Cầu hư hỏng, hiểm nguy rình rập
(QT) - Hàng chục năm nay, người dân ở hai thôn Hậu Trường và Mỵ Trường (xã Hải Trường, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) luôn sống trong thấp thỏm lo âu bởi những chiếc cầu phục vụ dân sinh và sản xuất ở đây đã bị hư hỏng nặng. Chúng tôi về thôn Hậu Trường vào đúng dịp người dân nơi đây đang vào vụ. Trên đường dẫn ra đồng ruộng ở thôn Hậu Trường, nhiều nông dân đang ì ạch kéo xe vận chuyển phân bón, giống lúa nối đuôi nhau bám đường đất nhão nhoẹt ra đồng. Nếu cách đây khoảng 3 năm, khi cây cầu Đạt Dài nối giữa Hậu Trường với cánh đồng lúa khoảng 100 ha của thôn chưa hỏng nặng thì người dân có thể dễ dàng qua lại được với quảng đường rất ngắn. Nhưng nay, do cầu đã hư hỏng nặng, phần lát bê tông trên mặt cầu đã bị gãy bể, những thanh sắt đã bị ăn mòn nên cầu rất yếu, chỉ có thể phục vụ người đi bộ còn việc vận chuyển phân bón, lúa thu hoạch thì không thể.
 |
Cầu Đạt Dài đã bị xuống cấp, gây nguy hiểm cho người qua lại |
“Cầu này được xây dựng cách đây khoảng hơn 60 năm rồi. Nhờ nó mà bà con chúng tôi ra đồng sản xuất thuận lợi nhưng nay do cầu xuống cấp nặng quá nên bà con đành chịu. Nếu trước đây khi cầu còn tốt, bà con chỉ vượt khoảng 500 m là qua được đồng, nhưng nay phải đi đường vòng với khoảng cách hơn 5 km (xa gấp 10 lần) mới tới nơi. Bà con vất vả lắm nhưng do kinh phí địa phương khó khăn nên không giúp phụ được gì”, chỉ vào những cọng sắt rỉ rét gần hết và những mảng bê tông mặt cầu đã bị thủng, gãy, ông Trương Quang Ánh, Chủ nhiệm HTX Hậu Trường cho biết. Ông Ánh cho biết thêm, cách đây khoảng 5 năm, do cầu bị sụt lún nên địa phương đã trích kinh phí đổ 4 cột bê tông gia cố cho thân cầu, tuy nhiên sau nhiều năm sử dụng, những chiếc cột chống cầu này cũng đã bắt đầu mục nát. Vừa quệt mồ hôi dừng nghỉ ngơi sau chuyến vận chuyển phân bón ra đồng, ông Võ Dũng than vãn: “Cầu hỏng hết rồi nên bà con tôi vất vả quá. Mùa gieo cấy còn đỡ vì vận chuyển ít chứ mùa thu hoạch lúa thì khổ sở không kể xiết. Bữa nay có máy gặt còn đỡ tốn công chứ nếu chuyển hàng chục chuyến xe chở lúa bó về đến nhà chắc khó kham nổi. Mong sao nhà nước quan tâm hỗ trợ xây dựng cho bà con thôn Hậu Trường cây cầu kiên cố để bà con đỡ vất vả, yên tâm sản xuất”. Cây cầu Đạt Dài nằm giữa đồng này không chỉ là lối đi duy nhất phục vụ sản xuất lúa cho 450 hộ dân thôn Hậu Trường mà còn là đường đi chính của 30 hộ dân thuộc xóm 7 (cùng thôn Hậu Trường, nhưng nằm bên kia cầu Đạt Dài). Ông Phan Khiên, 57 tuổi ở xóm 7 cho biết: “Việc qua lại của bà con xóm tôi rất khổ, mùa nắng còn đưa xe máy, xe đạp qua được chứ mùa mưa lũ là chỉ biết khóa cẩn thận để ở bờ bên kia mà về nhà. Việc vận