Người nổi tiếng định hướng cho con
(TPO) - Là con nhà nổi tiếng hóa ra không phải toàn điều sung sướng. Nhưng thái độ dân chủ và tôn trọng con của họ cũng đáng là một bài học cho những người đặt quá nhiều kỳ vọng vào con dẫn đến những áp lực nặng nề.

Người nổi tiếng định hướng cho con

(TPO) - Là con nhà nổi tiếng hóa ra không phải toàn điều sung sướng. Nhưng thái độ dân chủ và tôn trọng con của họ cũng đáng là một bài học cho những người đặt quá nhiều kỳ vọng vào con dẫn đến những áp lực nặng nề.

Diễn viên Chiều Xuân: Không tạo áp lực cho con

Vợ chồng diễn viên Chiều Xuân và hai con
Chiều Xuân có hai cô con gái. Cô cả Hồng Mi đã trưởng thành, cô út mới đang học mẫu giáo.

Hồng Mi xinh xắn, có năng khiếu nghệ thuật giống bố mẹ, lại là con một suốt mười mấy năm nên cũng bị sức ép.

Chiều Xuân và chồng - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đều là những người nhiều đam mê, cả hai mong muốn con gái sẽ không sống một cuộc sống tẻ nhạt.

Mi học đàn từ nhỏ, học tiếng Pháp (theo gợi ý của mẹ) dù tiếng Pháp không thịnh hành như tiếng Anh. Chiều Xuân cho con đi theo trong những chuyến lưu diễn với Nhà hát kịch để máu nghệ thuật ngấm vào con một cách tự nhiên.

Khi Mi vào đại học, cô nhận thấy diễn viên không phải là mơ ước của mình, nhạc sĩ cũng vậy. Chiều Xuân “tỉnh ngộ” khi nghe con gái thẽ thọt:

Nhiều lúc cảm giác nặng nề vì đi đâu mọi người cũng bảo: con Chiều Xuân, con Đỗ Hồng Quân, không ai gọi con là Mi một cách độc lập cả. Từ đó, Mi được tự do chọn công việc mà cô thích.

Để nỗ lực thoát khỏi cái bóng của bố mẹ, Mi rất chăm chỉ tham gia các hoạt động xã hội và tình nguyện. Đã từng đạt giải nhất cuộc thi Hot V Teen, Mi bây giờ không còn ấm ức vì nỗi bố mẹ quá nổi tiếng nữa.

Chiều Xuân không chủ trương bao bọc con. Mi được tự do đi chơi, đi sinh hoạt cộng đồng với bạn bè, miễn là có lý do chính đáng.

Mi học năm nhất đại học, khoác ba lô đi du lịch bụi bố mẹ cũng không cản. Chiều Xuân muốn con gái tự rút ra những kinh nghiệm sống cũng như những trải nghiệm quý giá với lứa tuổi của con.

Khi biết Mi ngoài thời gian học có thói quen làm thơ, viết văn, mẹ Xuân rất khuyến khích.

Dù không kỳ vọng con trở thành nhà văn, nhưng việc viết lách đó sẽ khiến tâm hồn Mi phong phú và rèn khả năng trình bày ý tưởng bằng văn bản một cách mạch lạc, trau chuốt.

Chưa kể, viết lách cũng là một mơ ước từ nhỏ của Chiều Xuân, cô coi việc con có năng khiếu như một kiểu “sống hộ” mình.

Chiều Xuân có thói quen đi mua sắm quần áo cũ (sở thích của rất nhiều diễn viên - đi tìm đồ diễn giá rẻ) và hay cho Mi đi cùng để củng cố nữ tính cho con gái.

Sở thích này được Mi thấm nhuần ngay, không những thành fan của những người thân thiện với môi trường cô còn mở cả cửa hàng chuyên kinh doanh đồ cũ khá thành công.

