Tôi tìm “O Diệp Gio An”
(QĐND) - Trang chuyên đề Tiếp lửa truyền thống vừa nhận được bản hồi ký đầy cảm xúc của cựu chiến binh Đặng Sĩ Ngọc, thương binh 1/4 ở phường Hưng Dũng, thành phố Vinh, Nghệ An. Nhân vật chính trong câu chuyện "O Diệp Gio An" mà ông kể dưới đây có hoàn cảnh thật éo le - mọi người thân đều hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; bản thân o Diệp còn hay mất cũng chưa ai hay...

Tôi tìm “O Diệp Gio An”

(QĐND) - Trang chuyên đề Tiếp lửa truyền thống vừa nhận được bản hồi ký đầy cảm xúc của cựu chiến binh Đặng Sĩ Ngọc, thương binh 1/4 ở phường Hưng Dũng, thành phố Vinh, Nghệ An. Nhân vật chính trong câu chuyện "O Diệp Gio An" mà ông kể dưới đây có hoàn cảnh thật éo le - mọi người thân đều hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; bản thân o Diệp còn hay mất cũng chưa ai hay...

Chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc đoạn hồi ký về o Diệp của thương binh Đặng Sĩ Ngọc.

Từ miền Bắc vào Quảng Trị, chúng tôi vượt bến Cẩm Sơn lúc chập choạng tối, tiếng ùng oàng của pháo nổ gần xa không ngớt. Mùi thuốc nổ trộn lẫn với mùi lá cây tươi giập nát, mùi bùn đất mới lật lên, mùi khét của bom na-pan... hỗn hợp khó chịu. Cách sông Bến Hải phía Namthượng nguồn chừng 500m, trung đội tôi được bổ sung 2 cô du kích dẫn đường. Dưới ánh trăng mờ, mọi người đều thấy 2 cô mặc bà ba đen, cũng ba lô con cóc, súng AK, thắt lưng mắc lựu đạn, băng đạn, bi đông nước và túi vải đựng cơm vắt; người nhỏ gọn, tiếng nói nhẹ nhàng, rất trẻ làm tôi quên đi mọi nỗi nhọc nhằn của cả tháng hành quân xa. Mới 17-18 tuổi thôi, nhưng ở đây, nơi chiến trận, các cô đã quen phòng tránh, già dặn những kinh nghiệm chiến đấu với quân thù trên đất quê hương.

Sau khi "B trưởng" giới thiệu, một trong 2 cô nói nhanh: "Em tên là Diệp, còn o ni là Lệ, vào đây gần địch rồi mấy eng nghe tụi em. Không được ở đây lâu vì địch hay dùng bom tọa độ và cối từ đồn bắn cầm canh vu vơ. Mỗi người cách nhau 5 mét! Đi theo chúng em! Nào ta bắt đầu!”.

Thương binh Đặng Sĩ Ngọc (người đứng ở hàng ghế đầu, thứ 4 từ trái sang) gặp lại các bạn chiến đấu trên chiến trường Trị Thiên (ảnh chụp tháng 2-2008). Ảnh do tác giả cung cấp

Chúng tôi lại xốc ba lô, đeo súng đạn lên người. Diệp còn nói thêm: "Nếu gặp địch, bọn em có nổ súng, mấy eng mới được đánh nghe!".

Thế là chúng tôi lại hành quân. Qua làng An Nha, chúng tôi đến địa điểm chốt. Nói là làng nhưng kẻ địch đã đốt trụi nhà cửa. Trâu, bò, lợn, gà chạy cả vào rừng. Dân chúng một số chạy ra Vĩnh Linh, số còn lại bị chúng nhốt vào các ấp chiến lược ở tuyến trong. Tất bật suốt đêm đào bới, mờ sáng chúng tôi đã có hầm được ngụy trang cẩn thận chờ địch. Trước lúc trở lại dẫn đường cho đơn vị khác. Diệp và Lệ còn đi từng hầm bắt tay và chúc chúng tôi lập công diệt cho được giặc Mỹ trên mảnh đất này. Cầm tay Diệp ấm áp, mảnh mai, tôi biết mình đang lớn.

