Nữ bác sĩ hết lòng vì sự sống của trẻ thơ
(QT) - Ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị có một nữ bác sĩ ngày ngày gánh trên vai trọng trách chăm sóc những trẻ sơ sinh thiếu tháng. Chị là Nguyễn Thị Luyến, 39 tuổi, Thạc sĩ Nhi khoa - một trong những thạc sĩ trẻ ở bệnh viện này.

Nữ bác sĩ hết lòng vì sự sống của trẻ thơ

(QT) - Ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị có một nữ bác sĩ ngày ngày gánh trên vai trọng trách chăm sóc những trẻ sơ sinh thiếu tháng. Chị là Nguyễn Thị Luyến, 39 tuổi, Thạc sĩ Nhi khoa - một trong những thạc sĩ trẻ ở bệnh viện này.

Bác sĩ Nguyễn Thị Luyến
Chị Luyến lớn lên tại tỉnh Sơn La. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Nhi khoa tại Trường Đại học Y khoa Hà Nội năm 1994, chị cùng gia đình trở về quê hương ở Quảng Trị và nhận công tác tại Trạm chống lao của tỉnh. Năm 1996, chị chuyển công tác về khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị. Với đức tính không ngại khó khăn, luôn biết lắng nghe, chị Luyến không ngừng học hỏi đồng nghiệp, những người đi trước và phấn đấu để từng bước nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ phục vụ cho công tác điều trị ngày càng tốt hơn. Trong công tác điều trị, chị luôn tâm niệm “Lương y như từ mẫu” để phấn đấu và rèn luyện. Đặc biệt, đối với chị nỗi đau của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân cũng là nỗi đau của chị. Chính vì thế trong công tác điều trị chị luôn quan tâm, động viên, giúp đỡ và sẻ chia nỗi đau với gia đình bệnh nhân. Năm 2001, chị Luyến được cơ quan cử đi học chương trình cao học và năm 2004 chị trở về với tấm bằng thạc sỹ. Tuy nhiên, với chị Luyến thế vẫn chưa đủ vì trong nhiều năm công tác tại khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị, chị luôn trăn trở và ám ảnh bởi những trường hợp trẻ sơ sinh thiếu tháng, nhẹ cân phải tử vong trước sự bất lực của thầy thuốc. Chị Luyến cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng đẻ non cao ở Quảng Trị đa phần là người mẹ mang thai lao động nặng nhọc, thiếu dinh dưỡng, bệnh lý và khoảng cách giữa hai lần sinh ngắn. Từ đó chị đã đưa ra các giải pháp, kiến nghị với lãnh đạo cơ quan trang bị những thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ công tác cứu chữa trẻ sơ sinh. Với trái tim của người phụ nữ đã làm mẹ và tinh thần trách nhiệm cao, chị Luyến không ngừng tìm tòi, nghiên cứu ứng dụng hiệu quả các thiết bị y tế, công nghệ cao vào hoạt động chăm sóc, điều trị cho trẻ sơ sinh thiếu tháng. Năm 2006, chị Luyến hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học “Đánh giá hiệu quả sử dụng máy CPAP cho trẻ đẻ non” báo cáo tại Hội nghị chuyên ngành khu vực miền Trung và được đánh giá cao. Năm 2008, chị hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Nghiên cứu xử trí sốt cao co giật tại nhà ở các gia đình có con bị sốt cao co giật vào khoa Nhi bệnh viện tỉnh Quảng Trị”. Năm 2009, chị nghiên cứu đề tài “Đánh giá hiệu quả sử dụng máy CPAP KXE trong điều trị trẻ sơ sinh thiếu tháng”. Từ những đề tài nghiên cứu ứng dụng của chị mà công tác khám chữa bệnh cho trẻ sơ sinh ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị đạt hiệu quả khá cao. Chị Luyến cho biết, cách đây hơn 5 năm về trước các trường hợp sinh non có cân nặng dưới 1,8 kg ở Quảng Trị khó có điều kiện để cứu sống nhưng bây giờ trẻ sinh non có cân năng ở mức 800 gam vẫn có thể cứu sống. Đơn cử hai trường hợp sinh non có quê quán ở hai xã Hải Khê, Hải Thượng huyện Hải Lăng trẻ chỉ cân nặng từ 800 - 900 gam nhưng vẫn chăm sóc, điều trị và phát triển bình thường. Khi được hỏi có bao nhiêu trường hợp trẻ sơ sinh thiếu tháng được chị và tập thể y bác sĩ trong bệnh viện cứu sống thì chị lắc đầu không nhớ hết bởi theo chị: “Đó không phải là thành tích mà là trách nhiệm của người thầy thuốc và khi người bệnh được cứu sống đó là niềm vui của mình”. Trong câu chuyện với chúng tôi, chị luôn nhắc đến hai chữ “y đức”. Bởi theo chị, y đức đã giúp chị có được những thành công ban đầu như ngày hôm nay. Nhiều năm công tác ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị, chị luôn được cấp trên tín nhiệm và đồng nghiệp đánh giá cao về năng lực chuyên môn, người bệnh yêu mến. Bài và ảnh: LÊ MINH