Lén lút bán thuốc bảo vệ thực vật
(QT) - Thuốc bảo vệ thực vật là loại hàng hóa kinh doanh có điều kiện và phải được cấp phép. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Trị, hiện nay, nhiều cửa hàng vẫn lén lút bán loại thuốc này. Thực trạng trên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Thuốc bảo vệ thực vật được bày bán trái phép tại nhiều chợ đầu mối, trong các gia đình, cửa hàng tạp hóa. Ở một số cửa hàng tạp hóa, loại thuốc này để lẫn lộn với những mặt hàng khác như bánh kẹo, nước giải khát, mì ăn liền… Có một số hộ nghe tin có đoàn kiểm tra liền lén lút cất giấu thuốc bảo vệ thực vật trong các vật dụng, ngóc ngách của gia đình. Cá biệt một số chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật vẫn được bày bán dẫu đã hết hạn sử dụng. Đó là thực trạng mà đoàn kiểm tra do cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh ghi nhận trong quá trình kiểm tra việc kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh vừa qua.
 |
Người dân cần mua thuốc bảo vệ thực vật ở các cửa hàng có giấy phép kinh doanh |
Tại cửa hàng tạp hóa của chị Nguyễn Thị H. (trú tại xã Trung Hải, huyện Gio Linh), lực lượng chức năng kiểm tra và phát hiện thuốc bảo vệ thực vật được bày bán cùng nhiều loại hàng hóa khác. Không những thế, một số thuốc được chủ nhà cất giấu ở thùng loa và các ngóc ngách trong nhà. Mặc dù không có giấy phép kinh doanh nhưng chị H. vẫn mặc nhiên buôn bán thuốc bảo vệ thực vật cho người dân địa phương trong thời gian dài. Trao đổi với lực lượng chức năng, chị H. thừa nhận bản thân biết buôn bán thuốc bảo vệ thực vật cần phải có giấy phép kinh doanh, đảm bảo các điều kiện cần thiết nhưng chủ tiệm tạp hóa này vẫn… làm sai. Thời gian qua, nhiều người dân trên địa bàn huyện Hướng Hóa tin tưởng mua thuốc bảo vệ thực vật ở gia đình bà Lê Thị A. (đường Ngô Sỹ Liên, thị trấn Khe Sanh), bà L. (chợ Khe Sanh), Lê Thị T. (chợ Lao Bảo) và Nguyễn Thị M. (khu vực ngã ba xã Tân Long). Tuy nhiên, ít khách hàng biết những hộ này đều kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật mà không có giấy phép. Do thiếu trình độ, chuyên môn nên những người bán hàng nêu trên có nguy cơ “nghe báo bệnh ở thực vật một đàng, bán thuốc một nẻo”. Đáng ngại hơn, 3 trong số 4 điểm bán thuốc bảo vệ thực vật không có giấy phép lại là cửa hàng tạp hóa. Tại đây, thuốc bảo vệ thực vật được để lẫn lộn với các mặt hàng khác. Trong khi đó, bản thân một số người bán không hiểu hết tác hại của thuốc bảo vệ thực vật với sức khỏe của con người. Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, tính đến cuối tháng 7/2016, toàn tỉnh có 174 điểm buôn bán thuốc bảo vệ thực vật. Điều đáng nói là chỉ có 64 điểm bán được cấp giấy phép đủ điều kiện buôn bán. Trong khi đó, tuy không được cấp giấy phép nhưng tại 110 điểm bán thuốc bảo vệ thực vật, chủ cửa hàng vẫn lén lút buôn bán. Hầu hết các cửa hàng này buôn bán ngay tại nhà hoặc quầy bán phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, hàng tạp hóa, lương thực, thực phẩm… Các điểm buôn bán thuốc bảo vệ thực vật hầu hết không có kho chứa thuốc, không đáp ứng theo các yêu cầu về kinh doanh loại hàng hóa có điều kiện này. Do không có trình độ chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật nên người bán hàng dễ hướng dẫn sai cách sử dụng, làm ảnh hưởng xấu đến việc sản xuất, cây trồng, vật nuôi, gây ô nhiễm môi trường và trực tiếp tác động tới sức khỏe người thân trong gia đình, hàng xóm… Ngoài ra, tình trạng bán thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng vẫn còn diễn ra. Theo các nhà chuyên môn, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, hết hạn sử dụng có thể gây ra biến chất, ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi và sức khỏe cộng đồng. Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ: Cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải có địa chỉ giao dịch cố định, được cơ quan chức năng cấp phép. Thuốc phải có tủ kính bảo quản hoặc trưng bày, khu vực bán hàng không nằm trong khu vực có cửa hàng kinh doanh ăn uống, vui chơi giải trí, trường học, bệnh viện. Người bán thuốc phải đeo găng tay bảo hộ, có sổ ghi chép việc mua bán hàng ngày… Tuy nhiên, thực tế, nhiều điểm bán thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh hiện vẫn nằm xen kẽ trong khu dân cư, chợ dân sinh và chưa đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định. Đặc biệt, tình trạng bán thuốc bảo vệ thực vật không có giấy phép kinh doanh trở nên rất phổ biến. Trao đổi về vấn đề trên, ông Trần Văn Tân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh vừa có Công văn số 269/CV-TTBVTV về việc tăng cường quản lý việc quảng cáo, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại địa bàn các xã, phường, thị trấn. Theo đó, nhằm thực hiện đồng bộ, nhịp nhàng và hiệu quả công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật giữa các cấp, các ban, ngành có liên quan theo quy định của pháp luật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đề nghị UBND các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện một số nội dung sau: Tuyên truyền, phổ biến giáo dục nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật cho những người kinh doanh trái phép, khuyến cáo nông dân không mua thuốc ở những điểm bán chui, hướng dẫn thực hiện thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng để tiêu hủy theo Thông tư liên tịch số 48/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên -- Môi trường nhằm xây dựng ý thức cộng đồng, hạn chế những tác hại cho sức khỏe cộng đồng và môi trường do thuốc bảo vệ thực vật và bao bì sau sử dụng gây ra; kiểm tra và xử lý các điểm bán thuốc bảo vệ thực vật cố tình vi phạm về buôn bán thuốc, các hình thức hội thảo, quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật không có giấy phép của cơ quan chuyên ngành, không thông qua chính quyền địa phương theo thẩm quyền; phối hợp với Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố để tiếp tục hướng dẫn người buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, hạn chế các tác hại nguy hiểm do thuốc bảo vệ thực vật gây ra… Đề cập đến việc giải quyết tình trạng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật “bát nháo” như hiện nay, ông Lê Công Thuyết, Trưởng Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh khẳng định: “Nếu chỉ kiểm tra, thanh tra liên ngành thì việc giải quyết, xử lý đối với vấn đề mua bán, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trái quy định sẽ không hiệu quả. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác nghiệp vụ để kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật”. Cùng với sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, đề nghị các cơ sở bán thuốc bảo vệ thực vật nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước. Về phía người dân, cần mua thuốc bảo vệ thực vật ở các cơ sở uy tín, có giấy phép kinh doanh. Khi phát hiện điểm bán thuốc bảo vệ thực vật không phép, chưa đảm bảo các điều kiện theo quy định, cần báo ngay cho chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng. Bài, ảnh: TÂY LONG