Báo động về tình trạng xâm lấn đất rừng
(QT) - Tỉnh Quảng Trị hiện có hơn 300.000 ha diện tích đất rừng lâm nghiệp. Những năm trở lại đây, trên địa bàn các huyện Vĩnh Linh, Cam Lộ, Đakrông, Hướng Hóa đang xảy ra tình trạng người dân tự ý xâm lấn rừng để lấy đất sản xuất làm tổn hại nghiêm trọng đến tài nguyên rừng.

Báo động về tình trạng xâm lấn đất rừng

(QT) - Tỉnh Quảng Trị hiện có hơn 300.000 ha diện tích đất rừng lâm nghiệp. Những năm trở lại đây, trên địa bàn các huyện Vĩnh Linh, Cam Lộ, Đakrông, Hướng Hóa đang xảy ra tình trạng người dân tự ý xâm lấn rừng để lấy đất sản xuất làm tổn hại nghiêm trọng đến tài nguyên rừng.

Thực trạng đất rừng ở tiểu khu 586, xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh bị san ủi để trồng rừng trái phép

Vừa qua, một người dân ở thôn Thủy Ba Hạ, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh đã đến Báo Quảng Trị để tố cáo một số người dân có hành vi san ủi đất rừng tại địa bàn xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh. Sau đó, phóng viên Báo Quảng Trị đã thông tin nội dung vụ việc cho UBND huyện Vĩnh Linh. Chỉ 3 ngày sau, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vĩnh Linh Nguyễn Long đã báo cáo về hiện tượng xử lý thực bì sau khai thác rừng trồng tại tiểu khu 586, xã Vĩnh Hà của ông Vũ Thắng, địa chỉ thôn Rào Trường, xã Vĩnh Hà khai thác rừng trồng keo tại lô 11, khoảnh 3, tiểu khu 586, xã Vĩnh Hà với diện tích 10 ha, rừng trồng từ năm 2014. Đến nay diện tích rừng nói trên đã được khai thác và xử lý thực bì khoảng 6,5 ha. Từ ngày 4/10 đến ngày 8/10/2018, ông Thắng dùng máy để xử lý thực bì trên diện tích rừng đã khai thác, trong đó có một số khu vực dọc khe suối có cây bụi, lau lách, dây leo, cây tái sinh. Trên diện tích san ủi còn nhiều gốc keo có chiều cao gốc chừa 3-15 cm, đường kính gốc cây từ 10-25 cm.

Ngay sau khi có thông tin, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị đã thành lập đoàn liên ngành để điều tra, xác minh và có kết luận như sau: Vị trí lô san ủi thuộc lô 11, khoảnh 3, tiểu khu 586, xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh thuộc đối tượng rà soát chuyển đổi sang quy hoạch rừng sản xuất đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3359/ QĐ-UBND tỉnh ngày 5/12/2017 phê duyệt phương án chuyển đổi đất, rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch rừng sản xuất. Diện tích san ủi 6,5 ha, đối chiếu với bản đồ hiện trạng rừng năm 2017, diện tích này có trạng thái rừng trồng gỗ loài cây keo. Trên diện tích san ủi còn có 0,4 ha rừng trồng keo (khoảng 4 năm tuổi) chưa khai thác, giáp khu vực bị san ủi có cây rừng tự nhiên mọc xen kẽ, rải rác tại chân đồi, ven khe suối. Chủ quản lý diện tích đất rừng là UBND xã Vĩnh Hà, hiện chưa giao cho hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng. Vì vậy, việc người dân tự ý xâm lấn, san ủi đất để trồng rừng là sai theo quy định của pháp luật. Nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên là do khi bàn giao giữa Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải với UBND xã chưa rõ ràng cụ thể ngoài thực địa. Đồng thời việc quản lý rừng và đất rừng của chính quyền địa phương thiếu chặt chẽ, do đó một số người dân trong đó có ông Vũ Thắng đã tự ý xâm canh, lấn chiếm đất (6,5 ha) để trồng rừng từ năm 2014.

Đầu năm 2018, Công ty Lâm nghiệp Đường 9 rà soát, phát hiện hơn 800 ha đất rừng đã bị lấn chiếm. Đối tượng lấn chiếm là dân địa phương và một số công nhân của công ty này. Trước đó, công ty được giao quản lý gần 7.000 ha rừng ở khu vực phía tây của hai huyện Gio Linh và Cam Lộ. Đến nay, nhiều diện tích rừng mất dần do bị xâm lấn. Khu vực bị mất nhiều nhất là ở các xã Cam Thành, Cam Tuyền thuộc huyện Cam Lộ. Trong hơn 200 hộ xâm lấn đất rừng mà các ngành chức năng thống kê có các trường hợp như hộ các ông: Nguyễn Văn Đẩu, ở thôn Tân Hiệp, Cam Tuyền, Cam Lộ xâm lấn diện tích 2,5 ha đất để trồng rừng tại tiểu khu 765, khoảnh 10a, lô C3; Nguyễn Đức Quý ở thôn Tân Lập, xã Cam Tuyền xâm lấn gần 2,3 ha tại tiểu khu 764, khoanh 9, 5c, lô a6, b2; Nguyễn Văn Ứng thôn Tân Lập, xã Cam Tuyền xâm lấn 1 ha đất rừng tại tiểu khu 764 lô b7…Qua tiếp xúc với các hộ dân tự ý xâm lấn đất rừng, chúng tôi được biết đây là diện tích rừng thuộc quyền quản lý của Công ty Lâm nghiệp Đường 9. Do nhận thấy đất bỏ hoang nên nhiều người dân trong xã đưa cây tràm giống vào rừng để trồng tại một số khu vực đất hoang ven khe suối để tạo việc làm và tăng thu nhập cho gia đình. Khi người dân trồng rừng, phía chủ rừng không có ý kiến hoặc can ngăn nên người dân càng “lấn tới” trồng rừng dẫn đến tình trạng đất rừng của nhà nước bị xâm phạm nghiêm trọng. Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Đường 9 Nguyễn Hồng Thái cho biết: “Trong số những hộ lấn chiếm đất rừng có khoảng 15 người là công nhân của công ty với diện tích lấn chiếm khoảng 40 ha. Hiện nay công ty đã thu hồi được hơn 150 ha. Đối với diện tích rừng người dân đang trồng rừng, công ty sẽ tích cực phối hợp với chính quyền địa phương vận động người dân trả lại đất sau khi khai thác xong lứa cây đang trồng hiện tại”.

