(QT) - Từ đầu năm 2017 đến nay, huyện Hướng Hóa đẩy mạnh chuyển đổi diện tích đất trồng sắn kém hiệu quả ở các xã vùng Lìa sang trồng cao su và các loại cây trồng khác. Bước đầu, những loại cây được chuyển đổi đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân.
![]() |
Huyện Hướng Hóa đẩy mạnh chuyển đổi diện tích cây sắn kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác phù hợp, có hiệu quả kinh tế cao hơn |
Trong những năm qua, huyện Hướng Hoá thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, từng bước hình thành các vùng chuyên canh ở các địa phương và đã tạo ra được khối lượng nông sản lớn mang giá trị hàng hoá cao. Huyện cũng đã đẩy mạnh phong trào trồng sắn, đặc biệt từ khi Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa được xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động, nhân dân các xã vùng Lìa nói riêng và các xã trong huyện đã đầu tư khai hoang đất ven triền đồi, nương rẫy trồng sắn KM94, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy. Tuy vậy với sản lượng sắn hiện tại đã vượt quá công suất thiết kế của Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hoá, dẫn đến việc nhập nguyên liệu sắn cho nhà máy của người trồng sắn ở các xã vùng Lìa gặp nhiều khó khăn.
Để đảm bảo phát triển sản xuất ổn định và bền vững, tại kỳ họp thứ 4, HĐND huyện Hướng Hoá đã thông qua Nghị quyết số 09/2017/NQ-HĐND về việc thực hiện đề án “Chuyển đổi một số diện tích đất trồng sắn kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác giai đoạn năm 2017-2020 đối với các xã vùng Lìa”. Theo nghị quyết này, từ nay đến năm 2020 cùng với tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư thâm canh, chú trọng công tác bảo vệ thực vật và duy trì diện tích sắn nguyên liệu 4.200 ha, với sản lượng đạt 71.000 tấn, đảm bảo nguyên liệu cho Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hoá hoạt động, huyện thực hiện chuyển đổi 521 ha đất trồng sắn kém hiệu quả ở các xã vùng Lìa sang trồng cao su và các loại cây trồng khác.
Hiện nay người dân ở các xã vùng Lìa đã thực hiện việc chuyển đổi trồng sắn sang trồng cao su và các loại cây khác. Nhìn chung, việc chuyển đổi cây trồng đã bước đầu mang lại hiệu quả và thu nhập cho người dân. Đây là hướng phát triển bền vững tạo niềm tin cho người dân trước những chủ trương, định hướng của huyện, tỉnh để người dân yên tâm tham gia phát triển kinh tế. Nhiều năm trước đây gia đình ông Hồ Văn Ân, ở xã Thanh đã trồng sắn, nhưng một năm trở lại đây ông thấy trồng sắn không hiệu quả và chuyển sang trồng cao su với diện tích gần 2 ha. Đến nay, cao su của nhà ông đã phát triển tốt. “Khoảng vài năm nữa là vườn cao su của gia đình tôi sẽ cho khai thác mủ. Hiện nay tôi vừa trồng cao su vừa trồng xen các loại cây như gừng, nghệ để tạo nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống”, ông Ân cho biết.
A Xing là một trong những xã vùng Lìa có diện tích cây sắn khá lớn với khoảng 400 ha. Những năm qua nhiều gia đình ở đây đã có cuộc sống khấm khá nhờ cây sắn. Tuy nhiên, cây sắn qua nhiều năm trồng đã khiến đất đai ngày càng trở nên kém màu mỡ, dẫn đến năng suất và sản lượng sắn thấp. Ông Pả Vinh, thôn Tăng Cô, xã A Xing nói: “Trước đây gia đình tôi trồng hơn 2 ha sắn, nhà ít người nên chăm sóc không chu đáo vì thế sắn củ nhỏ, giá bán thấp. Năm nay gia đình tôi trồng giảm xuống còn hơn 1,5 ha để tiện chăm sóc, nhờ vậy sắn phát triển tốt. Mùa này gia đình thu được gần 20 tấn sắn, giá sắn cũng cao và ổn định mức 1.800- 2.000 đồng/kg nên năm nay gia đình tôi có thu nhập khá. Diện tích đất còn lại sắp tới tôi trồng thêm ngô, nghệ, gừng để có thêm thu nhập”.
Ông Hồ Ta Ngà, Phó Chủ tịch UBND xã A Xing cho biết, đời sống của người dân A Xing chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên còn gặp nhiều khó khăn. Những năm trở lại đây, chính quyền xã đã có những phương án đúng đắn để duy trì và phát triển cây sắn bền vững. “Xã vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi dần diện tích đất trồng sắn đã bạc màu, kém hiệu quả sang trồng cây cao su, các loại cây trồng khác phù hợp để nâng cao hiệu quả kinh tế. Đến nay đã có hàng chục hộ chuyển đổi thành công và mang lại hiệu quả bước đầu rất phấn khởi. Mặt khác diện tích sắn còn lại chúng tôi khuyến khích người dân canh tác theo hướng thâm canh, tăng năng suất, sản lượng và chất lượng”, ông Ngà cho hay.
Theo ông Lê Quang Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, mục tiêu của huyện khi thực hiện đề án là nhằm tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường, giảm thiểu rủi ro cho người dân. Qua đó tăng thu nhập, ổn định đời sống cho nông dân nhất là người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở các xã vùng sâu, vùng xa trong huyện. Đến nay việc chuyển đổi cây trồng ở các xã vùng Lìa đã mang lại hiệu quả bước đầu khá tích cực. Trong năm 2017 người dân ở các xã vùng Lìa tham gia đề án đã được hỗ trợ 100% kinh phí mua giống ngô, 60% mua giống cây cao su, gừng, nghệ. Từ năm 2018 - 2020, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ 70% kinh phí mua giống ngô, 40% kinh phí mua giống cây cao su, gừng, nghệ và phần kinh phí còn lại người dân tự đối ứng.
Hiếu Giang