Giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu cán bộ trầm trọng của ngành Y tế
* Theo định mức ngành Y tế Quảng Trị còn thiếu 313 bác sĩ và 50 dược sĩ * Ngành Y tế đề nghị chính sách riêng để thu hút cán bộ đến công tác ở Quảng Trị Từ ngày tỉnh nhà được lập lại đến nay, ngành Y tế Quảng Trị đã không ngừng nỗ lực vươn lên làm tốt việc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho người dân. Hệ thống khám chữa bệnh, mạng lưới y tế các cấp không ngừng được hoàn thiện. Số lượng và chất lượng CBCNV ngành Y tế được tăng cường, nâng cao, đảm bảo thực hiện có hiệu quả các chương trình y tế ...

Giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu cán bộ trầm trọng của ngành Y tế

* Theo định mức ngành Y tế Quảng Trị còn thiếu 313 bác sĩ và 50 dược sĩ * Ngành Y tế đề nghị chính sách riêng để thu hút cán bộ đến công tác ở Quảng Trị Từ ngày tỉnh nhà được lập lại đến nay, ngành Y tế Quảng Trị đã không ngừng nỗ lực vươn lên làm tốt việc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho người dân. Hệ thống khám chữa bệnh, mạng lưới y tế các cấp không ngừng được hoàn thiện. Số lượng và chất lượng CBCNV ngành Y tế được tăng cường, nâng cao, đảm bảo thực hiện có hiệu quả các chương trình y tế quốc gia. Tuy nhiên so với yêu cầu hiện nay nguồn nhân lực cho ngành Y tế đang thiếu trầm trọng. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Chung, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở Y tế cho biết: Từ năm 2000 đến nay ngành Y tế Quảng Trị tuyển mới được 96 bác sĩ, 8 dược sĩ đại học. Nhưng chỉ tính trong vòng 4 năm qua ( từ 2004 đến nay) đã có 29 bác sĩ nghỉ hưu, 10 người bỏ việc và 8 bác sĩ xin chuyển công tác. Ngay cả bác sĩ tuyến xã, một số người được đào tạo bằng hình thức cử tuyển, chuyên tu cũng xin đi, do họ mong muốn được vào biên chế Nhà nước, hoặc làm y tế tư nhân ở các tỉnh miền Nam có thu nhập cao hơn. Do những biến động trên nên số lượng bác sĩ bổ sung cho ngành không đáp ứng được nhu cầu. Tình trạng thiếu bác sĩ đang diễn ra ở hầu khắp các cơ sở y tế, không chỉ ở tuyến tỉnh mà còn đến cơ sở. Theo số liệu của Sở Y tế các bệnh viện và đơn vị tuyến tỉnh thiếu 99 bác sĩ; tuyến huyện thiếu 142 bác sĩ; tuyến xã, phường thiếu 72 bác sĩ. Ngoài ra còn thiếu khoảng 50 dược sĩ đại học. Bác sĩ Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế nói thêm: “Do thiếu cán bộ nên chúng tôi luôn mở rộng cửa đón tiếp. Bất kỳ một bác sĩ nào hoặc sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Y muốn đến công tác ở Quảng Trị chúng tôi đều tiếp nhận“.

Nhiều cơ sở y tế thiếu bác sĩ để khám chửa bệnh cho bệnh nhân
Vì sao đội ngũ bác sĩ ở Quảng Trị lại thiếu trầm trọng như vậy? Nếu so với các tỉnh trong khu vực thì chúng ta có nhiều thuận lợi trong việc đào tạo bác sĩ do gần Trường Đại học Y Huế, học sinh Quảng Trị cũng siêng năng, cần cù, học giỏi. Những năm trước đây số thí sinh đăng ký thi vào Trường Y khá đông nhưng sau này có phần giảm sút, do điểm vào trường Đại học Y thường cao hơn các trường khác trong khu vực, thời gian học lại kéo dài tới 6 năm, đã thế Trường Y cũng không có chính sách miễn giảm học phí như trường sư phạm.

Con số thống kê của Sở GD-ĐT những năm gần đây cho thấy: Mỗi năm có khoảng 2.400-2.500 học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Song số thí sinh đỗ vào Trường Đại học Y Huế là không nhiều, bởi mỗi năm chỉ có 10-15 sinh viên trường Y là người Quảng Trị tốt nghiệp ra trường. Trong đó chỉ có một vài em có nguyện vọng được trở về quê nhà công tác.

