Tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển
(QT) - Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều Nghị quyết, chính sách có liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Nhờ vậy, đã tạo được nguồn nhân lực đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng cán bộ công chức người dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi. Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị gồm dân tộc Vân Kiều và Pa Kô sinh sống chủ yếu trên địa bàn hai huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông và một số xã của các huyện trong tỉnh. Sau nhiều thập niên tập trung phát triển, đến nay trình độ dân trí của vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã được nâng lên đáng kể. Tính đến nay, dân số vùng miền núi tỉnh Quảng Trị có 153.000 người, trong đó có 75.200 người dân tộc thiểu số. Về cơ cấu lao động, phần lớn tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo, bồi dưỡng chiếm hơn 50.000 người.
.jpg) |
Sức sống của bản làng - Ảnh: T.D |
Những năm gần đây, nhờ những chủ trương, của Đảng, chương trình, dự án của Nhà nước như các chính sách tín dụng cho học sinh nghèo theo học đại học, cao đẳng và THCN; chính sách đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và người dân; chính sách đào tạo nghề, xuất khẩu lao động; Nghị quyết số 02-NQ/TU của Tỉnh ủy Quảng Trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2007-2015; Chương trình hành động 53-CTHĐ/TU thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI) về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020; Nghị quyết 07/NQ-HĐ, kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa VI về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu việc làm, dạy nghề giai đoạn 2012-2015..., chất lượng nguồn nhân lực ở miền núi và vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến đáng kể. Theo số liệu thống kê mới nhất, tổng số đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện (gồm hai huyện Hướng Hóa, Đakrông) có 297 người DTTS, trong đó 7 người có trình độ thạc sĩ, 243 người tốt nghiệp đại học. Ở cấp xã, có 893 cán bộ công chức là người DTTS (gồm các xã thuộc hai huyện Hướng Hóa và Đakrông, hai xã thuộc huyện Gio Linh và 3 xã thuộc huyện Vĩnh Linh). Những năm gần đây, tỷ lệ người DTTS tham gia HĐND, UBND các cấp có sự gia tăng rõ rệt về số lượng, với 3 người tham gia HĐND cấp tỉnh, 583 người tham gia HĐND cấp xã. Thực hiện Nghị định số 134/2006/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, từ năm 2010 - 2014 tỉnh đã bố trí được 123 sinh viên diện cử tuyển người dân tộc thiểu số tốt nghiệp đại học, cao đẳng về công tác tại địa phương, trong đó bố trí công chức trong các cơ quan nhà nước 6 sinh viên, bố trí cán bộ công chức cấp xã 16 sinh viên, 98 sinh viên được bố trí viên chức trong các đơn vị sự nghiệp nhà nước và 3 sinh viên làm tri thức trẻ tình nguyện. Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp nhưng hàng năm tỉnh luôn ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, kiến thức QLNN, tin học cho đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS. Kết quả từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng gần 2.500 lượt CBCC người dân tộc thiểu số, với chất lượng đội ngũ cán bộ ngày một nâng cao.
.jpg) |
Vui mùa lúa mới - Ảnh: CAO VĂN TỈNH |
Bên cạnh những chuyển biến tích cực, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực ở miền núi còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém như đa phần dân số vùng đồng bào DTTS làm nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, trong khi đó vấn đề thu hút đầu tư tại địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa rất hạn chế do đó không có điều kiện phát triển nguồn nhân lực cho vùng này. Mặt khác nhiều cơ sở công nghiệp, nhà máy trên địa bàn không mấy quan tâm đến công tác đào tạo, tuyển dụng lực lượng lao động là đồng bào dân tộc thiểu số. Một số địa phương lại không nắm được số lượng con em là người DTTS đã qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ chưa có việc làm để có định hướng sử dụng nguồn nhân lực này một cách hiệu quả... Từ thực trạng trên, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho miền núi và vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trong giai đoạn mới, yêu cầu đặt ra cho cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các cấp phải tiếp tục quán triệt đầy đủ và sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực; các chủ trương của tỉnh về đào tạo nghề và việc làm cho lao động là người dân tộc ít người. Theo chúng tôi, trước hết các địa phương cần thực hiện tốt công tác quy hoạch đào tạo, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đào tạo cụ thể về nguồn nhân lực cần thiết và phù hợp điều kiện của địa phương. Công tác dạy nghề tại chỗ cho người lao động, nhất là lao động trẻ cũng cần phải hết sức quan tâm. Trước hết cần đầu tư nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo nghề, bao gồm cả cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên dạy nghề tại các cơ sở này. Mặt khác cần chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động về phát triển nguồn nhân lực, bao gồm công tác đào tạo nghề, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị cho người lao động, đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ công chức vùng DTTS có phẩm chất chính trị vững vàng, có trình độ kiến thức phù hợp với chức trách nhiệm vụ được giao. Phát triển nguồn nhân lực miền núi và vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số là một trong ba lĩnh vực mang tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo hiệu quả và bền vững. Do đó cần phải triển khai nhiều biện pháp đồng bộ và hiệu quả để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, thực sự đóng vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội, trong đó đặc biệt là vai trò trực tiếp của cấp ủy, chính quyền địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhằm nỗ lực rút ngắn khoảng cách, trình độ phát triển giữa miền núi với các vùng miền trong tỉnh. THANH TRÚC