Từ Rào Quán về Mỹ Thủy - hiện thực và khát vọng
Đúc kết những thành tựu 20 năm sau ngày lập lại, Quảng Trị có mấy công trình, dự án định danh như Khu KTTMĐB Lao Bảo, Thủy lợi- Thủy điện Quảng Trị, 2 Khu Công nghiệp và một số thành quả về nông nghiệp...Nhưng để có được một ''gia tài'' khiêm nhường ấy, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị đã phải ''lao tâm khổ tứ'', vắt kiệt mồ hôi công sức, chưa hết, người Quảng Trị đang viết tiếp giấc mơ về cảng đào Mỹ Thủy với bao dự cảm về một tương lai tươi sáng trên vùng đất này. *Rào Quán sáng rực giấc mơ ...

Từ Rào Quán về Mỹ Thủy - hiện thực và khát vọng

Đúc kết những thành tựu 20 năm sau ngày lập lại, Quảng Trị có mấy công trình, dự án định danh như Khu KTTMĐB Lao Bảo, Thủy lợi- Thủy điện Quảng Trị, 2 Khu Công nghiệp và một số thành quả về nông nghiệp...Nhưng để có được một ""gia tài"" khiêm nhường ấy, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị đã phải ""lao tâm khổ tứ"", vắt kiệt mồ hôi công sức, chưa hết, người Quảng Trị đang viết tiếp giấc mơ về cảng đào Mỹ Thủy với bao dự cảm về một tương lai tươi sáng trên vùng đất này. *Rào Quán sáng rực giấc mơ "ánh điện thay sao giữa trời"

Một góc thủy điện Rào Quán -Ảnh: T.D
Rất nhiều lần tôi được ông Ngô Tứ Linh, Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh kể về sự gian khó của những ngày đầu khởi xướng ý tưởng ngăn sông Rào Quán xây dựng công trình thủy điện. Một ý tưởng thật táo bạo lúc bấy giờ và đã bị nhiều ý kiến phản biện cho là quá lãng mạn và ảo tưởng. Vậy nhưng, bằng các luận cứ khoa học xác thực, ông Linh và nhiều vị lãnh đạo của tỉnh đã kiên trì lặn lội ra Hà Nội, gõ cửa các cơ quan, ban ngành Trung ương để chứng minh và quyết tâm bảo vệ chủ trương xây dựng công trình thủy điện. Bởi theo ông Linh chúng ta có thể lấy thủy điện Rào Quán làm một công trình trọng điểm nhằm ghi lại dấu mốc trên chặng đường phát triển. Vậy mà phải đợi hơn 10 năm sau, công trình thủy điện trên sông Rào Quán mới chính thức được khởi công. Đó là một ngày cuối năm 2003, trời quang mây. Sau thời khắc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ấn nút mìn nổ tung một ngọn đồi trên đất Hướng Linh phát lệnh xây dựng công trình Thủy lợi - Thủy điện Quảng Trị, tôi thấy vị cán bộ lão thành Hồ Pờn, nguyên Bí thư Huyện ủy Hướng Hóa rơm rớm nước mắt. Niềm vui không tả nổi vì mơ ước ngàn đời của người dân Vân Kiều nơi núi rừng miền Tây xa xôi về ánh điện thắp sáng núi rừng, bản làng đã thành hiện thực. Tiếp đó là những tháng ngày gian khó nhất đòi hỏi sự hợp sức hợp trí của mọi người. Có lẽ trong cuộc đời làm báo của mình, tôi thấy ám ảnh mãi chuyến băng đèo lội suối cùng đoàn công tác của tỉnh đi ""thám hiểm"" vùng đất Hoong-Cóc thuộc xã Hướng Linh để xây dựng khu tái định cư cho mấy trăm hộ dân rời khỏi vùng lòng hồ ngập nước. Đó là chuyến đi mà chúng tôi đã ""đánh đu"" với hiểm nguy và cản trở. Lúc ấy chiếc cầu treo bắc qua sông Rào Quán rộng chưa đầy mét, nhưng lại vắt qua hai ngọn núi cách nhau cả trăm mét, bé nhỏ và đong đưa chẳng khác nào chiếc võng mắc giữa lưng trời. Nghiệt thay, đó là lối đi độc đạo để vào Hoong- Cóc, vậy nên từ các vị lãnh đạo tỉnh đến cán bộ, lái xe... từng người một ""bò"" qua cây cầu. Thật hiểm nguy bởi chỉ một chút sơ sẩy buông tay hay cầu có sự cố là rơi xuống vực sâu cuốn theo sông Rào Quán. Vượt qua chiếc cầu lại gồng mình trên chiếc GAT 66 để "chinh chiến" đường rừng. Xe chạy trên những lối mòn nhỏ hẹp, cưỡi lên dốc đá và len lỏi dưới tán cây rừng. Tôi, một tay vịn lấy thành xe, một tay ôm lấy đầu tránh cây va chạm. Lá cây rừng gãy rụng phủ một lớp dày trên ""chuyến xe bão táp"" trước lúc đến với bình nguyên Hoong- Cóc. Sau đó là ""chiến dịch"" vận động, tổ chức di dời dân rầm rộ luôn gặp phải những trở ngại từ nhận thức, tập quán và suy nghĩ của người dân trước lúc về nơi ở mới nhường lại phần đất đai, vườn tược cho lòng hồ thủy điện. Tất cả đã vượt lên những trở ngại để dồn nén cảm xúc cho một ngày vỡ òa khi dòng điện được sản sinh từ những con nước sục sôi trên sông Rào Quán. Đó là ngày 12/9/2007 khi tổ máy số 1 phat điện hoà lên lưới quốc gia. Một ngày mà mọi người dân Quảng Trị đều mừng vui hân hoan.
