(QT) - Từ bao đời nay, trưởng bản của nhiều bản làng đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở huyện miền núi Đakrông thường là nam giới. Thế nhưng, điều khác lạ đã xảy ra khi 2 năm trở lại đây, người “cầm cương” ở bản Tà Lao, xã Tà Long, huyện Đakrông lại là một nữ trưởng bản trẻ năng động. Chị là Hồ Thị Men.
![]() |
Người dân bản Tà Lao thu hoạch lúa nước |
“Tôi nhớ mãi những ngày đầu được dân bản Tà Lao tín nhiệm bầu làm trưởng bản. Mấy đêm liền, tôi không tài nào ngủ được vì lo lắng, nghĩ suy, trăn trở với trọng trách mà người dân bản Tà Lao giao phó vì lâu nay phụ nữ đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô làm cán bộ đã ít, còn làm trưởng bản như tôi phải nói là “của hiếm”, “đếm trên đầu ngón tay”. Phải cố gắng nỗ lực hết sức mình thì mới trôi tròn công việc, mới mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bà con dân bản”, Trưởng bản Tà Lao Hồ Thị Men đã tâm sự với tôi như vậy khi chị dẫn tôi lên thăm cánh rừng tràm, keo tai tượng xanh ngút ngàn do một tay chị khai hoang, trồng rừng trong suốt nhiều năm qua.
Bây giờ, bản Tà Lao (xã Tà Long, huyện Đakrông) không còn những mái nhà sàn dột nát, nằm giữa hoang vu núi rừng như cách đây mấy chục năm. Thay vào đó là nhiều ngôi nhà sàn khang trang mọc lên bên những cánh rừng trồng, nương rẫy trồng sắn, chuối mướt xanh no ấm, phong nẫm. Đi dưới cánh rừng tràm, keo tai tượng sắp đến kỳ thu hoạch, chị Hồ Thị Men cho biết: “Khó mà nói hết khó khăn của những ngày đầu đảm nhận công việc trưởng bản bởi lâu nay, trong suy nghĩ của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô thì trưởng bản đương nhiên là nam giới chứ ít khi là nữ giới. Còn nhớ, hôm đầu tiên tổ chức họp dân ở cương vị trưởng bản, tôi đứng lên phát biểu, điều hành cuộc họp, thỉnh thoảng nhìn xuống thấy nhiều người dân bản thì thầm nhỏ to ở phía dưới. Có người còn nhìn tôi cười “ái ngại”… làm tôi tủi thân lắm. Nhưng rồi, tôi tự nhủ với lòng mình rằng nếu tôi không tự tin vào chính mình thì sẽ không ai tin tôi. Và những cuộc họp dân sau này làm sao tôi có thể tổ chức, điều hành tốt. Vì thế, tôi đã không ngần ngại tìm đến các chú, các anh ở xã để nhờ hướng dẫn cho cách điều hành, sắp xếp, tổ chức trong cuộc họp bản, họp thôn. Rồi các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước có liên quan đến đời sống của dân bản mà chưa hiểu là tôi hỏi đi, hỏi lại nhiều lần đến khi hiểu, nắm bắt bằng được mới thôi. Có hiểu đúng thì mới truyền đạt lại cho bà con hiểu được để làm theo, làm đúng…”.
Trong cuộc sống thường nhật, chị Hồ Thị Men luôn quan tâm, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân bản Tà Lao để nhanh chóng giải quyết những công việc trong phạm vi chức trách mà mình được giao. Theo chị Hồ Thị Men, phụ nữ làm trưởng bản có lợi thế riêng mà nam giới không có được. Lợi thế đó chính là sự mềm dẻo, “mưa dầm thấm đất”. Đơn cử như cách đây vài tháng, trong bản có ông Hồ Văn T. bị kẻ xấu chặt đường ống dẫn nước từ suối về ruộng trồng lúa nước. Ông T. khi đi kiểm tra đường ống dẫn nước thì gặp ông Phạm Văn T. đang chăn trâu ở gần đó. Vậy là ông T. nghi ngờ ông Phạm Văn T. chặt đường ống dẫn nước rồi xảy ra xô xát lẫn nhau. Nghe người dân báo tin, chị Men đến ngay nơi xảy ra xô xát để lựa lời khuyên giải hai người trở về nhà. Hôm sau, chị Men mời ông Hồ Văn T. và ông Phạm Văn T. lên nhà văn hóa cộng đồng của bản Tà Lao để lắng nghe hai người trình bày lại toàn bộ vụ việc. Khi đã nghe xong, chị bắt đầu phân tích đúng sai trong vụ việc cho ông Hồ Văn T. và Phạm Văn T. nghe. Họ im lặng lắng nghe chị nói. Sau đó, hiểu ra sự việc, ông T. liền xin lỗi ông Phạm Văn T. vì những hiểu lầm không đáng có. Còn cả trăm sự vụ lớn nhỏ khác ở bản Tà Lao mà chị Men trực tiếp giải quyết từ ngày đảm nhận chức trưởng bản.
