Đón những người chiến thắng trở về
(QT) - Thực hiện Hiệp định Paris, 40 năm về trước (3/1973) tại bờ bắc sông Thạch Hãn đã diễn ra cuộc trao trả tù binh- tù chính trị yêu nước về với cách mạng trong tư thế người chiến thắng, đầy cảm xúc... Với sự kiện Hiệp định Paris được ký kết, các cuộc trao trả tù binh - tù chính trị giữa ta và địch cũng được triển khai trong thời gian này. Hai địa điểm trao trả lớn nhất được xác định là bờ bắc sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị và Lộc Ninh, tỉnh Tây Ninh. Cả nước mong chờ hàng vạn người con trung kiên của đất nước bị Mỹ - ngụy bắt bớ, đày đọa được trở về với cách mạng, với nhân dân vùng giải phóng. Điều 8 chương III của Hiệp định Paris đã ghi rõ: “Việc trao trả nhân viên quân sự và nhân viên dân sự Việt Nam bị bắt và giam giữ ở miền Nam Việt Nam giải quyết trên nguyên tắc Điều 21 (b) của Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 và phải trao trả trong vòng 90 ngày sau khi lệnh ngưng bắn có hiệu lực”. Cơ sở pháp lý đã rõ ràng vậy nhưng Mỹ - ngụy vẫn tỏ ra hết sức ngoan cố, chúng vẫn bằng mọi cách ém giấu tù nhân hòng trốn tránh trao trả, nhất là đối với tù chính trị (mà Hiệp định ghi rõ là nhân viên dân sự). Ở nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc và nhiều nhà tù trên khắp miền Nam, chúng ra sức đàn áp, xé lẻ tù nhân để gạn lọc, đánh tráo hoặc chuyển thành tù án bằng các tội danh gán ghép như “gian nhân nhập đảng, phá rối trị an...”. Mặc dù vậy, tù nhân ở các nhà lao vẫn nắm được nội dung của Hiệp định Paris và quyết liệt đấu tranh đòi địch phải chấp hành các điều khoản trong Hiệp định. Cùng với sự đấu tranh kiên quyết của phái đoàn ta tại hội nghị bốn bên, phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước và dư luận quốc tế đã buộc địch phải chấp nhận trao trả.
 |
Đón người thân từ ngục tù Mỹ- ngụy trở về năm 1973 tại bờ sông Thạch Hãn - Ảnh: TL |
Song song với chủ trương chống quân địch lấn chiếm, bảo vệ vùng giải phóng, ta khẩn trương tổ chức lực lượng bảo đảm chuẩn bị địa điểm, cơ sở vật chất, hậu cần để trao trả tù binh địch và nhận lực lượng tù chính trị yêu nước của ta. Địa điểm bờ bắc sông Thạch Hãn là địa điểm được chọn trao trả nằm trong vùng giải phóng của ta nên ta phải chuẩn bị lán trại làm việc cho cả 4 phái đoàn. Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và tư lệnh Trần Nam Trung ra quyết định bổ nhiệm cán bộ trong ban trao trả, chỉ định Trung tá Lương Chí Hiền, quân giải phóng Quảng Trị làm Trưởng đoàn và Thiếu tá Nguyễn An Giang, Sư đoàn 325 làm Phó đoàn trao trả tại điểm sông Thạch Hãn. Về phương thức trao trả được các bên thống nhất, ta trao trả tù binh ngụy trước và ta nhận quân chiến thắng của ta trở về sau; nhân viên quân sự trả trước và nhân viên dân sự trả sau. Thời gian làm việc của 4 phái đoàn tại bãi trao trả được quy định chặt chẽ, cuối ngày hai bên có văn bản ký kết. Thời gian trao trả bắt đầu từ quý I năm 1973 và kết thúc vào quý III năm 1973. Thực hiện Điều III Nghị định thư về trao trả nhân viên quân sự và nhân viên dân sự, các