Góp phần nâng tầm tri thức, chắp cánh ước mơ cho con trẻ quê hương
QTO - Là một người con của Quảng Trị vào TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp và thành đạt, ông Đỗ Hữu Thiện (sinh năm 1967) vừa trở về quê hương Vĩnh Linh xây dựng và làm Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Đào tạo Thiện Nhân Văn, mang văn hóa đọc sách về với quê hương để ươm mầm, lan tỏa văn hóa đọc. Phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc phỏng vấn ông ĐỖ HỮU THIỆN nhân dịp ông được UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Góp phần nâng tầm tri thức, chắp cánh ước mơ cho con trẻ quê hương

Là một người con của Quảng Trị vào TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp và thành đạt, ông Đỗ Hữu Thiện (sinh năm 1967) vừa trở về quê hương Vĩnh Linh xây dựng và làm Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Đào tạo Thiện Nhân Văn, mang văn hóa đọc sách về với quê hương để ươm mầm, lan tỏa văn hóa đọc. Phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc phỏng vấn ông ĐỖ HỮU THIỆN nhân dịp ông được UBND tỉnh tặng Bằng khen.

-Thưa ông! Ông có thể cho biết cơ duyên nào khiến ông về quê xây dựng Trung tâm Văn hóa- Đào tạo Thiện Nhân Văn tại huyện Vĩnh Linh?

-Tháng 8/1989, tôi hoàn thành nghĩa vụ quân sự rồi vào học Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp đại học, tôi ở lại miền Nam lập nghiệp và từ đó đến nay thường xuyên đi về Quảng Trị, vừa thăm quê, thăm gia đình, vừa thực hiện nhiều chương trình thiện nguyện trên quê hương. Với tôi “cho đi và quên” như là một lẽ sống, niềm vui giữa đời. Vài năm trở lại đây, ngoài việc tiếp tục những công việc thiện nguyện, xã hội, tôi thường xuyên quan tâm, tìm hiểu về một số lĩnh vực đời sống ở quê hương, chú trọng sâu vào lĩnh vực đọc sách và đào tạo tiếng Anh. Huyện Vĩnh Linh với hơn 90.000 người dân, xét về điều kiện tự nhiên, xã hội và lịch sử cộng đồng, có thể khẳng định đây là một vùng đất giàu tiềm năng phát triển, đặc biệt là lĩnh vực học thuật, văn hóa. Tuy vậy, các điều kiện cơ bản vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của xã hội.

Muốn đọc một cuốn sách hay, bổ ích, cần thiết, phải đặt mua qua mạng, hoặc vào Đông Hà, Huế để tìm kiếm, vừa mất thời gian lại vừa tốn kém nên việc đọc sách trở nên mai một, thay vào đó là việc sử dụng thường xuyên các thông tin trên mạng xã hội dẫn đến văn hóa đọc sách dần bị lãng quên. Môi trường dạy và học tiếng Anh cũng gặp những vấn đề nhất định. Để giải quyết một phần vấn đề này, cứ đến hè một số bậc phụ huynh, gia đình có điều kiện lại cho con mình vào TP. Đông Hà, xa hơn là TP. Huế, thậm chí là vào các thành phố lớn như Đà Nẵng, Sài Gòn, Hà Nội để rèn luyện tiếng Anh nhưng đây có lẽ chỉ là giải pháp tình thế. Vì việc học ngoại ngữ là một quá trình liên tục và cần có môi trường để thực hành thường xuyên. Việc cho con đi học trong vài tháng hè như thế cũng rất tốn kém, ảnh hưởng đến công việc của cha mẹ.

Bằng cách nào để đem lại thuận lợi, tiện ích, chất lượng và hiệu quả tri thức cho cộng đồng với chi phí tối thiểu, những suy nghĩ ấy lớn dần và trở thành nỗi day dứt, trăn trở trong tôi. Từ đó tôi quyết tâm đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa-Đào tạo Thiện Nhân Văn tại thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh với sứ mạng, tầm nhìn nâng tầm tri thức, chắp cánh ước mơ cho con trẻ quê hương, “hâm nóng” và lan tỏa tình yêu đọc sách cho mọi người trên chính mảnh đất nơi mình đã sinh ra và lớn lên.

