Nơi ngọn nguồn Bến Hải
Vĩnh Ô là xã miền núi đặc biệt khó khăn của Vĩnh Linh, của Quảng Trị. Ở thời điểm này, người ta có thể dễ dàng đến bất cứ nơi nào, nhưng đi lên đến Vĩnh Ô lại là một câu chuyện khác. Một hành trình nhọc nhằn, một miền núi rừng hoang sơ; những con người, mảnh đời, số phận gợi lên lòng trắc ẩn và cả những ám ảnh. Tôi đã có gần một tuần lăn lóc giữa những bản làng nơi đầu nguồn dòng Bến Hải. Từng ấy thời gian cũng không đủ để đi hết dù chỉ là 1/10 cái xã rộng hơn 9000 ha. Nhưng với bấy nhiêu vui ...

Nơi ngọn nguồn Bến Hải

Vĩnh Ô là xã miền núi đặc biệt khó khăn của Vĩnh Linh, của Quảng Trị. Ở thời điểm này, người ta có thể dễ dàng đến bất cứ nơi nào, nhưng đi lên đến Vĩnh Ô lại là một câu chuyện khác. Một hành trình nhọc nhằn, một miền núi rừng hoang sơ; những con người, mảnh đời, số phận gợi lên lòng trắc ẩn và cả những ám ảnh. Tôi đã có gần một tuần lăn lóc giữa những bản làng nơi đầu nguồn dòng Bến Hải. Từng ấy thời gian cũng không đủ để đi hết dù chỉ là 1/10 cái xã rộng hơn 9000 ha. Nhưng với bấy nhiêu vui buồn, trăn trở và cả những dự cảm cho tương lai cũng có thể vẽ nên một bức tranh khá đủ màu sắc về miền núi rừng này. * Cuộc sống những bản làng nơi đầu nguồn Bến Hải Nhìn trên bản đồ, dõi theo dòng Bến Hải lên phía thượng nguồn, chỗ tiếp giáp Hướng Lập-Hướng Hoá, sát đất Lào, chúng ta sẽ gặp những cái tên rất lạ lùng: Xà Lời, Xà Tèn, Xà Nin, Cây Tăm, Bản Thúc, bản Mít...đó chính là những bản làng thuộc xã Vĩnh Ô. Tuy nhiên đến đây, chỉ nghe người ta gọi bản 1, bản 2, bản 3,...bản 8. Mỗi bản là một "vương quốc" thu nhỏ giữa núi rừng kỳ bí. Tháng năm được tính bằng những mùa rẫy, mùa lúa, mùa ngô, mùa nghe con mang tác, con chim khảm kêu, mùa bắt con cá mát dưới khe, mùa con suối cạn rồi đầy.

Đầu tư cơ sở hạ tầng ở xã Vĩnh Ô - Ảnh: Lê Minh

Vĩnh Ô hiện có 216 hộ với hơn 1.100 nhân khẩu, ở 8 bản, tỷ lệ hộ nghèo đang ở mức khủng khiếp: 84% (182/216 hộ). Có đến 9.000 ha, nhưng Vĩnh Ô chỉ có hơn 80 ha ruộng lúa và nương rẫy, rải rác dọc theo các con suối hay triền đồi thấp. Ngoài một vài đám ruộng lúa đang vào vụ ửng vàng, những nương ngô chín rục lộ bắp tròn lúc lỉu, còn lại là hình ảnh những quả đồi cháy sém từng vạt nham nhở nối tiếp nhau. Phương thức canh tác “phát, đốt, cốt, trỉa”, di canh di cư vẫn cứ hiện hữu nơi này. Ở một số bản có điều kiện thuận lợi về đất đai, chủ động được nguồn nước do phát huy hiệu quả các công trình thuỷ lợi nhỏ, điển hình như đập thuỷ lợi ở bản 1, bản 4, đập khe Blu, cầu - đập Bản Thúc...thì phát triển được một diện tích lúa nước tương đối, bên cạnh là những nương ngô, lạc xanh tốt. Đặc biệt những năm gần đây, nhiều hộ dân Vĩnh Ô đã biết phát triển chăn nuôi, nhất là nuôi trâu, bò, dê nên đời sống bà con ở đây khá hơn hẳn, thậm chí là giàu. Hộ chị Hồ Thị Bông ở bản 1, hiện nuôi đến 35 con bò, làm được căn nhà sàn to nhất bản, mua sắm đủ phương tiện và dư sức nuôi 5 đứa trẻ ăn học. Hộ anh Hồ Văn Sáu ở bản Thúc nhờ biết cải tiến cách làm ăn nay gây dựng được một cơ ngơi sung túc, đời sống không thua gì gia đình khá giả ở miền xuôi. Nhưng giữa một Vĩnh Ô mênh mông, những nét chấm phá ấy ít ỏi quá. Nên đến hầu hết các bản làng đều thấy