Nghề biển thời tăng giá
(QT) - Dù đã vào vụ cá nam nhưng trước sự biến động liên tục của vật giá cùng với giá xăng dầu tăng trong thời gian qua khiến nhiều người đi biển phải đắn đo, tính toán kỹ lưỡng trước mỗi lần ra khơi. Trong số 157 tàu thuyền đánh cá ở xã Gio Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị) hiện có khoảng 45 chiếc chưa ra khơi dù vụ cá nam đã bắt đầu hơn một tháng nay. Gia đình ông Trần Hải Trung ở thôn Xuân Lộc, xã Gio Việt thuộc vào hạng “đội mạnh” về nhân lực đi biển khi có 9 anh em thì có 8 người con trai. Sau nhiều năm đi bạn cho các chủ tàu quanh vùng, anh em ông Trung quyết định dành toàn bộ số tiền dành dụm được, vay mượn thêm ngân hàng 300 triệu đồng để mua chiếc tàu trị giá 550 triệu đồng. Vậy nhưng, sau chuyến đi biển đầu tiên lênh đênh 1 tháng rưỡi chỉ đánh bắt được 10 ngày vì ra khơi gặp lúc biển động tàu ông Trung đã chi phí hết 65 triệu đồng nhưng chỉ thu được gần 60 triệu đồng, tính ra lỗ 5 triệu đồng chưa kể công của 14 thuyền viên 1 tháng rưỡi trời dầm mình giữa mưa rét bám biển. Sau chuyến ra khơi thất thu này, tàu ông nằm bờ đến bây giờ.
 |
Kiểm tra, nâng cấp tàu để chuẩn bị ra khơi. |
Số nợ 300 triệu đồng với lãi suất 14,5%/năm vay ngân hàng từ tháng 8/2010 đến nay vẫn chưa trả được đồng tiền lãi nào. Hôm chúng tôi hỏi đường tìm về nhà ông, quanh xóm nhiều người nhầm tưởng chúng tôi là nhân viên ngân hàng đến đòi nợ. Ông Trung cho biết: “ Mang tiếng là ông chủ có tàu lớn, thực ra thời gian vừa rồi vợ chồng tôi toàn đi làm thuê. Đến mùa cá rồi đó mà tôi chưa dám ra khơi vì nghe ngóng thông tin thì cá ngoài khơi chưa rộ nên đi sợ lỗ. Tàu càng lớn thì chi phí ra khơi càng tốn kém, riêng tiền dầu cho mỗi chuyến đi ít nhất là 21 triệu đồng (1.000 lít), trong khi các chi phí khác như ăn uống, đá lạnh…đều tăng lên vùn vụt. Tính tới, tính lui gần 2 tháng nay tôi đi bạn cho các tàu pha xúc (tàu trọng tải dưới 90 CV) còn vợ ở nhà làm thuê cho các lò hấp cá kiếm thêm thu nhập. Sợ nhất là món nợ ngân hàng, tàu thì nằm bờ mà tháng nào cũng phải chịu 4 -5 triệu đồng tiền lãi. Mấy ngày nay vợ chồng tôi đang tìm cách xoay xở vay mượn định mua dàn pha xúc để đi đánh bắt gần bờ mà chưa được vì năm nay xã Gio Việt nhiều người vay mượn để mua sắm tàu và làm lò hấp nên tiền vay ngoài giờ rất khan hiếm. Nhìn mọi người ra khơi mà tàu mình cứ nằm bờ mãi thấy nóng ruột quá” . Tháng 6/2010, gia đình ông Lê Việt Hoàng ở thôn Xuân Lộc, xã Gio Việt quyết định bám trụ lâu dài với nghề biển bằng việc bán chiếc tàu trọng tải nhỏ để mua chiếc tàu trọng tải lớn 168 CV. Tuy nhiên, từ ngày mua tàu mới đến nay ông chỉ ra khơi được 2 lần, trong đó chuyến thứ 2 sau tết Nguyên tiêu 6 ngày ra khơi chi phí hết 27 triệu đồng mà chỉ đánh được 2 tạ cá bánh lái trị giá 5 triệu đồng, tính ra ông lỗ 22 triệu đồng. Tuy vậy, những ngày này ông tranh thủ đưa tàu