Mi học ngoại ngữ, mẹ Xuân vẫn mong Mi sau khi tốt nghiệp thì về làm công ty tổ chức nghệ thuật cùng mình. Đó là một hướng Mi thích nhưng cô vẫn mong học thêm để có thêm kiến thức, và thử sức ở một vài nơi mới. Sau khi thành công mới quay lại công ty nhà để đỡ mang tiếng “con của mẹ” được nâng đỡ.

Hoạ sĩ Trần Nhật Thăng: Bố khuyên làm hoạ sĩ cho tự do

Ai là người định hướng nghề nghiệp cho anh khi anh còn nhỏ, bố hay mẹ?

Bố tôi. Ông bảo rằng, tất cả các công việc đều bị phụ thuộc điều này hay điều khác, vào người này người khác. Chỉ có làm hoạ sĩ là có vẻ được tự do hơn cả. Tự do hơn nhà văn, độc lập hơn vì anh ta không bị phụ thuộc vào người dịch.

Bố anh là một đạo diễn thành công (đạo diễn Trần Văn Thuỷ), ông chưa từng khuyến khích anh theo nghề của ông?

Không. Tôi với bố không hợp nhau lắm, vả lại bố mẹ cũng cho tôi đi học vẽ từ nhỏ. Chắc thấy con trai hí hoáy với cọ và màu cũng không đến nỗi, bố khuyên như thế và càng ngày tôi càng thấy đúng.

Bây giờ bắt tôi đi làm việc như một công chức chắc ba ngày tôi bật bãi ngay.

Bố anh có hài lòng về những thành công của anh hiện nay?

Ông có vẻ không thích tranh trừu tượng như tôi đang theo đuổi. Nhưng ông cũng hài lòng theo một kiểu nào đó.

Với các con của anh, anh định hướng nghề nghiệp cho chúng như thế nào?

Các cháu còn quá nhỏ để nói đến chuyện đó, nhưng tôi cũng lắng nghe và theo dõi, nếu thấy con có năng khiếu về lĩnh vực nào đó, tôi sẽ khuyến khích.

Lại là nghệ thuật chứ, vì các gia đình có truyền thống nghệ thuật hình như đều có gien?

Cháu nhỏ thì có thể, vì cháu khá nhạy cảm với âm nhạc và hội hoạ. Chưa đến tuổi đi mẫu giáo nhưng xem một quyển tạp chí có rất nhiều tranh, cháu chỉ rõ được bức nào là của bố.

Còn cô lớn có vẻ không liên quan lắm đến lĩnh vực của bố và ông bà. Mua cho cái piano và yêu cầu tập mỗi tuần một buổi là cả một sự cố gắng.

Nhưng cháu lại rất có khiếu giao tiếp. Ví dụ bố đi dạy vẽ cho các em bé bị ung thư, cho con đi cùng, con nhớ tên tất cả các bạn, và thỉnh thoảng lại nhắc bố đến thăm các bạn.

Anh mong muốn con cái sẽ làm những công việc như thế nào?

Tôi tôn trọng sự lựa chọn của các con, miễn là công việc ấy lương thiện và đủ để kiếm sống.

Nhưng có những đứa trẻ, nếu không được chỉ đường, chúng sẽ dễ đi sai, hoặc là hoang mang không biết thực sự mình muốn gì, cần gì?

Mỗi người có một cơ chế khác nhau, mình rất khó mà áp đặt. Chỉ có thể dò con có cái gì để bồi dưỡng thêm cho nó thôi. Xã hội càng phát triển thì càng phức tạp, tôi muốn để con thư giãn và phát triển tự nhiên nhất có thể.

Nếu có dạy dỗ hay chỉ bảo gì thì tôi chỉ dạy các cháu phải sống cho tử tế. Ví dụ trước khi đến lớp cháu đòi mua một gói bim bim thì tôi bảo, nên mua hai gói, để cho bạn một gói.

Tôi nghĩ nền tảng đạo đức sẽ là sự định hướng quan trọng để sau này con chọn nghề gì thì cũng không đi sai đường.

Nam Bằng