Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật cho người dân
(QT) - Mới đây, TAND tỉnh Quảng Trị đã mở phiên toà xét xử lưu động tại thị trấn Krông Klang đối với bị cáo Pả Mõm (sinh năm 1983 tại thôn Trằm, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hoá, Quảng Trị) về tội “Vận chuyển trái phép chất nổ”. Với hành vi vận chuyển trái phép 89 kg chất nổ, Pả Mõm đã bị TAND tỉnh tuyên 5 năm tù giam. Bản án toà tuyên không có gì phải bàn cãi vì đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Tuy nhiên, điều đọng lại sau phiên toà xét xử chính là nhận thức pháp luật của bị cáo hết sức hạn chế.
Đặc biệt, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền pháp luật trực tiếp thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, huy động sức mạnh và lợi thế sẵn có của các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao hoạt động tuyên truyền, PBGDPL. Đối tượng cần phổ biến, giáo dục pháp luật sinh sống trên nhiều địa bàn khác nhau dẫn đến nhu cầu cần được phổ biến, giáo dục pháp luật và khả năng tiếp nhận tri thức, kiến thức về pháp luật cũng rất khác nhau. |
Pả Mõm sinh ra và lớn lên ở xã Hướng Tân, một xã thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện Hướng Hoá. Học đến lớp 6 thì Pả Mõm nghỉ học, ở nhà phụ làm nương rẫy với gia đình. Như bao thanh niên khác trong bản, Pả Mõm lập gia đình rất sớm. Năm nay vừa tròn 26 tuổi nhưng bị cáo đã có đến 4 người con. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại đông con nên quanh năm suốt tháng hai vợ chồng Pả Mõm chỉ biết cắm cúi trên nương rẫy để lo cái ăn, cái mặc cho gia đình. Có lẽ vì quá nghèo nên khi được một thanh niên trong làng thuê chở 89 kg thuốc nổ về xuôi để nhận lấy 700 ngàn đồng, Pả Mõm đã gật đầu không chút do dự. Bị cáo không hề nghỉ rằng, với số lượng thuốc nổ lớn, giá trị sử dụng vẫn còn từ 70-75% thì hành vi đó của bị cáo đã vi phạm các quy định của pháp luật. Và chỉ một chút sơ sẩy, hành vi hám lợi của bị cáo sẽ gây ra hậu quả khôn lường. Học đến lớp 6 nhưng nhận thức của bị cáo Pả Mõm rất hạn chế. Trước toà, bị cáo trả lời 700 ngàn đồng đối với gia đình bị cáo là một số tiền lớn, nên khi nghe người khác rủ rê, bị cáo đã nhận lời mà không cần nghĩ suy gì thêm. 700 ngàn đồng cho 5 năm tù giam là cái giá quá đắt đối với chàng thanh niên miền núi suốt đời chỉ biết cắm cúi với nương rẫy, bản thân chưa hề có tiền án, tiền sự. Hay nói đúng hơn, chỉ vì thiếu hiểu biết mà Pả Mõm đã vướng vào vòng lao lý, bỏ lại phía sau một gia đình nheo nhóc với vợ và 4 người con. Thời gian qua, nhiều kẻ xấu đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để thực hiện những hành vi phạm tội mà vụ án của A Bun là một ví dụ. A Bun sinh ra ở Cam Lộ nhưng theo gia đình sang sinh sống tại tỉnh Savannakhet (Lào). Trong một lần về Hướng Hoá chơi, A Bun đã gặp một người khách lạ và được người đó đề nghị sang bên kia biên giới tìm mua ma tuý về cho người ấy. Bù lại, A Bun sẽ được nhận một khoản tiền không nhỏ. Ban đầu, A Bun không chịu nghe. Nhưng người khách lạ tỏ ra không vội vàng, dẫn A Bun đi ăn một bữa thật no và tiếp tục đưa ra lời đề nghị trên. A Bun xiêu lòng và đã nhận lời. Sang Lào, A Bun tìm đến một người có tên là Nghề (mà trong những lần chèo đò trên sông Sê Pôn, A Bun biết Nghề đang tìm mối để tiêu thụ ma tuý) và nói rõ mục đích của mình. Nghề đã đưa cho A Bun 191 viên ma tuý tổng hợp để A Bun mang về Việt Nam giao cho người khách lạ đó. Trong khi chờ khách đến lấy hàng tại quán cà phê Đồng hoa vàng (xã Tân Long, Hướng Hoá), A Bun bị cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ. Trước tòa, A Bun khai mình làm theo sự chỉ bảo của người khác nhưng cơ quan chức năng không điều tra được người đã nhờ A Bun là ai. Trong khi đó, mục đích của A Bun là vận chuyển chất ma tuý để thu lợi nhuận là có