Độc giả đến tìm hiểu sách tại khu trưng bày của anh Đỗ Hữu Thiện nhân ngày sách Việt Nam 21/4. Ảnh: Tú Linh

-Quy mô, nội dung hoạt động của trung tâm như thế nào, ông có thể cho biết cụ thể hơn?

-Với tư tưởng thiết kế Thiện Nhân Văn là dấn thân- phụng sự; nhân văn- tri thức; bền vững vật chấttinh thần, kiến trúc tòa nhà nhìn vào như một cuốn sách đang mở ra hướng lên bầu trời trong xanh, minh chứng tri thức là vô tận. Với diện tích đất gần 1.200 m2 , tòa nhà có 3 tầng với hơn 1.400 m2 sử dụng, trong đó tầng một là trung tâm đọc sách có sự phối hợp với tổ chức Reading Việt Nam và NXB Anbooks. Trung tâm có tổng số 5.000 đầu sách với 10.000 cuốn được định hướng tuyển chọn từ các chuyên gia đọc; hoạt động như một hình thức cà phê sách nâng cao, với không gian đọc thoáng đãng, mát mẻ, sạch sẽ, gần gũi và thân thiện.

Tầng hai và tầng ba là trung tâm đào tạo tiếng Anh gồm 9 phòng học với các trang thiết bị dạy học hiện đại, bàn ghế phù hợp với từng lứa tuổi học sinh, lớp học không quá 15 học sinh. Nhân sự của Trung tâm do các đối tác tư vấn độc lập tuyển chọn, đào tạo, sát hạch theo những tiêu chí đặt ra nhằm đáp ứng yêu cầu công việc, phù hợp với chiến lược, tầm nhìn dài hạn và sứ mạng của Thiện Nhân Văn.

-Ông tham vọng như thế nào về sự lan tỏa văn hóa đọc đến với người dân Quảng Trị?

-Nói tham vọng thì quá sức, tôi chỉ dùng hai từ ước mong. Như tôi đã chia sẻ ở trên, Quảng Trị nói chung, Vĩnh Linh nói riêng là vùng đất giàu tiềm năng phát triển, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa giáo dục khai phóng. Để lan tỏa văn hóa đọc đến với người Quảng Trị cần những giải pháp đồng bộ từ các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn, các nhà tư vấn, chuyên gia sách, đặc biệt là sự đồng thuận và cảm nhận sâu sắc lợi ích đọc sách của người dân. Mỗi lần về quê, tôi thường tặng sách cho một số lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện Vĩnh Linh và một số trường học. Tôi luôn có chung cảm nhận mọi người rất quý sách.

Tháng 10/2019, Thiện Nhân Văn, Reading Việt Nam, NXB Anbooks phối hợp tổ chức đào tạo Đại sứ đọc tại Vĩnh Linh cho 29 Đại sứ đọc tỉnh Quảng Trị. Chương trình đào tạo có sự tham dự và phát biểu động viên, khích lệ của lãnh đạo tỉnh. Dự kiến, mỗi năm hai lần Thiện Nhân Văn sẽ phối hợp với Reading Việt Nam và NXB Anbooks tổ chức đào tạo Đại sứ đọc tại Quảng Trị và ước mong trong vòng 5 năm Quảng Trị sẽ có khoảng 150 Đại sứ đọc và đây chính là sức mạnh lớn để lan tỏa văn hóa đọc đến với cộng đồng, đặc biệt là học sinh Quảng Trị một cách hiệu quả, chất lượng, thiết thực nhất.

-Ông có thể chia sẻ về công việc hiện tại của mình ở TP. Hồ Chí Minh và chuyện học hành của các con?

