Hai vụ bạo hành trẻ em ám ảnh dư luận trong những ngày qua là đoạn clip dài gần 4 phút trên mạng xã hội ghi lại cảnh một người cha ở tỉnh Sóc Trăng trói tay và đánh đập dã man con gái ruột mới 6 tuổi chỉ vì cháu bỏ gạo vào cát chơi. Hai ngày sau, dư luận lại tiếp tục dậy sóng bởi hình ảnh một bé gái ở tỉnh Quảng Bình bị chính mẹ ruột của mình trói quặp hai tay ra sau, buộc vào thùng xe tải bằng dây thừng, hai chân cũng bị trói bằng dây vải màu hồng. Trên cửa thùng xe ngay vị trí cháu bé bị trói có ghi dòng chữ “phạt trộm tiền”, dưới đất chỗ cháu bé đứng cũng có tấm bìa ghi chữ “phạt trộm”…
Nhìn ánh mắt sợ sệt, hoảng hốt của các em trong những đoạn clip hay những bức hình được chia sẻ trên mạng xã hội có thể thấy, đòn roi hay những lời nhục mạ, chì chiết từ chính bậc sinh thành chắc chắn sẽ để lại ký ức đau buồn, ám ảnh với các em. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, trẻ em bị bạo hành không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và thể xác, chấn động về mặt tinh thần, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nhân cách về sau mà những đứa trẻ lớn lên từ môi trường ẩn chứa bạo lực dễ rơi vào xu hướng coi bạo lực là điều bình thường trong cuộc sống, sau này lớn lên cũng sẽ dễ dàng dùng bạo lực để giải quyết vấn đề.
Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị xâm hại, trong đó có bạo lực. Tuy nhiên, con số này theo nhận định của cơ quan chức năng chỉ mới là phần nổi của tảng băng. Một sự trùng hợp là những vụ bạo hành xảy ra vừa qua đúng vào thời điểm vấn đề bảo vệ trẻ em đang được thảo luận sôi nổi ở nghị trường Quốc hội và ngay trước thềm Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 khiến sự việc càng thêm “nóng”. Nhiều người cho rằng bạo hành trẻ em đang là thách thức đạo đức trong xã hội hiện đại. Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em từ năm 1990 nhưng đến nay thực trạng về bạo hành trẻ em vẫn diễn biến ngày càng phức tạp. Điều này cho thấy, những chính sách pháp luật mà cơ quan chức năng ký kết để bảo vệ trẻ em đều có thể bị vô hiệu hóa bởi thủ phạm bạo hành trẻ em thường chính là những người thân trong gia đình và núp dưới danh nghĩa giáo dục con cái theo kiểu “thương cho roi cho vọt”.
Theo quy định tại Điều 11 Luật Trẻ em 2016, Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức vào tháng 6 hằng năm để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em. Tháng hành động vì trẻ em năm nay có chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em”. Tại lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2020, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, hiện nay Việt Nam có rất nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức về chăm lo trẻ em nhưng hoạt động còn rời rạc. Vì vậy, Tháng hành động năm nay lấy chủ đề kêu gọi sự chung tay của tất cả mọi cơ quan, cộng đồng xã hội và gia đình để chăm lo, bảo vệ trẻ em. Mọi cơ quan hãy làm tròn trách nhiệm của mình, nói ít nhưng hành động nhiều cho trẻ em.
Về mặt pháp luật, Việt Nam có hệ thống văn bản pháp luật tương đối hoàn chỉnh về bảo vệ trẻ em, trong đó có những chế tài nghiêm khắc về hình sự và hành chính. Nếu thực hiện đúng quy định của pháp luật hiện hành thì công tác phòng, chống bạo lực trẻ em sẽ có hiệu quả. Ngoài Luật Trẻ em 2016, mới đây nhất ngày 26/5/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 23/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp đảm bảo thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Chỉ thị quy định trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, gia đình, cá nhân trong thực thi trách nhiệm thông tin, thông báo, tố giác hành vi, trường hợp xâm hại trẻ em cho các cơ quan có chức năng, thẩm quyền bảo vệ trẻ em cho đến truyền thông, vận động nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng phòng ngừa xâm hại trẻ em. Vấn đề thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em cũng vừa được Quốc hội khóa XIV tiến hành giám sát tối cao tại kỳ họp lần thứ 9.
Người bạo hành trẻ em dù là ruột thịt cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước pháp luật. Vì thế, bên cạnh việc xử lý nghiêm các hành vi bạo lực trẻ em để tạo sự răn đe, để phòng ngừa cần có sự quan tâm đặc biệt của nhà trường và gia đình. Theo chúng tôi ưu tiên hàng đầu cần thực hiện là công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em cho phụ huynh và học sinh. Phụ huynh cần thay đổi nhận thức, phương pháp giáo dục con em, đó là kết hợp hài hòa phương pháp giáo dục kỷ luật và tình yêu thương để phát triển toàn diện cho trẻ thay vì tư tưởng giáo dục “thương cho roi cho vọt”, “đòn đau nhớ đời”. Với trẻ em, nhà trường cần trang bị, cung cấp cho học sinh các kiến thức về quyền trẻ em để học sinh có thể nhận biết được quyền lợi và bổn phận của mình; hướng dẫn học sinh các kỹ năng an toàn và kêu gọi sự hỗ trợ từ gia đình, nhà trường hoặc Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, các cơ quan chức năng liên quan khi phát hiện hoặc là nạn nhân của các hình thức trừng phạt thể chất, tinh thần…
Hãy giáo dục trẻ bằng tình yêu thương đó là xây dựng môi trường gia đình, nhà trường, xã hội an toàn, lành mạnh, thân thiện; không sử dụng hành vi bạo lực trong dạy dỗ con trẻ. Muốn vậy, phụ huynh cần làm gương trở thành người thầy giáo, cô giáo trong mỗi gia đình và đồng hành với nhà trường trong giáo dục, rèn luyện con em của mình.
Mai Lâm