chuyển lúa má ra bên ngoài xay xát hoặc bán cũng phải tăng- bo nhiều lần”. Cùng chung số phận với cây cầu Đạt Dài, cây cầu Xóm Sen ở thôn Mỵ Trường cũng đã rệu rã từ lâu. Cầu Xóm Sen là chiếc cầu duy nhất nối thôn Mỵ Trường với bên ngoài. Cầu Xóm Sen được bắc qua con sông Ô Khê, có chiều dài khoảng 30 m, nước sông ở đây rất sâu, bình thường đoạn sâu nhất lên đến 4-5 m nước. Ông Trương Văn Giản, Phó Chủ nhiệm HTX Mỵ Trường vừa dẫn chúng tôi qua cầu vừa kể: “Chiếc cầu này được làm sau năm 1975. Hồi đầu nó là chiếc cầu làm bằng gỗ, tre, mặt cầu bằng ván nhưng do mưa lũ liên miên nên cầu nhiều lần bị cuốn trôi. Để khắc phục, HTX đã hỗ trợ kinh phí mua những thanh đường ray tàu hỏa về làm trụ và dầm cầu cho chắc hơn. Cách đây khoảng 3 năm, dân cùng HTX góp tiền đúc những tấm bê tông lát trên mặt cầu. Tuy vậy, do các bộ phận cầu không đồng bộ, lại sử dụng đã hàng chục năm nên đến giờ đã xuống cấp hết. Cứ đến mùa lũ là bà con huy động nhau ra vớt rác rưởi bám ở trụ cầu khơi thông dòng chảy chứ nếu không là cầu trôi liền, việc vận chuyển lúa, nông sản, máy móc của bà con cũng phải kiêng dè, tính toán chứ nếu nặng quá là cầu sẽ sập bất cứ lúc nào”. Khảo sát một vòng quanh chiếc cầu, chúng tôi chứng kiến những thanh đường ray làm trụ và dầm cầu đã bị hoen gỉ nặng, nhiều tấm bê tông đã bị nứt nẻ, bờ đất hai đầu cầu cũng đã bị sạt lở, phải gia cố bằng tre. “Xóm Sen có 54 hộ dân nhưng hàng ngày mọi việc đi lại đều phụ thuộc cây cầu này. Cũng chính vì lượng người đi lại đông nên cầu rất nhanh xuống cấp, phải sửa chữa liên tục. Chúng tôi mong cấp trên quan tâm xây dựng cho thôn 1 chiếc cầu vững chắc hơn”, ông Võ Văn Khái, người dân thôn Mỵ Trường mong muốn. Đã có rất nhiều người bị rơi xuống sông vì cầu không thể làm được lan can do mặt cầu quá nhỏ và yếu. Cụ Trương Rớt, 82 tuổi kể cách đây khoảng 2 năm cụ đi xe đạp điện chở vợ ra ngoài, nhưng khi đến mép cầu do đường đất nhão nhoẹt nên xe mất đà và lao thẳng xuống sông. “May mà đi vào ban ngày và có người phát hiện nên vợ chồng già mới thoát chết. Mà không chỉ vợ chồng tôi, từ xưa đến nay đã có hàng trăm người và phương tiện giao thông, trong đó có nhiều cháu học sinh rớt xuống sông không thể nhớ hết, cũng may chưa xảy ra chuyện nghiêm trọng. Tôi mong sao trước khi nhắm mắt sẽ thấy được cây cầu mới vững chắc hơn”, cụ Rớt tâm sự. Những chiếc cầu nếu trên đã xuống cấp nghiêm trọng từ lâu, khiến người dân hết sức lo lắng. Trước thực trạng này, mong rằng các cấp ngành liên quan sớm kiểm tra, khảo sát đồng thời quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng những cây cầu kiên cố hơn, giúp người dân nơi đây yên tâm sản xuất và sinh sống. Bài, ảnh: HIẾU GIANG