Dùng hàng Việt Nam để hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
*Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Quảng Trị trả lời phỏng vấn Phóng viên (PV):Thưa ông, ông có nhận xét gì về sự thay đổi trong thói quen của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, nhất là trong thời điểm hiện nay, khi Bộ Chính trị đang phát động cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"?   Ông Nguyễn Văn Hùng (Ô N.V.H): Theo số liệu điều tra của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam với tiêu dùng hàng Việt cho ...

Dùng hàng Việt Nam để hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

*Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Quảng Trị trả lời phỏng vấn Phóng viên (PV): Thưa ông, ông có nhận xét gì về sự thay đổi trong thói quen của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, nhất là trong thời điểm hiện nay, khi Bộ Chính trị đang phát động cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"?

Ông Nguyễn Văn Hùng (Ô N.V.H): Theo số liệu điều tra của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam với tiêu dùng hàng Việt cho thấy có đến 77% người tiêu dùng Việt Nam chuộng hàng ngoại, trong khi con số trung bình này trên toàn châu Á chỉ là 40%. Với số liệu điều tra trên cho thấy việc mua sắm hàng ngoại đã trở thành một thói quen của người tiêu dùng Việt Nam (trong đó có người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị). Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam chuyển đổi thành nền kinh tế mở, hàng hóa từ nước ngoài ồ ạt đổ vào Việt Nam đã tạo điều kiện cho người tiêu dùng trong nước lựa chọn cho mình các mặt hàng phù hợp. Hàng ngoại trên địa bàn tỉnh chủ yếu là hàng hóa Trung Quốc và Thái Lan, phổ biến là đồ điện tử, xe máy, xe đạp, điện thoại di động và các sản phẩm gia dụng, quần áo, thực phẩm, trái cây... Với mẫu mã phong phú, giá rẻ, các loại hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài đã được số đông người tiêu dùng chọn lựa, từ đó hình thành thói quen dùng hàng ngoại và tâm lý sính hàng ngoại đối với người tiêu dùng, nhất là đối với lớp trẻ. Thực tế cho thấy, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" cũng đã thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng. Tuy nhiên, để bỏ thói quen sính hàng ngoại của người tiêu dùng là một quá trình lâu dài, đòi hỏi phải có các biện pháp hỗ trợ đi kèm. Theo đó, các cơ quan quản lý phải là những đơn vị tiên phong, nêu gương trong việc sử dụng hàng nội và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa. Các doanh nghiệp trong nước phải không ngừng nỗ lực cải tiến chất lượng, mẫu mã, đa dạng hóa mặt hàng, hạ giá thành sản phẩm, mở rộng mạng lưới bán hàng, gia tăng các công tác khuyến mại nhằm đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm hàng hóa ngày càng có chất lượng cao, mẫu mã phong phú và giá thành hợp lý hơn. Doanh nghiệp phải tạo dựng cho mình phương châm kinh doanh đúng đắn và chân chính, xây dựng thương hiệu phải dựa trên nền tảng chất lượng để người tiêu dùng đặt niềm tin vào hàng Việt Nam.

