Quy hoạch, quản lý quy hoạch và xây dựng đô thị Đông Hà
(Trích tham luận của đồng chí MAI THỨC, Bí thư Thành ủy Đông Hà tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XV) Để thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và xây dựng đô thị, trong những năm tới thành phố Đông Hà sẽ tập trung lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như sau:  Về quy hoạch: Tiếp tục điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung đô thị Đông Hà trở thành một thành phố động lực, có cơ sở hạ tầng đô thị phù hợp, đồng bộ, hợp lý; thực hiện chức năng là đô thị trên tuyến kinh tế ...

Quy hoạch, quản lý quy hoạch và xây dựng đô thị Đông Hà

(Trích tham luận của đồng chí MAI THỨC, Bí thư Thành ủy Đông Hà tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XV) Để thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và xây dựng đô thị, trong những năm tới thành phố Đông Hà sẽ tập trung lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như sau: Về quy hoạch: Tiếp tục điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung đô thị Đông Hà trở thành một thành phố động lực, có cơ sở hạ tầng đô thị phù hợp, đồng bộ, hợp lý; thực hiện chức năng là đô thị trên tuyến kinh tế Hành lang Đông - Tây. Định hướng phát triển đô thị theo hướng xanh - sạch - đẹp, cụ thể là: - Sớm hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH đến năm 2020 và quy hoạch sử dụng đất làm cơ sở cho việc triển khai đề án quy hoạch xây dựng thành phố đến năm 2020, có tính đến năm 2050. Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị; tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch chi tiết 1/2.000 ở các phường và triển khai quy hoạch chi tiết 1/500 ở các khu chức năng, đảm bảo vừa có tầm nhìn chiến lược trong quy hoạch; đồng thời đảm bảo chất lượng, kết hợp hài hoà giữa tồn tại của các khu đô thị cũ và xây dựng các khu đô thị mới, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các địa phương trong và ngoài nước, chú trọng chọn nhà tư vấn quy hoạch có chất lượng và xem đây là giải pháp quan trọng nhất.

Trên cơ sở quy hoạch chung đã được phê duyệt, tỉnh cần chú trọng chỉ đạo, tạo điều kiện để các địa phương xây dựng và sớm triển khai quy hoạch chi tiết, nghiên cứu lập quy hoạch các khu chức năng phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế -xã hội và xây dựng đô thị trong giai đoạn mới. - Tuân thủ chặt chẽ, đồng bộ các đồ án quy hoạch được duyệt; hạn chế tối đa những quy hoạch treo; đồng thời bổ sung, điều chỉnh kịp thời các yêu cầu do cuộc sống đặt ra một cách khoa học, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của thành phố trong giai đoạn mới. Về phát triển không gian đô thị: Định hướng đến năm 2015 mở rộng không gian Đông Hà phát triển về cả 4 hướng theo quy hoạch, lấy sông Hiếu làm trung tâm bố trí cảnh quan và điểm nhấn kiến trúc đô thị, gắn với khu đô thị bắc sông Hiếu, lấy đường Hùng Vương làm trung tâm cho tuyến phát triển Đông - Tây; kết hợp phát triển đô thị hài hòa trên các hướng chính. Về quản lý quy hoạch: - Xây dựng và ban hành hệ thống văn bản pháp quy về quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng và kiến trúc đô thị một cách đồng bộ, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa bàn, khu dân cư. - Công khai hóa quy hoạch đã được phê duyệt đến tận người dân nhằm tạo ý thức, trách nhiệm và đồng thuận trong nhân dân. - Phân cấp quản lý rõ ràng, cụ thể cho các phòng ban và các phường; đảm bảo xử lý kịp thời, nghiêm túc các trường hợp xây dựng, vi phạm quy hoạch, kiến trúc đô thị. Về xây dựng hạ tầng đô thị và nguồn lực phát triển: Hoạch định rõ lộ trình phát triển để lãnh đạo đầu tư phù hợp theo từng giai đoạn; tập trung các nguồn lực, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông, cấp thoát nước, vỉa hè, công viên, cây xanh, điện chiếu sáng... nhằm đáp ứng được yêu cầu đổi mới, phát triển của thành phố trong giai đoạn mới, cụ thể là: - Tiếp tục đầu tư và nâng cấp mạng lưới giao thông không chỉ ở Đông Hà mà cả với các thị xã, thị trấn khác; ưu tiên đầu tư xây dựng các tuyến đường quan trọng có ý nghĩa đối với đô thị nhằm khai thác quỹ đất để phát triển thương mại, dịch vụ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, bố trí các cơ quan công sở và điều chỉnh phân bố lại dân cư. - Tranh thủ, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Trung ương, của tỉnh, nội lực của thành phố để ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Phấn đấu đến năm 2015, đầu tư hoàn thành công trình kè hai bờ sông Hiếu, đường Trần Nguyên Hãn, đường Hoàng Diệu, đường Bà Triệu, cầu qua sông Hiếu, cầu Đại Lộc, đường Lê Lợi nối dài....; nhựa hoá toàn bộ tuyến đường nội thành; gắn đầu tư xây dựng giao thông với hoàn thiện hệ thống cấp thoát nước, vỉa hè và cây xanh, điện chiếu sáng. - Huy động và khai thác có hiệu quả nguồn vốn từ quỹ đất để tập trung đầu tư các công trình, dự án phát triển đô thị và các cơ sở hạ tầng khác nhằm mở rộng đô thị và phát triển nguồn tài chính đô thị. - Chú trọng nguồn vốn từ hoạt động xã hội hóa, xây dựng danh mục các công trình, dự án cần huy động vốn từ các doanh nghiệp và dân cư đầu tư vào các lĩnh vực xây dựng hạ tầng kinh tế, xã hội (giao thông, điện, văn hóa, y tế, giáo dục v.v.). Tranh thủ nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp, trước hết là các dự án đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, dịch vụ thương mại: siêu thị, khu du lịch, công viên vui chơi giải trí.