Vì sao người cận nghèo còn thờ ơ với bảo hiểm y tế?
(QT) - “Lúc đau ốm, bà con có thể làm lợn, gà, dâng lễ vật cúng tế với số tiền lên đến cả triệu đồng. Thế nhưng, khi được vận động chi một khoản tiền nhỏ mua thẻ bảo hiểm để khám chữa bệnh cả năm thì họ lại lắc đầu” – Câu chuyện xoay quanh thực trạng người dân thuộc diện hộ cận nghèo thờ ơ với việc đóng bảo hiểm y tế (BHYT) của chúng tôi bắt đầu từ lời tâm sự của một cán bộ Phòng Bảo hiểm xã hội huyện Đakrông (Quảng Trị). Là một trong 62 huyện nghèo theo Quyết định 30A của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, các đối tượng thuộc diện hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Đakrông được hỗ trợ gần 90% mức phí đóng BHYT (trích từ ngân sách nhà nước và Dự án Hỗ trợ y tế Bắc Trung Bộ). Tuy nhiên, trong năm 2011, toàn huyện chỉ có 427 đối tượng cận nghèo tự nguyện tham gia đóng bảo hiểm; năm 2012 có 1.076 hộ cận nghèo nhưng đến thời điểm hiện tại, danh sách mua thẻ BHYT chỉ gồm 209 người.
Để giải bài toán trên, thiết nghĩ các ban ngành liên quan cần làm tốt công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc đóng BHYT cũng như quyền lợi mà bà con được thụ hưởng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương nên quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống của người dân. Đặc biệt, nhằm giúp người dân tin tưởng hơn vào “sức nặng” của tấm thẻ BHYT, ngành Y tế cần nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh, trong đó chú trọng đến việc phát triển đội ngũ cán bộ cũng như trang thiết bị y tế ở tuyến xã. Có thế người người, nhà nhà mới thực sự quan tâm đến chiếc thẻ BHYT. |
Chuyện người dân thuộc diện hộ cận nghèo thờ ơ với việc đóng BHYT không phải là thực trạng riêng của huyện Đakrông. Hiện nay, theo quy định, đối tượng thuộc diện hộ cận nghèo được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% chi phí mua thẻ BHYT. Tại một số vùng miền có điều kiện khó khăn, các tổ chức và địa phương còn trích ngân sách hỗ trợ thêm 20-30% mức phí còn lại. Tuy vậy, đến nay cả nước mới có khoảng 25% trong tổng số hơn 6 triệu người cận nghèo tham gia đóng BHYT. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến việc người dân thờ ơ với BHYT? Theo chuẩn nghèo, cận nghèo quy định trong giai đoạn 2011-2015, hộ cận nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000-520.000 đồng/người/tháng và hộ cận nghèo ở thành thị có mức thu nhập bình quân từ 501.000 đồng- 650.000 đồng/người/ tháng. Vì được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% số tiền mua thẻ BHYT, mỗi năm người cận nghèo phải đóng thêm gần 200.000 đồng. So sánh với mức thu nhập hàng tháng thì chi phí 30% mà người cận nghèo phải đóng thêm là không nhỏ. Vì thế, có trường hợp bà con muốn tham gia BHYT nhưng đành ngậm ngùi cho qua vì lý do... “cơm còn chẳng đủ ăn”. Tuy nhiên, đó không phải là thực tế phổ biến. Tại một số xã, thị trấn, người dân thuộc diện hộ cận nghèo vẫn có tiền để lo cúng tế mỗi khi ốm đau hoặc mua thuốc tại các quầy thuốc tây nhưng lại không mảy may nghĩ đến việc nộp BHYT. Họ suy nghĩ khá đơn giản theo lối “được chăng hay chớ”, ít quan tâm đến những rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong tương lai. Ở nhiều miền quê, nhận thức của người dân thuộc diện hộ cận nghèo về việc đóng BHYT rất hạn chế. Không ít người chưa hiểu chính sách BHYT ưu việt thế nào, thậm chí không nghĩ bản thân là đối tượng nằm trong diện được hỗ trợ. Khi ốm đau, nghe nhân viên y tế giải thích về quyền lợi được hưởng thì họ mới sốt sắng đóng BHYT. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ ngành bảo hiểm cũng như chuyên trách viên cấp xã đến nay còn hạn chế về cả số lượng lẫn năng lực. Thế nên, việc tập trung tuyên truyền, vận động giúp người dân đóng BHYT vẫn còn để ngỏ. Một thực tế khác khiến người dân nói chung và các đối tượng thuộc diện hộ cận nghèo nói riêng thờ ơ với việc đóng BHYT là do họ chưa hài lòng với chất lượng khám chữa bệnh. Những năm gần đây, ngành y tế triển khai khám BHYT ban đầu từ tuyến xã. Tuy nhiên, điều đáng nói là hầu hết các trạm y tế xã đều thiếu thốn cả trang thiết bị lẫn đội ngũ y, bác sĩ. Thông thường, hầu hết người dân chỉ đến viện khi mắc bệnh nặng. Nếu phải đợi làm thủ tục chuyển viện từ tuyến xã lên tuyến huyện, tuyến tỉnh rồi mới đến tuyến trung ương thì phải mất thời gian khá lâu bệnh càng thêm nặng. Không dừng lại ở đó, nhiều người dân tỏ ra ngán ngẩm khi cầm thẻ BHYT đến các cơ sở khám chữa bệnh nhưng lại đối diện với thái độ phục vụ thiếu thiện cảm của nhân viên y tế, thủ tục khám bệnh rườm rà, thời gian chờ đợi dài... Trong điều trị, bệnh nhân nhiều khi phải nằm ghép 2-3 người/giường. Đối với người chẳng may mắc bệnh nan y, hầu hết các loại thuốc đặc trị đắt tiền đều nằm ngoài danh mục BHYT. Nhưng dù với bất cứ lý do gì thì BHYT vẫn là chiếc “phao cứu sinh” của người nghèo nếu chẳng may họ bị ốm đau phải vào nằm viện. Hơn nữa, trong khi nhiều địa phương và bệnh viện đang thực hiện áp dụng giá viện phí mới thì BHYT càng thể hiện rõ hơn vai trò với người bệnh về mức chi trả thấp nhất. Vì thế, việc người dân nói chung, người cận nghèo nói riêng tham gia BHYT là rất cần thiết. Chính sách hỗ trợ cho người cận nghèo tham gia BHYT đã được triển khai nhiều năm nay. Nếu trước đây người cận nghèo tham gia BHYT được Nhà nước hỗ trợ 50% mức phí thì từ ngày 1/1/2012, mức hỗ trợ này đã tăng lên 70%. Nghĩa là với hơn 6 triệu người cận nghèo, mỗi năm dự tính ngân sách nhà nước sẽ chi trả gần 2.400 tỷ đồng để mua BHYT. Tuy nhiên, trong khi ngân sách nhà nước dành khoản tiền khá lớn để hỗ trợ cho đối tượng cận nghèo mua BHYT mà số người tham gia lại rất ít, khoản tiền này sẽ khó giải ngân hết, đồng nghĩa với đó là chính sách ưu việt của Nhà nước chưa phát huy hết hiệu quả. Thực tế ấy đáng để các nhà hoạch định chính sách phải trăn trở. Để giải bài toán trên, thiết nghĩ các ban ngành liên quan cần làm tốt công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc đóng BHYT cũng như quyền lợi mà bà con được thụ hưởng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương nên quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống của người dân. Đặc biệt, nhằm giúp người dân tin tưởng hơn vào “sức nặng” của tấm thẻ BHYT, ngành Y tế cần nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh, trong đó chú trọng đến việc phát triển đội ngũ cán bộ cũng như trang thiết bị y tế ở tuyến xã. Có thế người người, nhà nhà mới thực sự quan tâm đến chiếc thẻ BHYT. Q.H