Những nỗ lực “hồi sinh”
(TTO) - Những năm trước đây số tiền đầu tư cho một VCD thiếu nhi từ 400-500 triệu đồng. Giờ đây tròm trèm 100 triệu đã có được một album với đầy đủ clip lẫn hình ảnh tặng kèm. Tuy nhiên, số ca khúc lẫn album thiếu nhi mới trên thị trường vẫn rất hiếm hoi.

Những nỗ lực “hồi sinh”

(TTO) - Những năm trước đây số tiền đầu tư cho một VCD thiếu nhi từ 400-500 triệu đồng. Giờ đây tròm trèm 100 triệu đã có được một album với đầy đủ clip lẫn hình ảnh tặng kèm. Tuy nhiên, số ca khúc lẫn album thiếu nhi mới trên thị trường vẫn rất hiếm hoi.

Các em thiếu nhi trong vòng chung kết chương trình Đồrêmí 2010 - Ảnh: Thu Nga
Nhạc sĩ Minh Đức kể trong quá trình thực hiện CD Bé giỏi mẹ thương, anh đã nhận được lời đề nghị tài trợ từ một số trường học. Tuy nhiên, nếu nhận lời thì ngoài việc phải có logo của nhà tài trợ trên bìa sản phẩm, album còn phải chèn thêm những ca khúc ca ngợi trường. Nếu có clip thì cũng phải quay với bối cảnh của ngôi trường đã tài trợ.

Xét thấy không ổn nên anh quyết định tự bỏ tiền túi thực hiện album.

Thiếu “tài trợ vàng”

Vận động... hát cho nhau nghe

Nguồn ca khúc dành cho thiếu nhi hiện nay chủ yếu vẫn là “xài lại” và tận dụng tối đa những sáng tác cũ, lâu lâu mới có một cuộc vận động sáng tác ca khúc dành cho thiếu nhi, như cuộc vận động do Trung tâm Văn hóa và Nhà Thiếu nhi TP tổ chức cách đây gần một tháng. Số lượng bài dự thi gửi về tương đối nhiều (gần 600 ca khúc) từ khắp nơi trong cả nước. 100 ca khúc xuất sắc nhất đã được tập hợp và in thành cuốn, nhưng đáng buồn là chỉ được... lưu hành nội bộ! Gần 27 giải thưởng đã được trao cho những sáng tác hay, nhưng cũng đáng buồn chỉ dừng lại ở mức “hát cho nhau nghe”, không có bất kỳ động thái nào về việc thu băng đĩa, in ấn, phát hành chuyên nghiệp, rộng rãi và phổ cập đến các em.

Thực tế cũng có các đơn vị, nhãn hàng sẵn lòng tài trợ và hợp tác thực hiện album, các chương trình ca nhạc thiếu nhi. Như nhãn hàng Arirang từng bỏ tiền tài trợ cuộc thi hát karaoke các ca khúc thiếu nhi cách đây ít lâu. Còn các cuộc thi, cuộc chơi trên sóng truyền hình như Đồrêmí, Tiếng hát chú ve con, Tiếng hát hoa phượng đỏ, Tiếng hát măng non, Một phút tỏa sáng... đều được tổ chức thường niên, có tài trợ.

Kinh phí, tài chính không hẳn là rào cản duy nhất khiến nhạc, ca khúc thiếu nhi không đến được với đối tượng cần phục vụ của mình.

Một số nhạc sĩ, thầy cô và phụ huynh cho rằng nếu hiện nay có hẳn những kênh âm nhạc chuyên biệt (không kể các kênh nước ngoài) dành cho giới trẻ như: YanTV, Yeah1TV... thường xuyên cập nhật ca khúc mới, clip mới, thì “đất” dành cho nhạc thiếu nhi chỉ vỏn vẹn trong giờ phát sóng trên SaoTV hay HTV3...

Nhạc sĩ Lê Vinh Phúc - hội viên Hội Âm nhạc TP.HCM - chia sẻ: “Ngày xưa ăn cơm tối xong, 7g mở tivi các em được xem Những bông hoa nhỏ - một chương trình rất hay, cập nhật đều đặn những ca khúc dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Còn bây giờ, “giờ vàng” là dành cho game show. Các cháu muốn xem ca nhạc thì tìm đến YanTV hay Yeah1TV với những ca khúc không phù hợp lứa tuổi của mình”.

Chợt nhớ nhạc teen đã và đang làm mưa làm gió không chỉ nhờ sự giúp sức của các kênh âm nhạc mà còn nhờ sức mạnh của Internet. Dòng nhạc thiếu nhi dù có những giọng ca hay, ca khúc mới, nhà đầu tư giàu có nhưng vẫn thiếu “tài trợ vàng” từ các kênh truyền hình, đài phát thanh, trang web âm nhạc...

Hấp dẫn hóa dòng nhạc trẻ thơ

Quả là nghịch lý khi các dịch vụ dành cho thiếu nhi ngày càng nhận được sự quan tâm và ủng hộ từ nhiều phía, nhưng nhạc thiếu nhi thì không.

Bàn về vấn đề này, nhạc sĩ Trần Thanh Tùng - người rất thành công trong vai trò sáng tác ca khúc thiếu nhi, đào tạo giọng ca nhí lẫn nhà sản xuất các chương trình ca nhạc thiếu nhi - cho biết: “Cũng như những loại hình nghệ thuật khác, nhạc thiếu nhi cần hợp với thời đại. Chúng ta cần chủ động hơn trong việc giới thiệu các ca khúc hay, mới đến các em thông qua các phương tiện truyền thông, giải trí phổ biến. Tôi đã và đang cho thử nghiệm chạy thử trang web âm nhạc dành riêng cho thiếu nhi vì ngày nay các cháu tiếp xúc với Internet khá sớm”.

Tuy nhiên, hiện đại hóa để phù hợp và thu hút được thiếu nhi không thể chỉ dừng ở các hình thức tiếp cận mà còn phải ở tư duy âm nhạc, tư duy sáng tác với ca từ và bối cảnh phù hợp hơn.

Ông Huỳnh Tiết - giám đốc Trung tâm Bến Thành audio - “bật mí”: “Hiện chúng tôi đang thực hiện các chương trình ca nhạc mới cho các bé. Sẽ không còn chuyện ngồi chờ ca khúc hay, phù hợp nữa, mà chúng tôi chủ động đặt hàng các nhạc sĩ “chuyên trị” nhạc thiếu nhi như: Phan Văn Minh, Trương Quang Lục, Xuân Trà... để có những tác phẩm tốt. Các clip nhạc sẽ được đầu tư cẩn thận từ kịch bản đến ý tưởng, để có được một sản phẩm âm nhạc gần gũi nhưng mang tính giáo dục cao như Cả nhà thương nhau trước đây”.

Còn nhạc sĩ Minh Đức cho biết sau CD Bé giỏi mẹ thương, anh sẽ thu xếp thực hiện một VCD karaoke nhạc thiếu nhi, chăm chút hơn về cảnh quay và cả kỹ xảo nhằm đáp ứng nhu cầu “nhìn” và hát theo của các bé.

Riêng các trung tâm, nhà văn hóa thiếu nhi ở các thành phố, quận, huyện cũng đang có các kế hoạch phối hợp với các đài phát thanh, truyền hình thực hiện các chương trình thiếu nhi mang tính sáng tạo hơn, để nhạc thiếu nhi nói riêng và âm nhạc nói chung sẽ trở nên đầy sức hút với các bé.

Những sân chơi ca hát mang nặng tính kỹ xảo, thi thố giữa các đơn vị trên truyền hình sẽ dần được chuyển hóa thành các chương trình có khả năng phát huy năng khiếu thật sự, kết hợp nhiều hình thức thể hiện mới như: hát “sống” với nhạc cụ, biểu diễn nhạc kịch, diễn hợp xướng, sử ca...

Bà Trần Thị Diệu Thúy (phó bí thư Thành đoàn TP.HCM):

Ca khúc thiếu nhi chưa đủ hay

Theo cá nhân tôi, có hai nguyên nhân khách quan và một nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng này. Về khách quan, do sự thay đổi về văn hóa, kinh tế, xã hội mà thiếu nhi bây giờ có rất nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, không giống như trước đây, nên âm nhạc không còn là món ăn duy nhất đối với các em nữa.

Thứ hai là bản thân các bậc phụ huynh cũng tỏ ra lơ là, họ muốn con em tập trung vào học hành hơn là các hoạt động ca hát. Thậm chí em nào vừa nổi lên một chút qua các cuộc thi sẽ bị “kìm lại” vì sợ các em mắc bệnh “ngôi sao”.

Còn về chủ quan, thật ra các ca khúc thiếu nhi bây giờ chưa đủ hay để các em có thể nhớ! Mặt khác trẻ em tiếp thu âm nhạc rất thụ động, chúng cần có người chỉ dẫn, mở cho nghe, dắt đi xem thì mới thẩm thấu và yêu thích.

Một phần nào đó tôi cảm nhận những nhạc sĩ, nhà phát hành, phụ huynh, thậm chí cả truyền thông cũng không quan tâm đúng mức đến nhu cầu này của các em. Cho nên, để làm được điều này chúng ta cần phải tiến hành đồng bộ.

MINH TRANG