Chính sách thu hút của tỉnh hầu như không phát huy tác dụng, từ khi ban hành đến nay ngành Y tế chưa nhận được bất cứ một lá đơn của một cán bộ y tế trình độ cao nào yêu cầu đến công tác tại Quảng Trị. Đã thế từ năm 2003 đến nay Bộ Y tế không có chủ trương đào tạo Y sĩ đa khoa vì thế nguồn để đào tạo bác sĩ chuyên tu, bác sĩ xã đã bị hụt hẫng. Trong lúc mô hình tổ chức bộ máy của ngành Y đã có nhiều thay đổi, đặc biệt từ khi thực hiện Nghị định 171, 172 bộ máy cấp huyện từ chỗ chỉ có một trung tâm y tế, nay chia ra 3 bộ phận, trong đó có Bệnh viện, Trung tâm y tế dự phòng và Phòng Y tế cấp huyện. Do sự chia tách này mà số lượng cán bộ y tế đã mỏng lại càng mỏng hơn. Trong điều kiện khó khăn chung, ngành Y tế Quảng Trị cũng đã có chủ trương khuyến khích cán bộ trong ngành học thêm nâng cao nghiệp vụ. Từ năm 2000 đến nay ngành đã hỗ trợ đào tạo được 4 tiến sĩ, 18 bác sĩ chuyên khoa cấp 2 (tương đương tiến sĩ), 26 thạc sĩ; 112 bác sĩ chuyên khoa cấp I ( tương đương thạc sĩ); 168 bác sĩ, trong đó 80 bác sĩ tuyến xã, 27 dược sĩ đại học, 164 cử nhân y tế và trên 600 cán bộ trung học, tuy vậy vẫn không đáp ứng được nhu cầu. Theo định mức từ nay đến năm 2010 Y tế Quảng Trị còn thiếu 313 bác sĩ, 50 dược sĩ. Để khắc phục sự thiếu hụt cán bộ, ngành y tế Quảng Trị cũng đã thực hiện nhiều giải pháp, mới đây được Bộ Y tế chấp thuận cho đào tạo cử tuyển trong giai đoạn từ 2008- 2010: 200 cán bộ trung học y tế. Đối tượng cử tuyển là những học sinh tốt nghiệp lớp 12, được các địa phương lựa chọn để đào tạo. Sau 2 năm ra trường công tác được tạo điều kiện để học tập trở thành bác sĩ và cam kết phục vụ địa phương lâu dài. Đây chính là nguồn bổ sung quan trọng để khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ hiện nay. Bộ Y tế cũng đã đồng ý cho tỉnh đào tạo cử tuyển trong năm nay 6 bác sĩ và 2 dược sĩ đại học, hiện nay các đối tượng trên đã làm xong hồ sơ thủ tục nhập học. Cùng với giải pháp tăng cường đào tạo, Sở Y tế cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chính sách thu hút riêng của ngành. Đối tượng thu hút là những người tốt nghiệp đại học, có bằng tiến sĩ, thạc sĩ y học, BS, DS chuyên khoa cấp 1, 2; bác sĩ nội trú, có bằng tốt nghiệp chính quy tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, không quá 45 tuổi. Riêng những người có học vị tiến sĩ, chuyên khoa cấp 2 không quá 50 tuổi. Các đối tượng trên nếu có nguyện vọng đến công tác ở Quảng Trị thì được xếp lương theo ngạch bậc đang hưởng, hoặc xếp 100% lương bậc 3 của lương cùng ngạch (Nếu mới tốt nghiệp); được hưởng phụ cấp thu hút bằng 50% so với mức lương đang hưởng trong thời hạn 2 năm kể từ khi có quyết định tiếp nhận. Nếu có nhu cầu mua nhà ở hoặc mua đất làm nhà thì được hỗ trợ từ 10-30% so với giá quy định tuỳ theo vị trí nhà đất. Đồng thời tỉnh hỗ trợ tiền thuê nhà ở theo giá thực tế trong thời gian 5 năm. Sau khi tiếp nhận và phân bổ công tác được nhận trợ cấp 1 lần; đối với tiến sĩ, chuyên khoa cấp 2 số tiền hỗ trợ là 100 triệu đồng; đối với thạc sĩ, BS, DS chuyên khoa 1, BS nội trú 50 triệu đồng. Trong trường hợp BS, DS đại học và cử nhân y học các loại tình nguyện đến Quảng Trị công tác yêu cầu phải có bằng tốt nghiệp chính quy tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, tuổi đời không quá 40. Ngoài việc được hưởng 100% lương khởi điểm, hưởng phụ cấp thu hút 50%, nếu có nhu cầu mua nhà hoặc đất ở thì được hỗ trợ mức 10% so với giá quy định tuỳ theo vị trí nhà và đất. Sau khi được tiếp nhận và phân bổ công tác được hưởng trợ cấp 1 lần 10 triệu đồng (đối với BS, DS đại học); trường hợp công tác ở xã, phường, huyện đảo thì được 30 triệu đồng; Cử nhân y học 5 triệu đồng... Những quy định trong chính sách thu hút này đang được ngành Y tế trình UBND tỉnh thẩm định, thông qua. Ngành Y tế hy vọng rằng với chính sách trên sẽ tạo điều kiện để ngành thu hút thêm nguồn nhân lực, bổ sung cho đội ngũ cán bộ đang thiếu hụt trầm trọng hiện nay và góp phần chăm sóc sức khoẻ người dân tốt hơn. Bài và ảnh: Hoàng Nam Bằng