Chi hội trưởng nông dân nhiệt tình, làm kinh tế giỏi
(QT) - Chúng tôi có dịp cùng cán bộ Hội Nông dân phường Đông Lương, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) đến thăm gia đình anh Trần Thanh Sơn, chị Trần Thị Bưởi ở khu phố Lai Phước, phường Đông Lương. Anh Sơn là Chi hội trưởng Hội Nông dân năng động, nhiệt tình với hoạt động hội và phong trào nông dân địa phương. Khu phố Lai Phước có 50 hộ với 150 nhân khẩu. Người dân nơi đây sinh sống chủ yếu bằng nghề vạn chài, thợ nề, thủ công mỹ nghệ, buôn bán nhỏ… Là chi hội trưởng nông dân, anh Sơn luôn nhiệt tình, năng động, tâm huyết và trách nhiệm với công việc được giao. Trong nhiều năm qua, chi hội Lai Phước luôn thực hiện tốt công tác hội và phong trào nông dân, liên tục đạt danh hiệu chi hội vững mạnh. Không chỉ là một cán bộ hội giỏi, anh Sơn còn là một điển hình trong lao động sản xuất với xưởng mộc dân dụng, mỗi năm thu nhập trên 200 triệu đồng.
 |
Mô hình nuôi cá lồng trên sông Vĩnh Phước của gia đình anh Sơn |
Kể về con đường lập nghiệp, anh Sơn chia sẻ: “Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên học hết phổ thông, tôi theo học nghề mộc tại cơ sở của anh trai ở phường 4, thành phố Đông Hà trong 4 năm, rồi đi làm thuê ở các xưởng mộc trong và ngoài tỉnh, một mặt để vững vàng thêm tay nghề, mặt khác tích lũy thêm kinh nghiệm, kỹ năng sống. Sau 6 năm lăn lộn và trưởng thành trong nghề mộc dân dụng, năm 2009, tôi quyết định mở cơ sở sản xuất đồ gỗ thủ công mỹ nghệ dân dụng. Những ngày đầu gặp rất nhiều khó khăn, vốn tự có của gia đình hạn hẹp, vợ chồng tôi phải vay mượn thêm bạn bè, người thân gần 100 triệu đồng đầu tư mua sắm trang thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu để lập nghiệp…”. Thời gian đầu, quy mô xưởng mộc của gia đình anh còn nhỏ lẻ, sản xuất bằng cưa, đục thủ công đơn thuần, khách hàng chủ yếu là anh em họ hàng và một số người dân tại địa phương. Nhưng với bàn tay khéo léo và lòng yêu nghề, chịu khó tìm tòi, sáng tạo, sản phẩm của anh Sơn ngày càng được nhiều người biết đến, đơn đặt hàng ngày càng nhiều hơn. Năm 2011, anh đầu tư hàng trăm triệu đồng mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại để đóng lát, chạm trổ đồ gỗ gia dụng, mỹ nghệ như: bàn, ghế, tủ, giường, kệ, cửa nhà… theo nhu cầu của khách hàng. Sự nhạy bén trong việc tiếp cận thị trường, đa dạng hóa các mẫu mặt hàng, sản phẩm giúp cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, gia dụng của anh từng bước khẳng định uy tín trên thị trường. Mỗi tháng trừ chi phí, gia đình anh thu nhập từ 15 - 17 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 2 - 3 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân một tháng 6 - 6,5 triệu đồng/người. Bên cạnh đó, sống ven dòng sông Vĩnh Phước, nghề chài lưới, đánh bắt tôm, cua, cá trên sông nước vốn là nghề truyền thống từ bao đời nay đã thôi thúc vợ chồng anh chị mở mang ngành nghề, phát triển kinh tế. Anh chị tận dụng nguồn nước, thức ăn từ các phụ phẩm nông nghiệp, nguyên liệu gỗ, tre, nứa để thiết kế nuôi thử nghiệm các loại cá như trắm, chình, trê, diêu hồng… Qua thời gian nuôi, cá sinh trưởng và phát triển tốt, thích nghi với môi trường và điều kiện tự nhiên. Anh Sơn cho biết, do đang trong thời kỳ thử nghiệm, nếu nuôi cá lồng cho hiệu quả kinh tế cao, anh sẽ đầu tư mở rộng mô hình và chia sẻ kinh nghiệm với nhiều hội viên khác. Bài, ảnh: NGỌC NHÂN