23 năm mong một con đường
(QT) - Sống giữa lòng thành phố nhưng một số hộ dân ở khu phố 4, phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà phải đối diện với cảnh hằng ngày tự tìm đường, mở lối mà đi. Nguyên nhân xuất phát từ việc dự án xây dựng tuyến đường Lê Thánh Tông, đoạn đi qua nhà các hộ dân kể trên đã “án binh, bất động” suốt 23 năm qua.

23 năm mong một con đường

(QT) - Sống giữa lòng thành phố nhưng một số hộ dân ở khu phố 4, phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà phải đối diện với cảnh hằng ngày tự tìm đường, mở lối mà đi. Nguyên nhân xuất phát từ việc dự án xây dựng tuyến đường Lê Thánh Tông, đoạn đi qua nhà các hộ dân kể trên đã “án binh, bất động” suốt 23 năm qua.

Dù nhà đã bị hư hỏng, xuống cấp nhưng một số hộ dân ở khu phố 4, phường Đông Lễ không thể sửa chữa vì vướng giải phóng mặt bằng​

Từ ngày tách hộ đến nay, vợ chồng anh Lê Quang Hòa (sinh năm 1976), trú tại khu phố 4, phường Đông Lễ vẫn phải đi nhờ trên đất của nhà ba mẹ vợ. Cách duy nhất để vợ chồng và các con anh Hòa ra kiệt 90, đường Lê Lợi là đi vòng phía sau nhà, rồi băng qua lối mòn trên mảnh vườn của ba mẹ. Nhiều lần vợ chồng muốn sửa sang căn nhà đã cũ nhưng phần vì vướng dự án, phần vì việc vận chuyển vật liệu vào nơi ở khó khăn nên đành gác lại. Cách đây đã lâu, hay tin tuyến đường Lê Thánh Tông được quy hoạch đi qua trước mặt nhà mình và thấy cán bộ về đo đạc, đóng cọc, vợ chồng anh Hòa rất mừng. Thế nhưng, sau nhiều năm chờ đợi, niềm vui của vợ chồng anh Hòa vơi dần, nhường chỗ cho sự buồn bực. “Khách đến chơi, ai cũng bất ngờ khi thấy ở giữa lòng thành phố mà nhà tôi lại không có lối vào nhà đàng hoàng. Những hôm mưa lớn, cả nhà phải sơ tán vì nước ở khu ruộng hoang tràn vào cùng với đó là muôn vàn thứ uế tạp. Thỉnh thoảng, vợ chồng tôi và các con lại thót tim khi thấy rắn rết chui vào phòng ở”, anh Hòa kể.

Khổ cực là vậy nhưng vợ chồng anh Hòa vẫn được xếp vào diện “may mắn” vì ít nhất cũng có nhà ba mẹ vợ cho đi nhờ. Một số gia đình sống gần nhà anh Hòa phải cầu cạnh… hàng xóm để có thể ra vào mảnh đất mình dựng nhà, lập vườn thuận tiện. Trường hợp gia đình bà Nguyễn Thị Quý (sinh năm 1959) là một ví dụ. Bà Quý sống ở khu phố 4 gần 30 năm nay. Trong quãng thời gian ấy, dẫu đối diện muôn vàn khó khăn, điều làm bà Quý trăn trở nhất vẫn là con đường. Hằng ngày, để ra đường Lê Lợi, bà Quý phải đi nhờ một trong hai nhà hàng xóm. “Tôi sống mà cứ nơm nớp lo, lỡ có chuyện gì, hàng xóm không cho đi nhờ nữa thì biết làm sao. Nhiều lúc muốn bán nhà đi để thoát cảnh sống phụ thuộc thế này nhưng ai mà dám mua?”, bà Quý thở dài.

Không phải đi nhờ như bà Quý hay vợ chồng anh Hòa nhưng gia đình bà Nguyễn Thị Nhung (sinh năm 1961), trú tại khu phố 4 cũng than trời vì chuyện quy hoạch treo. Hằng ngày, bà Nhung phải đi bộ hoặc lái xe máy đi đường vòng để ra đường Lê Lợi. Mỗi lần nhìn con đường nhỏ bé, vòng vèo dẫn vào nhà mình, bà lại lo sợ. Nhỡ có sự cố gì xảy ra, xe cứu thương, cứu hỏa làm sao vào đến nhà để cấp cứu, chữa cháy? Tuy nhiên, sự bất tiện đó chưa phải là điều khiến vợ chồng bà Nhung lo lắng nhất. Sau nhiều năm sử dụng, nhà bà Nhung và nhà người con trai bà là Hà Thanh Cường đều đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng nhưng lại sửa chữa không được vì vướng quy hoạch. Trong khi đó, bà Nhung muốn cắt ít đất cho gia đình người con trai út mà cũng bó tay. “Nhiều đoàn cán bộ đã đến đây để tìm hiểu, khảo sát nhưng người dân chờ mãi vẫn không thấy đường Lê Thánh Tông được triển khai xây dựng. Chúng tôi mong các cấp chính quyền, ngành liên quan sớm triển khai, hoàn thành tuyến đường để bà con đỡ khổ. Nếu không thực hiện được thì hi vọng sớm có quyết định thu hồi dự án để người dân còn tính đường sinh sống, làm ăn”, bà Nhung tỏ bày.

