nhưng vẫn không kiểm tra, kiểm soát hộp thuốc ghi dòng chữ “Thuốc độc”. Trở lại việc kiểm tra của đoàn kiểm tra Sở Y tế tỉnh ngày 18/7/2013, Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Văn Thiện đã nghe đoàn kết luận, chấn chỉnh những nội dung sai phạm như: “Khoa sản gửi thuốc vắc-xin tại phòng khám chung với các sinh phẩm khác của phòng khám là không đúng quy định...”. Nhưng Thiện vẫn không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ trong thời gian được Giám đốc Bệnh viện ủy quyền. Sự thiếu trách nhiệm, việc làm không đúng của Thiện, Vân và Sơn chính là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến y sĩ Thuận đã lấy nhầm thuốc, gây ra cái chết đau lòng cho 3 trẻ sơ sinh kể trên.
 |
4 bị cáo nghe HĐXX tuyên án |
Phiên xét xử bắt đầu diễn ra lúc 8 giờ do ông Võ Ngọc Mậu, Chánh tòa hình sự TAND tỉnh Quảng Trị làm chủ tọa phiên tòa. Các bị cáo, đại diện hợp pháp các bị hại, người làm chứng và người có trách nhiệm nghĩa vụ liên quan đều có mặt đầy đủ tại tòa. Hàng nghìn người dân quan tâm sự việc, đã đổ về TAND tỉnh Quảng Trị để theo dõi phiên tòa từ rất sớm. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, bên cạnh nổi đau tột cùng của gia đình các bị hại, hậu quả của sự việc còn gây hoang mang, lo lắng cho người dân trong một thời gian dài, gây thiệt hại lớn đến uy tín của toàn ngành y tế đối với nhân dân. Bị cáo Nguyễn Thị Thuận (y sĩ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa) bị truy tố, xét xử về tội: “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp”; các bị cáo Nguyễn Văn Thiện (Phó Giám đốc Bệnh viện), Trần Thị Hải Vân (Y tá trưởng), Lê Huỳnh Sơn (Phó Trưởng phòng Kế hoạch-Tổng hợp, Cử nhân gây mê, phụ trách phòng mổ) cùng bị truy tố về tội: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị cáo Thuận được tòa xét hỏi trước tiên. Bị cáo có thái độ thành khẩn, trả lời rõ ràng và thừa nhận các hành vi phạm tội như trong bản cáo trạng đã truy tố. Trong khi đó, bị cáo Sơn cho rằng: “Do lúc trở lại phòng xét nghiệm- khoa dược để cất, bảo quản số lọ Esmeron còn thừa sau khi đã sử dụng cho bệnh nhân, phòng này đã bị khóa, nên bị cáo mới đến khoa khám bệnh, gửi thuốc vào tủ lạnh khoa này mà không biết làm như thế là sai”. Bị cáo Vân một mặt thừa nhận việc quản lý và bảo quản tủ lạnh tại khoa khám bệnh là trách nhiệm của bị cáo, nhưng mặt khác cho rằng, bị cáo chỉ có trách nhiệm bảo quản thuốc tại một ngăn (ngăn lạnh) của tủ lạnh này, ngăn còn lại (ngăn mát) đã giao cho khoa sản tự bảo quản và tự chịu trách nhiệm. Bị cáo Vân trình cho thư ký phiên tòa bằng chứng liên quan. Tòa hỏi về trách nhiệm của lãnh đạo Bệnh viện sau khi có sự kiểm tra, nhắc nhở của đoàn công tác Sở Y tế tỉnh ngày 18/7/2013 (chỉ 2 ngày trước khi 3 trẻ sơ sinh bị tiêm nhầm thuốc, tử vong), bị cáo Thiện khai rằng: “Hôm đó, bị cáo có tham gia vào đoàn kiểm tra, song chỉ thực hiện phần việc đối ngoại, đối nội mà không trực tiếp kiểm tra tại tủ thuốc khoa khám bệnh. Bị cáo cũng không nghe đoàn công tác Sở Y tế nhắc nhở”… Cuối buổi chiều 27/3/2015, sau khi xem xét toàn bộ bản án, lời khai của các bị cáo trước tòa, cũng như xem xét nhân thân của các bị cáo, gia đình của các bị cáo đều có công với cách mạng, HĐXX đã tuyên các mức án cho các bị cáo trong vụ 3 trẻ sơ sinh tử vong xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa. Theo đó, bị cáo Nguyễn Thị Thuận bị tuyên mức án 5 năm tù giam. Bị cáo Lê Huỳnh Sơn bị tuyên mức án 4 năm tù giam. Bị cáo Nguyễn Văn Thiện bị tuyên mức án 3 năm tù giam. Chỉ duy nhất một bị cáo được hưởng mức án treo là Trần Thị Hải Vân với mức ba năm tù treo. Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại vật chất và tinh thần cho các gia đình bị hại, theo quy định của pháp luật. Cuối phiên xử, HĐXX cho các bị cáo được nói lời cuối cùng, bị cáo Thuận nức nở khóc và xin lỗi gia đình các nạn nhân. Bị cáo Thuận nói rằng bị cáo vô cùng ăn năn ray rứt vì hành động bất cẩn của bản thân đã gây nên cái chết của 3 đứa trẻ vô tội. Vô tình mang lại nổi đau thương mất mát vô cùng lớn cho các gia đình. Bị cáo Thuận cũng mong được sớm về với gia đình để nuôi con ăn học. Các bị cáo Thiện và Sơn cũng xin nhận trách nhiệm về vụ việc. Riêng bị cáo Vân vẫn một mực kêu oan. Đến khi HĐXX giải thích cặn kẽ, Vân mới nhận một phần trách nhiệm. Trao đổi với chúng tôi sau phiên tòa, ông N.Đ.Đ. cha của một trong 3 trẻ sơ sinh tử vong cho biết: “ Gia đình tôi không mong mức án cao cho cả 4 bị cáo. Bởi vì sau khi bình tĩnh lại thì mới thấy họ cũng chỉ vì sự vô tình mà gây nên cái chết cho con tôi, chứ chẳng ai muốn. Tôi cũng mong họ sớm được trở về gia đình làm ăn nuôi vợ con. Chỉ mong rằng những người làm ngành y tế coi đây là bài học đắt giá để cẩn trọng hơn trong khi hành nghề”. Tin,ảnh: MINH TUẤN