Phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông Quảng Trị- Định hướng và giải pháp (Kỳ 2)
(QT) - Báo chí - Xuất bản: Phát triển hạ tầng hiện đại, mở rộng diện phủ sóng, mạng lưới phát hành Đối với phát thanh, thúc đẩy việc chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng từ công nghệ tương tự sang công nghệ số. Từng bước hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn, phát sóng nhằm thu hút các nguồn lực để phát triển hạ tầng kỹ thuật phát thanh. Giai đoạn 2015- 2020 tăng thêm 1 kênh phát thanh số có nội dung thời sự, thể thao, ca nhạc, tăng thời lượng phát sóng chương trình của Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh và tăng thời lượng chương trình tự sản xuất. Thông qua nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, đầu tư xây dựng hệ thống truyền thanh cơ sở, tiến tới xóa “xã trắng” về đài truyền thanh. >>> Phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông Quảng Trị - Định hướng và giải pháp (Kỳ 1) Đối với truyền hình, đầu tư, nâng cấp trang thiết bị các đài trạm thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đảm bảo đủ điều kiện tiếp sóng Đài tỉnh và Trung ương. Số hóa toàn bộ chương trình truyền hình và phát sóng qua mạng truyền dẫn phát sóng số mặt đất, phát sóng qua mạng internet, phát sóng qua vệ tinh. Chuẩn bị các điều kiện về thời lượng, nội dung chương trình, về kinh phí đầu tư để phát sóng kênh truyền hình Quảng Trị lên vệ tinh. Cơ bản ngừng phát sóng tương tự trước năm 2020 trên phạm vi toàn tỉnh.
 |
Đọc báo tại thư viện nhà trường - Ảnh: THÀNH DŨNG |
Đối với thông tin điện tử, cần đầu tư phát triển các trang thông tin điện tử của các cơ quan báo chí thành các tờ báo điện tử, phát triển truyền thông đa phương tiện. Tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng các trang thông tin điện tử của các ngành, đơn vị, địa phương. Đến cuối năm 2015, 100% các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp chủ lực có trang thông tin điện tử hoạt động ổn định, hiệu quả. Về in, cần tăng cường đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị nhưng phải đảm bảo yêu cầu vừa có quy mô phù hợp, vừa có công nghệ thích ứng. Chú trọng đầu tư in offset, đầu tư công nghệ truyền hình ảnh qua kẽm nhiệt... Chuyển dịch cơ cấu in theo hướng tăng sản lượng ấn phẩm có chất lượng cao, trong đó sản lượng báo chí và các ấn phẩm sẽ tăng, ngoài ra các nhu cầu khác như in bao bì, nhãn hàng... cũng sẽ tăng cùng với sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp, khu dịch vụ du lịch... trên địa bàn tỉnh. Về phát hành, mở rộng mạng lưới, quy mô hoạt động, tăng cường liên kết với các cơ sở phát hành lớn trong nước, thúc đẩy xuất khẩu xuất bản phẩm (trong đó có các xuất bản phẩm song ngữ, đa ngữ... ) đến các nước trên Hành lang Kinh tế Đông-Tây, đặc biệt chú ý đến cộng đồng Việt kiều. Ngoài phát hành theo cơ chế thị trường, cần đẩy mạnh phát hành công ích, tăng cường cung cấp xuất bản phẩm về cơ sở. Giải pháp phát triển Sau đây là một số giải pháp chính nhằm từng bước “hiện thực hóa” định hướng đã xác định. 1. Nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện quy hoạch Tiếp tục tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển Bưu chính, Viễn thông và CNTT tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2008- 2015 và định hướng phát triển đến năm 2020 (nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch này khi điều kiện cho phép), Quy hoạch phát triển Báo chí tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển ngành Xuất bản, In và Phát hành tỉnh Quảng Trị đến năm 2020. Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông có công nghệ hiện đại, độ phủ rộng khắp với thông lượng lớn, tốc độ và chất lượng cao trên cơ sở hội tụ công nghệ. Phát huy mọi nguồn lực để mở rộng, phát triển hạ tầng mạng. Khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông đầu tư phát triển hạ tầng mạng về vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc cung ứng dịch vụ viễn thông công ích trên địa bàn. Xây dựng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông phù hợp với quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xác định quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông là nội dung bắt buộc trong quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn. Xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin, tạo môi trường làm việc điện tử rộng khắp trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, xây dựng Chính phủ điện tử. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến với mức độ cao, trên diện rộng cho người dân và doanh nghiệp. Quy hoạch phát triển hạ tầng phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, mạng lưới in ấn, phát hành gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, quy hoạch ngành và địa phương, với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ví dụ, quy hoạch các cơ sở in của tỉnh gắn với quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo có chất lượng, hiệu quả, nhằm phát triển hạ tầng phát thanh, truyền thanh cơ sở. 2. Giải pháp về nguồn lực tài chính Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010- 2015 đã nêu giải pháp chính về nguồn lực phát triển thông tin và truyền thông 5 năm 2010-2015 là “đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật của