(QT) - Theo các nhà kinh tế, tái cấu trúc là quá trình tổ chức, sắp xếp lại doanh nghiệp nhằm tạo ra “trạng thái” tốt hơn cho doanh nghiệp để thực hiện những mục tiêu đề ra. Mục tiêu chung của tái cấu trúc là đạt được một “thể trạng tốt hơn” cho doanh nghiệp để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn dựa trên những nền tảng về sứ mệnh, tầm nhìn, định hướng chiến lược sẵn có của doanh nghiệp. Trong buổi thuyết trình mới đây tại Công ty TNHH MTV Thương mại Quảng Trị về tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa QTKD, Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh khẳng định rằng, theo quy luật phát triển, khi doanh nghiệp đại thắng là tín hiệu bắt đầu chết. Tái cấu trúc không phải là nhiệm vụ thường xuyên của doanh nghiệp mà chỉ xuất hiện khi doanh nghiệp đang chuẩn bị chuyển sang một trạng thái mới. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với hai rủi ro lớn. Thứ nhất là rủi ro hệ thống, nó phụ thuộc cả vào kinh tế vĩ mô của Việt Nam và trên thế giới. Thứ hai là rủi ro phi hệ thống, đây là rủi ro thuộc về năng lực quản trị của từng doanh nghiệp. Do không đạt chuẩn, nên khi khủng hoảng và suy thoái xảy ra, các doanh nghiệp khác không ảnh hưởng nhưng mình thì lại gặp vấn đề. Trong tình hình này, các doanh nghiệp phải tiếp cận nhanh chóng với tình hình vĩ mô để đưa ra chiến lược phù hợp. Sau khi có chiến lược để giảm thiểu rủi ro thứ nhất thì doanh nghiệp phải tái cấu trúc (bộ máy, quy trình, nhân sự, chi phí…) để nâng cao khả năng thích ứng trong thời khủng hoảng. Khủng hoảng kinh tế kéo theo nhiều thách thức mà doanh nghiệp Việt phải gồng mình đối phó, nhưng đồng thời đây cũng được coi là cơ hội để doanh nghiệp tự đánh giá và làm mới chính mình thông qua quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp – một vấn đề nổi bật và được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm trong giai đoạn này. Có thể nói, tái cấu trúc chính là đòi hỏi đặt ra từ cuộc sống và là giải pháp tồn tại cho doanh nghiệp trong thời suy thoái. Để trả lời câu hỏi vì sao phải tái cấu trúc? TS. Lê Thẩm Dương cho rằng, tái cấu trúc là quá trình tổ chức, sắp xếp lại doanh nghiệp nhằm tạo ra một thể trạng tốt hơn giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả dựa trên những nền tảng sứ mệnh, tầm nhìn và phù hợp với môi trường kinh doanh hiện tại. Với tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua, khuynh hướng tinh giản nhân viên, giảm chi phí, các dự án “tái cấu trúc” lại càng rộ lên. Tuy nhiên vẫn còn nhiều nguyên do khác buộc doanh nghiệp phải “tái cấu trúc” như: tạo giá trị mới cho doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp hấp dẫn các nhà đầu tư, kinh doanh có hiệu quả hơn, tình hình tài chính minh bạch, chính xác hơn... Tóm lại, tái cấu trúc doanh nghiệp là việc khảo sát, đánh giá lại cấu trúc hiện tại và đề xuất giải pháp cho mô hình cấu trúc mới. Việc tái cấu trúc có thể làm thay đổi hoàn toàn bộ máy hoặc chỉ làm thay đổi một phần. Một doanh nghiệp chưa thiết lập được một cấu trúc hợp lý có thể dẫn đến các hệ quả sau: Không khai thác tối đa tiềm năng sẵn có của doanh nghiệp. Khó xác định trách nhiệm khi có thiệt hại xảy ra. Khó phát triển mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Không thu hút và giữ chân được nhân tài. Rủi ro tiềm tàng trong sản xuất kinh doanh sẽ rất cao… Muốn tái cấu trúc doanh nghiệp thành công, trước hết phải tái cấu trúc cơ bản tức là tiến hành khảo sát, đánh giá mô hình cấu trúc hiện tại (hợp lý, bất hợp lý...) để thiết lập mô hình cấu trúc mới. Trong đó, xác định trách nhiệm quyền hạn của từng phòng ban, mô tả công việc cho từng cá nhân; xây dựng hệ thống quản lý tổng thể (nội quy, quy định, quy chế, thủ tục, biểu mẫu..); tập huấn triển khai; vận hành và duy trì vận hành hệ thống quản lý mới. Bước tiếp theo là tái cấu trúc doanh nghiệp chuyên sâu, bao gồm công việc của tái cấu trúc doanh nghiệp cơ bản, cộng thêm tái thiết lập chính sách quản trị hành chính, nhân sự chuyên sâu; tái thiết lập chính sách quản trị chiến lược tiếp thị, kinh doanh; tái thiết lập chính sách quản trị cung ứng; tái thiết lập quản trị sản xuất, kỹ thuật; tái thiết lập chính sách quản trị kế toán, tài chính và tái thiết lập các chính sách quản trị khác. Khó khăn lớn nhất hiện nay trong quá trình tổ chức, sắp xếp lại doanh nghiệp nhằm tạo ra “trạng thái” tốt hơn cho doanh nghiệp để thực hiện những mục tiêu đề ra là hầu hết các doanh nghiệp đều nhận thấy vai trò tái cấu trúc nhưng khi tiến hành doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều áp lực từ sự thay đổi trong nội tại doanh nghiệp. Yếu tố đầu tiên được nhắc đến đó là thiếu sự quyết tâm cao độ và đồng lòng của Ban lãnh đạo và các nhà quản lý cấp cao. Thứ hai, tái cấu trúc chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng ít nhiều đến quyền lợi của một hay một số nhóm người. Việc theo đuổi mục tiêu chiến lược và dung hòa lợi ích của tất cả các nhóm là điều không dễ dàng gì. Nhà quản trị phải tạo dựng cho mình một phong cách lãnh đạo phù hợp để lãnh đạo và dẫn dắt sự thay đổi và định hướng nhân viên của mình vào mục tiêu chung của doanh nghiệp. Thứ ba, quá trình tái cấu trúc là quá trình liên quan chặt chẽ đến con người. Nhà quản trị ngoài việc bố trí lại tổ chức bộ máy và nhân sự, còn phải đánh giá và xem xét lại hệ thống đánh giá nhân viên, hệ thống đãi ngộ và đổi mới các hình thức đào tạo, phát triển nhân viên. Thứ tư, trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, thay đổi và chọn lựa lại ngành, danh mục kinh doanh, đổi mới phương thức bán hàng và đổi mới mô hình doanh thu là một trong những quyết định chiến lược mà nhà quản trị doanh nghiệp phải nắm bắt, kiểm soát và thường xuyên đánh giá hiệu quả. HOÀNG ĐỨC