bên trao đổi đầy đủ danh sách vào ngày ký kết Hiệp định. Chính quyền Sài Gòn trao cho ta một danh sách 26.734 nhân viên quân sự, mấy ngày sau bổ sung 16 người, ta đấu tranh mãi một năm sau mới trao thêm sanh sách bổ sung 130 người. Số lượng tù binh của Sài Gòn ta trao trả tất cả là 5.428 nhân viên quân sự, 594 là nhân viên quân sự Hoa Kỳ và các nước chư hầu. Tù binh Sài Gòn ta trao trả được trang bị đầy đủ quần áo mới, va ly, mũ, túi xách và các loại quà lưu niệm, đồng thời được học tập chính sách khoan hồng của mặt trận, trang bị cho anh em tù binh địch về đường lối, chủ trương của Chính phủ ta, họ rất cảm kích và biết ơn cách mạng, xem quà lưu niệm là kỷ vật quý giá của cuộc đời mình. Đợt đầu tiên chính quyền Sài Gòn phải trao trả tù binh Phú Quốc tại bờ bắc sông Thạch Hãn cho ta ngày 12/2/1973 và liên tiếp giữa hai bên đã thực hiện trao trả tại đây 4 đợt, đồng thời cũng thực hiện trao trả tại Lộc Ninh - Tây Ninh, Hố Nai và nhiều nơi khác kéo dài một năm sau, ngày 7/3/1974 mới kết thúc việc trao trả nhân viên quân sự và dân sự cho ta. Ngoài ra còn có những lần trao đổi lẻ tẻ. Trong việc trao trả, địch cố tình gây nhiều khó khăn cho ta, những người quê ở miền Nam chúng đưa ra trao trả tại Quảng Trị, những người quê ở miền Bắc chúng trao trả nhiều địa điểm tại miền Nam, làm cho anh em gặp trở ngại trong việc trở về với đơn vị, sum họp với gia đình. Chúng trao trả phần lớn là tù binh, còn tù chính trị tìm mọi cách trì hoãn để thực hiện ý đồ đen tối. Nhiều nhà lao đã nổi dậy đấu tranh đòi được trao trả như ở nhà tù Côn Đảo đã diễn ra từ ngày 27/4 đến ngày 5/5/1973, đã có 7 người hy sinh, chúng mới chịu trao trả một số để tránh dư luận, còn đại bộ phận chúng vẫn ém giấu cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam mới có trên 4.000 tù chính trị ở Côn Đảo được trả về với cách mạng. Tại các nhà lao khác ở miền Nam chúng cũng dùng những thủ đoạn tương tự… Tính chung số cán bộ, chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày được trở về từ ngày ký kết Hiệp định Paris cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam là 26.880 nhân viên quân sự, 5.081 nhân viên dân sự, chưa kể 10.973 tù nhân giam giữ ở các trại tân sinh hoạt phóng thích. Chúng ta không sao quên được những ngày đầu trao trả trên mảnh đất bờ bắc sông Thạch Hãn, cờ Tổ quốc tưng bừng tung bay, quân dân già trẻ, gái trai nô nức đón chào những người con chiến thắng trở về; những mẹ già, em thơ cùng người thân, bà con làng xóm nước mắt lưng tròng chăm chăm theo dõi từng đoàn, từng tốp bước chân lên ca nô từ bờ Nam chuyển về. Khi sĩ quan nguỵ đưa anh em đến bờ sông theo hàng ngũ chỉnh tề, anh em bảo nhau cởi hết quần áo vứt lại trước sĩ quan nguỵ và hô vang khẩu hiệu: Đả đảo chế độ tù đày khắc nghiệt gian ác, Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm. Anh em chuẩn bị tại nhà lao băng, cờ, khẩu hiệu bằng những vải xanh đỏ kết thành cờ mặt trận, thành khẩu hiệu mà bọn cai tù không phát hiện được. Khi ca nô chở anh em qua sông lập tức giăng cờ và khẩu hiệu reo hò hoan hô, vẫy