(QT) - Thời tiết trong mùa hè thường nóng ẩm khiến tình trạng ô nhiễm, ngộ độc thực phẩm diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Trước tình hình đó, ngành Y tế Quảng Trị đã triển khai nhiều hoạt động đồng bộ nhằm đảm bảo công tác an toàn và phòng, chống ngộ độc thực phẩm cho người dân.
![]() |
Kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm |
Ngộ độc thực phẩm là bệnh xuất hiện sau khi ăn những thức ăn nhiễm độc, nhiễm khuẩn, thức ăn bị biến chất, ôi thiu hoặc có chất bảo quản phụ gia. Người bị ngộ độc thường có biểu hiện nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt, sốt, đau bụng… gây hại đến sức khỏe khiến cơ thể mệt mỏi. Đặc biệt, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, người bị ngộ độc thực phẩm có nguy cơ dẫn tới tử vong. Trẻ em và những người có hệ miễn dịch kém chính là đối tượng dễ bị ngộ độc thực phẩm. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức cho người sản xuất, kinh doanh, chế biến và tiêu dùng thực phẩm an toàn là vô cùng quan trọng.
Tại Quảng Trị, từ đầu năm đến nay mặc dù chưa để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào, tuy nhiên không vì thế mà mọi người lơ là, chủ quan, nhất là trong mùa hè, thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho các nấm men, nấm mốc, vi sinh vật phát triển. Cùng với đó, tình trạng thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ chưa được quan tâm; ô nhiễm môi trường gia tăng; nhu cầu sử dụng các thực phẩm tươi sống, nước giải khát, nước đá, kem… tăng cao, trong khi điều kiện bảo quản thực phẩm còn hạn chế, thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm soát …đã khiến cho nguy cơ về ngộ độc thực phẩm rất đáng lo ngại.
Để bảo đảm an toàn, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa hè, đặc biệt là trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (từ ngày 15/4 đến ngày 15/5), Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã kiểm tra 2.413 cơ sở, trong đó có 653 cơ sở vi phạm (chiếm tỷ lệ gần 28%); tiến hành xử lý 85 cơ sở và có 51 cơ sở bị phạt với số tiền hơn 80 triệu đồng; ngoài ra đoàn kiểm tra còn quyết định đóng cửa 2 cơ sở, đình chỉ lưu hành 1 sản phẩm và buộc tiêu hủy 51 loại sản phẩm khác nhau. Song song với hoạt động thanh tra, kiểm tra, ngành y tế tiếp tục chỉ đạo, triển khai công tác truyền thông phòng, chống ngộ độc thực phẩm cho cộng đồng dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như tuyên truyền, vận động mọi người thực hiện ăn chín, uống sôi, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, tiệt trùng các dụng cụ, bát đũa trước khi ăn uống; phổ biến các quy định đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; hướng dẫn người dân cách lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn; tuyên truyền để người dân tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng các loại thực vật, động vật nguy hiểm như: nấm độc, cá nóc, ốc lạ, quả lạ…, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng là người đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Tăng cường giám sát ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm tại cộng đồng, chuẩn bị sẵn sàng phương án, phương tiện, vật tư… để cấp cứu, xử lý kịp thời khi xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong mùa hè, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của ngành y tế và các ban, ngành liên quan; trách nhiệm, đạo đức của người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm thì người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức, nắm vững những kiến thức cơ bản trong bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, cũng như cách bảo quản thực phẩm nhằm phòng tránh các vụ ngộ độc đáng tiếc xảy ra.
Hoài Nam - Thái Dương