Nguy cơ ngộ độc do ăn cá nóc
(QT) - Mặc dù trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tích cực tuyên truyền, khuyến cáo người dân không nên ăn cá nóc vì độc tố trong loài cá này nguy hiểm đến tính mạng nhưng nhiều người dân (nhất là ngư dân) ở một số địa phương ven biển vẫn xem cá nóc là món ăn “khoái khẩu”. Cá nóc được mua, bán, chế biến thành món ăn hằng ngày, thậm chí còn được một số người rao bán trên facebook…

Nguy cơ ngộ độc do ăn cá nóc

(QT) - Mặc dù trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tích cực tuyên truyền, khuyến cáo người dân không nên ăn cá nóc vì độc tố trong loài cá này nguy hiểm đến tính mạng nhưng nhiều người dân (nhất là ngư dân) ở một số địa phương ven biển vẫn xem cá nóc là món ăn “khoái khẩu”. Cá nóc được mua, bán, chế biến thành món ăn hằng ngày, thậm chí còn được một số người rao bán trên facebook…

Cá nóc cơm được ngư dân cho là không ngộ độc khi chế biến thành món ăn​

Buổi sáng, có mặt tại bờ biển thôn Hà Tây, xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tôi gặp ngư dân Nguyễn V. A. vừa trở về sau một đêm ra khơi đánh bắt tôm, cá. Trong khoang thuyền, ngoài các loại cá khác có thêm mớ cá nóc tươi rói. Thấy tôi chăm chú nhìn vào mớ cá nóc trong khoang thuyền, ông A. cười nói: “Mỗi lần đi biển vào, tôi đều giữ lại một vài cân cá nóc để chế biến thành món ăn hoặc phơi khô dùng dần. Bà con ngư dân biết phân biệt cá nóc gì ăn được và chỉ tự tay mình chế biến thì mới dám ăn”. Khi nghe tôi nhắc đến độc tố có trong cá nóc gây chết người, ông A. tự tin: “Cá nóc có nhiều loại, có loại độc tố ít, có loại độc tố nhiều. Khi chế biến cần phân biệt được loại cá nóc nào an toàn để sử dụng. Cá nóc độc tố nhiều là loại cá nóc hòm, cá nóc gai, cá nóc hoa ở ngoài khơi xa, thường có phần gân và đuôi màu đen. Loại cá nóc này ngư dân chúng tôi thường bỏ đi sau khi đánh bắt được. Còn cá nóc độc tố ít mà ngư dân ven biển thường chế biến thành món ăn là loại cá nóc cơm thường có gân và đuôi màu vàng. Biết là cá nóc có độc tố nếu ăn có thể gây ngộ độc chết người, nhưng biết cách làm thì ăn được hết. Thịt cá nóc thơm ngon hơn cả thịt gà. Cá nóc sau khi đánh bắt về, tôi thường mang về nhà và chế biến thành nhiều món ăn như cá nóc kho sả, nấu canh chua, um…”.

Tại Cảng cá Cửa Tùng ở thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tôi gặp một số phụ nữ đang ngồi trên bến tỉ mẩn xẻ từng con cá nóc sau đó cho lên vỉ để phơi nắng. “Ở đâu không biết, chứ riêng ở vùng này nhiều người “nghiện” món ăn chế biến từ cá nóc. Cá nóc đánh bắt từ biển vào đến bến cá là có người thu mua hết. Hiện tại, giá cá nóc tươi giao động khoảng 7.000 - 8.000 đồng/kg; cá nóc sau khi xẻ phơi khô sẽ có giá gần 200.000 đồng/kg (sở dĩ cá nóc khô có giá cao là bởi bình quân khoảng 10 - 15 kg cá nóc tươi mới được 1 kg cá nóc khô). Muốn xẻ cá nóc để chế biến thành món ăn hoặc phơi khô mà không bị dính độc tố thì phải trải qua vài công đoạn. Công đoạn đầu tiên là phải lựa chọn đúng loại cá nóc cơm, còn các loại cá nóc khác lẫn vào phải lập tức bỏ đi. Sau đó dùng dao cắt đầu, lột da, lấy hết nội tạng của cá nóc mới cho vào nước pha muối rửa sạch rồi đem phơi khô hoặc chế biến thành món ăn. Hiện tại, muốn mua cá nóc để ăn không khó. Ngoài những người bán cá nóc tươi, khô tại các cảng cá hoặc thôn, xóm ven biển, thì chỉ cần lên facebook là có người đáp ứng nhu cầu ngay”, chị Dương T. T. cho biết.

Để kiểm chứng lời chị T., tôi vào facebook để tìm kiếm thông tin về nơi bán cá nóc và không khó để tìm ra nhiều địa chỉ facebook bán cá nóc khô, cá nóc nướng với những lời mời chào như “Thuyền gia đình em câu cá nóc về nhiều, ai có nhu cầu liên hệ…”; “Cá nóc nhà em làm sạch, ngon. Ai có nhu cầu thì đến nhà em hoặc liên hệ theo số điện thoại…”...

Được biết, chất độc của cá nóc tập trung ở da, ruột, gan, cơ bụng, túi tinh và nhiều nhất ở trứng cá, vì vậy con cái độc hơn con đực (đặc biệt là vào mùa sinh sản, chất độc đó gọi là tetrodotoxin). Đây là một loại độc tố thần kinh cực độc, gấp hơn 1.200 lần so với cyanua. Độc tố của một con cá đủ giết chết 30 người. Một điều đáng lưu ý là bản thân con cá nóc không thể sinh tổng hợp được độc tố, chất tetraodotoxin trong cá nóc là do các vi khuẩn cộng sinh (symbiotic bacteria), chủ yếu là nhóm Pseudomonas và Vibrio vì một vài loại khác sinh tổng hợp ra. Do đó, nếu cá nóc được nuôi dưỡng cách li thì độc tố không hiện diện. Bình thường độc tố tồn tại trong cá ở dạng tiền độc tố tetrodomin không độc. Khi cá nóc bị ươn hoặc bị bầm dập, tetrodomin sẽ biến đổi thành tetrodotoxin gây độc. Khi đun sôi ở nhiệt độ 100 độ C trong 6 giờ độc tố tetrodotoxin mới giảm đi 50%, nó chỉ mất đi khi đun sôi ở 200 độ C trong 10 phút. Vì vậy, không thể làm mất độc tố trong cá nóc bằng cách nấu và chế biến thông thường. Hiện nay, hoàn toàn chưa có thuốc giải đặc hiệu cho các trường hợp ngộ độc cá nóc. Biện pháp chữa trị chỉ là súc rửa dạ dày hoặc dùng than hoạt tính để thải loại bớt chất độc, hô hấp nhân tạo, truyền dịch nhằm tăng cường sức chống chịu của cơ thể...

Trước mối nguy hiểm từ việc chế biến cá nóc làm thức ăn, nhiều cơ quan, ban, ngành, địa phương đã tích cực trong công tác tuyên truyền, cảnh báo người dân không nên ăn cá nóc vì độc tố trong cá nguy hiểm đến tính mạng con người. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người vẫn chủ quan, thiếu hiểu biết và không tuân theo khuyến cáo của các ngành chức năng, đặc biệt là ngư dân vùng biển. Nhiều người thừa nhận có biết đến thông tin cá nóc chứa độc tố, tuy nhiên họ vẫn cho rằng, những nạn nhân bị ngộ độc do ăn phải cá nóc có độc hoặc không biết cách chế biến nên vẫn ăn bình thường.

Hoàng Tiến Sĩ