lĩnh vực bưu chính, viễn thông, thông tin truyền thông, truyền hình”. Cùng với nguồn đầu tư của ngân sách Trung ương và địa phương, cần tăng cường huy động tổng lực các nguồn xã hội hóa mới có thể đẩy nhanh tốc độ phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông của tỉnh. Về CNTT: Thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho hoạt động CNTT-TT, gồm nguồn kinh phí sự nghiệp thông tin và truyền thông hàng năm, kinh phí Trung ương hỗ trợ thực hiện đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT - TT”; nguồn vốn sự nghiệp khoa học; các nguồn vốn doanh nghiệp và xã hội; các chương trình, dự án hợp tác đầu tư và hỗ trợ không hoàn lại của nước ngoài; vốn ngân sách địa phương và vốn huy động từ các dịch vụ CNTT - TT. Về bưu chính viễn thông: Tiếp tục triển khai chương trình viễn thông công ích giai đoạn 2011-2015. Tranh thủ nguồn vốn của doanh nghiệp, nguồn vốn xã hội hóa, vốn từ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để phát triển hạ tầng. Thực hiện chính sách xã hội hóa, các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư của nhà nước, của tỉnh đã ban hành. Xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển dịch vụ, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng bưu chính, viễn thông, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển hạ tầng, cung cấp các dịch vụ thông tin và truyền thông. Về báo chí, xuất bản: Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo năm 2012 và giai đoạn 2012-2015, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và huy động các nguồn vốn khác của Trung ương, của tỉnh, nguồn xã hội hóa để đầu tư phát triển hạ tầng phát thanh, truyền hình theo hướng hiện đại. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghệ thông tin để phát triển báo chí điện tử, thông tin điện tử, thư viện điện tử phục vụ đắc lực cho công tác thông tin đối ngoại của tỉnh. Tỉnh cần đầu tư hình thành nhà xuất bản, đầu tư xây dựng cơ sở in chủ lực của tỉnh, từng bước phát triển ngành in với công nghệ, thiết bị hiện đại. Hỗ trợ, khuyến khích việc mở rộng mạng lưới phát hành trên địa bàn tỉnh. 3. Giải pháp về công tác quản lý nhà nước Phát triển hạ tầng phải đi đôi với quản lý tốt. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã đề ra yêu cầu nâng cao năng lực làm chủ công nghệ và hiệu lực, hiệu quả quản lý hệ thống hạ tầng thông tin, nội dung thông tin. Cần tăng cường tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực hiện có và bổ sung nguồn nhân lực có trình độ cao để nâng cao năng lực làm chủ công nghệ, năng lực quản lý, xây dựng, vận hành, khai thác các công trình hạ tầng thông tin và truyền thông. Cùng với việc xây dựng đội ngũ chuyên trách về CNTT trong các cơ quan nhà nước, cần nâng cao trình độ, năng lực làm chủ công nghệ cho đội ngũ này thông qua các khóa tập huấn, đào tạo chuyên môn sâu, chuyên môn cao (đào tạo quản trị mạng, bảo mật mạng thông tin... ). Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hệ thống hạ tầng thông tin (trong đó có quản lý đầu tư kết cấu hạ tầng thông tin), nội dung thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện tốt các văn bản quy định của tỉnh về quản lý hạ tầng thông tin: quy định về ngầm hóa cáp thông tin, về đảm bảo an toàn cơ sở hạ tầng, an ninh thông tin và phòng chống tội phạm trong lĩnh vực thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh… Đồng thời, tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới như xây dựng Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của tỉnh, xây dựng Đề án phát triển hệ thống truyền thanh cơ sở... nhằm quản lý tốt việc đầu tư kết cấu hạ tầng thông tin và truyền thông; rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy việc phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông. Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp nhằm nâng cao việc sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật giữa các ngành giao thông, điện lực, viễn thông. Xây dựng kế hoạch và lộ trình ngầm hóa mạng cáp và sử dụng chung cơ sở hạ tầng giữa các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn. Nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đầu tư phát triển hạ tầng CNTT. Tăng cường quản lý nội dung thông tin bằng cách tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về hạ tầng thông tin và truyền thông, về quản lý thông tin điện tử, nội dung số, quản lý thuê bao di động trả trước, chống thư rác… Tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm về hạ tầng thông tin, nội dung thông tin. Phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông có tác động quan trọng đến sự vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và toàn bộ nền kinh tế, trong đó phát triển CNTT được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong từng ngành, từng lĩnh vực. Do vậy, cùng với sự nỗ lực của ngành thông tin và truyền thông, tất cả các ngành và các địa phương, đơn vị cần gắn kết nhiệm vụ phát triển hạ tầng của mình với nhiệm vụ phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông, đặc biệt xác định phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông phải đi trước, có như vậy mới xây dựng và phát triển được hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhằm góp phần tạo nên tốc độ phát triển nhanh và bền vững của tỉnh. NGUYỄN HOÀN