(QT) - Cách đây 30 năm, giữa bộn bề của những ngày đầu quê hương trở về với tên gọi của mình, cùng bao nỗi lo toan cuộc sống, các cán bộ, diễn viên Đoàn Nghệ thuật Quảng Trị vẫn miệt mài tập luyện, sáng tạo, cống hiến, mang niềm vui đến với mọi người, mọi nhà. Ai cũng dồn tâm sức lao động nghệ thuật như “con tằm rút ruột nhả tơ”. Ngọn lửa nhiệt huyết ấy được các cán bộ, diễn viên gìn giữ, truyền lưu từ thế hệ này sang thế hệ khác với ước muốn góp phần đưa Đoàn Nghệ thuật tỉnh vươn cao, vươn xa.
Các nghệ sĩ gắn bó với Đoàn Nghệ thuật tỉnh từ những ngày đầu có lẽ vẫn nhớ như in thời điểm tháng 7/1989, ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế tách ra từ mái nhà chung Bình Trị Thiên. Bấy giờ, cùng với nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng, một trong những điều khiến lãnh đạo và nhân dân tỉnh Quảng Trị quan tâm là làm sao để củng cố Đoàn Ca múa nhạc Bình Trị Thiên để thành lập Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Quảng Trị. Sứ mệnh ấy được tín nhiệm đặt trên vai những nghệ sĩ tên tuổi như: Lê Minh Tuấn, Kim Quý, Nguyễn Minh Thông… Nghệ sĩ Lê Minh Tuấn lúc này nhận trách nhiệm là Phó Trưởng Đoàn phụ trách kiêm chỉ đạo nghệ thuật. Không phụ sự kì vọng, các “triệu tập viên” đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, miệt mài kiếm tìm những nhân tố tài năng. Không lâu sau đó, một đội ngũ diễn viên tỏa sáng trên các lĩnh vực ca, múa, nhạc đã được quy tụ. Anh chị em nhanh chóng bước vào tập luyện, sáng tạo, xây dựng thành công chương trình nghệ thuật đặc sắc phục vụ sự kiện chào mừng lập lại tỉnh.
Ngày 29/7/1989, một niềm vui rất lớn đến với những người hoạt động nghệ thuật trên địa bàn, UBND tỉnh có Quyết định số 78/QĐ-UBND về việc thành lập Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Quảng Trị. Đoàn có nhiệm vụ biểu diễn, phục vụ các sự kiện chính trị lớn của tỉnh, đất nước; tổ chức các buổi biểu diễn để tăng doanh thu; giao lưu đối ngoại… Cán bộ, nhân viên của đoàn tham gia các hội thi, liên hoan, hội diễn chuyên nghiệp, làm hạt nhân cho phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở địa phương.
Những ngày đầu thành lập, rất nhiều khó khăn, thách thức đặt ra đối với cán bộ, diễn viên Đoàn Nghệ thuật tỉnh. Trụ sở chưa có, các cán bộ, diễn viên phải ở nhờ nhiều nơi, từ thị xã Quảng Trị, ra Đông Hà. Phương tiện, trang thiết bị thiếu thốn hoặc đã xuống cấp. Các cán bộ, diễn viên thường trực đối diện với nỗi lo cơm áo. Điều đáng mừng là phần lớn anh chị em đều vượt qua khó khăn, thử thách, miệt mài tập luyện, sáng tạo và cống hiến. Nhiều gương mặt sáng giá đã khẳng định được tài năng như: Ngọc Tân, Đức Hiếu, Duy Ngoan, Hoàng Thỉ, Văn Ngọc Bé, Anh Thương, Mai Sao, Mai Lê, Kim Liên, Tố Uyên, Lệ Hà… Ca sĩ Vân Khánh bấy giờ đang nhỏ tuổi nhưng vẫn được đoàn mời tham gia biểu diễn sau khi phát hiện năng khiếu ca hát. Từ Quảng Trị, NSƯT Kim Quý ra Trường Múa Việt Nam mời nhóm sinh viên mới tốt nghiệp gồm: Kim Luyến, Hằng Nga, Đinh Lan, Thu Vân, Thanh Phong, Vĩnh Thắng… về tăng cường cho đoàn. Một ban nhạc trẻ trung, tài năng của đoàn được thành lập, quy tụ những gương mặt nổi bật như: Hoàng Anh, Hoàng Phương, Mỹ Hạnh, Quang Huy, Nguyễn Dũng, Ngọc Thiện… NSƯT Minh Tuấn bấy giờ vừa là lãnh đạo, vừa là ảo thuật gia được khán giả ngưỡng mộ. Ngoài ra, còn nhiều cán bộ, diễn viên tài năng, tâm huyết và các nhân viên kĩ thuật - những người luôn đi trước, về sau trong mọi chương trình đã luôn âm thầm cống hiến, đồng hành với đoàn.
