Quốc hội thảo luận về ngân sách nhà nước
Quốc hội thảo luận về ngân sách nhà nước

Quốc hội thảo luận về ngân sách nhà nước

Ngân sách sẽ tăng chi cho nông nghiệp. Trong ảnh: nông dân huyện Cái Bè, Tiền Giang phơi lúa - Ảnh: H.T.V.

TT - Hôm qua 30-10, Quốc hội (QH) tiếp tục làm việc với phiên thảo luận về ngân sách nhà nước. Phát biểu trước QH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết hiện giá dầu thô thế giới biến động rất lớn và nhanh, dự báo sẽ thấp hơn so với trước.

Vì vậy dự kiến giá dầu thô ba tháng cuối năm 2008 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2009 trình QH sẽ được điều chỉnh từ 90 USD xuống 70 USD/thùng.

Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, với mức điều chỉnh nêu trên, có khả năng sẽ giảm thu ngân sách khoảng 36.000 tỉ đồng ở ba khoản: một là thu trực tiếp từ xuất khẩu bán dầu thô, hai là giảm ở khoản thuế nhập khẩu và xuất khẩu dầu thô, ba là thu nội địa sẽ giảm.

Để cân đối thu chi ngân sách, Bộ Tài chính đã kiến nghị áp thuế nhập khẩu xăng dầu ở mức hợp lý, dự kiến xăng sẽ áp thuế 25% (từ ngày 31-10 tăng lên 15%), dầu diesel 15% (hiện nay 0%), dầu mazut 25% (hiện nay 0%), dầu hỏa 25% (hiện nay 10%)…

Bốn “căn bệnh” của ngân sách

Nhìn vào các số liệu thu, chi ngân sách năm 2008, phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Lê Quốc Dung cho rằng: “Nguồn thu của chúng ta không những chưa bảo đảm bền vững mà còn đáng lo ngại cả trước mắt và lâu dài, vì nếu trừ nguồn thu từ thu tiền sử dụng đất (khoảng 22.000 tỉ đồng trong năm 2008) thì nguồn thu nội địa từ bản thân nền kinh tế chỉ chiếm 46% là quá thấp. Trong khi đó, những nguồn thu bấp bênh lại quá cao, chiếm tới 54% như mua bán dầu thô, bán than, thu tiền sử dụng đất, thuế xuất nhập khẩu, thu vay, thu viện trợ...”.

Ông Dung phân tích thêm: chỉ tiêu thu tiền sử dụng đất trong những năm qua đã tăng rất nhanh, năm 2008 thị trường bất động sản tuy đóng băng nhưng thực hiện chỉ tiêu này tăng 33% so với dự toán. Nghĩa là các địa phương đã chuyển mục đích sử dụng nhiều diện tích đất đai, nhất là đất lúa, để tăng thu ngân sách quá lớn, không cơ bản, gây phức tạp, quá lộn xộn và lãng phí.

Ông Dung đề nghị: “Cần sớm có kế hoạch tạo nguồn thu mới, cơ cấu lại nguồn thu ngân sách cho bền vững và công bằng, hợp lý hơn. Theo hướng bên cạnh các biện pháp chống thất thu, thu đúng, thu đủ, xóa bao cấp, cần xây dựng mới và nâng mức thu các sắc thuế, các lĩnh vực sử dụng nhiều tài nguyên, nhiều phúc lợi công cộng làm ô nhiễm môi trường và các tầng lớp dân cư có mức sống cao”.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) nhận định những hạn chế trong thu, chi ngân sách hiện nay bắt nguồn từ bốn căn nguyên: thứ nhất: đầu tư dàn trải; thứ hai: thất thoát nhiều ở thất thu thuế, tham nhũng, lãng phí; thứ ba: hiệu quả thấp, mà biểu hiện là chỉ số Icor cao; thứ tư: giải ngân chậm. Ông Thuyết nói: “Nếu đi kinh doanh và buôn bán mà mắc bốn lỗi đó chắc chắn là thua lỗ. Tất nhiên cũng phải nói một lý do nữa là cơ chế, chúng tôi nghĩ căn nguyên này nếu nói đến không khác gì bác sĩ nói với bệnh nhân là “bệnh của anh do cơ địa”, nói như thế chỉ an ủi được bệnh nhân chứ không chữa được”.