Nguồn sáng -Ảnh: Bảo Trung
Công trình Thuỷ lợi -Thuỷ điện Quảng Trị hoàn thành có ý nghĩa to lớn về mặt chính trị, kinh tế và xã hội của tỉnh nhà. Đây là kết quả của sự nỗ lực, vận động để có được công trình lớn của bao thế hệ lãnh đạo tỉnh nhà, là niềm mong đợi của người dân Quảng Trị muốn ""xoá đói"" điện, cải tạo đồng ruộng khô cằn từ những năm 1970, 1980 của thế kỷ trước. Là thành quả lao động của hàng ngàn cán bộ, kỹ sư công nhân của hơn 10 nhà thầu trong nước với hơn 1.200 ngày đêm lăn lộn trên công trường biến núi cao, suối sâu, rừng rậm thành nơi đặt nền móng công trình. Biến dòng sông Rào Quán cạn kiệt về mùa khô, hung dữ về mùa lũ đổ ra biển cả một cách vô ích thành hồ chứa sinh thái, thành dòng nước được chế ngự, phát điện, điều tiết hợp lý, cung cấp bổ sung nước tưới cho cánh đồng Triệu Hải màu mỡ mang lại hiệu ích kép mỗi năm thu lợi hàng trăm tỷ đồng. Theo đó, Công ty Thuỷ điện Quảng Trị được thành lập tháng 3/2007 để quản lý và khai thác nguồn điện năng từ công trình thủy điện. Sau hơn 1 năm đi vào vận hành 2 tổ máy đến cuối năm 2008 sản lượng điện đạt 255 triệu KWh, vượt sản lượng điện thiết kế của Nhà máy. Công ty đã thực hiện vượt mức kế hoạch năm 2008 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao trước 32 ngày. *Dự án cảng Mỹ Thủy mở hướng ra ngàn trùng Nếu công trình Thủy lợi- thủy điện là dấu mốc thành công mở đầu một giai đoạn phát triển thì những tháng cuối năm 2008, đánh dấu một chặng đường 20 năm tái lập, Quảng Trị lại ""thai nghén"" một công trình mới trên vùng biển Hải Lăng hoành tráng và quy mô không kém, đó là dự án xây dựng cảng biển Mỹ Thủy. Nếu xét về thời gian ấp ủ và ""thai nghén"" thì Mỹ Thủy có những bước đi thần kỳ dẫu phải chịu chung một áp lực ngờ vực về tính khả thi. Tuy nhiên, bằng sự đồng thuận và quyết tâm cao, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã rất thận trọng và khoa học trong việc xác tính những luận cứ nhằm định hình quy mô, tầm vóc và tiềm lực kinh tế của dự án. Liên tục nhiều cuộc hội thảo khoa học được tổ chức quy tụ các nhà nghiên cứu tìm hiểu về cảng biển Mỹ Thủy. Và đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Phúc trong chuyến công tác tại Hà Lan đã dành thời gian làm việc với Ban giám đốc cảng Rotterdam, Học viện công nghệ Delft (Delft Universty or Technoloy), tiếp kiến với các giáo sư đầu ngành về cảng biển Han Ligteringen để tìm hiểu công nghệ cảng đào và đặt quan hệ hợp tác nghiên cứu về dự án cảng biển Mỹ Thủy.
