Triển khai thực hiện nghị quyết của Chính phủ về cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 ở Quảng Trị
(QT) - Công cuộc cải cách nền hành chính nhà nước đã được sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước. Nghị quyết TƯ 8 (khóa VII) đã chỉ ra những định hướng cơ bản cho công cuộc cải cách nhằm đưa nền hành chính của chúng ta đi lên, đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp xây dựng Tổ quốc Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Với chủ trương đó, những năm qua, chúng ta đã thu được những thắng lợi bước đầu trong việc xây dựng và hoàn thiện một nền hành chính theo hướng hiện đại đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thời kỳ mới. Cải cách hành chính (CCHC) tuy hợp lòng dân, đem lại lợi ích cho dân, nhưng đối tượng của CCHC lại chính là người, cơ quan thực hiện cải cách, vì vậy quá trình này luôn gặp những trở ngại nhất định. Kinh nghiệm CCHC của nhiều nước cho thấy tỷ lệ thành công rất thấp, vì vậy phải lựa chọn rất kỹ mục tiêu của cải cách, dự đoán các khả năng thực hiện, chỉ đạo rất tập trung mới có kết quả. Những năm qua, công cuộc cải cách nền hành chính đã đem lại những kết quả đáng ghi nhận, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nổi lên một số vấn đề sau: Vẫn còn hiện tượng xin- cho trong quá trình thực thi công vụ nhà nước; trình độ cán bộ, công chức chưa thực sự đáp ứng với yêu cầu, tính chuyên nghiệp chưa cao; còn những thủ tục rườm rà dẫn đến phiền hà, tốn kém. Cán bộ chưa hoặc rất ít được cập nhật, đào tạo về CCHC; chính sách tiền công, tiền lương còn thấp… đã ảnh hưởng không nhỏ đối với quá trình cải cách nền hành chính ở nước ta.
 |
Đồng chí Lê Công Tuyến, TUV, Hiệu trưởng Trường Chính trị Lê Duẩn báo cáo tình hình tổ chức thực hiện Thông báo Kết luận 181 và Quyết định 184 của Ban Bí thư TƯ Đảng (khóa X) tại buổi làm việc với PGS. TS Trương Thị Thông, PBT Đảng ủy-PGĐ Học viện CT-HC QGHCM - Ảnh: TL |
Để nhận thức đúng đắn, rõ ràng rằng CCHC là giải pháp của mọi giải pháp phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam hiện nay, chúng ta cần tập trung giải tỏa 4 nút nghẽn đó là: 1) Thể chế (hiện có nhiều văn bản trái ngược nhau và không bảo đảm sự thống nhất về mặt pháp chế cần được tháo gỡ; hệ thống pháp luật chưa đồng bộ; chưa luật hóa để bảo đảm sự phát triển của xã hội, bảo đảm quyền cho người dân - xây dựng nhà nước pháp quyền). 2) Chất lượng nguồn lực còn nhiều hạn chế như đã nói ở trên, hiện chúng ta đang tổ chức thi tuyển công chức theo phương thức cạnh tranh là một dấu hiệu, một điểm nhấn ấn tượng. 3) Hiện đại hóa hành chính, phải ít nhất 90% các văn bản trao đổi dưới dạng thư điện tử; chú trọng mọi hoạt động trên môi trường mạng đi liền với chế độ bảo mật, an toàn mạng nhằm đưa dịch vụ công chia sẻ lên mạng, hướng đến xây dựng chính phủ điện tử. 4) Cải cách một cách khoa học, căn bản chế độ tiền lương vì đây được xem là một yêu cầu quan trọng để thúc đẩy động lực con người. Với vị trí, vai trò và tầm quan trọng của CCHC, ngày 8/11/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30c/NQ-CP về Chương trình tổng thể cải CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020. Mục tiêu của chương trình này nhằm xác định rõ việc CCHC nói chung, cải cách thủ tục hành chính nói riêng là nền nếp, là cổng của một nhà nước vì vậy bỏ cái gì và không bỏ cái gì cho phù hợp. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm giải phóng lực lượng sản xuất, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển đất nước. Bảo đảm trên thực tế quyền dân chủ của nhân dân, bảo vệ quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, của đất nước. Thực tế cho thấy có nơi đã lắng nghe ý kiến của người dân, nhưng cũng không ít nơi có biểu hiện vô cảm trước sự “hành dân” của thủ tục hành chính; những biểu hiện của hành vi cửa quyền, chính quyền vận hành theo lối chủ quan, không quan tâm đến lợi ích chung đã dẫn đến làm ảnh hưởng, tổn hại đến hình ảnh của đất nước. Chính vì thế, trong nội dung của nghị quyết đã đề ra các vấn đề chính sau đây: Xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, hoàn chỉnh để bảo đảm nguyên tắc điều hành của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (không phải ý chí của chủ quan); tôn trọng và đề cao việc quản lý bằng pháp luật, theo pháp luật phù hợp với sự văn minh, tiến bộ của nhân loại; đặt con người trong môi trường luôn luôn hoạt động theo những quy định, quy chuẩn đặt ra. Hướng tới xác định rõ ràng về sở hữu, đặc biệt là sở hữu về đất đai, để khai thác, sử dụng một cách có hiệu quả nhất nguồn tài nguyên vô cùng quý giá này.