thực. Vì thế, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt A Bun 7 năm tù, có tính đến các tình tiết giảm nhẹ như phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo... Thực tiễn trên cho thấy, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân là một việc làm cần thiết. Đây cũng chính là cơ sở, tiền đề để xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của đất nước. Với mục tiêu tạo chuyển biến căn bản trong việc nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật và chấp hành pháp luật của người dân, ngày 16-12-2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010. Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trong những năm qua, các cơ quan chức năng và ban ngành, đoàn thể trên địa bàn đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân thông qua nhiều hình thức khác nhau.Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nguyên nhân khiến cho công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật chưa mang lại hiệu quả như mong muốn dẫn đến tình trạng người dân vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết ngày càng gia tăng. Vậy làm thế nào để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật đến với người dân. Và hình thức tuyên truyền như thế nào mới mang lại hiệu quả giáo dục cao? Như chúng ta đã biết, mỗi khi đã xây dựng được thói quen làm việc theo pháp luật, người dân sẽ tự giác chấp hành theo các quy định của luật pháp. Do đó, tuyên truyền để nâng cao nhận thức pháp luật đối với người dân là một việc làm cần thiết. Nghị quyết 61/2007/NQ-CP ban hành ngày 7/12/2007 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32- CT/TƯ ngày 9 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân xác định rõ: “Phổ biến, giáo dục pháp luật(PBGDPL) là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Để nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật, trước hết, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành và đoàn thể trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong việc triển khai công tác PBGDPL. Nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý, tăng cường công tác trợ giúp pháp lý lưu động phù hợp với điều kiện địa lý và trình độ dân trí của người dân. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra việc xây dựng và quản lý tủ sách pháp luật ở xã, thị trấn. Công tác PBGDPL phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục và ở tầm cao hơn, nhằm làm cho cán bộ, nhân dân hiểu biết và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đặc biệt, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền pháp luật trực tiếp thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, huy động sức mạnh và lợi thế sẵn có của các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao hoạt động tuyên truyền, PBGDPL. Đối tượng cần phổ biến, giáo dục pháp luật sinh sống trên nhiều địa bàn khác nhau dẫn đến nhu cầu cần được phổ biến, giáo dục pháp luật và khả năng tiếp nhận tri thức, kiến thức về pháp luật cũng rất khác nhau. Xuất phát từ điều này mà hình thức để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng phải có sự da dạng, phù hợp với trình độ nhận thức cũng như năng lực nắm bắt và nhu cầu của từng nhóm đối tượng. Theo đánh giá chung, trong các hình thức tuyên truyền, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp, phổ biến, giáo dục pháp luật trên các loại hình báo chí và qua mạng lưới truyền thanh cơ sở và tổ chức các hình thức thi tìm hiểu pháp luật là những hình thức đang phát huy hiệu quả nhất. Tuy nhiên, về phía người dân cũng cần chủ động trang bị cho mình những kiến thức pháp luật cần thiết để bảo vệ bản thân, góp phần ngăn chặn và hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật nhằm xây dựng cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Hoài Nam