(QT) - Hiện nay nông nghiệp là ngành chủ lực của huyện Gio Linh bên cạnh thế mạnh về khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản. Bình quân hằng năm, tỷ trọng nông nghiệp chiếm từ 45-50% tổng giá trị sản xuất của địa phương, giá trị sản phẩm trên 1 ha trồng trọt đạt hơn 52 triệu đồng. Đặc biệt, huyện đã xây dựng được một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm gắn với thương hiệu và thị trường tiêu thụ…
![]() |
Trồng dưa lưới trong nhà kính theo công nghệ Nhật Bản |
Tuy nhiên, trên thực tế nền nông nghiệp ở Gio Linh vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Sản lượng lúa, mủ cao su, hồ tiêu... tăng nhưng chưa ổn định về chất lượng, hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp chưa cao. Bên cạnh đó, phần lớn người sản xuất còn bị động trong tiêu thụ sản phẩm; các cơ sở chế biến nông sản gặp khó khăn do không cân đối được nguồn nguyên liệu sản xuất, chưa tìm được nguồn cung ứng ổn định...Việc tăng nhanh sản lượng nông sản nhưng không cải tiến chất lượng, không gắn kết với thị trường tiêu thụ nên hiệu quả kinh tế thấp. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp còn dựa trên kinh tế hộ manh mún, nhỏ lẻ, năng suất, chất lượng chưa cao và thiếu sự liên kết “4 nhà” trong sản xuất nên sức cạnh tranh còn thấp.
Xuất phát từ tình hình thực tế đó, việc cơ cấu lại trên các lĩnh vực chủ yếu như nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ là nhu cầu bức thiết mà huyện Gio Linh đang chú trọng phát triển. Đáng chú ý là trong những năm trở lại đây, huyện đã xây dựng được một số mô hình trồng trọt áp dụng công nghệ hiện đại như mô hình trồng mướp đắng trong nhà lưới triển khai tại thôn Lại An, xã Gio Mỹ từ năm 2017 với diện tích 20 ha, có 50 hộ tham gia với tổng vốn đầu tư gần 900 triệu đồng, trong đó huyện hỗ trợ 250 triệu đồng, còn lại do hộ dân tự đầu tư vốn. Ưu điểm của hệ thống nhà lưới là giữ ấm mùa đông, làm mát mùa hè, che chắn sương muối, mưa đá có hại cho cây trồng, ngăn cản các loại côn trùng không vào nhà lưới đục quả, đục thân, phủ bạt nilon chống xói mòn đất và hạn chế sự xâm lấn của cỏ dại. Hay gần đây nhất là mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính tại thôn Cang Gián, xã Trung Giang đã cho thu hoạch vụ đầu tiên. Mô hình có diện tích 500 m2 , 800 gốc dưa lưới được trồng theo công nghệ Nhật Bản theo chương trình hợp tác giữa UBND tỉnh Quảng Trị và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) có tổng kinh phí đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Dưa lưới được trồng từ tháng 3/2018 đến cuối tháng 7/2018 đã cho thu hoạch vụ đầu tiên và có năng suất cao, trọng lượng trung bình mỗi quả từ 1,5-2 kg. Mặc dù mới được đưa vào trồng thử nghiệm trên vùng cát nhưng mô hình dưa lưới đã đem lại năng suất và chất lượng cao, được nhập vào các siêu thị trong và ngoài tỉnh. Trong thời gian thực hiện mô hình, các hộ dân ở địa phương đã được các chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc theo công nghệ cao, hạn chế tối đa sâu bệnh và không sử dụng thuốc trừ sâu nhằm đảm bảo an toàn. Với những kết quả bước đầu mô hình dưa lưới hay mướp đắng trong nhà kính đã giúp nông dân chuyển đổi sinh kế bền vững trên vùng đất cát.
Tuy nhiên qua tiếp xúc với nhiều hộ dân, chúng tôi được biết nông dân đang lo lắng đến việc nhân rộng các mô hình. Rõ ràng hiệu quả đầu tư của các mô hình điểm là không thể phủ nhận nhưng giá thành suất đầu tư là khá cao. Sản xuất công nghệ cao đòi hỏi những nghiêm ngặt về quy trình kỹ thuật từ giống, phân bón, nguồn nước, điều kiện ánh sáng cho đến quá trình chăm sóc phải được tập huấn đầy đủ nên chi phí rất cao. Đối với các mô hình điểm đã được hỗ trợ về kinh phí nên nông dân đang có lợi nhuận. Hiện nay bình quân 1 ha có suất đầu tư trên 50 triệu đồng nhưng khoản tiền này đã được nhà nước hay các tổ chức nước ngoài hỗ trợ. Vậy nhưng sau khi mô hình điểm thành công và triển khai nhân rộng đồng nghĩa với khoản hỗ trợ này không còn thì việc hạch toán lời lỗ trong sản xuất là vấn đề hết sức nan giải. Điều mà người dân mong muốn là sự phát triển liên tục và bền vững của các mô hình trồng trọt áp dụng công nghệ cao chứ không phải dừng lại ở quy mô trình diễn. Có đủ tiền hỗ trợ thì sản xuất, hết tiền hỗ trợ thì dừng sản xuất chính là những tiên lượng và mối quan tâm bậc nhất của không ít người dân khi tham gia mô hình.
Có một thực tế khi tham gia dự án này người dân đã được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng và cách làm nhà lưới mà chưa được tập huấn các biện pháp kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản xuất trong nhà lưới đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tạo điều kiện sản xuất an toàn, song vẫn chưa tạo sự đồng bộ trong quy trình sản xuất sản phẩm sạch theo chuẩn sạch của VietGAP. Nông dân vẫn chưa được tập huấn về quy trình sản xuất sạch trong khi đã có điều kiện để sản xuất sạch. Với mô hình nhà lưới này nông dân tiến hành sản xuất an toàn hơn trước sự tác động của côn trùng và những yếu tố bất lợi của thời tiết chứ chưa phải là sản xuất sạch và điều quan trọng là sản phẩm làm ra phải được chứng nhận đạt chuẩn; phải được xây dựng thương hiệu để quảng bá rộng rãi.
Vì thế huyện Gio Linh cần phối hợp với ngành chức năng tổ chức tập huấn cho nông dân quy trình sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, không chỉ ứng dụng đối với mướp đắng, dưa lưới, dứa mà cho tất cả các loại cây trồng khác được xem là thế mạnh của huyện như xà lách xoong, bơ... Làm được như vậy, sản phẩm của nông dân không chỉ nâng cao giá trị mà còn mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo “điều kiện đủ” để nhân rộng các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Trần Văn Quảng khẳng định: “Huyện chú trọng đến giải pháp kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Có chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện trong giải phóng mặt bằng, cho doanh nghiệp thuê lại đất của nông dân để thực hiện đầu tư sản xuất và tiêu thụ nông sản theo mô hình cánh đồng lớn để tạo ra các sản phẩm có chất lượng; tăng quy mô và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững”.
Hồ Nguyên Kha