cái nghèo đói bám riết. Những căn nhà sàn lợp lá thấp bé, chật chội và bẩn thỉu, những người đàn ông chỉ biết ngồi uống rượu, những người đàn bà lầm lũi gùi những củi, sắn, măng nặng trĩu từ nương về và đám trẻ nheo nhóc lăn lê bên chân cầu thang. Chúng tôi đến thăm và chứng kiến nhiều cảnh đời, số phận, cuộc sống cám cảnh đến nao lòng. Như buổi chiều đến thăm mẹ Cà-Riêng người Vân Kiều được cho là cao tuổi nhất xã. Bà sống cô độc một mình trong căn nhà sàn tối om và xiêu vẹo. Bà không nghe gì, thấy gì, cảm nhận được gì nữa và không biết mình bao nhiêu tuổi. Hỏi xung quanh bản ai cũng chịu. Nghe bảo có 3 đứa con gái nhưng đi lấy chồng xa tít ở bản làng nào đó rồi. Sự sống bây giờ chỉ nhờ dân bản xung quanh, ai cho gì ăn nấy, chẳng biết bên ngoài đêm hay ngày... Những năm qua, tỉnh, huyện đã có nhiều chính sách, chủ trương cấp thiết đối với xã, các chương trình, dự án được đầu tư khá lớn ở đây như chương trình 134, 135, 661, dự án giảm nghèo Việt Nam-Thuỵ Điển (Chia sẻ); bản thân Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Ô đã có sự cố gắng vươn lên khá rõ...Song có lẽ ngày một ngày hai đưa miền núi rừng xa xôi hẻo lánh này theo kịp mặt bằng chung là chưa thể. Thành công nhất đối với Vĩnh Ô lúc này là đã có điện lưới, dù chưa hẳn 100% các bản đã có điện, và cũng chỉ mới dừng lại ở một cái bóng đèn thắp sáng thay ngọn đèn dầu hoả trước kia. Công trình lớn nhất ở Vĩnh Ô là ngôi trường tiểu học khá rộng rãi, thoáng đãng và cây cầu Bản Thúc bắc qua sông Bến Hải khá quy mô sắp hoàn thành. Ngoài ra, ở vùng trung tâm có thêm được một vài cái quán bách hoá của người Kinh, bán đủ thứ song chủ yếu phục vụ dân đi gỗ và giá cả đắt gấp 2-3 lần dưới xuôi. Tivi thì chỉ đếm trên đầu ngón tay và phải dùng chảo to như cái nong mới bắt được sóng, còn điện thoại, sách báo là thứ cực kỳ xa xỉ. Có lẽ thú tiêu khiển ưa thích nhất với trai tráng Vĩnh Ô là ngày ngày lên rẫy bẫy con thú rừng về uống rượu khề khà, còn với lũ trẻ con là ngụp lặn dưới suối hay rồng rắn chạy theo sau những chuyến xe cõng gỗ về xuôi. * Gian nan Cuộc chiến chống “lâm tặc”, “vàng tặc” Có hai mảng quan trọng cần tìm hiểu rõ trong chuyến công tác Vĩnh Ô lần này của chúng tôi là thực trạng khai thác, vận chuyển gỗ rừng đầu nguồn và việc đào đãi vàng trái phép. Theo lãnh đạo xã báo cáo tình hình thì đã từ vài năm nay, cơ bản rừng Vĩnh Ô không còn gỗ, hoạ chăng chỉ còn một vài cây non không mấy giá trị. Tuy nhiên vào mùa khô này, bình quân mỗi ngày vẫn có từ 3-5 xe reo chất đầy gỗ lắc lư về xuôi, tính ra cũng hàng trăm khối. Vậy chúng ở đâu ra? Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện tại lâm tặc đang tập trung khai thác gỗ ở rừng đầu nguồn Hướng Hoá và Quảng Bình, rồi mượn đường Vĩnh Ô về xuôi. Đây chính là tuyến đường độc đạo của cả miền rừng mênh mông này. Việc ngăn chặn của chính quyền và lực lượng công an xã gần như không có tác dụng khi mà chỉ 2-3 người với tay không đối mặt với hàng trăm lâm tặc liều mạng và một cái barie làm bằng cây gỗ nhỉnh hơn cổ tay để ngăn chặn những chiếc xe hàng chục tấn chạy bất kể giờ giấc. Tình trạng đào đãi vàng trái phép thì đã đỡ hơn nhiều phần. Giai đoạn vượng nhất của phong trào vàng