Người trở về Khe Hó
Đã vào tuổi “xưa nay hiếm”, vậy mà càng đến gần ngày kỷ niệm 50 năm mở đường Hồ Chí Minh huyền thoại, Trung tá Trần Anh Don (nguyên Trưởng Phòng hành quân - giao liên của Bộ Tư lệnh Binh đoàn 559 và hiện tại ông là Trưởng Ban Liên lạc bộ đội Trường Sơn huyện Vĩnh Linh) như thấy mình trẻ lại. Hết họp Ban Liên lạc bộ đội Trường Sơn huyện Vĩnh Linh, ông lại cùng các đoàn làm phim, làm báo trèo đèo, lội suối trở lại Khe Hó (nơi đóng quân của Binh trạm 32-33 (Đoàn 559) và cũng chính là Km 0 của con đường Trường Sơn lịch sử). Mỗi lần đặt chân lên Khe Hó để tự tay thắp nén hương bái vọng vào xanh thẳm núi rừng, ông lại không kìm được giọt nước mắt nhớ thương đồng đội... “Nhân chứng” của con đường Tôi tìm đến nhà ông tại thôn Thượng Hoà (xã Vĩnh Long, Vĩnh Linh) gặp lúc ông đang cùng đồng đội trong Ban Liên lạc bộ đội Trường Sơn huyện Vĩnh Linh họp bàn việc tổ chức chuyến trở lại thăm Khe Hó cho các thành viên trong Ban. Phải đợi cả tiếng đồng hồ để các thành viên trong Ban bàn bạc cách thức tổ chức chuyến đi, tôi mới được ông tranh thủ tiếp chuyện. “Tất cả mọi người trong Ban Liên lạc bô đội Trường Sơn có mặt hôm nay tuy có người già, người trẻ nhưng tất cả họ đều có điểm chung là từng một thời không tiếc máu xương để tham gia mở đường Trường Sơn cũng như gùi cõng từng khẩu súng, viên đạn...chi viện cho tiền tuyến miền Nam đánh Mỹ. Lần này, anh em bàn với nhau phải quyết tâm quay trở lại Khe Hó dù chỉ một lần để thắp hương cho đồng đội. Biết đâu sau này, người còn, kẻ mất mà không có dịp quay lại mảnh đất từng in dấu tuổi thanh xuân hào hùng của mình”-Trung tá Trần Anh Don tâm sự.
 |
Một buổi sinh hoạt của Ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn huyện Vĩnh Linh |
Khi tôi hỏi ông về chuyện ông từng là một trong những thành viên trong đoàn khảo sát mở đường Hồ Chí Minh do Đại tá Võ Bẩm chỉ huy, ông cho biết: Trên cơ sở phân tích tình hình quốc tế và cách mạng miền Nam lúc bấy giờ, Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Đảng lần thứ 15 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa đã họp và quyết tâm cao về vấn đề thành lập tuyến vận chuyển quân sự trên bộ và trên biển chi viện cho cách mạng miền Nam. Hội nghị chỉ rõ, con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là phải sử dụng bạo lực cách mạng để thống nhất đất nước, hoàn thành cách mạng dân chủ nhân dân. Để hoàn thành nhiệm vụ đo, hậu phương miền Bắc phải đẩy mạnh chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Thực hiện chủ trương đó, Đảng và Nhà nước ta đã quyết tâm xây dựng tuyến vận tải chiến lược, chỉ đạo chặt chẽ quá trình xây dựng, mở rộng, bảo vê và phát huy vai trò, tác dụng của nó phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thời điểm đó, ông đang học lớp sĩ quan tại Trường Quân sự Quân khu V (đóng tại huyện Nam Đàn, Nghệ An) thì nhận được lệnh gấp rút ra Hà Nội gặp Đại tá Võ Bẩm để nhận nhiệm vụ. Mấy ngày sau, đoàn khảo sát mở đường Trường Sơn do Đại tá Võ Bẩm chỉ huy đã đặt chân đến làng Ho (Quảng Bình) sau đó là Khe Hó (xã Vĩnh Hà, Đặc khu Vĩnh Linh lúc bấy giờ). Qua kết quả khảo sát thực địa, đoàn đã chọn Khe Hó làm điểm đầu tiên để mở con đường Trường Sơn. Sau khi Khe Hó được chọn làm điểm đầu tiên cho con đường Trường Sơn thì tất cả các hoạt động của người dân đều bị cấm và khu vực Khe Hó luôn được canh gác nghiêm ngặt. Nguyên nhân Khe Hó được lựa chọn là do khu vực này nằm trên địa bàn giải phóng lại có địa thế núi đồi bằng phẳng, rừng rậm liên hoàn, khe suối nhiều nước và phía Tây giáp với Lào nên thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hoá tránh địch. Khe Hó lại nằm gần địa bàn chiến đấu, bảo vệ giới tuyến của Lữ đoàn 270 (Quân khu V). Trong quá trình mở đường, đoàn trưởng Võ Bẩm luôn căn dặn anh em phải tuyệt đối giữ bí mật và nếu địch có phát hiện, đánh chặn cũng không được nổ súng đánh lại mà phải tìm cách tránh địch để đảm bảo bí mật cho con đường. Từ Khe Hó, 497 chiến sĩ đã bí mật vận chuyển theo cách gùi và vác chuyến vũ khí đầu tiên vượt giới tuyến vào tới Tà Riệp (miền Tây tỉnh Thừa Thiên - Huế) vào tháng 8/1959, kịp thời chi viện cho quân dân Liên khu V chiến đấu. Cũng từ đó, hệ thống đường giao liên và vận tải bí mật ngày càng phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu chi viện người và vũ khí, lương thực của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Người dân bản Khe Hó kể chuyện Do còn bận họp với các thành viên của Ban Liên lạc bộ đội Trường Sơn huyện Vĩnh Linh nên Trung tá Trần Anh Don không thể theo tôi quay trở lại Khe Hó. Tôi ngược lên thị trấn Bến Quan (Vĩnh Linh) sau đó đến bản Khe Hó (xã Vĩnh Hà) khi trời đã về chiều.