![]() |
Chị Hồ Thị Men (bên phải) đang tuyên truyền, vận động người dân bản Tà Lao sử dụng các biện pháp tránh thai |
Nhờ những biện pháp trên mà chị Hồ Thị Men đã thành công trong việc hạn chế tăng dân số ở bản Tà Lao. “Vài năm trở lại đây, chị em đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở bản Tà Lao đã giảm hẳn việc sinh con ngoài mong muốn, tập trung lo cho đời sống kinh tế. Để có được kết quả đó, tôi phải lặn lội đến từng nhà trong bản để tuyên truyền, vận động chị em sử dụng các biện pháp tránh thai như đặt vòng, sử dụng thuốc…Lúc đầu, nhiều chị em không mặn mà lắm khi tôi đề cập đến vấn đề tránh thai. Tôi phải phân tích rằng chị em phụ nữ đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô lâu nay cứ bó buộc trong nhiều hủ tục đã khổ lắm rồi. Sinh con nhiều, con đông lại càng khổ thêm trăm bề… Chị em cứ từ sáng sớm đã lầm lũi lên nương, lên rẫy, đến chiều muộn lại vội vàng về chăm sóc cả đàn con đông đúc, thì đến bao giờ mới “bình đẳng giới”, mới được hưởng trọn vẹn hạnh phúc gia đình. Phân tích hết mọi lẽ thiệt hơn, từ từ chị em phụ nữ cũng hiểu ra”.
Trên đường trở về căn nhà khang trang của chị nằm ở giữa bản Tà Lao, chị Hồ Thị Men cho biết thêm, hiện tại bản Tà Lao có 88 hộ thì chiếm đến 30 - 40% là hộ khá, hộ giàu nhờ trồng rừng và chăn nuôi, trồng trọt các loại cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Có thể nói, đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở bản Tà Lao cũng như ở nhiều bản làng khác của xã Tà Long hiện nay đã đổi mới tư duy rất nhiều trong phát triển kinh tế gia đình. Nếu như trước đây, số hộ đủ ăn chỉ đếm trên đầu ngón tay thì nay đã có nhiều hộ có thu nhập hàng chục, hàng trăm triệu đồng nhờ xây dựng mô hình VACR. Như ở bản Tà Lao có hộ gia đình anh Hồ La Vươi, Hồ La Hai, Hồ Văn Dũng, Lê Xuân Hải trồng hàng chục ha rừng, chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn…với thu nhập từ 200 - 400 triệu đồng/năm. Và số hộ nghèo còn lại trong bản Tà Lao luôn là điều mà bấy lâu nay chị Hồ Thị Men trăn trở, nghĩ suy. “Cũng phải tìm hướng để giúp bà con thoát nghèo, muốn vậy thì trước hết mình phải khá, phải giàu trước rồi hướng dẫn và cùng bà con bàn cách thoát nghèo trên chính mảnh đất Tà Lao”. Để làm giàu cho gia đình mình, chị đã vận động chồng xây dựng mô hình trang trại với 3 ha trồng rừng; 1 ha trồng sắn và đào 4 sào hồ nuôi cá nước ngọt. Hiện tại, mỗi năm mô hình trang trại của gia đình chị cho thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng, là nơi để người dân bản Tà Lao cũng như nhiều bản làng khác tìm đến học hỏi kinh nghiệm, cách làm giàu.
Tôi hỏi chị rằng công việc vất vả thế, có khi nào chị thấy nản lòng không? Chị Hồ Thị Men từ tốn trả lời: “Tôi cứ luôn ví mình như con ong nâu trên rừng, vất vả vì bà con dân bản nhưng lòng luôn thấy ấm áp, hạnh phúc. Con ong làm mật đến bao giờ mỏi cánh không bay được nữa mới thôi. Tôi còn làm trưởng bản ngày nào thì sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để phục vụ dân bản Tà Lao ngày đó!”.
An Phong