Vài ngày sau, lực lượng ta được bố trí đầy đủ, đúng đội hình. Quân giải phóng dụ địch ra bằng những phát súng trường có máy ngắm bắn tỉa vào Cồn Tiên, tiêu diệt vài tên Mỹ. Địch bắt đầu cho máy bay ném bom, giã pháo cối, rồi trực thăng đổ quân. Chúng tôi nổ súng. Tôi cùng đồng đội bắt đầu những trận chiến đấu đầy căng thẳng, quyết liệt. Vào những ngày như thế, du kích Gio An cũng bận rộn, hối hả đưa bộ đội vào, đưa liệt sĩ và thương binh ra. Cũng vài lần thấy bóng Diệp thoăn thoắt, vui cười giữa nơi chiến trận. Giữa tháng 8-1967, một loạt bom tọa độ làm tôi bị thương nhẹ, o Lệ cùng một chiến sĩ của đơn vị tên là Thược hy sinh tại ngã ba làng Gia Bình.

* * *

Mãi tới 4 năm sau, khi các quân binh chủng hợp thành tấn công vào Quảng Trị. Lúc này, tôi đã chỉ huy một đại đội pháo phòng không, nhìn vào bản đồ, đồng chí tác chiến đã ghi Ngã ba Gia Bình thành Ngã ba o Lệ. Chúng tôi cùng bộ binh, qua Gio An ào ạt giải phóng Đông Hà, Ái Tử-La Vang... Vào Thành cổ, thấy biết bao nhiêu là dân quân du kích nam nữ của địa phương Quảng Trị, gặp ai tôi cũng hỏi: “Có Diệp Gio An đó không?”. Chính những lúc này mới hiểu dân quân du kích cũng chẳng khác gì bộ đội chủ lực khi vào trận. Cùng truy kích địch căng thẳng, quyết liệt và đầy gian khổ hy sinh... Có người trả lời: “Diệp mới ra tuyến sau”.

Tôi băn khoăn không biết Diệp có chuyện gì? Nhưng vì tiến công địch bận rộn tôi không còn thời gian nghĩ đến Diệp nữa.

Quyết liệt nhất là khi quân địch liều chết nống ra chiếm lại thị xã Quảng Trị, tại Long Hưng, Đại Nại, một mảnh đạn cối làm tôi gãy chân phải. Đồng đội cùng dân quân Gio An cáng tôi về Vĩnh Chấp xa hàng mấy chục ki-lô-mét - nơi có bệnh xá sư đoàn cấp cứu. Khi tỉnh lại, tôi đã thấy Diệp Gio An bên giường bệnh của mình. Hỏi ra mới biết Diệp cũng đang điều trị tại bệnh xá dân y gần đó. Nghe tin tôi bị thương, Diệp sang ngay để thăm hỏi, tay bắt mặt mừng, miệng ríu rít rộn ràng như gặp lại người ruột thịt thân yêu. Diệp để ra-đi-ô cho tôi theo dõi chiến sự (phải nói ra-đi-ô lúc này rất hiếm, cán bộ cấp tiểu đoàn trở lên và dân quân hoạt động lâu mới được dùng). Diệp kiếm thêm cam, chuối, trứng, sữa, đường... động viên tôi ăn. Có Diệp ở bên, tôi như thấy có mẹ, có chị, em gái, có tình thương phụ nữ chăm sóc thắm tình. Có lần trên giường bệnh, tôi được Diệp đến chăm, quạt mát. Tôi nhìn vào mắt Diệp, lòng trào lên sự khâm phục, trìu mến mông lung rồi tự nghĩ: “Người này mà làm dâu mẹ mình thì hạnh phúc biết mấy”. Bản tính của phụ nữ báo cho Diệp biết trong cái nhìn của tôi là chân thành. Diệp hỏi mạnh bạo:

- Diệp làm chị dâu của em gái eng được không?

Tôi bàng hoàng, lặng đi giây lát, nước mắt giàn giụa, trào dâng hạnh phúc trả lời:

- Nhưng đang đầy bom đạn thế này, quê hương lại xa quá mà anh thì đã bị thương nặng...

Nửa tháng sau, do vết thương quá nặng tôi phải chuyển ra Bắc. Diệp quay lại mặt trận.

