Công nghiệp- Đòn bẩy chủ lực để tăng trưởng kinh tế
(QT) - Mới đó mà Quảng Trị đã tròn 20 năm chia tách từ ''ngôi nhà chung'' Bình Trị Thiên. Nhớ lại buổi đầu gian khó ấy, những ai đã từng chung tay xây dựng lại quê hương đều thấy tự hào về ý chí vượt khó của con người Quảng Trị. Trong bộn bề khó khăn thuở ấy, chọn một hướng phát triển phù hợp, một ngành nghề mũi nhọn, làm đòn bẩy để tăng trưởng kinh tế là một bài toán vô cùng nan giải... Tiềm năng đất đai, khoáng sản để phát triển công nghiệp Quảng Trị là địa phương có lợi thế về nguồn tài ...

Công nghiệp- Đòn bẩy chủ lực để tăng trưởng kinh tế

(QT) - Mới đó mà Quảng Trị đã tròn 20 năm chia tách từ ""ngôi nhà chung"" Bình Trị Thiên. Nhớ lại buổi đầu gian khó ấy, những ai đã từng chung tay xây dựng lại quê hương đều thấy tự hào về ý chí vượt khó của con người Quảng Trị. Trong bộn bề khó khăn thuở ấy, chọn một hướng phát triển phù hợp, một ngành nghề mũi nhọn, làm đòn bẩy để tăng trưởng kinh tế là một bài toán vô cùng nan giải... Tiềm năng đất đai, khoáng sản để phát triển công nghiệp Quảng Trị là địa phương có lợi thế về nguồn tài nguyên, đất đai, khoáng sản phục vụ cho phát triển công nghiệp. Đất Quảng Trị đa dạng, phức tạp nhưng chủ yếu gồm 3 nhóm cơ bản: Nhóm cồn cát và đất cát ven biển, chiếm 1,3% đất tự nhiên của tỉnh có thể thành lập các làng sinh thái, trồng cây ăn quả và trồng các loại hoa màu, nuôi trồng thủy hải sản. Đất phù sa ở vùng đồng và nhóm đất đỏ vàng (bazan) phân bổ ở trung du, miền núi với khoảng 20.000 ha thích hợp cho phát triển cây công nghiệp ngắn và dài ngày.

Một góc nhà máy sản xuất gỗ MDF -GERUCO Quảng Trị
Vùng lãnh hải Quảng Trị khoảng 8.400 km2, ngư trường đánh bắt rộng lớn. Biển Quảng Trị có đầy đủ các loại hải sản quý như tôm hùm, mưc, cá thu, cá ngừ, cá chim... có trữ lượng khoảng 60.000 tấn, trong đó đặc sản chiếm khoảng 11%. Khả năng nuôi trồng thủy sản ven bờ biển khá lớn, mặt nước lợ các vùng sông có khả năng nuôi tôm sú, tôm he, cua biển, rong câu...Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào để phát triển ngành công nghiệp chế biến thuỷ hải sản xuất khẩu. Rừng ở Quảng Trị đa dang và phong phú, có nhiều cây lấy gỗ với nhiều loại gỗ tốt, quí hiếm như lim xanh, trường, táu đá, trám, kiền kiền, gụ, sồi, gội, ngát, trâm, cây dược liệu, cây cảnh có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, ở vùng gò đồi còn có cây trồng công nghiệp, nông nghiệp và rừng trồng như cây cao su, hồ tiêu, cà phê, chè, bạch đàn, keo tràm, thông nhựa với diện tích tương đối lớn, khoảng hơn 19.000 ha cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào để phát triển ngành công nghiệp sản xuất chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Bên cạnh đó, Quảng Trị có nhiều loại tài nguyên khoáng sản đa dạng và hết sức phong phú, dễ khai thác, có nhiều mỏ và điểm quặng thuộc nhóm kim loại (sắt, đồng, vàng, titan), vât liệu xây dựng (đá vôi, đất sét, đá bazan, đá tổ ong, đá trang trí và các điểm than bùn, cát thuỷ tinh, nước khoáng). Đặc biệt một số mỏ có trữ lượng lớn, là lợi thế của tỉnh như mỏ đá