(QT) - Dù mô hình thả cá, nuôi lợn mỗi năm mang đến cho gia đình gần 100 triệu đồng, nhưng ông Nguyễn Quang Huy, 56 tuổi, ở thôn Như Lệ, xã Hải Lệ (thị xã Quảng Trị) xem đó chỉ là nghề tay trái. Bởi từ trước đến nay, nghề chính của ông là xay xát, thu mua nông sản, còn mô hình nuôi lợn, thả cá ông mới triển khai khoảng vài năm trở lại đây.
![]() |
Ông Huy bên ao cá của mình |
Ông Huy cho hay, nghề xay xát và thu mua lương thực chỉ làm theo mùa vụ, nên quỹ thời gian rảnh rỗi còn rất nhiều. Chính vì thế, 4 năm trước ông quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi lợn, đào đắp hồ thả cá. Bây giờ bên cạnh công việc chính, ông Huy còn nuôi hơn 100 con lợn thịt, 5 lợn nái và nuôi nhiều loại cá nước ngọt như trắm, mè, chép, rô phi… trên 1 ha diện tích mặt nước.
Mỗi năm, cứ vào tháng 11 âm lịch ông Huy lại tiến hành thả cá giống mới để nuôi. Đa số các loài cá giống ông Huy chọn nuôi có trọng lượng từ 0,2- 0,4 kg, thức ăn chủ yếu là cỏ, cám gạo. Khi cá đạt đến trọng lượng, ông Huy không thu hoạch một lần mà hạ nước thấp dần để bắt bán số cá lớn, còn cá bé để lại và tiến hành nuôi thúc. Những diện tích ao cá vừa hạ nước, ông Huy tận dụng để gieo, cấy lúa mà không cần đến các công đoạn như cày xới hay bón phân.
Bên cạnh việc thả cá, mỗi năm gia đình ông Huy còn nuôi thêm 3 lứa lợn thịt (mỗi lứa hơn 100 con) bán ra thị trường sản phẩm thịt an toàn và đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi.
Cùng với nghề chính, việc nuôi lợn, thả cá mang đến cho gia đình ông Huy nguồn thu trên 150 triệu đồng mỗi năm. Ông Huy cho biết, thời gian đầu khi tiến hành nuôi lợn, thả cá gia đình ông gặp rất nhiều trở ngại do thiếu nguồn vốn đầu tư và vật nuôi gặp dịch bệnh. Sau nhiều lần gặp thất bại nhưng ông Huy không bỏ cuộc mà đúc rút kinh nghiệm dần, đồng thời chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống, kiểm soát dịch bệnh trên vật nuôi.
Đối với ông Huy thì việc chăn nuôi lợn có phần dễ dàng hơn nuôi cá bởi người nuôi có thể phát hiện, kiểm soát được dịch bệnh để kịp thời chữa trị, dập dịch ngay trong quá trình chăm sóc hàng ngày. Còn việc nuôi cá (nhất là các loài cá lớn như trắm, mè…) thì rất khó, nếu người nuôi không quan sát, theo dõi biểu hiện cá từng ngày, không điều tiết nguồn nước, xử lý ao cá một cách phù hợp thì nguy cơ “tay trắng” là rất cao.
Ông Huy kể: “Có thời điểm ao cá rộng hơn 1 ha của tôi bị dịch bệnh nên có gần 3 tấn cá từ nhỏ tới lớn chết nổi trắng hồ. Chứng kiến cảnh trên vợ chồng tôi phải ngậm ngùi vớt số cá chết đó về làm mắm cho lợn ăn dần. Sau lần đó, tôi mới biết nguyên nhân là do nuôi cá với mật độ quá dày, nguồn nước lại thất thường nên lượng ô xy cho cá không được đảm đảm, dẫn đến hiện tượng trên.
Vụ cá năm đó tôi thất bại nhưng rút được kinh nghiệm cho những năm nuôi cá tiếp theo”. Trong thời gian tới, bên cạnh việc xay xát, thu mua nông sản ông Huy dự định sẽ đầu tư, xây dựng thêm chuồng trại chăn nuôi lợn với số lượng lớn, đồng thời tìm hiểu để đưa các giống cá nước ngọt có giá trị về thả nuôi để tăng thêm nguồn thu nhập.
Đức Nghĩa