Chiến tranh kết thúc đã gần 40 năm, tôi đã được điều trị, an dưỡng, mang trên mình thương tật 81%. Cũng như nhiều thương binh khác, về quê hương tôi có tổ ấm gia đình, có vợ hiền đảm đang, có con ngoan chăm học. Được nhìn đất nước tự do, đổi mới, tôi bắt đầu tìm kiếm đồng đội sau chiến tranh, những tình cảm đã bên mình theo Đảng từng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Nhiều đồng chí đã ngã xuống trên quê hương Quảng Trị anh hùng mà mãi cho đến nay chúng tôi không sao quên được những phút giây bồi hồi thương xót. Những anh chị ấy để lại danh thơm cho đất nước. Số bị địch bắt tù đày, số bị thương như tôi, số anh em nguyên vẹn thì như hạt gạo trên sàng, thành cán bộ, sĩ quan, thành công nhân viên chức nhà nước. Mỗi người mỗi ngả, khắp mọi miền của Tổ quốc thống nhất. Mỗi khi được gặp mặt trong ngày truyền thống của đơn vị anh hùng năm xưa, gặp đồng chí nào của thời kỳ “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam”, tôi cũng hỏi:

- Có nhớ Diệp Gio An ngày ấy không?

Mọi người đều nói nhớ, sôi động rộn ràng kể chuyện o Diệp như những câu chuyện huyền thoại về phụ nữ Việt Nam đánh giặc, như những kỳ tích bất khuất của con cháu Bác Hồ đánh Mỹ và không biết o Diệp Gio An ngày ấy bây giờ còn hay đã hy sinh. Chúng tôi đã chứng kiến Diệp và các thiếu nữ Nam, Bắc sông Bến Hải không có một thời áo trắng. Đã cùng quân dân đánh giặc đầy gian khổ hy sinh để giải phóng quê hương. Nếu Diệp còn, chắc đã thành mẹ, thành bà. Tôi muốn được cảm ơn Diệp bằng tấm lòng chân thành vì o cũng như nhân dân Gio An và đồng đội đã cứu tôi sống sót trong chiến đấu. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, mỗi lần đưa tin về Quảng Trị đổi mới, chúng tôi theo dõi từng ngày và hình ảnh o Diệp lại hiện về trong ký ức.

Cách đây 5 năm, khi tôi đưa một gia đình đến tìm hài cốt liệt sĩ là con họ ở Cam Thanh, Cam Lộ và được cán bộ, nhân dân địa phương đón tiếp nhiệt tình. Cùng đi có nhà báo Minh Trí, anh liếc qua nhật ký cũ nát vì thời gian của tôi ghi từ những ngày gian khổ đó. Anh thấy có tên Diệp Gio An. Anh hồ hởi nói với tôi: “Diệp Gio An vẫn còn. Hình như làm việc ở Hội liên hiệp phụ nữ Đông Hà, tối tôi gọi điện thoại thử, nếu phải, đưa cô ấy sang thăm anh”. Tôi thấp thỏm mừng thầm, nhưng khi Minh Trí sang, anh bảo: “Diệp này quê Triệu Phong, hoạt động ở Thành cổ chứ không phải Diệp Gio An anh ạ”.

Ngày tháng cứ trôi đi, tôi chưa tìm được Diệp vì thương tật, lại xa xôi cách trở. Ở “Làng Đỏ” quê tôi bây giờ có đội văn nghệ cựu chiến binh, các anh chị đều là những diễn viên đầy tự tin, luôn biểu diễn những bài hát cách mạng từ những ngày nông hội đỏ. Những ca khúc về thời kỳ Đổi mới. Nhưng sâu sắc nhất vẫn là những bài hát chống Mỹ, trong đó có bài “Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng” và bài “Nữ du kích Trị Thiên đánh xe tăng”. Mỗi lần nghe những bài hát này, ở bất kỳ nơi đâu, tôi cũng rất xúc động... Muốn cảm ơn họ đã hát thay mình, ca ngợi một mảnh đất thân thương mà tôi cũng góp một phần xương máu, ca ngợi những con người quê hương như o Diệp trong quá khứ vinh quang hào hùng của đất nước.

ĐẶNG SĨ NGỌC