Vĩnh Ô là đầu những năm 2000, với bãi vàng kéo từ Khe Dẽ lên đến bản 4 dài hàng chục km và hàng trăm người điên cuồng đào bới tung cả một mảng rừng. Những dòng suối trong veo trở thành những dòng chảy đậm đặc chất xianua, cá chết nổi lều phều, ảnh hưởng nghiêm trọng vùng hạ lưu sông Bến Hải. Đó là chưa kể đến vấn đề trật tự trị an, đâm chém, cướp bóc thanh toán lẫn nhau và ma tuý xâm nhập. Về sau, công an huyện mở nhiều đợt truy quét liên tục, quyết liệt và có lẽ cái mỏ vàng ở Vĩnh Ô chẳng còn là bao, nên giảm dần. Đến nay chỉ còn 4 giếng vàng nhỏ sâu tít giữa rừng xanh còn lỳ lợm bám trụ, đãi vàng cám đắp đổi qua ngày để mò mẫm tìm kiếm cái rốn vàng ở đâu đấy chưa chịu lộ diện. Và cũng như “lâm tặc”, hễ nghe động là “vàng tặc” trốn biệt vào rừng, có truy quét chỉ thu vài ba thứ máy móc, soong, chảo, khi lực lượng rút, chúng trở ra. Cứ vậy, trò chơi “cút bắt” đang lẩn quẩn diễn ra: khi ra quân truy quét thì chẳng thấy gì, khi lực lượng rút về thì mọi chuyện lại rộ lên. Với trò chơi này, hình như phần thắng đang nằm trong tay những kẻ dấu mặt trời ơi đất hỡi kia. * Giấc mơ về một rừng cao su tiểu điền và câu chuyện cái sổ đỏ
Thiếu nữ Vân Kiều giã gạo ban chiều - Ảnh: Lê Minh
Trong việc tìm một định hướng mang tính chiến lược nhằm đưa Vĩnh Ô đi lên, rõ ràng không thể trông cậy vào những rẫy lúa, nương ngô ít ỏi kia mà phải nhìn về phía những cánh rừng nghèo kiệt. Gỗ tự nhiên đã không còn nhưng trên đó 5-7 năm nữa phải là một rừng keo lai hoặc cao su xanh tốt. Theo anh Hà Sỹ Đồng - Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Bến Hải - người rất am tường về núi rừng, thổ nhưỡng đất đai ở Vĩnh Ô, thì trồng keo lai tuy ngắn thời gian, ít vốn hơn song sẽ không có giá trị kinh tế mấy. Chỉ có cây cao su là phù hợp nhất. Xã miền núi Vĩnh Hà cận kề Vĩnh Ô đã và đang làm rất tốt. Hàng trăm hộ dân tộc Vân Kiều ở đây qua mấy năm làm cao su tiểu điền giờ đã thoát nghèo và đổi đời đi lên khá ngoạn mục. Vĩnh Ô sẽ phải đi theo hướng đó. Chỉ cần 1/20, 1/30 của cái diện tích 9000 ha đồi núi nơi này biến thành rừng cao su là đã đủ cho một cuộc lột xác đi lên của Vĩnh Ô và xoá đi hình ảnh những đồi núi rừng cây nham nhở. Đến đây, tôi chợt nhớ câu chuyện “giấc mơ chợp chờn về 1000 ha đất” của anh Nguyễn Thế Hoài, Giám đốc Công ty TNHH cao su Trường Anh. Lo lắng cho nguồn đầu vào nguyên liệu chế biến, Hoài là người đầu tiên đề nghị cơ quan chức năng cho thuê 1000 ha rừng ở Vĩnh Ô, Vĩnh Hà để trồng cao su nhưng lại đang vướng những quy định của cái ranh giới về xác định loại rừng. Rừng ở Vĩnh Ô được xác định là rừng nghèo kiệt nhưng oái ăm thay lại chưa đến độ nghèo kiệt...phải phục hồi. Hơn nữa cây cao su chưa được công nhận là cây lâm nghiệp, muốn trồng trên đất rừng phải làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất khá nhiêu khê. Vì vậy mà giấc mơ ấy của Hoài giờ đang còn dang dở. Lần này lên Vĩnh Ô, câu chuyện cao su được lật lại nhưng ở một dạng khác: sẽ do chính người dân Vĩnh Ô trồng theo mô hình “cao su tiểu điền”. Cái khó đặt ra lúc này là liệu có bao nhiêu phần trăm hộ dân ở Vĩnh Ô đủ sức làm cao su tiểu điền? Kỹ thuật trồng, chăm bón, sự cần mẫn, siêng năng, kiên trì (phải 5-7 năm) và