![]() |
Tập thể cán bộ, diễn viên Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh chụp ảnh lưu niệm sau liên hoan nghệ thuật . Ảnh: ĐNT |
Trong quá trình thành lập và phát triển, Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh trải qua nhiều tên gọi khác nhau như: Đoàn Nghệ thuật Vĩ tuyến 17, Đoàn Nghệ thuật Trường Sơn Đông, Đoàn Nghệ thuật Quảng Trị, Đoàn Nghệ thuật Tổng hợp tỉnh… Các thế hệ lãnh đạo của đoàn luôn trăn trở, tìm tòi, nâng cao chất lượng hoạt động về mọi mặt. Sự phát triển bền vững của đoàn chính là mục tiêu, lẽ sống của các nghệ sĩ. Vì thế, lãnh đạo đoàn vừa ổn định tư tưởng, động viên anh em tập luyện chuyên môn, nghiệp vụ để trở thành lực lượng nòng cốt, vừa dày công tìm kiếm, phát hiện, đào tạo các hạt nhân văn nghệ từ phong trào quần chúng. Nhiều nhạc sĩ, biên đạo múa nổi tiếng đã được mời về đoàn để dàn dựng, cho ra mắt các chương trình ca múa nhạc mới mẻ, ấn tượng. Để phục vụ công chúng ngày một tốt hơn, lãnh đạo đoàn và các diễn viên đã đa dạng hóa những loại hình nghệ thuật biểu diễn. Năm 1992, loại hình kịch nói ra đời, nhanh chóng tạo tiếng vang nhờ tài năng của các nhà văn Xuân Đức, Cao Hạnh, NSND Xuân Đàm, NSND Kim Quý, NSƯT Nguyễn Thế Hùng, NSƯT Trương Thương Huyền, NSƯT Quang Hà… Loại hình nghệ thuật rối nước, ảo thuật mang về cho đoàn nhiều huy chương, giải thưởng trong nước và quốc tế.
Trên nền tảng vững chắc do các thế hệ đi trước dày công vun đắp, Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh không ngừng đổi mới và phát triển. Hôm nay, đoàn đã có trụ sở khang trang. Phương tiện và trang thiết bị kĩ thuật ngày càng đầy đủ, hiện đại. Điều kiện tập luyện, biểu diễn của anh chị em nghệ sĩ tốt hơn. Tiếp bước lớp người đi trước, tập thể cán bộ, diễn viên của đoàn đã phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức để giữ vững tình yêu nghề và vươn đến đỉnh cao nghệ thuật chuyên nghiệp. Với quyết tâm cao, cán bộ, diễn viên Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh liên tục hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch cấp trên giao. Anh chị em đã tham gia và gặt hái nhiều kết quả cao tại các hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, liên hoan khu vực, quốc tế… Nhiều chương trình biểu diễn trong các lễ hội lớn đã được đoàn xây dựng và tham gia như: Lễ hội “Thống nhất non sông”, “Nhịp cầu Xuyên Á”, “Huyền thoại Trường Sơn”, “Trường ca lũy thép”… Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh chủ động mở rộng địa bàn hoạt động ra nhiều tỉnh, thành phố trong nước, đặc biệt là các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và biểu diễn giao lưu, đối ngoại ở các nước bạn. Mỗi năm, đoàn dàn dựng 2 chương trình lớn cùng nhiều chương trình vừa và nhỏ, các đợt lưu diễn doanh thu tại các tỉnh, thành phố, cơ quan, đơn vị trong tỉnh và trên toàn quốc. Thông qua đó, đoàn đã góp phần giới thiệu hình ảnh đất và người Quảng Trị đến với bạn bè trong nước, quốc tế. Ngoài ra, cán bộ, diễn viên của đoàn còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Hằng năm, đoàn đều tổ chức các đợt biểu diễn phục vụ người dân ở biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn…
30 năm hình thành và phát triển, Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã có những bước tiến dài. Từ năm 1989 đến nay, Nhà nước đã phong tặng 1 danh hiệu NSND và 8 danh hiệu NSƯT cho cán bộ, diễn viên của đoàn. Nhiều nghệ sĩ của đoàn đã thành danh, ghi được dấu ấn, tên tuổi trên lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn toàn quốc. Tham gia các liên hoan, hội thi, hội diễn trong nước, khu vực và quốc tế, Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã gặt hái 31 huy chương Vàng, 25 huy chương Bạc và 6 huy chương Đồng. Mới đây nhất, trong liên hoan “Tiếng hát Đường 9 xanh” năm 2019, vượt mọi khó khăn về nhân lực, vật lực, thời gian tập luyện, tập thể cán bộ, diễn viên Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã nỗ lực xây dựng chương trình tham gia và đoạt huy chương Bạc toàn đoàn. Về cá nhân, có 2 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc, 1 giải nhạc sĩ xuất sắc và các giải của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam.
Hiện nay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Khán giả có nhiều sự lựa chọn cho nhu cầu giải trí, thưởng thức nghệ thuật. Việc duy trì và phát triển một đơn vị nghệ thuật, nhất là các đơn vị nghệ thuật địa phương đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người dân là điều không đơn giản, đặc biệt là khi đoàn chuyển sang lĩnh vực nghệ thuật truyền thống, một lĩnh vực kén khán giả nhưng việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân gian, dân tộc là một vấn đề hết sức cấp thiết và quan trọng hiện nay. Vì thế, đội ngũ cán bộ, diễn viên Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh luôn ý thức cần phải thực sự đoàn kết, nỗ lực, tìm tòi, sáng tạo và đổi mới quyết liệt. Sự quan tâm, tạo điều kiện, giúp đỡ tận tình của các cấp lãnh đạo và sự ủng hộ của khán giả là động lực để cán bộ, diễn viên của đoàn tự tin bước tiếp.
NSƯT Phạm Hồng Phong
Trưởng Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh