Người làm tranh đá
(QT) - Chúng tôi như bị dẫn dắt vào“xứ sở thần tiên” của những bức tranh đá quý do bàn tay tài hoa và tâm hồn nghệ sĩ của anh Nguyễn Thanh Sơn (thành phố Đông Hà, Quảng Trị) tạo nên. Từ những viên đá, hạt đá li ti vô hồn, qua bàn tay khéo léo và cách nhìn nghệ thuật của anh, những bức tranh thiên nhiên bằng đá hiện lên thật hài hòa, sống động. Món quà của tạo hóa “Đá quý từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống khi được sử dụng làm đồ trang sức, nữ trang…Chúng còn là ...

Người làm tranh đá

(QT) - Chúng tôi như bị dẫn dắt vào“xứ sở thần tiên” của những bức tranh đá quý do bàn tay tài hoa và tâm hồn nghệ sĩ của anh Nguyễn Thanh Sơn (thành phố Đông Hà, Quảng Trị) tạo nên. Từ những viên đá, hạt đá li ti vô hồn, qua bàn tay khéo léo và cách nhìn nghệ thuật của anh, những bức tranh thiên nhiên bằng đá hiện lên thật hài hòa, sống động. Món quà của tạo hóa “Đá quý từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống khi được sử dụng làm đồ trang sức, nữ trang…Chúng còn là nguyên liệu để tạo nên những bức tranh, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhiều người. Đây là một loại hình nghệ thuật khá mới mẻ, độc đáo ở Việt Nam”, anh Sơn chia sẻ. Mỗi bức tranh đá quý do anh Sơn tạo ra đa dạng về đề tài, phong phú về màu sắc và mang vẻ đẹp sang trọng.

Anh Nguyễn Thanh Sơn bên những bức tranh đá quý

Dẫn chúng tôi đi xem những bức tranh đá quý, anh Sơn cho biết, ngay từ nhỏ, anh rất thích vẽ tranh. Trong những lần đến Hội An (Quảng Nam) thăm người quen, anh có dịp ngắm nhìn những bức tranh được trưng bày khắp nơi. Lúc đó, anh chỉ ước mơ một ngày không xa sẽ có tác phẩm của mình được trưng bày để mọi người thấy. Trở về Quảng Trị, anh bày tỏ mong muốn đó với những người trong gia đình và được mọi người ủng hộ, khuyến khích anh tìm vào Hội An theo học. Sau ba năm miệt mài học tập, niềm vui vỡ òa trên khuôn mặt anh khi những “đứa con” tinh thần được mọi người đón nhận. Anh cho biết, với tình yêu nghệ thuật sâu sắc và muốn nâng cao hiểu biết trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật, anh quyết định đi học làm thợ kép. Nhờ chú tâm vào việc học, tên tuổi anh dần được khẳng định với dấu ấn rõ nét được thể hiện trên những tác phẩm nghệ thuật tô vẽ, nhào nặn bê tông thành rồng, phượng…với những hoa văn, họa tiết sinh động. Qua đó, anh có thêm nhiều kinh nghiệm thực tiễn quý giá, là nền tảng vững chắc để anh tiếp tục theo học loại hình nghệ thuật mới là làm tranh đá quý. Anh tâm sự: “Lần đầu tiên nhìn thấy những bức tranh đá quý, tôi đã bị chúng mê hoặc. Tranh đá quý có những nét độc đáo riêng biệt, không chỉ có giá trị thẩm mỹ cao, lưu giữ những khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống mà còn được xem như một yếu tố phong thủy. Với chất liệu là những viên đá quý, nên màu sắc của bức tranh sẽ không phai theo thời gian. Những bức tranh đá quý làm hoàn toàn bằng thủ công nên đòi hỏi sự sáng tạo trong lao động nghệ thuật cũng như sự tinh tế, nhẫn nại của người làm ra chúng”. Đó cũng là một trong những lý do khiến anh Sơn ra tận Yên Bái để học làm tranh bằng đá.