 |
Đồng chí Trương Ngọc Ứng- UVTVTU, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy tặng bằng khen cho Trường Chính trị Lê Duẩn vì có thành tích xuất sắc trong tổ chức đào tạo lớp Trung cấp LLCT-HC khóa II cho cán bộ 2 tỉnh Salavan và Savannakhet (Lào) - Ảnh: TL |
Thực hiện Nghị quyết 30c của Chính phủ, ngày 20/02/2012, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 263/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2012-2015. Mục tiêu của kế hoạch này nhằm xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước thông suốt, trong sạch, vững mạnh, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Quảng Trị. Những vấn đề trọng tâm mà kế hoạch hướng đến để thực hiện trong thời gian tới, đó là: Thứ nhất, tăng cường phân cấp, ủy quyền việc tổ chức các phòng, ban của huyện, thị, thành phố theo hướng phù hợp với đặc điểm quản lý của từng vùng khác nhau (đô thị, miền núi, hải đảo…) nhằm hạn chế sự rập khuôn cứng nhắc trong thiết kế, tổ chức bộ máy. Thứ hai, tập trung xây dựng phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối các dịch vụ công cũng như đối với hành vi quản lý nhà nước trong quá trình thực thi quyền lực nhà nước ở địa phương. Thứ ba, Sở Nội vụ phối hợp với Sở Tài chính về kinh phí khoán chi để tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị hành chính trong toàn tỉnh theo Nghị quyết 10 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Các cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh thực hiện kiểm tra, kiểm soát đối với các đơn vị. Hiện nay, ở thành phố Đông Hà đang tiến hành và làm tốt việc này. Thứ tư, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ công chức về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như về lý luận chính trị, hành chính để có một đội ngũ có tính chuyên nghiệp cao hơn, vững vàng về lập trường chính trị, có kỹ năng hành chính trong giải quyết công việc cũng như giao tiếp. Gắn việc đào tạo với quá trình quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đề bạt cán bộ từ cấp phó trưởng phòng trở lên. Thứ năm, tiếp tục thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đào tạo tại chỗ theo hướng sát với công việc chuyên môn của từng lĩnh vực (nhất là những lĩnh vực cần đội ngũ chuyên gia có trình độ khoa học và năng lực thực tiễn cao). Thứ sáu, đẩy mạnh cải cách tài chính công. Có một điểm cần lưu ý đó là, trong chương trình tổng thể cải cách lần này đã tách nội dung cải cách thủ tục hành chính ra khỏi thể chế hành chính (trước đây cải cách thủ tục hành chính là một trong những nội dung của cải cách thể chế hành chính), bởi đây là vấn đề liên quan trực tiếp, thường xuyên với doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân. Như vậy, so với những chương trình, kế hoạch cải cách trước đây thì Kế hoạch cải cách hành chính của tỉnh hiện nay có 5 điểm mới như sau: Một là, chương trình đã xác định trọng tâm của CCHC giai đoạn 2012- 2015 là cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính; xây dựng đội ngũ; cải cách dịch vụ công. Hai là, lượng hóa các nội dung rất cụ thể như: độ hài lòng của người dân; trình độ đối với cán bộ; chi phí hành chính giảm như thế nào. Ba là, đưa ra bộ chỉ số đánh giá quá trình thực hiện CCHC. Bốn là, quan tâm đến sự đánh giá của người dân (chủ yếu là sự hài lòng về dịch vụ công). Năm là, phân công cụ thể trách nhiệm triển khai, tổ chức thực hiện cho các tổ chức, đơn vị trong tỉnh. Với những nội dung và định hướng như vậy, tỉnh đã đề ra một số mục tiêu cụ thể như: Phấn đấu đến 2015 giảm 10% chi phí mà cá nhân, tổ chức phải bỏ ra khi giải quyết các thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước ở địa phương. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông được tiếp tục thực hiện và nâng cao hiệu quả hoạt động; sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với dịch vụ do cơ quan hành chính cung cấp đạt trên 60%. Trên 50% các cơ quan hành chính nhà nước có cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm; trên 95% công chức cấp xã ở vùng đồng bằng, đô thị và trên 90% ở vùng miền núi, dân tộc thiểu số đạt tiêu chuẩn theo chức danh. Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị hành chính, sự nghiệp dịch vụ công được triển khai toàn tỉnh, chất lượng dịch vụ sự nghiệp công được nâng cao, bảo đảm sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trong các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt mức trên 65% vào năm 2015. Trên 60% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trên điện tử; 100% cơ quan hành chính từ cấp huyện trở lên có cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định; 100% cơ quan hành chính từ cấp huyện và cấp sở cung cấp dịch vụ cổng trực tuyến ở mức 2 và mức 3 theo quy định. 100% các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện và 50% UBND cấp xã thực hiện việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001: 2008. Để thực hiện thành công kế hoạch CCHC nhà nước giai đoạn 2012-2020, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch CCHC năm 2012, trong đó bao gồm nội dung cải cách, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, thời gian thực hiện. Đồng thời, đã ban hành Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2012-2015 (kèm theo Quyết định 263/QĐ-UBND), kế hoạch đã xác định rõ nhiệm vụ CCHC của tỉnh, trong đó bao gồm cải cách thể chế do Sở Tư pháp chủ trì; cải cách thủ tục hành chính do Văn phòng UBND tỉnh chủ trì; cải cách bộ máy hành chính do Sở Nội vụ chủ trì; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức do Sở Nội vụ chủ trì; cải cách tài chính công do Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì; hiện đại hóa hành chính do Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì; công tác chỉ đạo điều hành do Sở Nội vụ chủ trì và các cơ quan liên quan phối hợp trên từng lĩnh vực của CCHC. Nhằm hiện thực hóa kế hoạch, chương trình cải cách hành chính để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước của 3 cấp ở địa phương, thời gian tới tỉnh cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp như: Tăng cường công tác chỉ đạo triển khai CCHC, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về CCHC nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp dịch vụ công…trong thực thi công vụ. Nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ làm công tác CCHC ở các sở, ban, ngành, địa phương; đầu tư bảo đảm về nguồn lực con người, cơ sở vật chất và kinh phí thực hiện chương trình, kế hoạch CCHC. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc triển khai CCHC để có những giải pháp nhằm đẩy mạnh CCHC. Nền hành chính là một bộ phận lớn nhất trong hệ thống các cơ quan nhà nước, có vai trò là hệ thống trực tiếp tổ chức thực hiện đường lối, chính sách và pháp luật, trực tiếp giải quyết, xử lý mọi công việc hàng ngày và thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với nhân dân; là cầu nối trực tiếp giữa dân với Đảng, Nhà nước với dân bảo đảm cho hoạt động quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội được thực hiện theo kế hoạch, mục tiêu đề ra. Vì vậy, CCHC góp phần to lớn trong việc xây dựng một nền hành chính vững mạnh, dân chủ, trong sạch, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay của Đảng và Nhà nước ta. NGUYỄN HỮU THÁNH