Giảm chi cho tập đoàn, tăng chi nông nghiệp

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết và nhiều đại biểu khác đề nghị cần giảm hoặc chấm dứt hẳn việc chi ngân sách cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đồng thời tập trung chi cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đại biểu Nguyễn Đăng Vang (Bình Định) bày tỏ một số điểm chưa đồng tình trong chi ngân sách: “Chúng ta biết đồng bào miền núi vô cùng nghèo, việc đưa tiến bộ khoa học cho nông dân là cần thiết. Nhưng khi phân bổ kinh phí cho chương trình giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản thì không phù hợp”. Theo ông Vang, giống bò sữa ở Mộc Châu rất tốt, giống ngô ở Lâm Đồng, Gia Lai cho năng suất cao, nhưng việc đầu tư cho khoa học công nghệ và cụ thể cho khuyến nông rất thấp. Từ năm 1993-2006 đầu tư được 630 tỉ đồng, trung bình mỗi năm 48 tỉ đồng, và tính trên 11 triệu hộ thì mỗi hộ một năm được 4.400 đồng, bằng nửa bao thuốc lá. Năm nay đầu tư được 70 tỉ đồng, trung bình mỗi hộ là 6.300 đồng, không thể đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào được.

Để đảm bảo thu, chi ngân sách, đại biểu Nguyễn Văn Thời (Thái Nguyên) khẳng định trong dự kiến chi ngân sách 2009 của Chính phủ có những khoản không nên chi, ví dụ chi cho Ngân hàng Công thương 2% ngân sách (khoảng 10.000 tỉ đồng).

Theo ông Thời, cần chuyển nguồn này cho vùng sâu vùng xa. Khoản 30.000 tỉ đồng chi cho các trường cao đẳng, đại học không nằm trong quy hoạch cũng không nên, vì ông Thời cho rằng đã không nằm trong quy hoạch, địa phương cứ thành lập mà vẫn được hỗ trợ sẽ tạo tiền lệ xấu. Trong khi đó, Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ rất cần vốn, nên dành tiền cho quỹ này để nuôi nguồn thu.

Đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau) cho rằng trong các khoản thu dự kiến của Chính phủ năm 2009, đã bỏ qua một khoản lớn là thuế thu nhập cá nhân. “Nếu nói ngân sách chỉ tăng thu 4.500 tỉ đồng từ khoản này là không ổn, vì đối tượng chịu thuế tăng lên rất nhiều. Cần xem xét lại” - ông Lợi nói. Đại biểu Trần Bá Thiều (Hải Phòng) cũng cho rằng phải triệt để chống thất thu thuế, buôn lậu và gian lận thương mại.

Ông Thiều nói: “Tôi thấy không ở quốc gia nào mà người trốn thuế, nợ thuế không biết xấu hổ, cứ nhan nhản thế này. Từ 1-1-2009 chúng ta đưa Luật thuế thu nhập cá nhân vào, cho nên phải sớm sửa đổi Bộ luật hình sự nhằm xử lý nghiêm khắc hành vi trốn thuế, nợ thuế. Theo tôi, nên xử cho phá sản các đối tượng này”.

* Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội): Bội chi VN đã lên con số rất cao

Theo báo cáo của Chính phủ, bội chi ngân sách năm 2008 xấp xỉ 5% và dự kiến năm 2009 sẽ là 4,8%, so với một số nước con số này đã cao. Tuy nhiên cần xem lại cách tính bội chi ngân sách, cần phải tính bao gồm cả các khoản phát hành trái phiếu Chính phủ và các khoản vay về cho vay lại phù hợp với cách tính quốc tế. Nếu tính như vậy thì bội chi ngân sách không phải là 5% mà có khả năng lên con số rất cao.

Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến lạm phát và rất nguy hiểm cho nền kinh tế quốc gia trong những năm tới. Chính vì vậy, thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, phải tìm ra những biện pháp kiểm soát ứng dụng hữu hiệu hơn trong vấn đề đầu tư công, chi tiêu công một cách hiệu quả, kiểm soát việc sử dụng vốn nhà nước hữu hiệu hơn.

* Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: Nhiều nước bội chi ngân sách chứ không riêng VN

Hiện nay không phải là phát hành tiền làm bội chi ngân sách, mà bội chi là đang huy động từ trong nước và ngoài nước để đáp ứng cho đầu tư. Năm 2008, dự kiến chi đầu tư xây dựng cơ bản là 118.000 tỉ đồng, bội chi 66.200 tỉ đồng. Như vậy từ thu ngân sách đã dành ra một khoản trên 51.000 tỉ đồng cho đầu tư phát triển, chúng ta không sử dụng bội chi này cho chi tiêu thường xuyên.

Trong bối cảnh hiện nay, khi nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội rất lớn, nguồn thu của chúng ta chưa đảm bảo cân đối được ngân sách nhà nước... Trên thế giới, hầu hết các nước đều tranh thủ bội chi để đầu tư, có những nước có khả năng cân đối được ngân sách nhưng vẫn để một tỉ lệ bội chi nhất định để huy động nguồn lực, kể cả những nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật. Vì vậy xin Quốc hội chấp nhận mức bội chi như đã báo cáo để bảo đảm cân đối ngân sách.

V.V.THÀNH - C.V.KÌNH