Cảnh sát giao thông đường thủy cần sự hợp tác tích cực từ phía người dân
Là địa bàn có địa hình phức tạp, với những con sông ngắn, độ dốc cao, lưu lượng nước lớn, lại chảy xiết nên mỗi khi mùa mưa lũ đến, tai nạn giao thông đường thủy luôn rình rập đối với những người làm nghề sông nước. Lại thêm, ý thức của người dân khi tham gia giao thông còn thấp đã làm cho tình hình giao thông trên tuyến phức tạp hơn.   Nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng tai nạn giao thông trên tuyến đường thủy, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy Quảng Trị phải nỗ lực để hạn chế thấp nhất ...

Cảnh sát giao thông đường thủy cần sự hợp tác tích cực từ phía người dân

Là địa bàn có địa hình phức tạp, với những con sông ngắn, độ dốc cao, lưu lượng nước lớn, lại chảy xiết nên mỗi khi mùa mưa lũ đến, tai nạn giao thông đường thủy luôn rình rập đối với những người làm nghề sông nước. Lại thêm, ý thức của người dân khi tham gia giao thông còn thấp đã làm cho tình hình giao thông trên tuyến phức tạp hơn. Nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng tai nạn giao thông trên tuyến đường thủy, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy Quảng Trị phải nỗ lực để hạn chế thấp nhất tình trạng vi phạm và tai nạn giao thông xảy ra. Trong năm 2008, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy Quảng Trị đã tổ chức 51 ca tuần tra kiểm soát với 205 lượt cán bộ chiến sĩ, phát hiện và lập biên bản 108 trường hợp, cảnh cáo 3 trường hợp, phạt tiền 105 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền 72.085.000 đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu vẫn là lỗi không có đăng ký, đăng kiểm theo quy định; không trang bị phao cứu sinh; không có thiết bị phòng cháy; mở bến thủy nội địa không có giấy phép; thiết bị an toàn không đảm bảo. Phòng Cảnh sát giao thông Công an Quảng Trị đã phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương lập biên bản đình chỉ hoạt động đối với các bến, bãi không đủ điều kiện hoạt động, người điều khiển không có bằng lái, phương tiện không đảm bảo. Ngoài công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia, chấp hành Luật giao thông thủy nội địa. Riêng trong hai tháng 9 và 10/2008, đã phát 1200 tờ rơi, ký hơn 550 bản cam kết về việc chấp hành Luật giao thông đường thủy và trực tiếp tuyên truyền cho 950 lượt người tham gia giao thông. Lực lượng CSGT đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn để các chủ phương tiện, chính quyền địa phương tiến hành các thủ tục đăng kiểm, đăng ký và xin cấp giấy phép hoạt động của bến. Đồng thời, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh đã phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức thành công Hội thi tìm hiểu Luật ATGT đường thủy nội địa năm 2008 với 6 huyện, thị xã tham gia. Mỗi khi thời tiết không thuận lợi, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy phối hợp với các lực lượng chức năng kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn. Điển hình là khi cơn bão số 7 xảy ra, đã kêu gọi 900 tàu thuyền với hơn 3.000 dân trú bão an toàn; Phối hợp với đồn Biên phòng 204 (Cửa Tùng) tổ chức cứu nạn cho 2 tàu bị đứt dây neo trôi ra biển.

Tuần tra kiểm soát an toàn giao thông đường thủy. Ảnh: CTV
Mặc dù lực lượng chức năng đã nỗ lực đưa ra nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa, song có một thực tế hiện nay là ý thức của người dân còn rất thấp trong việc chấp hành Luật giao thông thủy nội địa. Trong số 13 thuyền chở khách đang hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh thì lực lượng CSGT đường thủy đã phát hiện 7/13 người điều khiển phương tiện không có bằng lái, chứng chỉ chuyên môn; 9/13 thuyền không có chứng nhận đăng kiểm; 5 thuyền nằm trong diện đăng ký nhưng không đăng kiểm, 2 thuyền có sổ đăng kiểm còn hạn kiểm định, còn 6/8 thuyền không có đăng kiểm hoặc có nhưng đã hết hạn kiểm định. Về an toàn kỹ thuật, chỉ có 1 thuyền của bến đò An Cư, Triệu Phước là đủ điều kiện về các trang thiết bị an toàn như phao cứu sinh, dụng cụ cứu đắm. Trong số 13 bến đò đang hoạt động thì đã có đến 10 bến không có giấy phép hoạt động; 3 bến còn lại có giấy phép là bến Trà Liên xã Triệu Giang, bến đò Eo thôn Câu Nhi, xã Mỹ Chánh; bến Triệu An, xã Triệu Độ (bờ Nam Cửa Việt). Đặc biệt có bến đò chợ Kênh thuộc thôn Võ Xá, Trung Sơn, Gio Linh đã xây dựng các bãi chứa cát sạn làm lấn chiếm diện tích cập bến của thuyền nên không đảm bảo an toàn cho hoạt động đò ngang. Đồng chí Võ Duy Diến, Đội trưởng Đội CSGT đường thủy cho biết: Hiện có một thực trạng là các phương tiện thủy nội địa hoạt động một cách tự phát theo nhu cầu, ít được quản lý, kiểm tra, giám sát từ phía chính quyền địa phương, do vậy nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy trên địa bàn là rất cao. Ngoài việc lực lượng CSGT đường thủy, Công an tỉnh đã tăng cường công tác tuần tra, xử lý, để đảm bảo an toàn tính mạng cho hành khách chúng tôi rất cần sự ủng hộ tích cực từ phía người dân trong việc chấp hành pháp luật. Có như vậy bình yên thực sự sẽ đến với những người làm nghề sông nước ở Quảng Trị. Hồng Nhung