Bên cạnh làm tranh đá, anh Thanh Sơn còn đam mê vẽ tranh sơn dầu

Anh cho biết thêm, để có được những bức tranh đá quý đẹp đòi hỏi tốn rất nhiều thời gian, công sức. Từ khâu chọn nguyên liệu đá quý như ruby, saphia, thạch anh hồng, thạch anh ám khói..., anh phải ra Bắc, vào Nam hay đến các vùng xa xôi, hiểm trở để tìm kiếm. Khi có được nguồn nguyên liệu 100% tự nhiên, anh tiến hành khâu sàng lọc, chọn ra những loại đá đạt chất lượng như màu sắc tự nhiên, tươi trong…Khi tiến hành chế tác tranh, đòi hỏi người thợ phải thực hiện nhanh, chính xác từng chi tiết, vì mối liên kết trong tranh đá quý là keo 502. Trong 3 giây, khi những giọt keo 502 nhỏ giọt xuống tranh mà không thực hiện được các mảnh đá ghép vào tranh, đá ghép với đá thì bức tranh sẽ bị hỏng hoàn toàn. Chỉ trong thời gian ngắn, những tác phẩm tranh đá quý của anh được nhiều người trong, ngoài tỉnh yêu thích và đón nhận. “Thổi hồn” vào đá “Điều làm tôi vui nhất chính đã “thổi hồn” vào những viên đá bình thường thành những bức tranh đá sinh động, hòa nhịp cùng hơi thở cuộc sống”, anh Sơn tâm sự. Khi hoàn thành tác phẩm của mình, anh lại tiếp tục đem những bức tranh ra công chúng để nhiều người được chiêm ngưỡng, thưởng thức. Ngày anh quyết định thành lập Cơ sở sản xuất tranh đá quý Thanh Sơn với tiêu chí tranh phải đẹp, đá phải hoàn toàn tự nhiên, giá thành hợp lý..., nhiều khách hàng xa gần tìm đến đặt hàng. Để cơ sở hoạt động hiệu quả và đáp ứng mọi nhu cầu, thị hiếu của người dân, anh tích cực truyền lại nghề cho các thành viên trong gia đình và những người đam mê, yêu thích nghệ thuật. Hiện nay, Cơ sở tranh đá quý Thanh Sơn đã tạo công ăn việc làm cho gần 15 người với mức lương trung bình 5 triệu đồng/ người/tháng.

Anh Thanh Sơn hướng dẫn cho thợ vẽ tranh đá

Theo anh Sơn, giá trị của mỗi bức tranh đá quý không chỉ ở khổ tranh lớn hay nhỏ, ý tưởng, chi tiết mà còn ở nguyên liệu đá, kiểu hạt đá. Cùng một bức tranh nhưng nếu có nhiều đá quý, đá hiếm có màu sắc tự nhiên như ruby, thạch anh, saphia...thì có giá cao hơn. Trong các dòng tranh đá quý thì tranh đá quý chân dung bao giờ cũng nằm trong top đầu so với tranh phong cảnh vì độ tinh xảo và nguyên liệu của nó. Một bức tranh đá quý chân dung đẹp, đúng nguyên mẫu và có hồn, có sắc thái thì đòi hỏi phải có đôi bàn tay tài hoa, tâm hồn nghệ sĩ và sự tỉ mỉ, chính xác của người nghệ sĩ. Bên cạnh làm tranh đá quý, cơ sở sản xuất của anh còn làm thợ kép, vẽ tranh sơn dầu và làm khung tranh thêu chữ thập để phục vụ cho nhu cầu của khách hàng. Chị Trần Thị Kim Khánh ở Hải Phú, Hải Lăng là một trong những khách hàng của anh Sơn. Chị Khánh biết đến tranh đá quý từ lâu qua mạng internet nhưng hôm nay mới được tận mắt nhìn thấy. Chị nói: “Khi nghe tin anh Sơn mở cơ sở tranh đá quý, tôi rất vui. Vậy là từ nay tôi có thể đặt những bức tranh đá quý theo ý tưởng của mình. Tôi nghĩ khi treo những tranh đá quý phong thủy trong nhà, ngôi nhà trở nên đẹp và ấm áp hơn, còn gia chủ cảm thấy an tâm trong sản xuất kinh doanh”. Bài, ảnh: NGUYỄN MINH ĐỨC