chào quê hương; đồng bào, đồng chí, người thân cùng ùa ra ôm chầm lấy anh em trong tiếng reo mừng. Trong việc trao trả tù binh, quân nguỵ Sài Gòn luôn gian dối, lừa gạt, bị ta vạch mặt đấu tranh buộc chúng phải chấp nhận, như lần trao danh sách cho ta 300 người, chúng bố trí trà trộn danh sách nhưng ta đã có danh sách do phái đoàn ta ở Tân Sơn Nhất cung cấp, ta trả lại những tên trà trộn, nếu không nhận sẽ báo cáo lên Ủy ban Quốc tế buộc chúng phải chấp hành đưa gián điệp trở về Sài Gòn. Tại bãi trao trả, phái đoàn ta phục vụ ăn uống, văn nghệ, được các sĩ quan nguỵ có nhiều cảm tình, ca ngợi; các tốp lái trực thăng, ca nô cuối ngày ta còn tặng quà, bánh kẹo đưa về Phú Bài liên hoan với bạn bè. Các đoàn chiến thắng trở về là thắng lợi lớn lao của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, cũng là hạnh phúc lớn lao của quê hương và của mọi gia đình sau bao năm bị tra tấn, tù đày, ly tán. Được Đảng và Nhà nước quan tâm ưu ái, sau một thời gian học tập, bồi dưỡng, thẩm tra, các đồng chí ta đã phát huy khí thế chiến thắng, trở lại bám đất bám dân, lăn lộn với phong trào giữa lúc cuộc chiến đang ác liệt. Nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh ngay trên làng xóm thân yêu. Những người sống sót trưởng thành trên mặt trận mới, càng thử thách càng được sự tin cậy của Đảng bộ và nhân dân, nhiều đồng chí trở thành cán bộ chủ chốt ở các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở. Tự hào về truyền thống, những con người chiến thắng trở về năm ấy đã không không phụ lòng tin yêu của Đảng bộ và nhân dân, mà tại Đại hội đại biểu Cựu Tù chính trị yêu nước toàn tỉnh tháng 7/2002, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã trao tặng 8 chữ: “Kiên trung, bất khuất, nghĩa tình, thủy chung” và tại Đại hội đại biểu Tù chính trị yêu nước lần thứ V nhiệm kỳ 2011 - 2016 vừa qua được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng lẵng hoa chúc mừng. Những người tù chính trị yêu nước nhận thức được rằng vinh dự và niềm tự hào ấy chỉ có ý nghĩa trọn vẹn khi mỗi một người biết tiếp tục giữ vững và phát huy bản lĩnh và phẩm chất chính trị của mình, biết sống mẫu mực, trong sáng ở cộng đồng như đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Hữu Phúc đã từng nói: “Đối với các đồng chí cựu tù chính trị yêu nước, trong hoàn cảnh và tuổi tác của mình, không yêu cầu gì lắm về sự đóng góp sức lực mà yêu cầu các đồng chí giữ cho được vai trò hạt nhân mẫu mực trong từng cơ sở xóm thôn, từng phong trào quần chúng xây dựng quê hương, đó là điều mong muốn nhất của Đảng bộ và nhân dân”. Giờ đây chiến tranh trên quê hương đã lùi xa. Bệnh hoạn thương tật rồi cũng sẽ lắng sâu trong mỗi người. Nhưng lịch sử không cho phép chúng ta quên quá khứ, vì đó là quá khứ của gan góc và dạn dày, quá khứ của lòng chung thủy và trong sáng... Những người tù chính trị yêu nước nguyện mãi mãi giữ vững phẩm chất tốt đẹp của mình, luôn luôn xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị. PHAN VĂN THỊNH (Phó Chủ tịch Hội Tù chính trị yêu nước tỉnh Quảng Trị)