-Trước đây, tôi công tác trong ngành thuế ở TP. Hồ Chí Minh. Sau đó tôi muốn làm một công việc ý nghĩa góp phần truyền cảm hứng đọc sách cho người dân quê hương nên quyết định nghỉ việc để dành toàn tâm, toàn ý về quê đầu tư xây dựng và phát triển Thiện Nhân Văn.

Tôi có hai người con gái. Một cháu đang học năm 3 Trường Đại học Osaka Nhật Bản theo chương trình học bổng G30 của Chính phủ Nhật. Cháu học ngành xã hội học và luôn là sinh viên xuất sắc. Hiện nay cháu là Phó chủ tịch Hiệp hội hùng biện Nhật Bản phụ trách vùng phía Tây, gồm: Kansai, Osaka, Kobe. Cháu thứ hai đang học năm nhất Đại học Monash Úc theo chương trình học bổng của trường, cũng là sinh viên xuất sắc.

Việc học của các cháu là một câu chuyện dài và thú vị. Trong suốt 12 năm các con tôi học phổ thông tại TP. Hồ Chí Minh, tôi không thể đưa con đi khai giảng, vì ngày khai giảng của các con cũng là ngày tôi về quê tặng học bổng cho học sinh nghèo, hiếu học vượt khó. Để bù lại sự thiệt thòi đấy cho các con, bấy nhiêu năm qua ngày nào tôi cũng đưa các con đến trường. Mỗi ngày đi học tôi đều trò chuyện với các con trên đường, lúc đi thì hỏi: Hôm nay con học những môn gì, nội dung các môn học ngày hôm đó, lúc về thì chia sẻ: Hôm nay con học có gì hay không, con hỏi hay tranh luận với thầy cô, các bạn điều gì. Tôi hiếm khi hỏi điểm số hay thành tích học tập của các con. Hai con tôi thường xuyên nhận học bổng của trường và các tổ chức tài trợ giáo dục vì thành tích xuất sắc.

Khi các con học bậc Tiểu học và THCS tôi tặng các con sáu chữ: Tự giác, quyết tâm, đam mê. Khi các con học bậc THPT, tôi tặng thêm hai chữ: Khát khao. Khi các con trưởng thành vào đại học, tôi tặng thêm hai chữ: Dấn thân. Với mười chữ trên là một phần triết lý giáo dục tôi dành tặng cho con. Các con tôi luôn nói “không” với việc học thêm. Đến bây giờ những suy nghĩ và hành xử như thế với hai con, tôi luôn cảm nhận là chính xác, phù hợp.

Nhân đây tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến những thầy cô giáo đã ảnh hưởng tích cực đến các con của mình. Đó là thầy Huỳnh Bảo Thiên, Trường Đinh Thiện Lý đã đưa mô hình tư duy mindmap vào giảng dạy từ năm lớp 6; thầy Tuấn Anh, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP. Hồ Chí Minh luôn thẳng thắn: Có bao nhiêu kiến thức thầy đã dạy các em trên lớp, có gì cần hỏi thêm cho rõ các em cứ điện thoại hoặc gởi email cho thầy, thầy trả lời ngay, thầy không dạy thêm; cô Mỹ Lan, tổ trưởng tiếng Anh của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, người có thể đọc vị học trò qua đúng một bài viết tự luận, để rồi nhận xét, đánh giá và khuyên học trò chọn nghề, chọn trường phù hợp và viết thư giới thiệu du học uy tín nhất.

Các con tôi yêu sách, cứ mỗi tháng hai lần tôi lại đưa các con đi nhà sách và cảm thấy vui khi các con chọn mua sách hơn nhiều thứ khác. Đến bây giờ việc say mê đọc sách, tự học, suy nghĩ độc lập của các con tôi đã phát huy hiệu quả cho việc học trực tuyến ở bậc đại học trong COVID-19. Với các con tôi thường chia sẻ, thành tích chỉ thoáng qua, thành tựu mới là điều đáng ghi nhận và thành nhân mới là giá trị cốt lõi của cuộc đời.

-Xin cảm ơn về những chia sẻ thú vị của ông!

Trần Tú Linh (thực hiện)