Mạng lưới giao thông ở xã Vĩnh Chấp cần được nâng cấp
(QT) - Chúng tôi về xã Vĩnh Chấp (Vĩnh Linh, Quảng Trị) vào lúc thời tiết nắng ráo, tuy nhiên phải khó khăn lắm mới tìm được trụ sở UBND xã. Trên suốt đoạn đường đất đỏ cấp phối kéo dài khoảng 6 km từ nơi tiếp giáp với Quốc lộ 1A vào trụ sở xã lổn nhổn ổ gà và bụi bặm mù mịt. Tiếp chúng tôi tại trụ sở uỷ ban, đồng chí Hoàng Văn Xuân, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Vĩnh Chấp cho biết: “Các anh đi lúc trời nắng còn đỡ chứ gặp mùa mưa gió thì lầy lội lắm. Đường giao thông nông thôn của xã không tốt đã ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân, kìm hãm sự phát triển của địa phương. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên sớm quan tâm đầu tư xây dựng đường giao thông kiên cố hơn nhưng đến nay do chưa có kinh phí nên vẫn phải chờ. Về phía địa phương do kinh phí hạn hẹp nên cũng không thể huy động được nhiều, chủ yếu vẫn dùng đường đất đỏ cấp phối thôi. Mà đường cấp phối năm nào cũng tốn trên 100 triệu đồng để sửa chữa, gia cố nên địa phương cũng khó lo nổi”.
 |
Các tuyến đường huyết mạch ở xã Vĩnh Chấp chủ yếu là đường đất cấp phối |
Hiện tại, toàn xã Vĩnh Chấp có 65,5 km đường giao thông nông thôn, trong đó có 6 tuyến đường chính và hàng trăm tuyến đường dẫn vào các thôn xóm, các khu trang trại chăn nuôi, trồng trọt của người dân. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có một tuyến đường chính nào được đổ nhựa hoặc bê tông. Để tìm hiểu thực tế, một cán bộ văn phòng UBND xã Vĩnh Chấp dẫn chúng tôi đến một số tuyến đường chính, đường liên thôn, xóm tại thôn Bình An, Lai Bình. Hầu hết các tuyến đường chúng tôi đi qua đều là đường đất đỏ cấp phối hoặc đường đất. Toàn xã Vĩnh Chấp hiện chỉ mới bê tông hoá được hơn 1.000 m/65,5 km tổng chiều dài các tuyến đường thì quả thật rất khó khăn cho địa phương. Vĩnh Chấp là xã nằm ở vùng bán sơn địa nên hướng phát triển chủ lực của địa phương được xác định là xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại chăn nuôi kết hợp với việc canh tác lúa, hoa màu, nuôi trồng thuỷ sản... Tuy nhiên, phần lớn các mô hình này tập trung ở vùng đồi, xa khu dân cư và đường giao thông đi lại khó khăn. Hiện toàn xã có 230 ha ruộng lúa, gần 200 ha đất dùng để trồng cây lâm nghiệp và hàng trăm héc ta đất trồng hoa màu các loại nên có thể nói hàng hoá nông sản của xã rất phong phú. Tuy nhiên do mạng lưới giao thông ở đây chưa được nâng cấp nên đã hạn chế rất nhiều trong việc phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và người dân. “Trang trại của tôi được đầu tư phát triển cũng khá lâu rồi, chủ yếu là chăn nuôi lợn, gà, vịt và trồng sắn, cây lâm nghiệp… Trong những năm qua trang trại của tôi và nhiều gia đình khác phát triển khá tốt nhưng do các tuyến đường quá xấu nên mỗi khi vào vụ thu hoạch chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong khâu vận chuyển. Những nông sản, hàng hoá làm ra mặc dù có chất lượng tốt nhưng cũng phải bán với giá rẻ hơn bên ngoài do tư thương ép giá với lý do phải chi trả thêm... tiền vận chuyển!”, ông Phạm Đăng Tư, chủ trang trại nuôi trồng tổng hợp tại thôn Lai Bình cho biết. Ở các thôn khác như Chấp Đông, Tây Sơn, Tân Bình… tình trạng đường cấp phối cũng đã xuống cấp trầm trọng do xây dựng cách đây đã hơn 10 năm. Nhiều đoạn đường bị hư hỏng nặng do ảnh hưởng đợt mưa lũ đầu tháng 10 vừa qua, thậm chí không thể đi xe máy được mà phải đi bộ. Trong khi không đủ kinh phí để bê tông hay nhựa hoá các tuyến đường thì hàng năm xã còn phải bỏ ra số kinh phí bình quân khoảng trên 100 triệu đồng để tu bổ, dặm vá các tuyến đường trên toàn xã. Tuy nhiên việc tu bổ cũng chỉ là biện pháp tạm thời theo kiểu “hư đâu vá đó” nên càng làm cho các tuyến đường xuống cấp nhanh hơn. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Văn Xuân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Vĩnh Chấp cho biết thêm: “Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì hiện tại, tiêu chí về giao thông nông thôn là khó thực hiện nhất đối với xã Vĩnh Chấp. Hiện nay, xã có 6 tuyến đường chính, hàng trăm tuyến đường nhánh thì mới chỉ bê tông khoảng được 1.000 m (Nhà nước hỗ trợ 60%, người dân đóng góp 40%), số còn lại là đường đất đỏ cấp phối đã xuống cấp. Trong số này, kể cả trục đường chính của xã dài gần 10 km đi ngang qua trụ sở UBND xã vẫn chưa được xây dựng. Còn việc xây dựng các tuyến đường giao thông liên thôn, xóm, chúng tôi mới chỉ đề ra kế hoạch đầu tư, nâng cấp, mở rộng nhưng vẫn chỉ trên... quy hoạch thôi do chưa có kinh phí thực hiện. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn cấp trên quan tâm đẩy mạnh đầu tư, hỗ trợ địa phương trong việc xây dựng kiên cố hoá một số tuyến đường giao thông huyết mạch trên địa bàn để phục vụ dân sinh cũng như giúp địa phương sớm hoàn thành các mục tiêu, tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã đề ra”. Bài, ảnh: ĐỨC VIỆT