vôi và nguyên liệu sản xuất xi măng kéo dài theo hướng Tây Bắc- Đông Nam, tập trung ven đường 9, đường 14, trữ lượng khoảng 3,5 tỷ tấn. Đá vôi với chất lượng khá tốt (CaO gần 50%, MgO chiếm từ 0,4 - 3%). Nguồn đất sét và các phụ gia khác để sản xuất xi măng dồi dào. Mỏ titan ven biển khoảng 1 triệu tấn, chất lượng Inmenhit, Zilicon, Rutin khá cao, dễ khai thác, giao thông thuận tiện. Cát thuỷ tinh tập trung ở Nam, Bắc Cửa Việt có độ tinh khiết và hàm lượng Silíc cao, có thể khai thác và sản xuất thuỷ tinh cao cấp. Nguồn nước khoáng chất lượng khá tốt. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp khai khoáng, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất các mặt hàng bằng thuỷ tinh. Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng công nghiệp Những năm qua, từ nguồn vốn ngân sách, JBIC (Nhật Bản), vốn Re II (WB) và huy động sự đóng góp của nhân dân, tỉnh đã đầu tư, xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới lưới điện. Đến 31/12/2008 đã có 139/139 xã, phường có điện, hộ dân nông thôn có điện đạt 99,08%. Cuối năm 2007, công trình thủy lợi- thủy điện Quảng Trị hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại từ đầu năm 2008. Ngay trong năm 2008 đã sản xuất được 254 triệu Kwh, đạt 110,5%, vượt 17% điện lượng trung bình theo thiết kế, nộp ngân sách 8,3 tỷ đồng. Hiện nay, công trình thuỷ điện nhỏ Hạ Rào Quán và La La đang khẩn trương xây dựng, dự kiến cuối năm 2009 đưa vào vận hành sẽ cung cấp một nguồn điện năng đáng kể phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng trên địa bàn. Về xây dựng khu, cụm công nghiệp, trước hết phải kể đến sự hình thành và phát triển của Khu KTTMĐB Lao Bảo. Tổng vốn đầu tư xây dựng kết câu hạ tầng cho khu kinh tế này là 340 tỷ đồng. Tại khu trung tâm với diện tích 150 ha đã có hệ thống đường dây và TBA 110 kv, hệ thống cáp quang, viễn thông, quốc môn, nhà ga cửa khẩu cùng hệ thống siêu thị, chợ trung tâm đồng bộ. Ngoài Khu KTTMĐB Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị đã và đang xây dựng 2 Khu công nghiệp tập trung. Đó là Khu CN Nam Đông Hà có diện tích 100 ha, Khu CN Quán Ngang diện tích 205 ha. Tại khu CN Nam Đông Hà đã có 19 dự án đăng ký với tổng vốn là 1.044 tỷ đồng. Khu CN Quán Ngang đã có 4 dự án đăng ký với tổng số vốn là: 523,6 tỷ đồng. Hoàn thành xây dựng kết cấu hạ tầng cho 4 cụm công nghiệp: Cụm CN Diên Sanh (Hải Lăng) diện tích 70 ha, cụm CN Đông Lễ (Đông Ha): 10 ha, cụm CN Cầu Lòn (thị xã Quảng Trị): 1,8 ha, cụm CN Ba Bến (thị xã Quảng Trị): 0,5 ha. Hiện nay tại các cụm CN này các dự án sản xuất đang tích cực triển khai. Tại các huyện Triệu Phong, Cam Lộ, Vĩnh Linh, Gio Linh đã va đang khẩn trương lập quy hoạch chi tiết, triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng để hình thành các cụm, điểm CN. Đặc biệt dựa trên kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, đến nay tỉnh đang lập quy hoạch Khu kinh tế biển Đông Nam Quảng Trị, Cảng biển Mỹ Thuỷ để trình Chính phủ phê duyệt bổ sung vào quy hoạch quốc gia, tạo hướng mở cho kinh tế Quảng Trị phát triển, đặc