quan trọng nhất là vốn đầu tư ban đầu khá lớn. Chương trình trồng rừng 661 áp dụng ở Vĩnh Ô với mức khoán 5 triệu/ha nhưng ngay cả 1 đơn vị đầy tiềm lực như Công ty Lâm nghiệp Bến Hải cũng phải e ngại vì chi phí quá lớn từ khâu vận chuyển giống, phân bón, công cán. Với cao su còn lớn hơn nữa. Muốn làm được các hộ dân phải vay vốn. Và, câu chuyện vay vốn lại bắt đầu một sự thật vô cùng khó khăn khác: muốn vay vốn sản xuất phải có sổ đỏ thế chấp nhưng ở thời điểm này 216 hộ dân Vĩnh Ô chưa ai có trong tay thứ “bảo bối” này. Lý do thật là hy hữu. Vĩnh Ô có 8 bản trải dọc đầu nguồn hai bờ sông Bến Hải, trong đó 5 bản trung tâm nhất lại nằm phía bờ Nam sông, về lý đã thuộc đất của huyện Gio Linh. Vĩnh Linh không thể cấp sổ đỏ trên đất thuộc Gio Linh và ngược lại, Gio Linh không thể cấp sổ đỏ cho dân Vĩnh Linh. Trong khi chờ dự án đo đạc của tỉnh xác định lại tổng thể, giải pháp tốt nhất hiện tại là chính quyền hai huyện Gio Linh - Vĩnh Linh sẽ ngồi lại bàn bạc giải quyết. * Vĩnh Ô của ngày mai Ngày cuối cùng ở Vĩnh Ô, buổi chiều tôi theo một nhóm thanh niên tình nguyện quần cộc áo phông xuống suối câu cá mát. Đây là thứ đặc sản số 1 của chốn núi rừng này. Biết là biết vậy chứ thực sự tôi có biết con cá mát nó ra sao đâu. Dưới một con thác nhỏ là ngầm đá khá rộng, nước lặng và có vẻ khá sâu. Cả nhóm hí hoáy “dàn trận”, buông câu và thấp thỏm nhìn cái phao trắng vật vờ. Thế nhưng cả giờ đồng hồ trôi qua mà chẳng thấy động tĩnh gì. Một lũ chim rừng ở đâu ùa về, véo von hót vang cả một khoảng rừng, nước suối róc rách tuôn qua các phiến đá nhẵn thín, xổ bọt trắng xoá, thi thoảng còn mang theo một chiếc lá rừng vàng xuộm xoay xoay ngã ngớn. Ý kiến hay nhất lúc này là...tắm. Vứt cần câu, cả bọn ùa xuống suối, nghe nước mát thẩm thấu đến ruột gan, nghe mọi mệt nhọc ê ẩm trôi tuột theo dòng nước trong veo. Thật thú vị khi nằm dài trên phiến đá có dòng nước mơn man dưới lưng và ngước mắt nhìn trên cao. Vách đá nhô ra, trời chiều tím lại, lách chách tiếng chim mải miết dọc các lùm cây ven bờ suối. Tôi cười vì chợt nhớ đến câu thơ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ - người khôn người đến chốn lao xao”... ...Tạm biệt ché rượu cần thơm lừng, nồng say và ngọt ngon đáo để, "con U oát" lại lóc cóc cõng chúng tôi đổ dốc về xuôi. Vẫn lắc lư, xốc nảy triền miên, vẫn những cơn quăng quật ngả nghiêng trời đất. Bản làng, nương rẫy Vĩnh Ô trôi dần sau lưng. Chợt thấy lòng bùi ngùi và lưu luyến lạ kỳ. Hôm đi chẳng thấy gì, hôm nay về đã thấy những phương tiện máy móc san ủi của các đơn vị làm đường Vĩnh Ô tập kết ở đây từ khi nào. Một vài đèo dốc, đồi núi đã bị san phẳng, xe qua khỏi lo đến toát mồ hôi nữa. Chỉ nay mai thôi sẽ có một con đường rộng thênh từ Bến Quan, Vĩnh Hà nối lên Vĩnh Ô để xoá đi cái thế xa xôi biệt lập đến ái ngại của những bản làng nghèo nơi đầu nguồn dòng Bến Hải này. Bạt ngàn rừng cây và núi đồi bên đường sẽ là một xứ sở của cao su, keo lai, tràm xanh tốt mang no ấm đến cho đồng bào Vân Kiều. Sẽ là một Vĩnh Ô gần gũi, thân quen, hết đói nghèo và tưng bừng sức sống giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Tôi tin đó là giấc mơ có thật. Tháng 6/2008 TRẦN THANH HẢI