Du lịch dựa vào cộng đồng ở Làng Cát
(quangtritv.vn) - Đối với Quảng Trị, du lịch đã được khẳng định là có nhiều tiềm năng và với phong phú các loại hình. Bên cạnh thế mạnh phát triển về du lịch "Hoài niệm chiến trường xưa", "Du lịch sinh thái"..., "Du lịch dựa vào cộng đồng" cũng đang được đánh thức, nhằm không chỉ tăng cường hơn nữa khả năng kết nối du lịch với các tỉnh trong khu vực, kết nối với nền kinh tế địa phương mà còn mang giá trị văn hoá, lịch sử sâu sắc. Du lịch dựa vào cộng đồng ở Đakrông là một minh chứng như thế. Ở ...

Du lịch dựa vào cộng đồng ở Làng Cát

(quangtritv.vn) - Đối với Quảng Trị, du lịch đã được khẳng định là có nhiều tiềm năng và với phong phú các loại hình. Bên cạnh thế mạnh phát triển về du lịch "Hoài niệm chiến trường xưa", "Du lịch sinh thái"..., "Du lịch dựa vào cộng đồng" cũng đang được đánh thức, nhằm không chỉ tăng cường hơn nữa khả năng kết nối du lịch với các tỉnh trong khu vực, kết nối với nền kinh tế địa phương mà còn mang giá trị văn hoá, lịch sử sâu sắc. Du lịch dựa vào cộng đồng ở Đakrông là một minh chứng như thế. Ở Đakrông, mỗi tên đất,tên núi, tên sông, tên làng, tên bản...đều để lại những dấu ấn riêng và mang những nét đẹp khó trộn lẫn. Tất cả như được bố trí hài hoà,hội tụ gần nhau,để rồi tạo nên một bức tranh toàn bích trữ tình. Và đây cũng chính là tiềm năng lớn để phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, trong đó Làng Cát và Klu là điểm nhấn quan trọng.