Địa bàn giáp ranh giữa hai huyện Gio Linh và Cam Lộ thuộc xã Cam Tuyền và Hải Thái là nơi thường xuyên xảy ra tranh chấp đất trồng rừng giữa hàng trăm hộ dân với Công ty Lâm nghiệp Đường 9 trong nhiều năm nay với nhiều đơn thư khiếu kiện. Được biết đến thời điểm xảy ra tranh chấp, công ty vẫn chưa tiến hành cắm mốc giới, chưa tiến hành bàn giao thực địa với chính quyền địa phương. Trong số những hộ dân xâm lấn đất rừng phần lớn là người địa phương Cam Tuyền, Cam Thành (Cam Lộ), Hải Thái (Gio Linh), công nhân Công ty Lâm nghiệp Đường 9, còn có không ít người đang sinh sống ở các địa bàn khác như các huyện Vĩnh Linh, Đakrông, TP Đông Hà nhưng lại có đất rừng ở địa bàn Cam Lộ. Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền Hoàng Liên Sơn cho biết, khó khăn nhất hiện nay là đối với nhiều trường hợp sống ở ngoài địa bàn huyện Cam Lộ có đất rừng ở địa phương nhưng không chịu hợp tác với chính quyền. Đặc biệt có khoảng 170 ha rừng có cây trồng xanh tốt nhưng trên giấy tờ bàn giao giữa Công ty Lâm nghiệp Đường 9 với địa phương là đất, núi đá không có cây trồng. Hiện nay chưa xác định được ai là chủ nhân của diện tích rừng trồng khá lớn này.

Từ những vụ việc xâm lấn đất rừng xảy ra phổ biến trên địa bàn tỉnh có thể thấy một nguyên nhân chung là do việc bàn giao đất về cho địa phương quản lý chưa được rõ ràng. Phương án chuyển đổi chi tiết rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất và phân bổ kế hoạch sử dụng đất cũng chưa được xây dựng gây khó khăn cho các địa phương trong việc quản lý. Ngoài ra còn phải nhắc đến một thực tế đó là hầu hết các diện tích đất mà các nông, lâm trường đã bàn giao cho các địa phương hiện nay đã bị người dân trồng rừng trái phép với nhiều chu kỳ khai thác cây rừng suốt hàng chục năm qua. Vậy nhưng do địa bàn rộng, ranh giới giữa thực địa và việc bàn giao đất quy hoạch rừng phòng hộ và đất quy hoạch rừng sản xuất khó nhận biết ngoài thực địa cũng như việc bàn giao giữa các bên chưa được rõ ràng nên gây khó khăn trong công tác quản lý đất rừng trên địa bàn. Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Đường 9 Nguyễn Hồng Thái cho rằng thực tế, diện tích đất rừng mà đơn vị tiếp nhận chỉ trên giấy tờ. Do đó bàn giao lại cho địa phương cũng theo cách như vậy. Còn việc thu hồi đất sau khi được bàn giao là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Từ thực tế đó cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng trong việc điều tra, xác nhận lại thực địa diện tích đất rừng, có sự so sánh đối chiếu giữa diện tích trên giấy tờ và diện tích thực địa, từ đó mới có sự bàn giao, tiếp nhận sát đúng với thực tế hơn tránh hiện tượng “giao nhận đất trên giấy” gây khó khăn trong việc sử dụng và quản lý đất rừng như hiện nay. Mặt khác cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước về lâm nghiệp trên địa bàn. Yêu cầu người dân dừng ngay việc san ủi đất rừng trái phép, xác định trách nhiệm của các bên liên quan để có biện pháp xử lý nghiêm minh tình trạng người dân xâm lấn đất rừng để trồng rừng sản xuất. Tổ chức quản lý, bảo vệ diện tích rừng chưa giao và xây dựng phương án để giao lại cho các hộ gia đình, cá nhân diện tích rừng này để rừng thực sự có chủ cụ thể. Chỉ đạo các tổ chức, thôn, bản và các tổ bảo vệ rừng đẩy mạnh tuyên truyền công tác quản lý bảo vệ rừng đến với người dân. Nghiêm cấm người dân phá rừng, lấn chiếm đất rừng chưa được giao, kể cả rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Có như vậy mới hạn chế được tình trạng xâm lấn đất rừng như hiện nay, tăng cường công tác quản lý và sử dụng đất rừng trên địa bàn tỉnh một cách nghiêm minh và hiệu quả.

Hồ Nguyên Kha