L.T.S: Từ ngày 28 - 30/9/2009, Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VII được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. 1.300 đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân, các chức sắc tôn giáo ... trong và ngoài nước tới dự. Với chủ đề: “Nâng cao vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, đại hội là đợt sinh hoạt chính trị của toàn Đảng, toàn quân và toàn thể nhân dân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Dịp này, báo Quảng Trị giới thiệu cùng bạn đọc quá trình hình thành, phát triển và những cống hiến to lớn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước qua các thời kỳ. 1. Các tổ chức tiền thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị về thành lập Hội Phản đế đồng minh- hình thức đầu tiên của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam. Hội Phản đế đồng minh đã tuyên truyền vận động dân chúng dấy lên cao trào phản đế mạnh mẽ trong cả nước, với đỉnh cao là phong trào Xô Viết- Nghệ Tĩnh. Trong những năm 1936-1939, Mặt trận dân chủ Đông Dương và Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương đã tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân chống đế quốc và bè lũ tay sai, đẩy mạnh phong trào đấu tranh cho dân sinh, dân chủ, dân quyền. Ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Minh ra đời đã giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, thu hút mọi giới đồng bào yêu nước, tạo thành cao trào đánh Pháp đuổi Nhật và là một nhân tố quyết định đưa Cách mạng tháng Tám thành công, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 29/5/1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt) thành lập, đã mở rộng hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Liên Việt đã cùng với Việt Minh huy động sức mạnh của nhân dân làm chỗ dựa vững chắc cho chính quyền cách mạng còn non trẻ và đối phó có hiệu quả với thù trong giặc ngoài, vượt qua thử thách trước tình thế cách mạng và vận mệnh dân tộc như ngàn cân treo sợi tóc. Ngày 3/3/1951, Mặt trận Việt Minh và Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam hợp nhất thành lập Mặt trận Liên Việt, đã động viên sức mạnh toàn dân, toàn quân tập trung sức người, sức của đẩy mạnh cuộc kháng chiến với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến” làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đến thắng lợi. Thời kỳ 1955-1975, cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, ba tổ chức Mặt trận: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (10/9/1955), Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1960), Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam (20/4/1968) cùng nhau phối hợp chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, tập hợp và phát huy đến mức cao nhất sức mạnh đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đến toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. * Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng là: Hội trưởng danh dự Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (5/1946); Chủ tịch danh dự Mặt trận Liên Việt (3/1951); Chủ tịch danh dự Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (10/9/1955). * Cụ Huỳnh Thúc Kháng, Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (5/1946). * Cụ Tôn Đức Thắng, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt (3/1951); Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (10/9/1955); Chủ tịch danh dự Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (4/1977). * Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1960). * Luật sư Trịnh Đình Thảo, Chủ tịch Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam (20/4/1968). 2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua các kỳ Đại hội Sau ngày đất nước thống nhất (năm 1975), để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ cách mạng mới, các tổ chức Mặt trận của 2 miền đất nước thống nhất thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Kể từ đó đến nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã qua 6 kỳ đại hội: Đại hội lần thứ I (1977): Đại hội họp từ ngày 31/1 đến ngày 4/2/1977 tại Hội trường Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh, hợp nhất 3 tổ chức Mặt trận: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam, lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đại hội đã hiệp thương, giới thiệu 191 vị tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đoàn Chủ tịch gồm 45 vị, Ban Thư ký gồm 7 vị, Chủ tịch danh dự: Cụ Tôn Đức Thắng; Chủ tịch: Cụ Hoàng Đức Việt. Đại hội lần thứ II (1983): Đại hội họp từ ngày 12/5 đến ngày 14/5/1983 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Chương trình hành động của Đại hội là hướng mọi hoạt động của Mặt trận đi vào thiết thực hướng về cơ sở, tới địa bàn dân cư. Đại hội cử ra Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa II gồm 184 vị, Đoàn Chủ tịch gồm 45 vị, Ban Thư ký gồm 8 vị, Chủ tịch danh dự: Cụ Hoàng Quốc Việt; Chủ tịch: Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát; Tổng Thư ký: Ông Nguyễn Văn Tiến. Đại hội lần thứ III (1988): Đại hội họp từ ngày 2/11 đến 4/11/1988 