 |
Trung tá Trần Anh Don kể về những ngày đầu mở đường Trường Sơn |
Nghe ý định muốn được tận mắt chứng kiến Km 0 của con đường Trường Sơn huyền thoại, Hồ So (từng là dân công gùi cõng vũ khí, lương thực trên đường Trường Sơn năm xưa) hiện sống tại bản Khe Hó cứ lắc đầu rồi bảo: “Bây giờ muộn quá rồi, không thể lên Khe Hó được mô. Muốn lên đó phải đi bộ luồn rừng từ sáng sớm đến qua trưa mới đến nơi. Cứ ngồi chơi uống nước rồi muốn hỏi chi miềng trả lời cho nghe”. Tôi đành ngồi ở bản Khe Hó để nghe hai cựu chiến binh là Hồ So, Hồ Liếc kể chuyện về Khe Hó. “Hồi đó (năm 1959), miềng làm kế toán của HTX tín dụng Vĩnh Hà. Lúc mới mở đường, miềng cũng như hầu hết người dân bản Khe Hó đều bị cấm vào khu vực Khe Hó chặt củi, săn bắn... Đến khoảng năm 1960 thì miềng được điều động đi gùi cõng đạn dược, lương thực mới biết có con đường mà bộ đội mở trong rừng. Miềng tham gia gùi cõng gần năm năm mới nghỉ hẳn rồi về làm Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hà”-Hồ So kể. Hồ Liếc cho biết: “Khe Hó hồi xưa toàn là rừng rậm nối liền rừng rậm nên bộ đội, dân công gùi cõng đi dưới tán lá rừng ken dày đến ánh mặt trời cũng không lọt qua được thì thằng Mỹ không bao giờ phát hiện được. Miềng cùng bộ đội gùi cõng hàng hóa, vũ khí từ Khe Hó vượt rừng lên tận xã Hướng Lập (Hướng Hóa) tập kết hàng rồi về. Còn sau đó, hàng hóa do ai chuyển vào miền Nam thì miềng không biết” Hồ So cho biết thêm: “ Bây giờ, thỉnh thoảng người dân bản Khe Hó khi vào rà đào phế liệu chiến tranh ở khu vực Khe Hó vẫn tìm thấy nhiều căn hầm đào sâu vào trong núi hiện đã bị vùi lấp hoàn toàn bởi đất đá trên núi sạt lở xuống. Vào trong hầm còn tìm thấy nhiều loại đạn dược...Chắc là số hàng hóa từ miền Bắc gửi vào nhưng chưa kịp vận chuyển hết vào miền Nam”. Từ bản Khe Hó, tôi chỉ cần vượt sáu kilômét là đến đường Hồ Chí Minh đang rộng mở thênh thang vươn đến nhiều miền quê trù phú nép mình dưới tán rừng Trường Sơn. Trong tôi cứ quẩn quanh với ý nghĩ rằng năm xưa khi Đại tá Võ Bẩm, Trung tá Trần Anh Don cùng các cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 khi đặt nhát cuốc đầu tiên xuống Khe Hó có lúc nào họ nghĩ đến đại lộ Hồ Chí Minh ngày nay với nhiều chuyến xe vận chuyển hàng hóa, nông sản ngược Bắc, xuôi Nam góp phần làm giàu cho đất nước. Với chúng tôi, con đường Hồ Chí Minh năm xưa đã đưa đất nước tiến đến độc lập, thống nhất và cũng chính con đường ấy, hôm nay đang và sẽ đưa đất nước tiến lên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bài, ảnh: Hoàng Tiến Sỹ