(QT) - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị vừa nhận được Công văn số 11966/BTC-NSNN ngày 8/9/2017 của Bộ Tài chính và Công văn số 4712/ BNV-CCVC ngày 1/9/2017 của Bộ Nội vụ về việc trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Trị tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV. Nội dung như sau:
Cử tri kiến nghị:
- Thực hiện Nghị định số 67/2014/ NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản và Nghị định số 89/2015/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định 67), Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Trị đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại thẩm định, cho vay đóng mới 23 tàu trong tổng số 32 tàu đóng mới đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ và cho vay nâng cấp 81 tàu.
![]() |
Ngư dân cần được hỗ trợ mua bảo hiểm tàu cá để yên tâm khi đánh bắt xa bờ. Ảnh: PV |
Theo quy định của Nghị định 67 thì hàng năm ngư dân (chủ tàu) được ngân sách hỗ trợ tiền mua bảo hiểm thuyền viên và bảo hiểm tàu. Nhưng năm 2017, ngân sách nhà nước chưa bố trí nguồn vốn này. Vì vậy, hiện nay một số tàu đã hết thời hạn bảo hiểm, ngư dân không dám mạo hiểm ra khơi khi chưa mua bảo hiểm nên ảnh hưởng đến thu nhập và nguồn trả nợ ngân hàng. Đề nghị Bộ Tài chính kịp thời bố trí nguồn vốn hỗ trợ để ngư dân mua bảo hiểm tàu cá theo quy định tại Nghị định 67.
- Quyết định 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở có quy định ngân sách nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ đối với trường hợp phải phá dỡ để xây nhà mới; hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ đối với trường hợp phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở cho các trường hợp là đối tượng chính sách (đối tượng cụ thể được quy định tại văn bản). Người dân rất đồng tình với chính sách ưu đãi, sự quan tâm của Nhà nước đối với đối tượng chính sách.
Tuy nhiên mức hỗ trợ như trên còn thấp, sẽ rất khó khăn để thực hiện. Kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Xây dựng nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ tăng mức hỗ trợ trên. Đồng thời, đề nghị Chính phủ khẩn trương phân bổ nguồn vốn hỗ trợ cho các đối tượng chính sách có khó khăn về nhà ở trong nguồn vốn 7.300 tỷ đồng mà Quốc hội đã quyết định tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2016).
Bộ Tài chính trả lời:
1. Theo quy định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP: Thời gian thực hiện các chính sách tín dụng (Điều 4), chính sách bảo hiểm (Điều 5), chính sách hỗ trợ đào tạo thuyền viên, vận chuyển hàng hóa, chi phí thiết kế mẫu tàu, chi phí duy tu bảo dưỡng (Điều 7) đến hết năm 2016; giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng kết, rút kinh nghiệm triển khai trong giai đoạn tiếp theo, thời gian thực hiện chính sách bảo hiểm đến hết năm 2016.
Theo đó, các chính sách hỗ trợ nêu trên và chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên, bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên mỗi tàu (bảo hiểm mọi rủi ro) hết hiệu lực thi hành tại thời điểm 31/12/2016. Trên cơ sở đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 31/12/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 113/NQ-CP về hội nghị Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/ 2016.
Theo đó: Thống nhất kéo dài thời hạn thực hiện các chính sách quy định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP đến hết ngày 31/12/2017, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 67/2014/NĐ-CP. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng (nêu trên tại Văn bản số 6150/ VPCP-NN ngày 14/6/2017 của Văn phòng Chính phủ về việc vướng mắc về bảo hiểm trong triển khai Nghị định số 67/2014/NĐ-CP), Bộ Tài chính đã ban hành Văn bản số 8817/BTC-QLBH ngày 3/7/2017 gửi các Tổng Công ty bảo hiểm, đề nghị các Tổng Công ty tiếp tục thực hiện chính sách bảo hiểm theo quy định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP đến hết ngày 31/12/2017 theo chỉ đạo của Chính phủ, không để xảy ra tình trạng các doanh nghiệp không bán bảo hiểm cho người dân khi ra khơi. Việc thực hiện đến nay chưa phát sinh vướng mắc. Đối với kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm thuyền viên và bảo hiểm tàu năm 2017, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ chung cho các địa phương, trong đó có tỉnh Quảng Trị.
2. Tại Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016- 2020, đã dành 7.300 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng. Tiếp theo đó, ngày 26/4/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Văn bản số 102/UBTVQH14-TCNS về phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đối với phần vốn còn lại.
Theo đó, thống nhất “bổ sung 2.000 tỷ đồng trong đó dành một phần bổ sung cho chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở đối với người có công với cách mạng trong trường hợp còn thiếu”. Ngày 25/7/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó quyết định:
- Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng giai đoạn 2 theo quy định tại Quyết định số 22/QĐ-TTg.
- Phê duyệt số lượng hộ gia đình được hỗ trợ về nhà ở trong giai đoạn 2 là 312.707 hộ; kinh phí cần bổ sung từ nguồn ngân sách Trung ương khoảng 840 tỷ đồng (ngoài 7.300 tỷ đồng đã được bố trí).
- Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện phân bổ toàn bộ số vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương (100%) để hỗ trợ nhà ở cho các hộ gia đình có công với cách mạng giai đoạn 2 theo Quyết định số 22/QĐ- TTg; căn cứ đề án và kế hoạch hỗ trợ đã được phê duyệt của các địa phương, đề xuất ứng vốn nhằm hoàn thành dứt điểm việc thực hiện hỗ trợ nhà ở cho người có công trong 2 năm (2017-2018).
Vì vậy, mức ngân sách nhà nước hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 22/QĐ-TTg. Đối với việc phân bổ kinh phí hỗ trợ các địa phương, Bộ Tài chính sẽ phối hợp thực hiện theo nhiệm vụ được giao.
Cử tri kiến nghị:
Trong khi Đảng, Chính phủ có chủ trương đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhưng trong thực tế, trách nhiệm người đứng đầu chưa được thể chế cụ thể, nhiều vụ việc khi xảy ra, không quy rõ trách nhiệm cá nhân mà chỉ kiểm điểm chung chung. Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu để xây dựng thành văn bản Luật Trách nhiệm người đứng đầu để khắc phục tình trạng “trách nhiệm chung chung” để nâng cao hiệu quả, hiệu lực về trách nhiệm người đứng đầu.
Bộ Nội vụ trả lời:
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước và đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực thi công vụ, thời gian qua, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ xem xét, ban hành một số văn bản như: Nghị định số 107/NĐ-CP ngày 29/9/2006 quy định việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình quản lý, phụ trách; Nghị định số 103/NĐ-CP ngày 14/6/2007 quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 quy định về chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ.
Tại các văn bản nêu trên đã quy định người đứng đầu sẽ bị xử lý trách nhiệm nếu không thực hiện đúng các quy định về trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ hoặc để xảy ra các vụ tiêu cực tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện các văn bản nêu trên đã phát sinh những bất cập cần phải được tổng kết thực tiễn để trình cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Thực hiện Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 8/2/2017 về chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường, xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “ tự chuyển hóa” trong nội bộ, với trách nhiệm được giao, trong thời gian tới, theo Chương trình công tác của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan trong việc hoàn thiện thể chế liên quan đến công tác cán bộ, đặc biệt là quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, khắc phục tình trạng “trách nhiệm chung chung” như kiến nghị cử tri đã nêu.
Hoàng Đức Cường (tổng hợp)