Sữa ngoại thường được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: H.H

Hơn lúc nào hết, chúng ta hãy kêu gọi người tiêu dùng trong tỉnh cùng chia sẻ những khó khăn của kinh tế đất nước, cảm thông những khó khăn của doanh nghiệp, ủng hộ doanh nghiệp làm ăn chân chính, ủng hộ mua và sử dụng hàng Việt Nam nhằm hưởng ứng tốt cuộc vận động của Bộ Chính trị: “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. PV: Vậy, tham gia cuộc vận động này người tiêu dùng sẽ được đảm bảo những quyền lợi gì, thưa ông? Ô N.V.H: Người tiêu dùng tham gia cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trước hết là vì lợi ích quốc gia, thể hiện lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc và xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam. Đồng thời góp phần vào quá trình phát triển sản xuất, giúp nền kinh tế nước nhà ngày càng phát triển. Thời gian qua người tiêu dùng đã quá dễ dãi trong vấn đề lựa chọn hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ nước ngoài. Việc xử lý thông tin về chất lượng hàng hóa đối với nhiều mặt hàng nhập vào Việt Nam còn chậm, dẫn đến người tiêu dùng phải gánh chịu hậu quả do mua hàng kém chất lượng, không an toàn. Điển hình là xe máy Trung Quốc chất lượng kém từng làm cho người Việt Nam “tiền mất tật mang”, vụ sữa nhiễm Melamin, hàng dệt may và đồ chơi trẻ em chứa Formamdehit, trái cây bảo quản bằng hóa chất... đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Ngoài ra, mua hàng ngoại người tiêu dùng phải chịu thêm rất nhiều chi phí phát sinh như phí vận chuyển, phí lưu kho, thuế nhập khẩu thành phẩm, chi phí nhân công lao động tại nước ngoài, sự trượt giá giữa đồng tiền Việt Nam và đồng ngoại tệ, chi phí quảng cáo... Khi bán sản phẩm hàng hóa của mình, các công ty nước ngoài đều đưa các chi phí này vào giá bán, dẫn đến giá bán tới tay người tiêu dùng khá cao. Ví dụ cụ thể nhất là giá sữa ngoại so với sữa nội có khoảng cách khá xa. Qua điều tra về giá sữa của Cục quản lý cạnh tranh Bộ Công thương cho thấy, giá sữa Dumex cao hơn giá ở các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia khoảng hơn 100%, sữa Enfagrow cao hơn giá ở Thái Lan 60%, sữa Friso cao hơn khoảng 50 - 60% so với Malaysia... Bên cạnh đó, một số hàng hóa của Việt Nam chất lượng cao đã bị tư thương lợi dụng dán các nhãn mác hàng hiệu nước ngoài có uy tín trên thị trường, trong khi đó, nhiều hàng Trung Quốc không rõ nguồn gốc xuất xứ lại được gắn nhãn mác của Việt Nam nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Do đó, hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", quyền lợi của người tiêu dùng sẽ được đảm bảo. PV: Đề nghị ông cho biết, khi phát hiện hàng hóa không đảm bảo chất lượng, người tiêu dùng phải tìm đến cơ quan chức năng nào trên địa bàn để giải quyết? Ô.N.V.H: Theo Nghị định số 55/2008/NĐ-CP ngày 24/4/2008 quy định chi tiết việc thi hành Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm giải quyết nhanh chóng, kịp thời mọi khiếu nại của người tiêu dùng đối với hàng hóa, dịch vụ do mình cung cấp; xây dựng và niêm yết công khai quy trình giải quyết khiếu nại của khách hàng tại các địa điểm kinh doanh (Điều 10, Nghị định 55). Khi mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa không đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng theo Điều 10, Nghị định 55 thì người tiêu dùng có quyền khiếu nại, tố cáo hành vi gian lận thương mại của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa với Sở Công thương, cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm tham mưu giúp Chủ tịch UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn do mình quản lý theo thẩm quyền. Sở Công thương có trách nhiệm tiếp nhận khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng, giải quyết theo thẩm quyền và đề nghị của người tiêu dùng đúng quy định của pháp luật. Người tiêu dùng cũng có thể thông qua Văn phòng khiếu nại của người tiêu dùng thuộc Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng của tỉnh, trụ sở văn phòng đóng tại số 43 Lê Lợi, thành phố Đông Hà. Qua đó, người tiêu dùng có thể nhờ Văn phòng khiếu nại can thiệp hoặc đại diện cho người tiêu dùng tiến hành khiếu nại tới tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; tố cáo tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền; khởi kiện ra tòa án khi được người tiêu dùng ủy quyền (Điều 13 Nghị định 55) để giải quyết khiếu nại nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng theo quy định của pháp luật. Theo tôi, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong việc giải quyết các khiếu nại thì trước hết, người tiêu dùng hãy lựa chọn các mặt hàng có xuất xứ từ Việt Nam... PV: Xin cảm ơn ông! Phan Hoài Hương (Thực hiện)