Làng Cát, xã Đkrông. Nguồn: Internet
Thông qua cuộc sống đời thường và những sinh hoạt văn hoá cộng đồng của đa phần là người Vân Kiều nơi đây, du khách trong hay ngoài nước sẽ được hoà mình giữa một quần cư hợp nhất đầy thú vị. Nơi đây, đời sống của bà con chủ yếu dựa vào việc làm nương rẫy và trồng rừng. Sau những ngày làm việc, họ lại quây quần bên nhau để hát, để múa ngợi ca cuộc sống yên bình của bản làng. Những con người chất phác, hồn nhiên, từng đầu đội trời, chân đạp đất là thế, nhưng khi bên nhau, họ lại hát lên những bài hát giao duyên về tình yêu dịu dàng. Và thế là, du khách có thể thả mình theo những làn điệu du dương, độc đáo, mang đậm bản sắc của người dân tộc Vân Kiều. Nghệ nhân Pả Khăm làng Klu cho biết thêm: bà con nơi đây ngoài việc lưu truyền cho nhau lời ca, tiếng hát, thời gian rảnh rỗi họ còn làm nhạc cụ, có thể bằng tre, nứa, sừng trâu, hay một số loại vật dụng khác để tăng thêm âm điệu và làm nhạc cho lời. Những khúc hát ngân lên, nghe như gió rừng đang thổi, nghe như suối thác chảy và lòng người dường như cũng xao động, thổn thức với điệu nhạc, lời ca. Ở đó, ta tìm thấy được một điều gì đó kỳ bí, huyền thoại và đầy ắp tình: đó là tình yêu quê hương đất nước, yêu làng bản, yêu cuộc sống, mừng ngày mùa và xây dựng quê hương giàu đẹp....qua những sáng tác độc đáo của nghệ nhân Pả Khăm hay là của những già làng sưu tầm lại. Cùng với cộng đồng người dân tộc Vân Kiều, du khách có thể cùng chung vui bên ché rượu cần, để rồi cùng ngân nga với già làng câu hát Xa Nớt hay trầm ngâm với điệu Ta uọi. Đặc trưng nhất là lối hát ví von của điệu Tà Oái. Với giai điệu, cung bậc rõ ràng, có sức hấp dẫn, điệu Tà Oái đã thể hiện được nỗi niềm, ước muốn của mình với bạn tình. Ðáp lại lời ca như một lời nhắn gửi, tìm kiếm...và rồi theo đó, người con trai hoặc con gái sẽ thổ lộ tâm trạng, nỗi lòng của mình một cách tình tứ, ý nhị và sâu sắc. Em ước mơ đến anh Không biết rồi mơ ước có thành không? Hoặc: Em ở chòi bên này thao thức đợi anh Muốn thổi kèn aman nhưng lại thiếu một người Tình yêu và những lời hẹn ước, thủy chung thông qua lời ca Tà Oái được không gian thanh vắng của núi rừng chắp cánh bay xa, không chỉ dìu dắt hai tâm hồn "đồng điệu" tìm đến với nhau và có lẽ, du khách cũng sẽ du dương cùng với những câu hát tình, ngất ngây bỡi những cái nhìn tình tứ, sâu lắng và cả đắm mình trong khung cảnh đặc trưng khó trộn lẫn. Qua đó, chắc hẳn ai cũng thấy được một sức sống mãnh liệt, vượt qua thời gian, không gian, đi vào kho tàng văn hóa dân gian, sống mãi đến tận hôm nay. Và điều quan trọng hơn thế là trong mỗi con người này, họ luôn có ý thức xây dựng giá trị văn hoá cộng đồng cũng như du lịch cộng đồng. Ở làng Cát, sau hơn 20 năm đổi mới với biết bao thăng trầm, đồng bào Vân Kiều làng Cát vẫn giữ được những nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc, đồng thời vươn lên trở thành làng đi đầu trong xoá đói giảm nghèo của huyện Đakrông.Ý thức về văn hoá cộng đồng, du lịch cộng đồng vẫn luôn hiện hữu trong mỗi căn nhà, từ mỗi con người và trong từng nếp nghĩ. Bỡi ở nơi này, từ mỗi người con sinh ra và lớn lên trên đất này đều muốn tìm và giữ lại ánh lửa giữa đại ngàn, vẫn giữ nguyên cái " hồn của bản" và hơn thế là ý thức xây đắp quê hương ngày một đẹp giàu. Thời gian và cả những tất bật trong cuộc sống không thể xoá nhòa đi những nét đẹp văn hoá đời thường của những con người biết giữ gìn và bảo bọc những giá trị văn hoá vật thể và cả phi vật thể. Từ thực tế đời sống đến những nét văn hoá ấy vẫn gần lắm, rất gần mà mỗi người đến với làng Cát, Klu ở huyện Đakrông dể dàng nhận ra và cùng hoà nhập vào cuộc sống của đồng bào nơi này. Trong đó, nét thân thiện, hoang dã, sơ khai chính là sợi dây mạnh mẽ tạo gần gủi, thân thiện với đồng bào. Có lẽ, tiềm năng du lịch của Làng cát, Klu thật lớn, thật kỳ diệu và có một sức mạnh lớn lao lôi cuốn sự khám phá. Và tiềm năng ấy cần được đánh thức, vùng với cộng đồng chung tay xây dựng những điểm du lịch hấp dẫn, lạ lẫm và đầy lý thú. Tuy nhiên, để phát triển mạnh mẽ du lịch dựa vào cộng đồng, con người vẫn luôn là nhân tố quan trọng và quyết định mọi thắng lợi. Trong đó, việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc là trung tâm, bỡi qua đó, du khách đến với Làng Cát, Klu của Đakrông có thể thụ hưởng được bức tranh đời sống văn hoá, tinh thần nơi đây, thấy được nhịp sống bình dị nhưng lạ lẫm, độc đáo và đặc sắc đang sinh sôi, nảy nở từng ngày. Việt Anh