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Đây là Đại hội biểu dương lực lượng to lớn của toàn dân đoàn kết một lòng tiến hành công cuộc đổi mới. Đại hội đã cử ra Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa III gồm 166 vị, Đoàn Chủ tịch gồm 30 vị, Ban Thư ký gồm 6 vị, Chủ tịch danh dự: Cụ Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch: Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Phó Chủ tịch: Luật sư Phan Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký: Ông Phạm Văn Kiết. Đại hội lần thứ IV (1994): Đại hội họp từ ngày 17/8 đến 19/8/1994 tại hội trường Ba Đình, Hà Nội. Tham dự Đại hội có hơn 600 đại biểu đại diện cho các giai cấp và tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, các thành phần kinh tế trong nước và đồng bào Việt Nam sống ở nước ngoài. Đại hội đã long trọng công bố Chương trình 12 điểm “Đại đoàn kết dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước”. Đó là chương trình thể hiện ý nguyện của toàn Đảng, toàn dân quyết tâm chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đại hội đã cử ra Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IV gồm 206 vị. Trong đó Đoàn Chủ tịch gồm 40 vị, Ban Thường trực gồm 7 vị, Chủ tịch danh dự: Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch: Ông Lê Quang Đạo, Tổng Thư ký: Ông Trần Văn Đăng. Đại hội lần thứ V (1999): Đại hội họp từ ngày 26/8 đến 28/8/1999 tại hội trường Ba Đình, Hà Nội. Tham dự Đại hội có hơn 621 đại biểu đại diện cho các tổ chức thành viên, các địa phương, các dân tộc, tôn giáo, thành phần kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Các đoàn đại biểu nước ngoài gồm: Mặt trận xây dựng đất nước Lào, Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc, Ủy ban bảo vệ cách mạng Cuba, Mặt trận đoàn kết xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Campuchia, Hiệp hội đoàn kết và phát triển Liên bang Mianma. Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ V là cột mốc quan trọng đánh dấu việc thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc và tăng cường mặt trận dân tộc thống nhất trong thời kỳ phát triển mới của đất nước. Đại hội đã cử ra Ủy ban Trung ương MTTQVN khóa V gồm 253 vị, Đoàn Chủ tịch gồm 45 vị, Ban Thường trực gồm 9 vị, Chủ tịch: Ông Phạm Thế Duyệt; Tổng Thư ký: Ông Trần Văn Đăng. Đại hội lần thứ VI (2004): Đại hội họp từ ngày 21/9 đến 23/9/2004 tại hội trường Ba Đình, Hà Nội. Tham dự Đại hội có hơn 878 đại biểu đại diện các tổ chức thành viên, các địa phương, các dân tộc, tôn giáo, thành phần kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Các đoàn đại biểu nước ngoài gồm: Mặt trận Lào xây dựng và bảo vệ đất nước, Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc, Ủy ban bảo vệ cách mạng Cuba, Mặt trận đoàn kết xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Campuchia. Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VI là Đại hội đầu tiên của Mặt trận TQVN trong thế kỷ mới, thiên niên kỷ mới, là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, đánh dấu một thời kỳ phát triển quan trọng của dân tộc ta: Thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước. Đại hội đã cử ra Ủy ban Trung ương MTTQVN khóa VI gồm 320 vị, Đoàn Chủ tịch gồm 52 vị, Ban Thường trực gồm 8 vị, Chủ tịch: Ông Phạm Thế Duyệt, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký: Ông Huỳnh Đảm. Hội nghị lần thứ 5 Ủy ban Trung ương MTTQVN (khóa VI) họp tại Hà Nội từ ngày 7/1 đến 9/1/2008 đã hiệp thương cử các chức danh Chủ tịch và Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký mới như sau: Chủ tịch: Ông Huỳnh Đảm thay ông Phạm Thế Duyệt nghỉ hưu theo chế độ; Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký: Ông Vũ Trọng Kim. 3. Khái quát những kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VI Năm năm qua, Ủy ban MTTQVN các cấp và các tổ chức thành viên đã tích cực triển khai thực hiện khá đồng bộ Chương trình hành động do Đại hội MTTQVN lần thứ VI đề ra. Tăng cường và đa dạng hóa các hình thức tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. MTTQVN các cấp đã tăng cường củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thông qua việc thực hiện đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, phát triển thêm tổ chức thành viên và cá nhân tiêu biểu trong Mặt trận. Trong mỗi tổ chức thành viên của Mặt trận phát triển thêm nhiều hội viên, đoàn viên làm lực lượng nòng cốt trong các sinh hoạt chính trị và xã hội của các tầng lớp nhân dân, tạo nên sự linh hoạt trong thành phần, cơ cấu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xã hội rộng lớn do Mặt trận chủ trì, đặc biệt là “Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và “Ngày vì người nghèo” ngày càng đi vào cuộc sống. Ủy ban MTTQVN các cấp đã có nhiều hình thức tập hợp, phát huy vai trò của các cá nhân tiêu biểu trong các tầng lớp nhân dân. Trong Ủy ban Mặt trận các cấp đã được mở rộng các thành phần, có đủ đại diện của các dân tộc, các tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời các cấp Mặt trận đã tập hợp được ngày càng nhiều những người tiêu biểu và có uy tín trong nhân sĩ, trí thức, chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội tham gia các hoạt động của Mặt trận. Động viên nhân dân tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh, phát huy mọi nguồn lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” không ngừng được bổ sung, đổi mới nội dung và phương thức phù hợp với các mô hình khu dân cư. Với công sức của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, 6 nội dung cuộc vận động đã được khẳng định và có sức sống bền vững trong đời sống xã hội, trong quá trình xây dựng các cộng đồng dân cư tự quản, phối kết hợp thực hiện các chương trình kinh tế- xã hội tại địa phương, cơ sở. Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” đã được triển khai khá đồng đều trong cả nước, được sự quan tâm phối hợp của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân ở trong và ngoài nước. Chương trình “Nối vòng tay lớn” được tổ chức vào ngày 31/12 hàng năm đã trở thành ngày “Tết của người nghèo” thu hút sự quan tâm của toàn xã hội chăm lo cho người nghèo. Cuộc vận động đã huy động nguồn lực xã hội để cùng với nhà nước thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, “Quỹ vì người nghèo” đã tăng nhanh qua mỗi năm. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tổ chức động viên nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trong sạch, vững mạnh. MTTQVN các cấp đã triển khai nhiều hoạt động tham gia xây dựng Đảng, đặc biệt là đã tham gia góp ý kiến tổng kết 20 năm đổi mới đất nước, xây dựng các văn kiện của đại hội đảng các cấp và Đại hội lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam, các nghị quyết của Trung ương về đại đoàn kết toàn dân tộc... Ủy ban MTTQVN các cấp và các tổ chức thành viên đã tích cực vận động các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII và bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Công tác tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và các tầng lớp nhân dân của Ủy ban Mặt trận các cấp đã thành nền nếp và ngày càng đáp ứng nhu cầu, quyền lợi chính đánh, hợp pháp của nhân dân. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân được chú trọng hơn, việc tổ chức hòa giải ở cơ sở tiến hành có hiệu quả, góp phần giải quyết nhiều mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Ngoài công tác tham gia xây dựng pháp luật được Mặt trận các cấp quan tâm thực hiện và có kết quả thiết thực, các cấp Mặt trận đã coi trọng công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật đến các tầng lớp nhân dân, tạo cơ sở để động viên nhân dân phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương xã hội, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ chủ chốt do Hội đồng nhân dân cấp xã bầu; thực hiện Quy chế giám sát đầu tư cộng đồng và thí điểm thực hiện Quy chế MTTQVN giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư là những việc cụ thể, mới mẻ đã mang lại hiệu quả bước đầu. Mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân, tăng cường đoàn kết quốc tế Công tác đối ngoại nhân dân của Ủy ban MTTQVN và các tổ chức thành viên ngày càng được mở rộng về đối tác, địa bàn, nội dung và các phương thức thực hiện theo phương châm chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả. Trong nhiệm kỳ qua, quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa MTTQVN với tổ chức Mặt trận các nước láng giềng không ngừng được củng cố và phát triển. Việc ký kết và thực hiện biên bản thỏa thuận với Chính hiệp Trung Quốc, Mặt trận Lào xây dựng đất nước, Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia, Ủy ban Bảo vệ cách mạng Cuba, đánh dấu những bước phát triển mới về tình hữu nghị đoàn kết và sự hợp tác có hiệu quả hơn. Ủy ban MTTQVN các cấp cùng với các tổ chức thành viên tiếp tục mở rộng và đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại nhân dân với nhiều hình thức phong phú, trong đó việc vận động các nước, các tổ chức quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài ủng hộ cuộc đấu tranh của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin; tham gia ủng hộ chương trình xóa đói giảm nghèo; chia sẻ và tăng cường vận động viện trợ và nâng cao hiệu quả hợp tác, góp phần thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước một cách sáng tạo và hiệu quả, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đã tạo ra hình ảnh phong phú về chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, nâng cao được uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Xây dựng, kiện toàn tổ chức và đổi mới phương thức hoạt động Công tác kiện toàn tổ chức, xây dựng bộ máy của Mặt trận các cấp đã được coi trọng. Tùy theo tính đặc thù của mỗi vùng, miền, mỗi địa phương, trong cơ cấu của Ủy ban Mặt trận các cấp quy tụ đầy đủ đại diện các nhân sĩ, trí thức, các dân tộc, các tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài...; đại diện cá nhân tiêu biểu, chuyên gia, nhà khoa học, hoạt động xã hội được tăng cường về số lượng và chất lượng, vừa thể hiện hình ảnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vừa thể hiện tính đại diện, tính tiêu biểu và tính thiết thực trong Ủy ban Mặt trận các cấp. (nguồn UBMTTQVN tỉnh Quảng Trị) |