lên đà để sơn sửa bảo dưỡng chuẩn bị cho mùa ra khơi. Không riêng gì ông, nhiều tàu trọng tải lớn ở Gio Việt và Cửa Việt đều tranh thủ thời gian này để tu bổ, bảo dưỡng lại máy móc dù mỗi lần lên đà bảo dưỡng chi phí không dưới 10 triệu đồng. Ông Hoàng cho biết: “Không có tiền thì vay mượn chứ định kỳ 2 lần/năm phải đưa tàu đi bảo dưỡng như thế này không thì quanh năm suốt tháng ngâm trong nước làm sao tránh khỏi hư hỏng. Nghề biển bao đời nay đều vất vả nhưng đó là nghề ông cha bỏ sao được. Tính theo quy luật tự nhiên thì năm ngoái nghề cá vây mất mùa rồi chắc năm nay sẽ được” . Xưa nay nghề biển không chỉ phụ thuộc nhiều vào yếu tố khí hậu thời tiết mà còn trông chờ vào năm biển được hay mất mùa. Chính vì thế cuộc sống của ngư dân khá bấp bênh. Nay, vật giá leo thang, đặc biệt là giá dầu tăng khiến người đi biển càng trở nên khó khăn. Ngày trước mỗi chuyến ra khơi các chủ tàu có thể lấy nợ tiền dầu để đi rồi khi về bán cá trả sau nhưng bây giờ giá dầu tăng cao khiến các đại lý dầu đều lấy tiền trước. Trong khi đó giá cá sau mỗi lần khó nhọc khai thác về hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương. Ông Nguyễn Công Hải ở thôn Tân Xuân, xã Gio Việt cho biết: “ Những tàu trọng tải lớn chủ yếu là tàu vây đánh bắt các loại như cá thu, cá ngừ, cá nục…Đây là những tàu đánh bắt xa bờ nên trong thời buổi đắt đỏ thế này chỉ cần một chuyến ra khơi đi không đúng luồng cá là phải chạy 5-7 hải lý/ngày tìm luồng đủ để tiêu tốn nhiên liệu rồi. Gặp lúc biển được mùa thì mỗi chiếc đi về vài tấn cá là chuyện thường. Giá cá hiện nay có tăng so với trước nhưng so với giá tăng của chi phí ra khơi thì chẳng đủ bù lại. Mỗi lần tàu cập cảng cùng một loại cá nhưng chúng tôi phải bán 3, 4 giá khác nhau vì bị tư thương ép giá. Họ tìm đủ mọi cách chê cá thế này thế khác để hạ giá dần, thành ra tính trung bình giá cá vẫn thấp. Mong rằng với tình hình giá cả hiện nay, nhà nước sẽ có sự hỗ trợ giá dầu cho bà con ngư dân như chúng tôi” . Ông Trần Minh Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Gio Việt cho biết: “Hiện nay trên địa bàn xã Gio Việt chỉ có tàu trọng tải dưới 90 CV là hoạt động được vì đây là chủ yếu loại tàu đánh bắt cá cơm theo hình thức pha xúc quanh đảo Cồn Cỏ, có thể đi về trong ngày nên chi phí thấp trong khi cá cơm đang rất được giá khi các lò hấp nở rộ. Trong thời buổi khó khăn này, nhiều gia đình có tàu lớn đánh bắt xa bờ có ý định chuyển qua tàu đầu tư dàn pha và môtơ để làm nghề đánh bắt cá cơm, chi phí gần 100 triệu đồng. Nếu vốn tự có để đầu tư thì không nói làm gì nhưng nhiều gia đình sẵn sàng cầm cố tài sản, vay nóng với mức lãi suất cao để làm là điều không nên vì mùa cá vây chỉ mới bắt đầu nên chưa rộ, nếu bà con nôn nóng đầu tư thêm trang thiết bị đánh bắt gần bờ thì không bao lâu nữa mùa vụ cá vây nở rộ sẽ rất lãng phí.” Bài, ảnh: LÂM THANH