biệt là khai thác lợi thế trên hành lang kinh tế Đông- Tây. Đưa công nghiệp trở thành mũi nhọn kinh tế Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIII, XIV đã đề ra mục tiêu tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ, vững chắc các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Riêng đối với ngành công nghiệp, Nghị quyết xác định “Phát triển công nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên số một của quá trình CNH, HĐH, nhằm tạo động lực quan trọng, cơ bản cho chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế của tỉnh”. Đặc biệt, ngày 05/01/2004, Tỉnh uỷ Quảng Trị ra Nghị quyết 13/NQ-TU về phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp đến năm 2010. Đây là những quyết sách quan trọng ghi nhận sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và quyết tâm cao trong hành động nhằm đưa công nghiệp trở thành một ngành chủ lực đóng góp tích cực vào nền kinh tế tỉnh nhà. Nhờ vậy giá trị sản xuất công nghiệp trong những năm qua không ngừng tăng. Nếu so với những năm đầu lập lại tỉnh (1990), giá trị công nghiệp vỏn vẹn có 100 tỷ đồng thì đến năm 2008 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.246 tỷ đồng. Bình quân tăng trưởng trong 20 năm là 15,7%/năm. Đặc biệt trong giai đoạn 2001-2008, tăng trưởng bình quân là 20,64%/năm. Tỷ trọng công nghiệp- xây dựng trong GDP của tỉnh là 8,9%/năm 1990; 15,1% năm 2000 và lên 32% năm 2008. Khi sản xuất công nghiệp phát triển không chỉ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt xã hội là giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động. Đến năm 2008 toàn tỉnh có 6.712 cơ sở và thu hút 24.000 lao động. Bình quân thu nhập của lao động công nghiệp đạt từ 1,5- 2,5 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm công nghiệp ngày càng phong phú với hàm lượng kỹ thuật, công nghệ cao hơn như xăm lốp xe máy, gỗ ván MDF, tinh bột sắn, ván ghép thanh, giấy bao bì, phân NPK, inmelnit hoàn nguyên, may xuất khẩu, thủy điện, chi tiết máy nông nghiệp...Đặc biệt trong lĩnh vực chế biến nông lâm nghiệp, công nghiệp Quảng Trị đã có bước phát triển nhảy vọt, các nhà máy có công nghệ tiên tiến với chất lượng sản phẩm cao, như dây chuyền sản xuất ván sợi ép áp lực cao công suất 60.000m3/năm của Công ty Geruco MDF, tinh bột săn công suất 60.000 tấn/năm của Công ty TNHHMTV Thương mại Quảng Trị, dây chuyền chế biến cà phê của Công ty Thái Hoà, nhà máy sản xuất săm lốp cao su của Công ty Camel (Thái Lan), phân bón NPK Bình Điền- Quảng Trị. Bên cạnh đó, công tác khuyến công luôn được quan tâm góp phần khai thác nguồn lao động trong nông thôn, bảo tồn, phát triển một số làng nghề truyền thống như rượu Sika Kim Long, nón lá, chổi đót, bún, bánh, xăm lưới, nước mắm, dệt thổ cẩm...Đồng thời du nhập một số nghề mới như mây giang đan, thêu ren, mộc cao cấp... đảm bảo sự ổn định và tăng trưởng về thu nhập cho lao động nông thôn. Riêng đối với Khu KTTMĐB Lao Bảo đã thu hút 50 dự án sản xuất kinh doanh, với tông số vốn đăng ký là 4.000 tỷ đồng, trong đó có 30 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 2.600 tỷ đồng đã đi vào hoạt động. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp xây dựng tại Khu KTTMĐB Lao Bảo trên 30%/năm. Tổng giá trị công nghiệp năm 2008 đạt 400 tỷ đồng. Định hướng phát triển Tại kỳ họp 16-HĐND tỉnh khoá V ngày 24/4/2009 đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Quảng Trị và định hướng phát triển đến năm 2020. Về mục tiêu phát triển, phấn đấu đến 2015 tỷ trọng công nghiệp chiếm 49%, dịch vụ 31%, nông nghiệp 20%, đến 2020 tỷ trọng tương ứng là: 56%, 31%, 13%. Trong đó đẩy mạnh phát triển công nghiệp với mức tăng trưởng cao, tạo động lực phát triển cho toàn bộ nền kinh tế. Phấn đấu đưa giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ 18-19%/thời kỳ năm 2011-2020. Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển công nghiệp theo Nghị quyết đã đề ra, đồng chí Thái Vĩnh Kháng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: ""Trước hết là nghiên cứu xây dựng tổ hợp Khí-Điện-Đạm và chế biến các sản phẩm khác từ khí đốt, khi mỏ khí ở vùng biển Quảng Trị được khai thác. Nghiên cứu xây dựng Nhà máy nhiệt điện than, tiếp tục kêu gọi xây dựng các nhà máy thuỷ điện nhỏ theo quy hoạch đã được duyệt. Sớm đưa nhà máy nghiền canhke 35/năm vạn tấn vào hoạt động, khẩn trương xây dựng nhà máy xi măng Cam Lộ công suất 35 vạn tân/ năm. Xây dựng nhà máy sản xuất đá granít nhân tạo và xi măng trắng, các sản phẩm từ silicat ven biển Đông Nam Quảng Trị. Nghiên cứu khai thác, chế biến sâu khoáng sản titan đạt hiệu quả cao và thân thiện với môi trường. Nâng cấp và đa dạng sản phẩm rượu Kim Long truyền thống. Triển khai thực hiện các dự án cơ khí quan trọng như đúc thép chất lượng cao, sản xuất lắp ráp xe tải nhẹ, đóng tàu Nam Cửa Việt. Tiếp tục đầu tư các cơ sở sản xuất công nghiệp thu hút nhiều lao động như may mặc, giày da, lắp ráp điện, điện tử, điện lạnh... Mở rộng quy mô, nâng cấp chất lượng các nhà máy chế biến nông lâm sản, chế biến gỗ, cao su, cà phê, tinh bột sắn. Nghiên cứu chế biến nhựa thông, dầu sinh học. Hoàn thành việc lập quy hoạch khu kinh tế biển Đông Nam Quảng Trị và đưa vào quy hoạch hệ thống khu kinh tế biển của cả nước trước 2010, tập trung kêu gọi đầu tư, phấn đấu xây dựng hạ tầng cơ bản hoàn thành trước 2020. Phát triển mạng lưới kho hàng, bến bãi các dịch vụ, các trung tâm logistic nhằm đáp ứng các nhu cầu phục vụ hàng quá cảnh, tạm nhập tái xuất, gia công, tái chế, đóng gói sản phẩm, linh kiện, công-te-nơ. Tiếp tục thực hiện các quy hoạch đã được xây dựng như lưới điện, thuỷ điện nhỏ, quy hoạch phát triển khoáng sản...Đẩy mạnh công tác khuyến công. Triển khai có chất lượng các dự án phát triển CN-TTCN ở các huyện, thị xa và thực hiện có hiệu quả chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư để thu hút ngày càng nhiều doanh đến mở rộng sản xuất, kinh doanh đóng góp vào nguồn thu ngân sách trên địa bàn..."" Với định hướng trên, công nghiệp Quảng Trị đang phát triển đúng hướng, tạo đòn bẩy chủ lực để tăng trưởng kinh tế, góp phần quan trọng vào sự nghiệp CNH- HĐH quê hương, đất nước Bài và ảnh: Hồ Nguyên Kha