Thời gian gần đây, một vấn đề đang khiến rất nhiều ngư dân và cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ở tỉnh Quảng Trị quan tâm là toàn tỉnh có trên 260 tàu cá có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m chưa được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT). Điều này đồng nghĩa với việc từ ngày 1/4/2020 số tàu cá này không được phép ra khơi đánh bắt thủy sản theo quy định. Thực tế này đòi hỏi sự vào cuộc trách nhiệm, tích cực hơn từ nhiều phía để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, không để phát sinh những hệ lụy xấu.
Toàn tỉnh hiện có 363 tàu cá có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m. Theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, thì tất cả tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đều phải lắp đặt thiết bị GSHT. Cụ thể, tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên phải được lắp đặt thiết bị GSHT từ ngày 1/7/2019, thiết bị phải đảm bảo tự động truyền qua hệ thống vệ tinh tối thiểu 12 vị trí/ngày với tần suất 2 giờ/lần. Tàu cá có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m phải lắp đặt thiết bị trước ngày 1/4/2020, thiết bị phải tự động truyền tin nhắn tối thiểu 8 vị trí/ngày với tần suất 3 giờ/lần qua các hệ thống thông tin vệ tinh, thông tin di động, hệ thống thông tin sóng mặt đất sử dụng băng tần MF, HF, VHF... Mục tiêu hướng đến của quy định này là giúp các cơ quan chức năng quản lý, giám sát thuận lợi và chặt chẽ hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân; ngư dân được hợp pháp và an toàn hơn trong đánh bắt cũng như dễ truy xuất nguồn gốc thủy sản, ngư trường, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xảy ra... Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện lộ trình khắc phục “thẻ vàng” do Ủy ban châu Âu (EU) áp dụng đối với thủy sản Việt Nam.
Số lượng tàu và quy định là như vậy, tuy nhiên đến thời điểm này, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngoài các tàu có chiều dài từ 24 m trở lên đã hoàn thành lắp đặt thiết bị GSHT, toàn tỉnh mới chỉ có khoảng 100 tàu có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m được lắp đặt thiết bị này. Nguyên nhân nào khiến nhiều tàu cá chưa được lắp thiết bị này khi các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương đã vào cuộc tích cực trong công tác thông tin tuyên truyền, vận động và phối hợp với đơn vị cung cấp hướng dẫn, lắp đặt thiết bị GSHT cho ngư dân cũng như thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật?
Khá nhiều ngư dân ở xã Gio Việt và thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh), hai địa phương có số lượng tàu cá xa bờ lớn nhất tỉnh cho biết, quy định bắt buộc tàu cá khi ra khơi phải có thiết bị GSHT là thiết thực và mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, do nguồn lợi thủy sản không còn nhiều như trước đây, nhiều lao động không còn mặn mà với nghề đi biển, giá bán sản phẩm thiếu ổn định, tàu cá nhiều khi phải nằm bờ dài ngày... đã khiến thu nhập bị sụt giảm nên họ chưa thể một lúc bỏ ra số tiền từ 20 - 30 triệu đồng để lắp đặt thiết bị GSHT, chưa kể chi phí duy trì hoạt động hằng tháng của thiết bị. Bên cạnh đó có ngư dân còn băn khoăn là nên chọn thiết bị GSHT có tính năng, thương hiệu nào, trị giá bao nhiêu bởi hiện nay có nhiều loại thiết bị, nhiều đơn vị cung cấp, đồng thời vẫn đang chờ xem nhà nước có chính sách hỗ trợ kinh phí để lắp đặt hay không.
Thực hiện đúng Nghị định 26/2019/NĐCP của Chính phủ và một số hướng dẫn, quy định khác thì trên địa bàn tỉnh sẽ có trên 260 tàu cá có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m không được cấp giấy phép khai thác thủy sản và không được ra khơi. Điều này sẽ tạo ra không ít hệ lụy xấu, cản trở việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các địa phương ven biển khi mà hàng loạt tàu cá phải nằm bờ kéo theo rất nhiều ngư dân mất đi việc làm, thu nhập, nhiều chủ tàu không có tiền trả nợ vay đóng mới, nâng cấp tàu và mua sắm ngư lưới cụ cùng với đó là một bộ phận không nhỏ lao động tại các cơ sở hậu cần nghề cá, chế biến thủy sản rơi vào cảnh “ngồi chơi xơi nước”...
Lắp thiết bị GSHT là quy định bắt buộc, đồng thời là lợi ích thiết thực của chủ tàu trong hoạt động khai thác thủy sản, trong đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản. Do vậy các chủ tàu cần phải đề cao trách nhiệm và tự giác thực hiện, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước. Để đẩy nhanh tiến độ lắp thiết bị GSHT tàu cá, các cơ quan chức năng cần làm tốt hơn công tác phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động với nội dung và hình thức phù hợp để ngư dân nhận thức rõ việc lắp đặt thiết bị này là cần thiết và bắt buộc trong thời điểm hiện nay. Thông tin thường xuyên và đầy đủ quy định xử lý của pháp luật đối với các vi phạm trong lĩnh vực này. Làm tốt công tác phối hợp với các đơn vị cung ứng thiết bị GSHT để quảng bá, giới thiệu rộng rãi tính năng, cách thức sử dụng, chế độ bảo trì, bảo hành và giá cả của thiết bị GSHT, đồng thời có các chính sách kích cầu, hỗ trợ tốt hơn cho ngư dân mua và lắp đặt thiết bị GSHT. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất bến, nhập bến, nhất là việc chấp hành đăng ký, đăng kiểm, an toàn hàng hải, sổ thuyền viên của ngư dân... thực hiện đúng quy định không cho ra khơi đối với những tàu chưa lắp đặt thiết bị GSHT và xử lý nghiêm, kịp thời đối với những trường hợp cố tình vi phạm.
Chuyển từ “nghề cá nhân dân” sang “nghề cá có trách nhiệm” là yêu cầu để ngành thủy sản phát triển và hội nhập sâu rộng hơn. Trong đó, giải pháp hàng đầu là thực hiện tốt việc lắp đặt thiết bị GSHT cho tàu cá theo quy định và lộ trình đề ra cũng như các tiêu chí về chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Quá trình triển khai sẽ tác động không nhỏ đến cách thức khai thác truyền thống cũng như lợi ích trước mắt của nhiều ngư dân. Do vậy, để thực hiện tốt yêu cầu này cần sự vào cuộc tự giác, trách nhiệm và quyết liệt hơn của ngư dân, các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương.
Huy Nam