Có mặt tại địa phương, theo ghi nhận của phóng viên, khu vực các hộ dân ở khu phố 4, nơi có đường Lê Thánh Tông đi qua theo quy hoạch khá nhếch nhác, ẩm thấp, tối tăm. Nhà cửa của hầu hết người dân nơi đây đều hư hỏng, xuống cấp. Vì đường sá không thuận lợi nên người dân ở đây phải chấp nhận đi đường vòng hoặc băng qua mặt nhà, vườn tược của nhau. Ông Nguyễn Thế Tịnh, Khu phố trưởng Khu phố 4, phường Đông Lễ cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn khu phố có nhiều khu vực người dân chưa an cư, lạc nghiệp được vì vướng quy hoạch. Tuy nhiên, các hộ dân sống ở địa bàn quy hoạch đường Lê Thánh Tông là vất vả nhất. Ở giữa thành phố nhưng một số gia đình không có đường mà đi, nhà cửa hư hỏng xuống cấp không thể sửa, thường xuyên bị ngập lụt… Mới đây, có trường hợp phải xin đi nhờ trên đất của hộ dân bên cạnh để đưa tang sau khi người thân trong nhà qua đời. Chứng kiến chuyện này, ai cũng đặt câu hỏi, nếu như hộ dân kia vì một lý do nào đó mà không thuận lòng thì biết phải làm sao?”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án đường Lê Thánh Tông được phê duyệt thiết kế vào năm 1996, chia thành nhiều phân đoạn. Trong đó, phân đoạn từ đường Lê Lợi đến đường Hàm Nghi được UBND tỉnh kí quyết định phê duyệt thiết kế kĩ thuật, thi công và dự toán vào ngày 21/11/2002, giao Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau khi dự án cơ bản hoàn thành đoạn nối từ Hùng Vương đến Hàm Nghi, đoạn còn lại tính từ điểm giao đường Lê Lợi đến Hùng Vương bị ngưng thi công. Đến năm 2013, Dự án Phát triển các đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê Kông triển khai gói thầu về đường đô thị Đông Hà, tháng 6/2015, UBND tỉnh quyết định “tái khởi động” việc xây dựng đoạn đường Lê Thánh Tông, có điểm đầu tại Km 0+300 giao với đường Lê Lợi và điểm cuối tại Km 0+959,69 giao với đường Hùng Vương với tổng chiều dài gần 660 m, chủ dự án là Sở Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên đến nay, sau gần 4 năm, công trình đường Lê Thánh Tông vẫn chưa hoàn thành do thiếu kinh phí để giải phóng mặt bằng và một số vấn đề liên quan.

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Trị, lãnh đạo UBND phường Đông Lễ cho biết, dự án xây dựng tuyến đường Lê Thánh Tông, đoạn có điểm đầu tại Km 0+300 giao với đường Lê Lợi và điểm cuối tại Km 0+959,69 giao với đường Hùng Vương không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân ở khu phố 4, phường Đông Lễ mà còn nhiều người dân ở phường 5, thành phố Đông Hà. Trên địa bàn phường, hiện có 11 hộ dân nằm trong diện giải phóng mặt bằng. Trước đây, sau khi có chủ trương về dự án, cán bộ UBND phường Đông Lễ đã phối hợp với chủ đầu tư, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh để xác định nguồn gốc đất, kiểm đếm vật kiến trúc bị ảnh hưởng. Về phần mình, người dân trên địa bàn phường cũng thống nhất cao với chủ trương làm đường. Cách đây chưa đầy 2 năm, UBND phường nhận được thông tin về việc thay đổi thiết kế dự án, rồi việc làm đường lại tạm dừng. Lãnh đạo UBND phường đã làm việc với cấp trên, các cơ quan, ban, ngành chức năng để trao đổi về tâm tư, nguyện vọng của người dân địa phương. Mong rằng tuyến đường Lê Thánh Tông, nối từ đường Lê Lợi đến Hùng Vương được đẩy nhanh tiến độ triển khai để giúp người dân giải quyết những khó khăn, vướng mắc, sớm an cư, lập nghiệp.

Tây Long