Vùng biển Quảng Trị với nhiều tiềm năng đang được đánh thức -Ảnh: Hồ Cầu
Chủ trương xây dựng cảng biển được căn cứ trên 2 tiền đề quan trọng đó là việc phát hiện mỏ khí đốt ở ngoài khơi đảo Cồn Cỏ và khai thác lợi thế trên Hành lang kinh tế Đông -Tây. Đây là các điều kiện cần hàm chứa những ẩn số kinh tế lớn lao mà mỗi địa phương hay quốc gia nào cũng phải quan tâm tới. Thực tế hiện nay Hành lang Đông- Tây đang gặp phải những hạn chế về tốc độ phát triển sau khi cầu Hữu Nghị nối Lào với Thái Lan đã khai thông từ một năm nay nhưng tốc độ giao thương giữa Việt Nam với các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông vẫn chưa gặp hái được thành quả như mong đợi. Vì vậy, cảng biển Mỹ Thủy được xây dựng với những lợi thế về giao thông sẽ giải tỏa cho những ách tắt và hạn chế đó. Theo tính toán nếu rút ngắn quảng đường tức là chiếm lấy một thị phần hàng hóa từ 17-25% ở các tỉnh Đông Bắc Thái Lan và Lào ""đổ"" về Mỹ Thủy mang lại một nguồn thu đáng kể cho nền kinh tế Quảng Trị. Chỉ tính riêng tỉnh Savanakhet (Lào) bình quân mỗi năm lượng hàng hóa xuất khẩu ra các nước trong khu vực là 400.000 tấn. Hiện nay bình quân một container hàng hóa nhận chu chuyển bằng đường biển sang Bắc Mỹ giá lên đến 1500 USD. Đây chính là những thị phần, là nguồn thu hấp dẫn nếu cảng biển Mỹ Thủy được xây dựng để cạnh tranh với một số cảng biển khác ở miền Trung và các nước trong khu vực đang là đối tác kinh doanh của hai nước Lào, Thái Lan. Về khả năng đón đầu nguồn khí đốt đưa vào cảng Mỹ Thủy cũng đang mở ra nhiều triển vọng. Mới đây chúng tôi được ông Thái Vĩnh Kháng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết ngày 4/12/2008 Bộ Công Thương đã thông qua quy hoạch từ nay đến 2025 trên lĩnh vực công nghiệp khí sẽ cho xây dựng đường ống dẫn khí từ mỏ Báo Vàng vào Quảng Trị. Xây dựng nhà máy lọc dầu khoảng 9 điểm trong đó có 1 điểm đặt ở biển Đông Nam Quảng Trị. Một cảng biển hình thành nơi miền quê nghèo Hải Lăng sẽ là điểm đến cho hàng triệu thùng dầu từ ngoài khơi xa Cồn Cỏ cập bến. Đó là những điều kiện cần để Quảng Trị hạ quyết tâm xây dựng cảng biển Mỹ Thủy, một dự án còn mất nhiều thời gian, tâm sức nhưng tràn trề hy vọng. Về khách quan, dự án xây dựng cảng biển Mỹ Thủy và Khu kinh tế biển Đông- Nam Quảng Trị đã từng bước định hình trong chiến lược phát triển của Trung ương. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đồng ý cho Quảng Trị lập quy hoạch chi tiết để trình Chính phủ bổ sung vào quy hoạch tổng thể cảng biển giai đoạn đến năm 2020. Vậy nên dự án đang thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chủ trương của tỉnh Quảng Trị, dự án sẽ được xây dựng bằng hình thức huy động vốn của các nhà đầu tư, Trung ương chỉ hỗ trợ một phần kinh phí về giải phóng mặt bằng. Với quan điểm cởi mở, trải thảm mời gọi đầu tư nên dự án cảng biển Mỹ Thủy đã tạo ra một lực hút hấp dẫn, thôi thúc Quảng Trị triển khai các bước chuẩn bị để sớm hoàn thiện dự án trước lúc trình Chính phủ phê duyệt. Một cảng biển được xây dựng theo dự toán ban đầu khoảng 20.000 tỷ đồng, quả là con số khổng lồ so với tiềm lực nền kinh tế Quảng Trị. Và thật sự ""choáng ngập"" về tầm vóc, quy mô xây dựng theo công nghệ đào được lồng ghép liên hoàn với tổ hợp kinh tế dịch vụ, hậu cần, khu logistics...Nhưng cũng giống như thủy điện Rào Quán, cảng biển Mỹ Thủy là công trình trọng điểm, mở đầu cho một giai đoạn phát triển. Hai công trình ở hai thời điểm khác nhau, một ở núi cao, một ở biển sâu nhưng cùng ấp ủ một giấc mơ về tương lai giàu mạnh trên vùng đất nghèo Quảng Trị. Bài và ảnh: Hồ Nguyên Kha